Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán
  • Thứ tư, 01/06/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1822 Lượt xem

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm rõ.

Điều 131 Luật chứng khoán quy định: “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Việt Nam có thể được giải quyết thông qua thương lượng hoà giải hoặc yêu cầu trọng tài hoặc toà án giải quyết theo quy định của pháp luật”. 

Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng 

Thương lượng là việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, trao đổi, đấu tranh, nhân nhượng và thoả thuận để đi đến thống nhất phương án giải quyết xung đột. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp không chính thức, do các bên tự nguyện áp dụng. Lựa chọn thương lượng, các bên tiết kiệm được thời gian, chi phí – những yếu tố vô cùng quan trọng đối với bất kỳ chủ thể nào tham gia thị trường chứng khoán. Giải quyết bằng thương lượng thường được áp dụng đối với tranh chấp đơn giản, giá trị tranh chấp không lớn 

Giải quyết tranh chấp bằng hoà giải 

Hoà giải là hình thức giải quyết tranh chấp trong đó, các bên tự thoả thuận để thống nhất lựa chọn giải pháp chấm dứt xung đột dưới sự hỗ trợ của người thứ ba đóng vai trò trung gian hoà giải (hoà giải viên). Đối với việc giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán giữa các thành viên, trung tâm giao dịch chứng khoản hoặc sở giao dịch chứng khoán thường đóng vai trò là trung gian hoà giải. Điều 37 khoản 8 Luật chứng khoán quy định.

Sở giao dịch chứng khoán có thể làm trung gian hoà giải nếu được thành viên yêu cầu đối với tranh chấp phát sinh từ giao dịch chứng khoán. Quy định này cho thấy rất nhiều tranh chấp khác phát sinh trên thị trường chứng khoán, có thể thực hiện hoà giải bởi các hoà giải viên khác. Chẳng hạn như tranh chấp phát sinh trong quá trình tư vấn đầu tư, bảo lãnh phát hành, quản lí quĩ đầu tư hay quản lí danh mục đầu tư chứng khoán, tranh chấp phát sinh trong quá trình lưu ký chứng khoán.

Cũng giống như các quốc gia có thị trường, sở giao dịch chứng khoán ở Việt Nam thành lập ban hoà giải, ban hành văn bản quy định về trình tự, thủ tục hoà giải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết tranh chấp bằng con đường này. 

Ban hoà giải gồm có trưởng ban hoà giải là giám đốc hoặc phó giám đốc trung tâm giao dịch chứng khoán, đại diện phòng giám sát thị trường, các phòng chức năng liên quan và đại diện của các công ty chứng khoán thành viên cùng một số thành viên khác theo đề nghị của trưởng ban hoà giải. 

Quá trình hoà giải gồm bốn bước cơ bản sau: 

– Bước 1 – Tiếp nhận đơn đề nghị hoà giải: Bên yêu cầu hoà giải gửi đơn đề nghị hoà giải và các chứng từ tài liệu cần thiết đến trung tâm. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, trung tâm phải gửi bản sao đơn cho bị đơn. 

– Bước 2 – Chuẩn bị hoà giải: Trong thời hạn 15 ngày, bị đơn phải gửi văn bản trả lời chấp nhận hoặc không chấp nhận việc hoà giải. Trường hợp bị đơn chấp nhận hoà giải, giám đốc trung tâm kí quyết định thành lập ban hoà giải. Ban hoà giải tiến hành triệu tập trực tiếp hoặc yêu cầu các bên giải thích bằng văn bản, cung cấp chứng cứ và tài liệu khác, ra quyết định đình chỉ hoà giải trong một số trường hợp nhất định, ấn định thời gian địa điểm diễn ra phiên hoà giải, gửi giấy triệu tập hoà giải cho các bên trước ngày hoà giải ít nhất 15 ngày. 

– Bước 3 – Tiến hành hoà giải dưới sự chủ trì của trưởng ban hoà giải. 

– Bước 4 – Hoà giải kết thúc bằng việc ban hoà giải lập biên bản hoà giải thành hoặc biên bản hoà giải không thành tùy theo kết quả của phiên hoà giải. Việc thực hiện kết quả hoà giải hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí tự nguyện của các bên. 

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

 Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên (với tư cách là bên thứ ba độc lập) nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra phán quyết có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Trọng tài được sử dụng phổ biến để giải quyết các tranh chấp trên thị trường chứng khoán nói riêng và tranh chấp trong kinh doanh nói chung bởi tranh chấp luôn được giải quyết tận gốc bằng phán quyết chung thẩm, có tính bắt buộc chung trong khi thời gian và chi phí không cao, thủ tục đơn giản, không cứng nhắc. Tuy nhiên, khi đã lựa chọn hình thức trọng tài, các bên đương nhiên mất quyền khởi kiện vụ tranh chấp tại toà án. 

Theo quy định chung, trọng tài có thẩm quyền giải quyết một vụ tranh chấp khi tranh chấp đó phát sinh trong hoạt động thương mại, tức là phát sinh giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại, đồng thời trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp, các bên có thoả thuận trọng tài. | Giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán tại trọng tài thương mại phải tuân theo trình tự thủ tục luật định.

Do pháp luật chuyên ngành không có quy định riêng nên theo quy định chung của pháp luật tố tụng trọng tài, thời hiệu khởi kiện tranh chấp trên thị trường chứng khoán nói riêng và tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại nói chung là 2 năm, kể từ ngày xảy ra tranh chấp. Pháp luật cho phép các bên lựa chọn một trong hai hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp, tại các trung tâm trọng tài hoặc hội đồng trọng tài do các bên thành lập.

Trường hợp các bên lựa chọn trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi trung tâm trong đó chỉ rõ tên trọng tài viên đã chọn. Trung tâm trọng tài sẽ gửi bản sao đơn kiện kèm theo danh sách trọng tài viên của trung tâm cho bị đơn. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được, bị đơn phải gửi cho trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ cùng tôn trọng tài viên đã chọn. Hai trọng tài viên được chọn thống nhất chọn trọng tài viên thứ ba là chủ tịch hội đồng trọng tài. Chủ tịch trung tâm trọng tài có thể chỉ định trọng tài viên nếu hết thời hạn mà bị đơn không chọn trọng tài viên hoặc hai trọng tài viên không thống nhất chọn được trọng tài viên thứ ba.

Đối với trường hợp hội đồng trọng tài do các bên thành lập, thay vì gửi đơn lên trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải gửi đơn đến bị đơn và quyền chỉ định trọng tài viên giúp các bên thuộc về toà án cấp tỉnh nơi bị đơn có trụ sở hoặc cư trú. Tổng thời gian tính từ thời điểm gửi đơn kiện đến khi hội đồng trọng tài được thành lập không quá 59 ngày.

Sau khi được chỉ định, các trọng tài viên phải nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc nếu thấy cần thiết, có quyền gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ liên quan hoặc tự mình thu thập chứng cứ. Các trọng tài viên vẫn có thể bị thay đổi trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp nếu có yếu tố ảnh hưởng đến tính khách quan trong công việc phân xử của họ. Thực tế hoạt động thị trường chứng khoán 

các nước cho thấy, đa số trọng tài viên phân xử tranh chấp trên thị trường chứng khoán thuộc các trung tâm trọng tài do các Sở giao dịch chứng khoán thành lập. Hiện nay, tại Việt Nam chưa tồn tại trung tâm trọng tài nào chuyên phân xử tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán. 

Thời gian mở phiên họp do chủ tịch hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thoả thuận khác. Phiên họp không công khai, các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự, có quyền mời nhân chứng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, các bên có quyền làm đơn yêu cầu toà án cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài thụ lí áp dụng một số biện pháp khẩn cấp tạm thời khi thấy quyền và lợi ích bị xâm phạm hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại.

Hội đồng trọng tài ra quyết định dựa trên nguyên tắc đa số và quyết định này có tính cưỡng chế thi hành như bản án do toà tuyên. Pháp luật trọng tài đặc biệt khuyến khích các bên hoà giải trong quá trình tố tụng trọng tài nhưng có sự phân biệt rõ giá trị pháp lý của kết quả hoà giải trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, các bên tự hoà giải với nhau. Quá trình hoà giải này có thể tiến hành song song, độc lập với quá trình phân xử của trọng tài.

Nếu hoà giải thành thì theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài sẽ đình chỉ quá trình tố tụng trọng tài. Đây là hoà giải ngoài tố tụng nên kết quả hoà giải có được thi hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên. Trường hợp thứ hai, các bên yêu cầu hội đồng trọng tài tiến hành hoà giải. Nếu hoà giải thành, các bên yêu cầu hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành và ra quyết định công nhận hoà giải thành. Quyết định này là chung thẩm, có tính chất bắt buộc phải thi hành với các bên. 

Giải quyết tại toà án

Giải quyết tranh chấp tại toà án là hình thức giải quyết tranh chấp theo đó một bên bằng đơn kiện yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và toà án theo thủ tục luật định sẽ đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên. 

Lựa chọn hình thức này, các bên phải tuân thủ trình tự thủ tục pháp lí phức tạp, thời gian bị kéo dài, công sức và chi phí cao. Do vậy, giải quyết tranh chấp bằng toà án chủ yếu trong trường hợp các bên không đồng ý hoà giải, hoà giải không thành hoặc không thể áp dụng hình thức trọng tài (do không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài vô hiệu). B – Về thẩm quyền: Thẩm quyền của toà án về giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự (quan hệ dân sự hiểu theo nghĩa rộng) được pháp luật phân định theo vụ việc, theo cấp toà án, theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn. 

Theo vụ việc, căn cứ vào Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự, có thể xác định các tranh chấp trên thị trường chứng khoán thuộc thẩm quyền của toà kinh tế và toà dân sự. Nhóm thuộc thẩm quyền của toà kinh tế gồm tranh chấp xảy ra giữa các tổ chức cá nhân có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; một số tranh chấp xảy ra trên thị trường chứng khoán được nhà làm luật quy kết về loại tranh chấp xảy ra giữa công ti với thành viên của công tin giữa các thành viên của công ti với nhau. Các tranh chấp trên thị trường chứng khoán không thuộc hai nhóm trên thuộc thẩm quyền giải quyết của toà dân sự. 

Thẩm quyền theo cấp của toà án để giải quyết tranh chấp trên thị trường chứng khoán. Căn cứ quy định tại Điều 33, 34 Bộ luật tố tụng dân sự, toà án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về mua bán chứng khoán giữa các tổ chức, cá nhân có đăng kí kinh doanh và tranh chấp giữa công ti với cổ đông hoặc giữa các cổ động với nhau, không phụ thuộc vào dấu hiệu có yếu tố nước ngoài trong tranh chấp. Các tranh chấp còn lại thuộc thẩm quyền của toà án cấp tỉnh nếu đương sự hay tài sản (chứng khoán) ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. 

Việc xác định thẩm quyền của toà án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn đối với các tranh chấp trên thị trường chứng khoán cũng giống như mọi tranh chấp giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Về cơ bản, toà án có thẩm quyền sơ thẩm là toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc có trụ sở (nếu bị đơn là tổ chức). Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận yêu cầu toà án nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của nguyên đơn giải quyết. 

– Về thời hiệu: Thời hiệu khởi kiện của các tranh chấp trên thị trường là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. “Thời điểm quyền, lợi ích bị xâm phạm được xác định là thời điểm người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đó”, không phụ thuộc vào bên có quyền lợi ích bị xâm phạm có nhận thức được hành vi xâm phạm của bên kia không. 

– Trình tự thủ tục: Thủ tục tố tụng bắt đầu từ thời điểm toà án thụ lý đơn kiện của nguyên đơn và kết thúc bằng bản án do hội đồng xét xử tuyên. Pháp luật hiện hành quy định rõ, trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tối đa là 6 tháng (kể từ ngày thụ lý) đối với tranh chấp về dân sự và 3 tháng đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại, toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được. Trong trường hợp hoà giải thành, thẩm phán lập biên bản hoà giải thành.

Các bên được pháp luật dành cho khoảng thời gian cần thiết là bảy ngày (kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành) để suy nghĩ và cân nhắc những nội dung đã thỏa thuận. Hết thời hạn mà không có bên nào thay đổi ý kiến, thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành và không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thoả thuận đó là do nhầm lẫn, lừa dối, đe doạ hoặc trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trường hợp hoà giải không thành, thẩm phán sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Phiên toà sơ thẩm diễn ra công khai theo thời gian và địa điểm do thẩm phán ấn định. Đương sự có thể tự mình tham gia hoặc cử người đại diện và có quyền tranh luận tại phiên toà. Đây được coi là “hoạt động trung tâm của phiên toà, bảm đảm cho đương sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước toà án”. Theo quy định, hội đồng xét xử gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân, trường hợp đặc biệt có thể gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Hội đồng xét xử làm việc tập thể và ra bản án giải quyết vụ tranh chấp theo nguyên tắc đa số dựa trên kết quả của việc hỏi và tranh luận tại phiên toà. Bản án có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên và được đảm bảo bằng sự cưỡng chế của nhà nước mà đại diện là cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, nếu không đồng ý với quyết định phân xử của toà án, các bên tranh chấp có quyền kháng cáo trong thời hạn luật định theo thủ tục phúc thẩm, tái thẩm hoặc giám đốc thẩm. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa bản án của toà án và phán quyết của trọng tài, bởi phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm, các bên không có quyền kháng cáo. Quy định thủ tục kháng cáo trong tố tụng toà án thể hiện tính chất hai mặt, vừa tạo cơ hội cho cơ quan xét xử sửa chữa sai lầm trong trường hợp bản án tuyên không thỏa đáng nhưng vừa là nguyên nhân làm cho quá trình giải quyết tranh chấp bị kéo dài, gây lãng phí thời gian của đương sự và cơ quan xét xử. Với nhiều lý do khác nhau, vụ việc liên quan đến giải quyết tranh chấp tại toà án nhân dân hiện nay không nhiều.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Khái quát pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ về Khái quát pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Mời Quý vị theo dõi nội...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi