Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán
  • Thứ tư, 01/06/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1559 Lượt xem

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán được coi là môi trường đầu tư kinh doanh phức tạp và nhạy cảm, số lượng người tham gia đông đảo, giá trị đầu tư lớn cùng độ rủi ro cao, kéo theo tính cạnh tranh gay gắt trong các mối quan hệ lợi ích được thiết lập trên thị trường. 

Do vậy, tranh chấp là hiện tượng tất yếu xảy ra. Tranh chấp này thường được thể hiện ra bên ngoài mặt khách quan thông qua những hành vi thực tế của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật chứng khoán, chẳng hạn như hành vi khiếu nại về lợi ích không đạt được trong quan hệ bảo lãnh phát hành, hành vi khởi kiện về quan hệ thanh toán giữa khách hàng với công ty chứng khoán, hành vi xử phạt vi phạm pháp luật về chứng khoán… Trên thực tế, cho dù các hành vi này được thể hiện dưới nhiều hình thái khác nhau, với tính chất và mức độ khác nhau nhưng chúng đều có một điểm chung là thể hiện sự mâu thuẫn, bất đồng hay xung đột về lợi ích giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật chứng khoán đến mức không thể dung hoà được. 

Tranh chấp trên thị trường chứng khoán là những xung đột về quyền và lợi ích phát sinh giữa các chủ thể khi tham gia thị trường chứng khoán và được thể hiện ra bên ngoài dưới dạng nhu cầu cần giải quyết thông qua hình thức nhất định theo quy định của pháp luật. 

Về mặt lí thuyết, tranh chấp liên quan đến chứng khoán tuy có nhiều điểm tương đồng với hầu hết các loại tranh chấp trong lĩnh vực khác nhưng ở mức khái quát, có thể nhận nhận diện tranh chấp này thông qua một số dấu hiệu mang tính đặc trưng sau đây: 

Thứ nhất, về phạm vi chủ thể: Chủ thể của tranh chấp trên thị trường chứng khoán phải là tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. Tổ chức, cá nhân được coi là tham gia thị trường chứng khoán khi họ thực hiện một hoặc một số hoạt động mà theo quy định của pháp luật những hoạt động đó chỉ được phép diễn ra trên thị trường chứng khoán. Các chủ thể này bao gồm: 

– Tổ chức phát hành thực hiện hoạt động chào bán chứng khoán – Tổ chức kinh doanh chứng khoán 

– Nhà đầu tư gồm các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua việc mua và bán chứng khoán nhằm mục đích kiếm lời. Điều này không có nghĩa hoạt động mua hoặc bán chứng khoán phải diễn ra trên thực tế mới được công nhận là nhà đầu tư vì căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật đầu tư thì hoạt động đầu tư bao gồm các khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quản lý dự án đầu tư.

Theo tinh thần đó, pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán đã ghi nhận “nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán”. Như vậy, chỉ cần tổ chức hoặc cá nhân thực hiện hoạt động như mở tài khoản, kí hợp đồng tư vấn hoặc môi giới với một công ti chứng khoán cũng được coi là nhà đầu tư mặc dù họ chưa quyết định mua hoặc bán một loại chứng khoán nào. 

– Ngân hàng giám sát, ngân hàng chỉ định thanh toán

– TTLKCK và Tổ chức lưu ký chứng khoán – Sở giao dịch chứng khoán và các thành viên 

Thứ hai, về đối tượng tranh chấp: Đối tượng của tranh chấp trên thị trường chứng khoán là quyền và lợi ích giữa các chủ thể có được do tham gia thị trường chứng khoán. Nói cách khác, các quyền và lợi ích này phát sinh trên cơ sở sự tham gia của các bên vào thị trường chứng khoán. Do vậy, trường hợp hai bên tranh chấp đều là chủ thể tham gia thị trường chứng khoán nhưng quyền và lợi ích tranh chấp giữa họ không phát sinh từ quan hệ thiết lập trên thị trường chứng khoán thì không được xác định là tranh chấp trên thị trường chứng khoán. 

Đối tượng của tranh chấp trên thị trường chứng khoán gồm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất bao gồm các quyền và lợi ích phát sinh trên thị trường chứng khoán dựa trên cơ sở sự thoả thuận của các bên, thường được ghi nhận trong các bản hợp đồng do các bên kí kết như hợp đồng bảo lãnh phát hành chứng khoán, hợp đồng tư vấn chứng khoán, hợp đồng môi giới chứng khoán, hợp đồng quản lý danh mục đầu tư, hợp đồng quản lý quỹ đầu tư hoặc quản lí công ty đầu tư, hợp đồng góp vốn đầu tư… Khi các bên đưa tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài hoặc toà án, những thỏa thuận trong hợp đồng đã phát sinh hiệu lực là cơ sở để xác định hành vi vi phạm và trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Nhóm thứ hai bao gồm các quyền và lợi ích mặc nhiên phát sinh giữa các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán trên cơ sở quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa, ngay khi một chủ thể tham gia thị trường chứng khoán thì theo quy định của pháp luật đã phát sinh quan hệ chứa đựng những quyền và nghĩa vụ nhất định giữa chủ thể đó với các chủ thể khác của thị trường. Các chủ thể phải mặc nhiên chấp nhận sự ràng buộc này. Khi đó, quyền và lợi ích của các chủ thể phát sinh từ quan hệ trên sẽ trở thành đối tượng của tranh chấp trên thị trường chứng khoán nếu giữa họ xảy ra sự xung đột cần giải quyết. Chẳng hạn, quyền được nhận thông tin chính xác từ tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết… 

Thứ ba, về giá trị của tranh chấp: Không giống như việc xác định giá của các hàng hoá giao dịch trên các loại thị trường thông thường, giá trị của chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thông tin thị trường, tâm lí của nhà đầu tư, tình hình kinh tế, chính trị… quan trọng hơn, giá chứng khoán không ổn định.

Phân tích này cho thấy việc xác định giá trị của tranh chấp (nếu có) phát sinh trên thị trường chứng khoán hoàn toàn không dễ dàng nếu xuất phát từ thời điểm, tiêu chí định giá khác nhau. Từ thực tiễn có thể đưa ra nhận xét rằng: các tranh chấp xảy ra trên thị trường chứng khoán thường liên quan đến việc một bên bị thiệt hại do sự biến động giá chứng khoán có chủ ý từ bên kia. 

Tranh chấp xảy ra trên thị trường chứng khoán đa dạng và phức tạp. Nếu xét theo tiêu chí các loại thị trường chứng khoán, gồm có tranh chấp trên thị trường chứng khoán tập trung, tranh chấp trên thị trường phi tập trung và tranh chấp trên thị trường chứng khoán tự do. Cách phân loại này giúp cho các bên lựa chọn luật áp dụng và phương thức, cơ quan giải quyết tranh chấp.

Nếu xét theo tiêu chí chủ thể, tranh chấp trên thị trường chứng khoán được phân ra hai loại: tranh chấp xảy ra giữa cá nhân và cá nhân hoặc giữa cá nhân và pháp nhân trên thị trường chứng khoán; tranh chấp xảy ra giữa các tổ chức là pháp nhân trên thị trường chứng khoán. Cách phân loại này giúp nhận diện rõ nét các chủ thể tranh chấp trên thị trường chứng khoán đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán trong trường hợp pháp luật dựa vào dấu hiệu hình thức của chủ thể để xác định.

Việc phân loại tranh chấp trên thị trường chứng khoán còn có thể dựa vào một số tiêu chí khác như tính chất của tranh chấp hoặc nội dung tranh chấp. Mỗi cách phân loại đều có ưu thế riêng. 

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có tranh chấp, đảm bảo hoạt động ổn định của toàn thị trường, các tranh chấp cần được giải quyết một cách kịp thời, đúng đắn. Giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán là tổng hợp các cách thức, biện pháp do các bên tranh chấp áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm loại bỏ xung đột về quyền và lợi ích phát sinh trên thị trường chứng khoán. Tranh chấp trên thị trường chứng khoán thường được giải quyết thông qua bốn phương thức: thương lượng, hoà giải, giải quyết bằng con đường trọng tài hoặc giải quyết bằng cong đường toà án. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Khái quát pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ về Khái quát pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Mời Quý vị theo dõi nội...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi