Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Quỹ đầu tư chứng khoán là gì? Công ty đầu tư chứng khoán là gì?
  • Thứ sáu, 27/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 703 Lượt xem

Quỹ đầu tư chứng khoán là gì? Công ty đầu tư chứng khoán là gì?

Quỹ đầu tư chứng khoán là gì? Công ty đầu tư chứng khoán là gì? Đây là những thắc mắc sẽ được chúng tôi chia sẻ, làm rõ qua bài viết.

Quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán là những phương tiện khác nhau của đầu tư tập thể. Đầu tư tập thể là hình thức đầu tư cho phép các nhà đầu tư với nguồn vốn eo hẹp có thể tham gia vào thị trường vốn thông qua việc tạo lập quỹ tiền chung hình thành từ vốn góp của nhiều nhà đầu tư, sau đó quỹ sẽ được sử dụng để đầu tư vào các loại chứng khoán và có thể đầu tư cả vào các tài sản khác nhằm thu lời. 

Trên thế giới, đầu tư tập thể lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Lan vào giữa thế kỉ XVIII, thông qua việc thành lập và hoạt động của quỹ tín thác đầu tư (investment trusts). Khoảng một thế kỉ sau, vào năm 1868 phương thức đầu tư này đã xuất hiện ở Anh bằng sự ra đời của Quỹ tín thác chính phủ nước ngoài và chính phủ thuộc địa (Foreign and Colonial Government Trust).” ở Mỹ, mãi tới năm 1924 phương thức đầu tư tập thể này mới xuất hiện thông qua việc thành lập Quỹ tín thác đầu tư Massachusetts (Massachusetts Investor Trust).)

Đầu tư tập thể có thể được tiến hành thông qua nhiều phương tiện, trong đó hai phương tiện phổ biến là đầu tư tập thể dạng hợp đồng (contractual type) và đầu tư tập thể dạng công ti (corporate type). Đầu tư tập thể dạng hợp đồng là dự án đầu tư không làm hình thành nên pháp nhân độc lập. Tài sản của dự án đầu tư tập thể này do một công ty được uỷ thác đại diện cho nhà đầu tư đứng ra quản lí. Phương tiện tiến hành đầu tư tập thể dạng hợp đồng là quỹ tín thác đầu tư chứng khoán gọi tắt là quỹ đầu tư chứng khoán

– Đầu tư tập thể dạng công ti là dự án đầu tư tập thể được tiến hành thông qua một pháp nhân độc lập. Pháp nhân đó phát hành cổ phiếu để thu hút vốn và vốn huy động được do chính pháp nhân này sở hữu. Các nhà đầu tư được nhận số cổ phiếu tương ứng với số vốn mà họ đã đầu tư vào pháp nhân này. Phương tiện tiến hành đầu tư tập thể dạng công ti là công ti đầu tư chứng khoán. 

Ngoài hai phương tiện đầu tư tập thể điển hình nói trên, còn có một số phương tiện đầu tư tập thể khác tuỳ theo sự thừa nhận của pháp luật ở mỗi quốc gia. Ví dụ ở Mỹ, quỹ đầu tư tập thể (mutual funds) có thể được thành lập dưới nhiều hình thức như: công ti, hiệp hội, hợp danh, quỹ đầu tư cổ phần hoặc quỹ tín thác kinh doanh.” Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết đầu tư tập thể ở Mỹ được tiến hành thông qua hai phương tiện đầu tư là quỹ tín thác kinh doanh (theo luật của bang Delaware hoặc bang Massachusetts); hoặc công ty đầu tư (theo luật của bang Maryland).

Khác với Mỹ, ở Nhật Bản, trong nhiều thập kỷ trước, phương tiện duy nhất để tiến hành đầu tư tập thể là quỹ tín thác đầu tư chứng khoán dạng hợp đồng hoạt động theo Luật về tín thác đầu tư chứng khoán (Securities Investment Trust Law of 1951). Mặc dù chỉ thừa nhận một loại phương tiện đầu tư tập thể nhưng quỹ tín thác đầu tư chứng khoán ở Nhật Bản lại bao gồm rất nhiều loại: quỹ tín thác đơn vị và quỹ tín thác mở. Quỹ tín thác đơn vị lại có thể tiếp tục được phân thành nhiều loại quỹ tín thác khác nhau như quỹ tín thác đầu tư cổ phiếu, quỹ tín thác đầu tư trái phiếu, và quỹ tín thác cổ phiếu dạng mở.

Đến lượt mình, quỹ tín thác cổ phiếu dạng mở lại có thể được phân thành quỹ tín thác đầu tư trái phiếu chuyển đổi dạng mở; quỹ tín thác đầu tư lựa chọn dạng mở; và quỹ tín thác đầu tư chỉ số cổ phiếu dạng mở… Chương trình cải tổ luật dịch vụ tài chính năm 2000 của Chính phủ Nhật Bản đã cho ra đời Luật quỹ tín thác đầu tư và công ti đầu tư (Law concerning Investment trust and Investment Corporations).

Như vậy, bước vào thiên niên kỉ mới, pháp luật Nhật Bản đã thừa nhận thêm công ti đầu tư như một phương tiện đầu tư tập thể, tồn tại song song với quỹ tín thác đầu tư trên cơ sở hợp đồng đã được thừa nhận từ nhiều thập kỉ trước đó.”

Nhìn chung, không phải chỉ ở Nhật Bản mà ở nhiều nước trên thế giới, đầu tư tập thể dạng hợp đồng thường xuất hiện trước và là phương tiện đầu tư tập thể tương đối phổi biến; theo sau là đầu tư tập thể dạng công ti. Ví dụ, hầu hết các nước thành viên EU đều có quỹ tín thác đầu tư thành lập và hoạt động trong suốt thời gian dài, sau đó công ti đầu tư chứng khoán mới ra đời.

Ở Việt Nam, theo pháp luật hiện hành, chủng loại các phương tiện đầu tư tập thể đang tồn tại và hoạt động đơn giản hơn nhiều So với ở các nước phát triển. Đầu tư tập thể được tiến hành thông qua hai phương tiện đầu tư là quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán. 

Khái niệm quỹ đầu tư chứng khoán 

Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ tiền hình thành từ vốn góp của các nhà đầu tư để đầu tư chủ yếu vào chứng khoán nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Công ty quản lý quỹ tạo lập quỹ đầu tư chứng khoán bằng cách phát hành chứng chỉ hưởng lợi để thu hút vốn từ nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Tiền của quỹ sau đó sẽ được công ty quản lí quỹ đem đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ của thị trường tiền tệ và các chứng khoán hoặc tài sản khác phù hợp với mục tiêu đầu tư ghi nhận trong điều lệ của quỹ. 

Quỹ đầu tư chứng khoán có một số đặc điểm giúp ta phân biệt quỹ với các phương tiện đầu tư tập thể khác.

Thứ nhất, bản thân quỹ đầu tư chứng khoán chỉ thể hiện một lượng tiền do các nhà đầu tư đóng góp chứ không phải là một pháp nhân, không có tổ chức bộ máy riêng, vì vậy toàn bộ việc huy động vốn thành lập quỹ, quản lý và điều hành hoạt động của quỹ cho tới việc sử dụng vốn của quỹ để đầu tư, thu lời đều do công ti quản lý quỹ đảm nhiệm.

Đến lượt mình, toàn bộ hoạt động của công ti quản lý quỹ lại chịu sự giám sát của một pháp nhân, thường là ngân hàng, độc lập với quỹ và với công ty quản lý quỹ. Ngân hàng vừa đóng vai trò là người bảo quản tài sản của quỹ đồng thời vừa là người giám sát toàn bộ hoạt động của công ty quản lí quỹ để bảo đảm công ty quản lý quỹ tuân thủ pháp luật và những mục tiêu cũng như chính sách đầu tư đề ra trong điều lệ quỹ. 

Thứ hai, chứng khoán được phát hành để huy động vốn thành lập quỹ không phải là cổ phiếu mà chỉ là chứng chỉ hưởng lợi cho phép nhà đầu tư sở hữu chúng được hưởng một phần thu nhập từ hoạt động đầu tư của quỹ tương ứng với tỉ lệ vốn mà họ đã đầu tư vào quỹ. Lãi từ hoạt động đầu tư của quỹ, sau khi bù đắp chi phí quản lý quỹ, sẽ được phân chia cho các nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ. Giá trị của mỗi chứng chỉ quỹ được xác định hàng ngày và bằng tổng giá trị của quỹ chia cho số lượng chứng chỉ quỹ đang lưu hành trên thị trường. 

Thứ ba, những người đầu tư vào quỹ đầu tư chứng khoán không phải là cổ đông mà chỉ là những người hưởng lợi từ hoạt động của quỹ; họ bỏ tiền góp vốn lập quỹ nhưng không trực tiếp quản lý quỹ mà uỷ thác toàn bộ việc quản lý, điều hành quỹ cho công ty quản lí và ngân hàng bảo quản, là những tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực hoạt động này, nhằm tối đa hoá lợi nhuận có được từ khoản vốn góp của mình.

Tuy nhiên, cũng có quốc gia, pháp luật trao cho nhà đầu tư quyền quản lí gián tiếp đối với quỹ, thể hiện ở quyền biểu quyết của họ trong đại hội nhà đầu tư về những vấn đề hệ trọng mà pháp luật hoặc điều lệ quỹ quy định cần được biểu quyết tại đại hội nhà đầu tư. Những vấn này thường liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ, bản cáo bạch, hợp đồng giám sát; thay đổi định hướng trong chính sách đầu tư của quỹ, chính sách phân phối lợi nhuận; giải thể, sáp nhập, hợp nhất quỹ; thay thế công ti quản lí hoặc ngân hàng bảo quản.

Có nhiều loại quỹ đầu tư chứng khoán và cũng có những cách phân loại khác nhau đối với các quỹ này. Nếu căn cứ vào số lượng nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán được chia thành hai loại: quỹ đại chúng và quý thành viên. Thường thì pháp luật các nước đều quy định giới hạn số lượng nhà đầu tư để xác định một quỹ đầu tư là quỹ đại chúng hay quỹ thành viên. Quỹ đại chúng là quỹ đầu tư được hình thành tư vấn góp của nhiều nhà đầu tư riêng lẻ trên thị trường chứng khoán.

Do số lượng nhà đầu tư bỏ vốn để thành lập quỹ đại chúng rất lớn, toàn bộ quy trình huy động vốn, sử dụng vốn vào mục đích đầu tư đều ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của một bộ phận lớn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, vì vậy pháp luật các nước thường có quy định chi tiết, điều chỉnh việc phát hành chứng chỉ quỹ đại chúng, quy trình công bố thông tin, cũng như toàn bộ hoạt động đầu tư của quỹ. 

Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán có số ít nhà đầu tư tham gia góp vốn. Hoạt động đầu tư của quỹ thành viên thường có khả năng đem lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư và cũng chính vì vậy mà những hoạt động đầu tư này thường có mức độ rủi ro lớn.

Vì đặc tính này của quỹ thành viên, quỹ thường chỉ giới hạn việc huy động vốn từ các nhà đầu tư có tổ chức, là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và có khả năng gánh chịu rủi ro cao trong quá trình đầu tư. Do các nhà đầu tư vào quỹ thành viên là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn và am hiểu về lĩnh vực đầu tư, đồng thời lại có tiềm lực tài chính, pháp luật các nước thường không áp đặt những điều kiện nghiêm ngặt buộc quỹ thành viên phải tuân thủ như đối với trường hợp quỹ đại chúng. 

Căn cứ vào thị trường giao dịch chứng chỉ quỹ sau phát hành có thể chia quỹ đầu tư chứng khoán thành quỹ đầu tư dạng đóng và quỹ đầu tư dạng mở. Quỹ đầu tư dạng đóng là quỹ chỉ phát hành chứng chỉ quỹ một lần, với số lượng nhất định mà không mua lại chứng chỉ quỹ đã được phát hành. Như vậy, sau khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ đầu tư dạng đóng, nhà đầu tư chỉ có thể thu hồi lại vốn bằng cách bán lại chứng chỉ đó trên thị trường thứ cấp như các loại chứng khoán khác mà không có quyền yêu cầu quỹ mua lại chứng chỉ quỹ mình đang sở hữu.

Ngược lại với quỹ đầu từ dạng đóng, quỹ đầu tư dạng mở lại liên tục phát hành chứng chỉ quỹ đồng thời sẵn sàng mua lại chứng chỉ đã phát hành khi nhà đầu tư yêu cầu. Nói cách khác, chứng chỉ quỹ đầu tư dạng mở không được lưu hành trên thị trường thứ cấp. 

Ngoài ra, căn cứ vào mục tiêu đầu tư của quỹ còn có thể chia quỹ đầu tư chứng khoán thành quỹ đầu tư cổ phiếu và quỹ đầu tư trái phiếu… 

Khái niệm công ty đầu tư chứng khoán 

Công ti đầu tư chứng khoán là công ti được thành lập từ vốn góp của các nhà đầu tư và sử dụng số vốn góp đó để đầu tư chủ yếu vào chứng khoán, nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Các nhà đầu tư góp vốn thành lập công ty được gọi là cổ đông). Công ty đầu tư chứng khoán có thể huy động vốn thông qua việc tổ chức chào bán cổ phiếu riêng lẻ để thành lập công ty đầu tư chứng khoán phi đại chúng, hoặc thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng để thành lập công ti đầu tư chứng khoán đại chúng. Nguồn vốn huy động được sẽ được sử dụng để đầu tư vào chứng khoán và phần ít hơn, có thể đầu tư vào bất động sản.

Công ty đầu tư chứng khoán là một pháp nhân, có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, các nhà đầu tư bỏ vốn vào công ty có quyền bầu ra hội đồng quản trị để quản lí hoạt động của công ty. Tuy nhiên công ty đầu tư chứng khoán có thể lựa chọn giữa việc tự mình quản lí vốn đầu tư hoặc thuê công ti quản lý quỹ đứng ra quản lý toàn bộ hoạt động đầu tư của quỹ hoặc chỉ thuê công ty quản lí quỹ đứng ra tư vấn đầu tư cho mình. Tiền và tài sản của công ti đầu tư chứng khoán được bảo quản tại ngân hàng, vì vậy ngân hàng cũng chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các giao dịch thu và nhận chứng khoán cho công ti đầu tư trong quá trình công ti thực hiện việc đầu tư, thu lời. 

Công ty đầu tư chứng khoán có một số điểm khác biệt cơ bản với quỹ đầu tư chứng khoán.

Thứ nhất, công ty đầu tư chứng khoán là tổ chức có tư cách pháp nhân, có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh trong khi đó, quỹ đầu tư chứng khoán không có tư cách pháp nhân mà chỉ đơn giản là một lượng tiền. Là một pháp nhân, công ti đầu tư chứng khoán hoàn toàn có thể tự quản lý hoạt động đầu tư của mình nếu không muốn thuê công ty quản lí; hoặc có thể tự đảm nhiệm việc điều hành toàn bộ hoạt động đầu tư của công ti trên cơ sở sử dụng dịch vụ tư vấn đầu tư của một công ti quản lí quỹ nào đó chứ không nhất thiết phải kí hợp đồng thuê một công ti quản lý quỹ độc lập thực hiện.

Đây là điều không thể xảy ra đối với quỹ đầu tư chứng khoán: mọi hoạt động quản lý, đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán phải được thực hiện bởi một công ty quản lí quỹ độc lập, do bản thân quỹ không phải là pháp nhân, không có tổ chức bộ máy riêng. Tất nhiên, công ti đầu tư chứng khoán cũng có thể thuê công ti quản lý quỹ đứng ra đảm nhiệm toàn bộ hoạt động đầu tư của công ti để việc đầu tư có hiệu quả cao nhưng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của công ti chứ không phải là nghĩa vụ bắt buộc của công ti. 

Thứ hai, việc huy động vốn để thành lập công ti đầu tư chứng khoán do chính các cổ đông sáng lập công ti đảm nhiệm hoặc do công ty quản lí quỹ đứng ra thành lập, trong khi đó việc huy động vốn để tạo lập quỹ đầu tư chứng khoán chỉ có thể được tiến hành bởi công ti quản lý quỹ. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng điểm chung của cả hai phương tiện đầu tư tập thể này là ngay cả khi công ti quản lý quỹ đứng ra huy động vốn thành lập quỹ hay thành lập công ti đầu tư chứng khoán, việc huy động vốn đó đều không làm tăng tài sản của công ti quản lý quỹ mà chỉ làm hình thành nên tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán hoặc của công ti đầu tư chứng khoán.

Thứ ba, chứng khoán mà công ti đầu tư chứng khoán phát hành là cổ phiếu và người sở hữu chúng là cổ đông công ti, với đầy đủ quyền quản lí và quyền tài sản đối với công ty. Quyền quản lý công ty đầu tư chứng khoán của cổ đông thể hiện ở quyền bỏ phiếu tại đại hội đồng cổ đông, để cử người vào hội đồng quản trị và quyết định những vấn đề hệ trọng của công ti. Quyền tài sản của cổ đông thể hiện ở quyền được hưởng cổ tức đem lại từ số cổ phần mà cổ đông có trong công ty quyền được chia một phần tài sản còn lại của công ti (sau khi tài sản thanh lý của công ty đã được dùng để thực hiện các nghĩa vụ tài chính) trong trường hợp công ti phá sản…

Ngược lại, chứng khoán của quỹ đầu tư được gọi là chứng chỉ hưởng lợi hay chứng chỉ quỹ (beneficiary certificates), người sở hữu chứng chỉ là những người có quyền tài sản đối với quỹ, thể hiện ở quyền thụ hưởng một phần lãi đầu tư do quỹ đem lại; và quyền được nhận một phần tài sản của quỹ (nếu có) trong trường hợp giải thể quỹ.

Quyền quản lí của những người sở hữu chứng chỉ quỹ đối với quỹ có hay không tùy thuộc vào pháp luật của mỗi nước như trên đã đề cập. Có nước không trao quyền quản lý quỹ cho người sở hữu chứng chỉ quỹ đầu tư nhưng cũng có nước cho phép người đầu tư vào quỹ được biểu quyết đối với những vấn đề hệ trọng của quỹ. Trong trường hợp đó, quyền lợi của người đầu tư đã bỏ vốn vào quỹ đầu tư chứng khoán và quyền lợi của cổ đông công ty đầu tư chứng khoán không khác nhau nhiều lắm. 

>>>>> Xem thêm: Thị trường chứng khoán là gì?

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi