Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán
  • Thứ tư, 01/06/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1658 Lượt xem

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Các hành vi vi phạm pháp luật

+  Vi phạm trong lĩnh vực chào bán chứng khoán 

Các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chào bán chứng khoán được quy định tại Nghị định của Chính phủ số 85/2010/NĐ-CP, theo đó các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chào bán chứng khoán được chia thành hai nhóm: 

– Nhóm 1: Vi phạm quy định về hồ sơ đăng kí chào bán ra công chúng. Các hành vi vi phạm thuộc nhóm này bao gồm các nhận hồ sơ đăng kí chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin sai lệch hoặc không sửa đổi, bổ sung hồ sơ khi phát hiện thông tin không chính xác hoặc bỏ sót nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ; xác nhận hồ sơ đăng kí chào bán chứng khoán ra công chúng có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật; lập, xác nhận hồ sơ đăng kí chào bán chứng khoán ra công chúng có sự giả mạo”…

Những chủ thể thực hiện các hành vi vi phạm này là các tổ chức chào bán, tổ chức bảo lãnh chào bán, các tổ chức tư vấn chào bán, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm công bố thông tin của tổ chức chào bán và các tổ chức cá nhân có tránh nhiệm xác nhận các thông tin được công bố trong hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng. 

– Nhóm 2: các vi phạm trong quá trình thực hiện hoạt động chào bán chứng khoán. Các vi phạm trong nhóm này đa dạng, phức tạp. Do đó, việc nhận diện các hành vi này cũng rất khó khăn đối với các cơ quan chức năng. Cụ thể các hành vi vi phạm như sau: không thực hiện công bố bản thông báo phát hành theo quy định; thông báo phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng không đúng nội dung và thời gian theo quy định; sử dụng thông tin ngoài Bản cáo bạch để thăm dò thị trường trước khi được phép thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng; thực hiện thăm dò thị trường trên các phương tiện thông tin đại chúng, phân phối chứng khoán không đúng nội dung của đăng kí chào bán về loại chứng khoán, khối lượng, thời hạn đăng kí mua chứng khoán, thời hạn phân phối theo quy định…? Chủ thể thực hiện hành vi này là các tổ chức chào bán, tổ chức tư vấn chào bán, tổ chức bảo lãnh chào bán. 

+  Vi phạm trong lĩnh vực niêm yết chứng khoán 

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực niêm yết chứng khoán bao gồm: xác nhận những thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết chứng khoán, khi phát hiện ra những thông tin sai lệch cũng không sửa đổi hồ sơ, bỏ sót những nội dung quan trọng theo quy định phải có trong hồ sơ, xác nhận những hồ sơ giả mạo để niêm yết chứng khoán, xác nhận hồ sơ niêm yết có thông tin cố ý làm sai sự thật hoặc che giấu sự thật…Chủ thể thực hiện hành vi này là các tổ chức niêm yết, tổ chức tư vấn niêm yết, các tổ chức, cá nhân xác nhận hồ sơ đăng kí niêm yết. Các hành vi vi phạm về niêm yết chứng khoán sẽ bị xử lý theo các quy định tại Mục 3 chương II, Nghị định của Chính phủ số 85/2010/NĐ-CP ngày 02/8/2010. 

+  Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán 

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán bao gồm các nhóm hành vi như sau: 

– Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán 

– Vi phạm quy định về quản lý hồ sơ niêm yết chứng khoán. Cụ thể là, không phát hiện và xử lý kịp thời những tổ chức niêm yết không duy trì đầy đủ các điều kiện niêm yết theo quy định pháp luật, không cảnh báo những thông tin được công bố gây ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường, chấp thuận hoặc huỷ bỏ niêm yết không đúng quy định… 

– Vi phạm quy định về quản lí thành viên của sở giao dịch chứng khoán: không phát hiện những thành viên không thực hiện đầy đủ các điều kiện thành viên hoặc chấp thuận hay huỷ bỏ tư cách thành viên của công ti chứng khoán không đúng quy định. 

– Vi phạm quy định về giám sát và công bố thông tin của sở giao dịch chứng khoán 

– Vi phạm các quy định về đăng kí giao dịch chứng khoán.

+ Vi phạm quy định về kinh doanh chứng khoán 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm: hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép hoặc chưa được chấp thuận; cho mượn, cho thuê hoặc chuyển nhượng giấy phép; hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép; tẩy xoá, sửa chữa giấy phép; lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin sai lệch; không thực hiện đúng quy định về quản lý tài sản tiền, chứng khoán của khách hàng, không duy trì bảo đảm mức vốn khả dụng theo quy định; đầu tư hoặc tham gia góp vốn vượt quá mức quy định; làm trái lệnh người đầu tư; không thực hiện chế độ bảo mật thông tin của khách hàng; không thực hiện những quy định liên quan đến quản lý tài sản của chủ thể kinh doanh chứng khoán với tài sản của khách hàng, của những quỹ tiền tệ hoặc nguồn vốn mà chủ thể đó thay mặt khách hàng quản lý đầu tư…

Đối với người hành nghề chứng khoán, bị coi là vi phạm khi thực hiện các hành vi sau: làm việc tại nhiều chủ thể kinh doanh chứng khoán hoặc đồng thời làm việc cho một tổ chức đại chúng, tổ chức niêm yết, mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán khác, cho mượn hoặc cho thuê chứng chỉ hành nghề chứng khoán; tẩy xoá chứng chỉ hành nghề chứng khoán…” 

+  Vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán 

Các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong hoạt động này có thể là cá nhân, tổ chức mà pháp luật quy định cấm tham gia vào giao dịch cổ phiếu nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ hoặc mua bán cổ phiếu bằng cách đổi tên hoặc mượn danh nghĩa người khác để giao dịch chứng khoán; trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các hoạt động gian lận, lừa đảo, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc bỏ sót các thông tin cần thiết gây hiểu lầm nghiệm trong làm ảnh hưởng đến hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán và các dịch vụ chứng khoán; trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào việc công bố thông tin sai lệch nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán hoặc không công bố kịp thời, đầy đủ thông tin về các sự kiện xảy ra có ảnh hưởng đến giá chứng khoán trên thị trường; thực hiện hành vi giao dịch nội bộ; thực hiện các hành vi thao túng giá chứng khoán; thực hiện các hành vi vi phạm chế độ chào mua công khai đối với những chủ thể đang nắm giữ số cổ phần có quyền biểu quyết đến giới hạn luật định…

Ngoài các vi phạm kể trên, các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn thuộc các nhóm vi phạm pháp luật khác như: vi phạm quy định về đăng kí, lưu kí, bù trừ và thanh toán chứng khoán, ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu kí; vi phạm quy định về công bố thông tin và báo cáo; vi phạm quy định về kiểm toán tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán; vi phạm quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Các hình thức xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán 

+  Xử lí hành chính 

Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi có đủ hai điều kiện sau: Một là hành vi vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện được văn bản pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định là có thể áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo; Hai là việc áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về chứng khoán chỉ được thực hiện khi đó là vi phạm nhỏ, lần đầu và có tình tiết giảm nhẹ. 

Cảnh cáo là hình thức xử phạt chủ yếu mang tính giáo dục đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Đối tượng áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo không bị coi là có án tích và không bị ghi vào lí lịch tư pháp. 

Phạt tiền là hình thức xử phạt chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định của Chính phủ số 85/2010/NĐ-CP. Các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về chứng khoán nếu không thuộc trường hợp bị xử phạt cảnh cáo thì sẽ bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền. Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là mức trung bình của khung phạt tiền đối với hành vi đó. Nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức 

phạt có thể giảm thấp hơn nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung phạt tiền. Nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức phạt có thể tăng cao hơn nhưng không được tăng quá mức tối đa của khung phạt tiền. Đối với trường hợp vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng lẫn giảm nhẹ thì tùy theo tính chất, mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà người có thẩm quyền quyết định áp dụng mức phạt cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung hình phạt. 

Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà mức phạt được áp dụng khác nhau đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. 

Ngoài các hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn có thể bị áp dụng 

một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: 

– Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; 

– Đình chỉ hoặc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng; 

– Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán. 

Những hình thức xử phạt bổ sung trên không được áp dụng một cách độc lập mà phải áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Quyết định xử phạt không nhất thiết phải do một người có thẩm quyền quyết định áp dụng và ghi nhận trong cùng một văn bản áp dụng hình thức xử phạt chính mà chúng có thể do các cấp khác nhau có thẩm quyền quyết định áp dụng và cố nhiên nó có thể được ghi nhận trong các văn bản áp dụng khác nhau. 

Ngoài việc bị áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính như đã nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Các biện pháp này được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định 85/2010/NĐ-CP cho từng dạng hành vi vi phạm cụ thể. 

Về thời hiệu, pháp luật hiện hành quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là 2 năm, kể từ ngày vi phạm. Nếu quá thời hạn nêu trên thì không bị xử phạt nhưng vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. 

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định của Chính phủ số 85/2010/NĐ-CP cũng quy định: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu sau 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chúng khoán được trao cho Chánh Thanh tra UBCKNN và Chủ tịch UBCKNN, cụ thể là chánh Thanh tra UBCKNN có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền tối đa đến 70 triệu đồng; Chủ tịch UBCKNN có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền tối đa đến 500 triệu đồng… 

Về thủ tục xử phạt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện có hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thì Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra phải quyết định đình chỉ hành vi vi phạm và báo cáo ngay bằng văn bản cho Chánh Thanh tra UBCKNN hoặc Chủ tịch UBCKNN.Cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra đối với các cá nhân, tổ chức nếu phát hiện có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và đề xuất xử lý bằng văn bản tới UBCKNN để giải quyết. 

Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày kí, trừ trường hợp trong quyết định có quy định ngày có hiệu lực khác. Quyết định xử phạt được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt và đăng công khai trên trang điện tử của UBCKNN trong ngày làm việc tiếp theo, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt phải tự nguyện thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được giao quyết định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cá nhân, tổ chức bị phạt tiền có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt hoặc nộp tại kho bạc nhà nước.

Quy định này nhằm tránh được những khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt và người có thẩm quyền xử phạt đồng thời cũng hạn chế được các tiêu cực có thể xảy ra trong xử phạt vi phạm hành chính.

+ Xử lí vi phạm hình sự

Xử lí vi phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Khác với quy định của luật hình sự nhiều nước trên thế giới, Bộ luật hình sự Việt Nam chỉ áp dụng với các cá nhân có hành vi nguy hiểm cho xã hội gây thiệt hại đến lợi ích của cá nhân, tổ chức và Nhà nước. Luật hình sự Việt Nam không áp dụng đối với tổ chức vi phạm.

Ở Việt Nam, Bộ luật hình sự được coi là văn bản quy phạm pháp luật duy nhất quy định về xử lý hình sự và được áp dụng để xử lí bất cứ vi phạm nào nếu gây nguy hiểm cho xã hội. Bộ luật này cũng được áp dụng để xử lí mọi loại tội phạm hình sự trong các lĩnh vực khác nhau. Việc quy định xử lí hình sự các tội phạm về chứng khoán không nằm ngoài thông lệ này. Cụ thể là một hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán chỉ có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi đó được quy định trong Bộ luật hình sự. 

Bộ luật hình sự hiện hành đã bổ sung tội phạm về chứng khoán trong đó có 3 tội danh: một là tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; hai là tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; ba là tội thao túng giá chứng khoán. Ba loại tội phạm này đều xâm phạm chế độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Chủ thể của các loại tội phạm này là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự và phải đủ 16 tuổi trở lên.

Đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, mặt khách quan của tội phạm là người phạm tội có hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng kí, lưu kí, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán. Đây là tội phạm có cấu thành vật chất. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý. 

Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, mặt khách quan của tội phạm là người phạm tội có hành vi sử dụng thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin đó thu lợi bất chính lớn. Mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp. 

Đối với tội thao túng giá chứng khoán, hành vi này có thể thể hiện dưới một trong hai hình thức sau: (1) thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo; (2) giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán. Sở dĩ người phạm tội có hành vi thao túng giá chứng khoán nhằm làm cho các nhà đầu tư khác hiểu sai lệch về thị trường chứng khoán, từ đó thu lợi bất chính. Thẩm quyền xử lí tội phạm về chứng khoán thuộc về toà án nhân dân. Toà án sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự từ đó quyết định hình phạt đối với người phạm tội. 

+ Xử lý vi phạm dân sự

Các quan hệ xã hội phát sinh trên thị trường chứng khoán có nguồn gốc từ quan hệ pháp luật dân sự, cụ thể là quan hệ của các chủ thể trong việc giao kết các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng chứng khoán, các hợp đồng bảo lãnh phát hành, tư vấn phát hành, hợp đồng mở tài khoản kí kết giữa công ty chứng khoán với khách hàng, hợp đồng mở tài khoản giữa thành viên lưu kí là ngân hàng và khách hàng… Các mối quan hệ có nguồn gốc từ quan hệ pháp luật dân sự, xét trong lĩnh vực chứng khoán rất phong phú, đa dạng và phức tạp. 

Để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, pháp luật dân sự đã quy định rất nhiều biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, đặt cọc, ký cược, kí quỹ, phạt vi phạm… Hiện nay, một số biện pháp đã được áp dụng trong hoạt động chứng khoán như: cầm cố chứng khoán để cho vay tiền của các ngân hàng thương mại, kí quỹ trong giao dịch chứng khoán. 

Các vi phạm pháp luật dân sự trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chủ yếu liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Khi bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Trách nhiệm dân sự là hình thức cưỡng chế của Nhà nước và do toà án áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại nhằm thoả mãn quyền lợi chính đáng của người bị vi phạm, khắc phục những hậu quả vật chất cho người bị vi phạm. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (3 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Khái quát pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ về Khái quát pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Mời Quý vị theo dõi nội...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi