Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Khái niệm và đặc điểm của thị trường giao dịch chứng khoán
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 703 Lượt xem

Khái niệm và đặc điểm của thị trường giao dịch chứng khoán

Khái niệm và đặc điểm của thị trường giao dịch chứng khoán là những nội dung được chúng tôi chia sẻ, làm rõ qua bài viết này.

Thị trường giao dịch chứng khoán là gì?

Khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm giao dịch chứng khoán. Thị trường giao dịch chứng khoán là nơi diễn ra các giao dịch chứng khoán. Do vậy khi xác định nội hàm của khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán cần thiết phải xác định khái niệm giao dịch chứng khoán. 

Trong khoa học pháp lí, nhìn chung, có thể hiểu giao dịch chứng khoán theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, giao dịch chứng khoán được hiểu là bất kì giao dịch dân sự nào mà khi thực hiện chúng làm phát sinh việc chuyển quyền sở hữu chứng khoán từ chủ thể này sang chủ thể khác. Xét dưới góc độ này, các giao dịch như: bán, tặng, cho, thừa kế chứng khoán… đều được coi là giao dịch chứng khoán và pháp luật điều chỉnh các giao dịch này là pháp luật dân sự và pháp luật chứng khoán với tư cách là bộ phận pháp luật chuyên ngành.

Theo nghĩa hẹp, giao dịch chứng khoán chỉ là các giao dịch mua bán chứng khoán được thực hiện giữa các chủ thể trên thị trường. Nhà làm luật Việt Nam đã quan niệm giao dịch chứng khoán theo nghĩa hẹp tức là giao dịch chỉ bao gồm các hoạt động mua, bán dẫn đến chuyển quyền Sở hữu liên quan đến chứng khoán. Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã quy định giao dịch chứng khoán là việc mua, bán chứng khoán trên thị trường giao dịch tập trung.

>>>>> Xem thêm: Thị trường chứng khoán là gì?

Ý tưởng này một lần nữa lại được khẳng định ở Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và thị trường chứng khoán được ban hành để thay thế Nghị định số 48/1998/NĐ-CP nói trên. Nghị định số 14/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định số 144/2003/NĐ-CP và quy định chi tiết thi hành Luật chứng khoán năm 2006 tuy không đưa ra định nghĩa về giao dịch chứng khoán nhưng nội dung các điều khoản trong đó thể hiện giao dịch chứng khoán chính là giao dịch mua bán chứng khoán trên thị trường. 

Việc giao dịch phát hành chứng khoán có phải là giao dịch chứng khoán hay không cũng là vấn đề cần xem xét khi xác định nội hàm của khái niệm giao dịch chứng khoán. Xét về mặt lý luận, có thể có hai luồng quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Có quan điểm cho rằng giao dịch phát hành chứng khoán là một trong các loại giao dịch chứng khoán bởi lẽ nếu hiểu theo nghĩa giao dịch chứng khoán là giao dịch mua bán dẫn đến chuyển quyền sở hữu chứng khoán đơn thuần thì ở giao dịch phát hành, đã có sự chuyển nhượng chứng khoán từ nhà phát hành đến nhà đầu tư đầu tiên.

Mặt khác, trên thực tế, có nhiều trường hợp chứng khoán được phát hành trên thị trường tập trung qua các sở giao dịch, trung tâm giao dịch, do vậy đây chính là các giao dịch được phép thực hiện trên thị trường này, tức là giao dịch chứng khoán. Quan điểm thứ hai lại cho rằng giao dịch chứng khoán chỉ là các giao dịch mua bán trên thị trường thứ cấp sau khi chứng khoán đã được đưa vào trong lưu thông, tức là chỉ bao gồm việc chuyển nhượng chứng khoán giữa các nhà đầu tư với nhau.

Việc chứng khoán có thể được phát hành tại các sở giao dịch hay trung tâm giao dịch không thể hiện rõ bản chất giao dịch mua bán giữa các nhà đầu tư và như vậy không phải là giao dịch chứng khoán. Quan điểm thứ hai rõ ràng là hợp lí hơn. Giao dịch phát hành không phải là giao dịch chứng khoán bởi lẽ tại thời điểm chứng khoán chuyển từ nhà phát hành đến nhà đầu tư đầu tiên (giai đoạn phát hành), chứng khoán chưa phải là loại hàng hoá theo đúng nghĩa của nó.

Chứng khoán chưa chứa đựng những quyền mà nó phải có tương ứng với loại chứng khoán đó (ví dụ đối với cổ phiếu thì đó là quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức…). Các quyền này chỉ phát sinh ở nhà đầu tư đầu tiên sau khi mua chứng khoán lần đầu. Sau khi chứng khoán được đưa vào trong lưu thông thì việc chuyển nhượng quyền sở hữu nó diễn ra đồng thời với việc chuyển nhượng các quyền mà chứng khoán đó chứa đựng. 

Khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán cần được phân biệt với khái niệm thị trường chứng khoán. Nội hàm khái niệm thị trường chứng khoán rộng hơn nội hàm thị trường giao dịch chứng khoán. Trên thị trường chứng khoán có thể diễn ra bất kì hoạt động nào liên quan đến chứng khoán (cả phát hành chứng khoán, mua bán chứng khoán…) trong khi đó trên thị trường giao dịch chứng khoán chỉ diễn ra các giao dịch chứng khoán là các giao dịch mua bán chứng khoán.

Cơ cấu của thị trường chứng khoán | bao gồm thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, trong khi đó thị trường giao dịch chứng khoán chỉ là thị trường thứ cấp. | Các giao dịch chứng khoán ở thị trường thứ cấp diễn ra rất đa dạng. Xét dưới góc độ này, thị trường giao dịch chứng khoán có thể là thị trường giao dịch có tổ chức và thị trường giao dịch phi tổ chức (hay còn gọi là thị trường mua bán trao tay). 

Thị trường giao dịch có tổ chức là thị trường được tổ chức quy củ đúng theo quy định của pháp luật. Việc mua bán chứng khoán diễn ra ở thị trường này phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt pháp luật về chứng khoán và các quy định có liên quan dưới sự giám sát của cơ quan chức năng của nhà nước.

Trước khi Luật chứng khoán năm 2006 ra đời, thị trường giao dịch có tổ chức chính là thị trường giao dịch tập trung. Tuy nhiên, Luật chứng khoán năm 2006 đã mở rộng nội hàm của thị trường có tổ chức và đưa thị trường phi tập trung vào là đối tượng điều chỉnh của luật. Do vậy hiện nay, thị trường giao dịch có tổ chức bao gồm thị trường giao dịch tập trung và thị trường giao dịch phi tập trung (thị trường OTC). 

Thị trường giao dịch phi tổ chức là thị trường không được tổ chức theo các quy định của pháp luật về chứng khoán. Các giao dịch trên thị trường này diễn ra tự phát giữa các nhà đầu tư với nhau. Việc mua bán chứng khoán trên thị trường này không chịu sự giám sát và không phải tuân thủ pháp luật về chứng khoán tuy nhiên vẫn phải tuân thủ pháp luật dân sự. 

Thị trường giao dịch phi tổ chức không được xem xét đến trong khuôn khổ môn học luật chứng khoán. Do vy, khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán được đề cập đến trong giáo trình này chính là khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức. 

Tóm lại, có thể đưa ra định nghĩa về thị trường giao dịch chứng khoán như sau: Thị trường giao dịch chứng khoán thị trường diễn ra việc mua, bán chứng khoán sau phát hành theo các quy định của pháp luật về chứng khoán

Xét về hình thái biểu hiện ra bên ngoài, thị trường giao dịch chứng khoán có thể là địa điểm xác định hoặc hình thức trao đổi thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện các giao dịch chứng khoán. 

Thông qua địa điểm hoặc cách thức trao đổi thông tin này mà người bán và người mua gặp nhau và thực hiện được giao dịch mua bán của mình. 

Đặc điểm của thị trường giao dịch chứng khoán

Thị trường giao dịch chứng khoán có các đặc điểm sau đây: 

Thứ nhất, thị trường giao dịch chứng khoán được tổ chức bởi các chủ thể đặc biệt là sở giao dịch chứng khoán. 

Khái niệm thị trường giao dịch chứng khoán không đồng nghĩa với khái niệm Sở giao dịch chứng khoán. Xét về mặt hình | thức, thị trường giao dịch chứng khoán là địa điểm nơi diễn ra các giao dịch với chứng khoán hoặc hình thức trao đổi thông tin. Trong khi đó sở giao dịch chứng khoán là các pháp nhân được thành lập theo các quy định của pháp luật để tiến hành các hoạt động nhằm giúp các giao dịch chứng khoán diễn ra một cách thuận lợi, nhanh chóng và trong khuôn khổ pháp luật.

Sở giao dịch chứng khoán đứng ra tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Nói một cách đơn giản, nếu coi thị trường giao dịch chứng khoán như cái chợ với hàng hoá là chứng khoán thì sở giao dịch chứng khoán chính là ban quản lí chợ. Ban quản lí chợ có trách nhiệm tổ chức chợ, quy định thời điểm họp chợ, mức thu phí chợ, đưa ra nội quy chợ buộc những người mua kẻ bán trong chợ tuân thủ… 

Tại Việt Nam, chỉ có sở giao dịch chứng khoán mới được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Ngoài sở giao dịch chứng khoán không tổ chức cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Quy định này hoàn toàn đáp ứng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn. 

Về mặt lí luận, việc quy định như vậy xuất phát từ những lí do sau đây:

Một giao dịch chứng khoán là giao dịch đối với loại hàng hoá bậc cao, có độ rủi ro lớn. Do vậy, chỉ nên cho phép các tổ chức chuyên nghiệp có đủ những điều kiện cần thiết (về nhân sự, cơ sở vật chất, vốn…) tổ chức thị trường giao dịch.

Sở giao dịch chứng khoán chỉ có chức năng duy nhất mang tính chuyên nghiệp là tổ chức thị trường giao dịch.

Hai các giao dịch được thực hiện tại một số ít thị trường sẽ tạo ra sự tập trung và có tính chuyên nghiệp hơn là sự manh mún, nhỏ lẻ.

Ba việc chỉ có sở giao dịch chứng khoán tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán sẽ giúp UBCKNN có điều kiện giám sát các giao dịch trên thị trường, phát hiện và kịp thời xử lí các vi phạm tại các thị trường này. 

Về mặt thực tiễn, quy định này đã loại trừ việc các công ti chứng khoán, lợi dụng kẽ hở của Luật, tổ chức các sàn giao dịch chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết trong thời gian thị trường còn sơ khai, góp phần đưa thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào quy củ theo hướng hiện đại hơn. 

Thứ hai, hàng hoá được giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán thông thường là loại hàng hoá có chất lượng cao. 

Hàng hoá được phép giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán là những loại chứng khoán đã được kiểm định và đủ điều kiện niêm yết và giao dịch. Các loại chứng khoán này được phân theo hai cấp độ: 

Chứng khoán được phép giao dịch ở thị trường giao dịch do sở giao dịch chứng khoán tổ chức là loại chứng khoán có chất lượng cao nhất. Những chứng khoán này phải thoả mãn các điều kiện rất cao do sở ban hành. Thông thường đó là những điều kiện liên quan đến nhà phát hành các loại chứng khoán đó. 

Ở mức độ thấp hơn là chứng khoán được giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết. Những chứng khoán này là những loại chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch hoặc nhà phát hành không muốn giao dịch tại thị trường do Sở giao dịch chứng khoán tổ chức. Chứng khoán loại này cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định do đơn vị tổ chức thị trường này ban hành. Thông thường những điều kiện này thấp hơn điều kiện để được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán. 

Các điều kiện về niêm yết và giao dịch do sở giao dịch chứng khoán ban hành được coi như bộ lọc để lọc những chứng khoán kém chất lượng, thông qua đó bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường hoạt động bình thường, hiệu quả và phát triển bền vững. 

Thứ ba, các giao dịch trên thị trường giao dịch chứng khoán được thực hiện thông qua các trung gian chuyên nghiệp là các thành viên thị trường. 

Nguyên tắc trung gian là một trong những nguyên tắc căn bản trong hoạt động tại thị trường giao dịch chứng khoán. Theo nguyên tắc này thì mọi giao dịch trên thị trường đều phải được thực hiện qua trung gian là các thành viên thị trường. Các nhà đầu tư không được trực tiếp đặt lệnh mua, lệnh bán trực tiếp mà phải gián tiếp qua các trung gian là thành viên thị trường này 

Việc các giao dịch được thực hiện tại thị trường phải qua trung gian chuyên nghiệp là một yêu cầu rất quan trọng. Thứ nhất, thực hiện qua trung gian chuyên nghiệp bảo đảm tính tổ chức và chuyên nghiệp cao của thị trường. Thị trường giao dịch chứng khoán là thị trường bậc cao mà không phải ai cũng có thể tham gia. Các hoạt động trên thị trường như nhận lệnh, nhập lệnh, thực hiện giao dịch, thanh toán là các hoạt động đòi hỏi kĩ năng và tính chính xác cao của các nhà chuyên nghiệp.

Chỉ có các thành viên là những công ti chứng khoán có đủ điều kiện cần thiết về vốn, cơ sở vật chất và con người theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán mới được phép trở thành thành viên và tham gia giao dịch tại các trị trường này. Thứ hai, việc thực hiện giao dịch qua trung gian giúp bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư. Nhà đầu tư là những người không chuyên nên khi tham gia thị trường giao dịch nếu không có sự giúp đỡ của các thành viên chuyên nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro. Rủi ro lớn mà nhà đầu tư gánh chịu sẽ kéo theo sự mất niềm tin vào thị trường chứng khoán nói chung. Vậy nên cần thiết phải có các trung gian chuyên nghiệp đứng ra tư vấn, đặt lệnh, thực hiện giao dịch hộ khách hàng trên cơ sở được hưởng phí dịch vụ. 

Thứ tư, các hoạt động trên thị trường giao dịch chứng khoán chịu sự quản lý và giám sát chặt chẽ của sở giao dịch chứng khoán và của UBCKNN trên cơ sở pháp luật chứng khoán.

Các hoạt động trên thị trường giao dịch chứng khoán diễn ra rất sôi động và đa dạng. Trong quá trình tiến hành hoạt động của mình, các chủ thể trên thị trường có thể có những hành vi làm phương hại đến lợi ích của các nhà đầu tư, qua đó làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của thị trường giao dịch chứng khoán. Do vậy, việc quản lý và giám sát các hoạt động trên thị trường này là rất cần thiết. 

Ở các nước có thị trường chứng khoán phát triển, vai trò quản | lí và giám sát thị trường của các tổ chức tự quản là các hiệp hội được thể hiện rất rõ. Các tổ chức này thực sự đóng vai trò vừa đối trọng nhưng cũng vừa phụ trợ cho hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước chuyên ngành. Trong điều kiện thị trường chứng khoán đang phát triển như ở Việt Nam hiện nay thì vai trò quản lý và giám sát của các cơ quan nhà nước chuyên ngành được đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó cũng có sự quản lí giám sát của các tổ chức khác trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Trong tương lại, khi hoạt động của thị trường đã dần đi vào ổn định thì vai trò của nhà nước sẽ dần giảm xuống và nhường chỗ cho vai trò của các tổ chức tự quản. | Việc quản lý và giám sát hoạt động trên thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt Nam hiện nay được thực hiện thông qua các thiết chế, trên cơ sở các quy định liên quan. 

Trước hết, hoạt động trên thị trường giao dịch chịu sự giám sát trực tiếp của sở giao dịch chứng khoán là các đơn vị tổ chức đứng ra thị trường. Sở giao dịch chứng khoán thực hiện việc tổ chức và giám sát thông qua các thiết chế của các đơn vị này và các văn bản nội bộ mà sở ban hành.

Sở giao dịch chứng khoán trong phạm vi thẩm quyền của mình có quyền ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin và thành viên giao dịch, và các quy chế, quy định nội bộ khác nhằm buộc các thành viên và các chủ thể có liên quan tuân thủ.

Trong quá trình điều hành thị trường giao dịch, sở giao dịch chứng khoán đồng thời tiến hành việc giám sát việc tuân thủ các quy định do mình ban hành ra của các thành viên và các chủ thể có liên quan đó như: giám sát việc duy trì điều kiện niêm yết chứng khoán của các tổ chức niêm yết, giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán của các thành viên, giám sát việc công bố thông tin của các tổ chức niêm yết và của các thành viên. Trong trường hợp cần thiết và để bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư, sở giao dịch chứng khoán được phép tạm ngừng, hoặc đình chỉ hoặc huỷ bỏ giao dịch chứng khoán theo quy chế của mình. 

Hoạt động trên thị trường còn chịu sự giám sát gián tiếp của UBCKNN thông qua các phòng ban chức năng dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. UBCKNN là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực chứng khoán nên có nhiệm vụ quản lí và giám sát mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán nói chung, trong đó có cả thị trường giao dịch chứng khoán. 

Theo nguyên tắc phân cấp quản lý và giám sát các hoạt động trên thị trường giao dịch được quy định trong Luật chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm trực tiếp giám sát các hoạt động trên thị trường mình tổ chức. Về phần mình UBCKNN có trách nhiệm giám sát hoạt động của sở giao dịch chứng khoán để đảm bảo hoạt động đó đúng pháp luật.

Mọi hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán phải phù hợp với quy định của pháp luật. Các quy chế do sở giao dịch chứng khoán ban hành áp dụng trong phạm vi Sở giao dịch chứng khoán phải phù hợp với quy định hiện hành và phải được UBCKNN chấp thuận. Bên cạnh đó, trong phạm vi thẩm quyền của mình được pháp luật quy định, UBCKNN được quyền đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán; thanh tra, giám sát, xử phạm vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chứng khoán. Tất cả những yếu tố này cho thấy UBCKNN gián tiếp giám sát các hoạt động trên thị trường giao dịch chứng khoán. 

Tóm lại, có thể nói thị trường giao dịch chứng khoán là thị trường tài chính đặc thù, nơi giao dịch những loại hàng hoá đặc thù và chịu sự quản lý và giám sát của các thiết chế đặc biệt thông qua bộ phận pháp luật đặc thù – pháp luật chứng khoán. 

>>>>> Tham khảo: Chứng khoán là gì?

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi