Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Tổ chức công ty chứng khoán tại Việt Nam
  • Thứ năm, 26/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1191 Lượt xem

Tổ chức công ty chứng khoán tại Việt Nam

Để giúp Quý vị hiểu hơn về Tổ chức công ty chứng khoán tại Việt Nam, chúng tôi thực hiện bài viết này với những chia sẻ:

Hệ thống tổ chức công ty chứng khoán

Hệ thống tổ chức công ty chứng khoán có thể bao gồm:

– Trụ sở chính;

– Các chi nhánh của công ti chứng khoán;

– Các phòng giao dịch trực thuộc trụ sở chính hoặc chi nhánh; 

Trụ sở chính của công ti là trung tâm lãnh đạo, điều hành và thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. 

Các chi nhánh của công ty chứng khoán là bộ phận trực thuộc công ty không có tư cách pháp nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán theo sự uỷ quyền của công ti. Pháp luật quy định: Công ti chứng khoán được lập và đóng các chi nhánh của mình theo quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan để thực hiện hoạt động kinh doanh nhưng phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của UBCKNN. 

Việc lập chi nhánh công ty chứng khoán phải đáp ứng các yêu cầu: Có trụ sở và trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh chứng khoán được uỷ quyền; giám đốc chi nhánh đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và có tối thiểu 02 người hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh được uỷ quyền. 

Các phòng giao dịch: Công ty chứng khoán được lập các phòng giao dịch chứng khoán tại tỉnh, thành phố có trụ sở chính hoặc chi nhánh đã được chấp thuận theo quy định của pháp luật. Công ti chứng khoán muốn lập, đóng cửa phòng giao dịch phải được UBCKNN chấp thuận.

Phạm vi hoạt động của phòng giao dịch bao gồm: Môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu kí chứng khoán, đại lý phân phối chứng khoán. Việc lập phòng giao dịch của công ti chứng khoán phải đáp ứng yêu cầu: Có trụ sở và trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh bao gồm trang bị, thiết bị phục vụ giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, có thiết bị lưu trữ chứng khoán; trưởng phòng giao dịch có chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho nghiệp vụ môi giới chứng khoán và tối thiểu một người hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. 

Bộ máy lãnh đạo, điều hành công ty chứng khoán 

Tuỳ vào loại hình công ti chứng khoán được thành lập mà bộ máy lãnh đạo, điều hành công ty chứng khoán được hình thành. Về cơ bản cách thức tổ chức cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy lãnh đạo, điều hành công ty chứng khoán được thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Pháp luật về tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán chỉ quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc chung mang tính định hướng nhằm bảo đảm yêu cầu quản lí đồng thời tôn trọng quyền tự do kinh doanh không can thiệp sâu vào những vấn đề thuộc tổ chức nội bộ của công ti chứng khoán.

Cụ thể pháp luật hiện hành có quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, công ti chứng khoán phải có cơ cấu phòng ban với đủ số nhân viên kinh doanh có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán đảm bảo thực hiện các hoạt động kinh doanh chứng khoán được cấp phép. Tuỳ vào các hoạt động kinh doanh mà công ty chứng khoán thực hiện để công ty thành lập ra các phòng bạn giúp việc cho thích hợp nhưng phải bảo đảm yêu cầu tách biệt về văn phòng làm việc, nhân sự, hệ thống dữ liệu, báo cáo giữa các bộ phận nghiệp vụ có xung đột giữa lợi ích của công ty chứng khoán và của khách hàng hoặc giữa lợi ích của các khách hàng với nhau.

Chẳng hạn như: Phải tách biệt giữa hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu công ty chứng khoán với hoạt động kinh doanh của công ti chứng khoán; tách biệt giữa hoạt động môi giới cho khách hàng và hoạt động tự doanh của chính công ti. 

Thứ hai, công ti chứng khoán phải tuân thủ các nguyên tắc về quản trị công ti được quy định trong điều lệ công ti phù hợp với điều lệ mẫu mà pháp luật quy định. Công ti chứng khoán là công ti đại chúng phải tuân thủ quy định pháp luật về quản trị công ti áp dụng đối với công ty đại chúng.

Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên của công ti chứng khoán không được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên của công ti chứng khoán khác; giám đốc (tổng giám đốc), phó giám đốc (phó tổng giám đốc), giám đốc chi nhánh không được đồng thời làm việc cho công ti chứng khoán, công ty quản lý quỹ hoặc doanh nghiệp khác; giám đốc (tổng giám đốc) công ty chứng khoán không được là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên của công ty chứng khoán khác. 

Thứ ba, công ty chứng khoán phải thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ độc lập và chuyên trách. Hệ thống kiểm soát nội | bộ phải được thiết lập tại trụ sở chính, chi nhánh của công ti chứng khoán. Hệ thống kiểm soát nội bộ phải chịu sự điều hành, quản lí của giám đốc (tổng giám đốc) công ti chứng khoán, có chức năng giám sát tuân thủ nhằm đảm bảo những mục tiêu: Hoạt động của công ti tuân thủ đúng pháp luật; an toàn, hiệu quả và trung thực trong việc lập báo cáo tài chính của công ty. 

– Hệ thống kiểm soát nội bộ có nhiệm vụ kiểm soát việc tuân thủ quy trình nghiệp vụ của các bộ phận kinh doanh và của người hành nghề chứng khoán, kiểm toán nội bộ báo cáo tài chính; giám sát tỉ lệ vốn khả dụng và các tỉ lệ an toàn tài chính; kiểm soát việc tách biệt tài sản của khách hàng, việc bảo quản, lưu giữ tài sản của khách hàng và những nhiệm vụ khác được giám đốc công ti giao. 

Người làm việc tại bộ phận kiểm soát nội bộ phải đáp ứng yêu cầu sau: Không phải là người có liên quan đến các trưởng bộ phận chuyên môn, không kiêm nhiệm các công việc khác trong công ty chứng khoán; có đủ các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán; có bằng đại học chuyên ngành kinh tế hoặc chuyên ngành luật trở lên, có kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ chuyên môn trong công ti chứng khoán hoặc trong tổ chức tài chính, ngân hàng tối thiểu là 03 năm; trưởng bộ phận kiểm soát nội bộ phải có trình độ chuyên môn về kế toán, kiểm toán.

Tối thiểu mỗi năm một lần, công ty chứng khoán phải đánh giá hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ. Báo cáo đánh giá hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ phải gửi UBCKNN cùng với báo cáo tài chính năm. 

Thứ tư, về nhân sự trong bộ máy điều hành của công ty chứng khoán, pháp luật quy định: Người được bổ nhiệm làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty chứng khoán phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: 

– Không phải là người đã từng hoặc đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù hoặc bị tòa án tước quyền hành nghề theo quy định của pháp luật; 

– Chưa từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị phá sản, trừ trường hợp phá sản vì lí do bất khả kháng

– Có bằng đại học hoặc trên đại học, có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán ít nhất ba năm và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu ba năm; 

– Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh chứng khoán; 

– Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; 

– Chưa từng bị UBCKNN xử phạt theo pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán trong vòng hai năm gần nhất. 

Đối với phó giám đốc (phó tổng giám đốc), giám đốc chi nhánh, phó giám đốc chi nhánh công ty chứng khoán phải đáp ứng các tiêu chuẩn trên, riêng tiêu chuẩn về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc thì chỉ cần có bằng đại học hoặc trên đại học, có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán ít nhất hai năm và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu hai năm.. 

Nhân viên của công ti chứng khoán 

Một trong những điều kiện để cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ti chứng khoán là: Các nhân viên kinh doanh của công ty chứng khoán phải có chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán. Nhân viên kinh doanh chứng khoán là những người làm việc tại các bộ phận phòng, ban) chuyên môn thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán. 

Trước đây, pháp luật quy định: Chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán được cấp cho các cá nhân theo đề nghị của công ty chứng khoán nơi cá nhân đó làm việc hoặc theo đề nghị của người đại diện thành viên sáng lập, người đại diện cổ đông sáng lập, chủ sở hữu tổ chức xin phép kinh doanh chứng khoán đối với trường hợp xin cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán cùng với việc xin cấp phép kinh doanh chứng khoán khi đáp ứng đủ các điều kiện.

Chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán có thời hạn là 03 năm kể từ ngày cấp. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh được gia hạn theo đề nghị của công ty chứng khoán nơi người hành nghề làm việc. Mỗi lần gia hạn tối đa không quá ba năm. Chứng chỉ hành nghề được gia hạn khi nhân viên hành nghề đạt yêu cầu trong kì thi sát hạch lại do UBCKNN tổ chức.

Trường hợp người hành nghề kinh doanh chứng khoán không đạt yêu cầu trong kì thi sát hạch để gia hạn chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, người hành nghề kinh doanh chứng khoán tạm thời không được làm việc tại các bộ phận kinh doanh cho tới khi được gia hạn chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán. Người hành nghề không còn làm việc cho công ti chứng khoán thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Nếu sau 01 năm kể từ ngày bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, người hành nghề tiếp tục làm việc cho công ti chứng khoán thì phải làm thủ tục thi sát hạch trước khi xin cấp chứng chỉ hành nghề. Trong trường hợp này, công ty chứng khoán nơi người hành nghề làm việc làm hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh theo quy định. Trường hợp người hành nghề chuyển sang làm việc cho công ty chứng khoán khác, công ty chứng khoán này phải làm thủ tục xin đổi lại chứng chỉ hành nghề kinh doanh cho cá nhân đó.

Nếu chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán còn thời hạn, cá nhân đó được UBCKNN xét đổi lại chứng chỉ hành nghề kinh doanh không phải tham gia kiểm tra sát hạch. Chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán được đổi lại chỉ có giá trị trong thời hạn còn lại của chứng chỉ cũ. 

Nhìn chung, việc quy định cấp, cấp lại, gia hạn chứng chỉ hành nghề theo quy định trước đây do UBCKNN thực hiện theo đề nghị của công ti chứng khoán nơi người hành nghề đó làm việc đã gây ra nhiều thủ tục phiền hà, phức tạp, tính hiệu quả không cao. Thời hạn cấp lại chứng chỉ hành nghề là 3 năm là không phù hợp với thực tế vì hai lí do: 

Thứ nhất, năng lực của những người hành nghề luôn được nâng cao qua sự trải nghiệm về thời gian. 

Thứ hai, các công ty chứng khoán đều hoạt động theo cơ chế thị trường, họ tự quyết định việc tuyển dụng nhân viên, nhân viên tại công ti chứng khoán mà không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ bị sa thải hoặc chậm thăng tiến. Việc sử dụng và đánh giá năng lực của từng người thuộc thẩm quyền lãnh đạo doanh nghiệp chứ không phải là của cơ quan quản lý nhà nước. 

Hiện nay, Luật chứng khoán có quy định mới phù hợp hơn, cụ thể: UBCKNN cấp chứng chỉ hành nghề cho từng cá nhân còn việc cá nhân có chứng chỉ hành nghề làm cho công ty chứng khoán, công ti quản lý quỹ nào do công ty đó tuyên dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo sự quản lí, phòng tránh trường hợp các cá nhân có chứng chỉ hành nghề lợi dụng để lừa đảo gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Luật quy định:

Chứng chỉ hành nghề chứng khoán chỉ có giá trị khi người được cấp chứng chỉ làm việc tại một công ti chứng khoán hoặc công ti quản lý quỹ và được công ti đó thông báo với UBCKNN. Công ti chứng khoán, công ti quản lý quỹ có trách nhiệm thông báo với UBCKNN trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán không còn làm việc cho công ti của mình”. 

Pháp luật có quy định về điều kiện để được cấp giấy phép hành nghề kinh doanh chứng khoán cho từng đối tượng trong đó rất chú trọng đến trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của người xin cấp giấy phép hành nghề cụ thể: Chứng chỉ hành nghề chứng khoán được cấp cho cá nhân đáp ứng các điều kiện sau đây: 

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị toà án cấm hành nghề kinh doanh; 

– Có trình độ đại học và trình độ chuyên môn về chứng khoán và thị trường chứng khoán (có đủ các chứng chỉ như: Chứng chỉ cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán; chứng chỉ phân tính và đầu tư chứng khoán; chứng chỉ luật áp dụng trong ngành chứng khoán); 

– Đạt yêu cầu trong kì thi sát hạch do UBCKNN tổ chức. Đối với người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về thị trường chứng khoán hoặc những người đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài thì chỉ cần thi sát hạch pháp luật về chứng khoán của Việt Nam. 

Hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán bao gồm:

– Giấy đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán; 

– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương nơi cá nhân đó cư trú. Đối với người nước ngoài sơ yếu lí lịch phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch kèm theo bản sao hộ chiếu; 

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc tài liệu chứng minh đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài. 

Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBCKNN cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Trường hợp từ chối, UBCKNN phải trả lời và nêu rõ lí do bằng văn bản. 

Luật chứng khoán có quy định: Người hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong các trường hợp sau đây: 

– Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị toà án cấm hành nghề kinh doanh. 

– Thực hiện các hành vi cấm như: Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hoặc có hành vi sử dụng tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khi không được khách hàng uỷ thác. 

Đối với người hành nghề chứng khoán bị thu hồi chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong các trường hợp này sẽ không được cấp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán. 

– Không hành nghề chứng khoán trong ba năm liên tục. Luật chứng khoán còn quy định rõ về trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán cụ thể: 

Thứ nhất, người hành nghề chứng khoán không được: 

– Đồng thời làm việc cho tổ chức khác có quan hệ sở hữu với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ nơi mình đang làm việc; 

– Đồng thời làm việc cho công ty chứng khoán, công ty quản lí quỹ khác; 

– Đồng thời làm giám đốc hoặc tổng giám đốc của một tổ chức chào bán chứng khoán ra công chúng hoặc tổ chức niêm yết. 

Thứ hai, người hành nghề chứng khoán khi làm việc cho công ti chứng khoán chỉ được mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho 

mình tại chính công ti chứng khoán đó. 

Thứ ba, người hành nghề chứng khoán không được sử dụng tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khi không được khách hàng uỷ thác. 

Thứ tư, người hành nghề chứng khoán phải tham gia các khoá | tập huấn về pháp luật, hệ thống giao dịch, loại chứng khoán mới do UBCKNN, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán tổ chức. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (4 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi