Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo đảm bình đẳng giới
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1159 Lượt xem

Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo đảm bình đẳng giới

Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật lao động hiện hành, người sử dụng lao động có các trách nhiệm đối với lao động nữ về vấn đề bình đẳng giới.

Quy định về Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo đảm bình đẳng giới theo Bộ luật lao động

Điều 136. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.

2. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

3. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.

4. Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi tr, mẫu giáo cho người lao động. 

Tư vấn về Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong bảo đảm bình đẳng giới

Theo quy định trên, người sử dụng lao động có các trách nhiệm đối với lao động nữ về vấn đề bình đẳng giới, cụ thể như sau: 

Một là: Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác. 

Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần.

Quy định này được xây dựng dựa trên các công ước của Liên hợp quốc và các công ước củaILO. Cụ thể, trong tuyển dụng lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi, không được phân biệt đối xử vì lý do giới. Quy định này cũng thể hiện sự phù hợp với Điều 13 Luật Bình đẳng giới năm 2006: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng…”. Trong quá trình sử dụng lao động, người sử dụng lao động cần phải tuân thủ các quy định sau: 

(i) Sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với giới tính, sức khỏe của lao động; 

(ii) Bảo đảm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động; 

(iii) Đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đào tạo nghề dự phòng; 

(iv) Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nữ mang thai, người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; 

(v) Bảo đảm tiền lương, các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ; 

 (vi) Thực hiện rút ngắn thời giờ làm việc, bảo đảm đầy đủ quyền lợi về bảo hiểm xã hội,… 

Những quy định tiến bộ này là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ có việc làm phù hợp với mọi điều kiện, hoàn cảnh, có thu nhập ổn định, có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. 

Hai là: Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ. 

Quy định này nhằm tạo điều kiện để lao động nữ được bày tỏ ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của mình trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ trong quan hệ lao động. Điều này vừa thể hiện sự dân chủ, vừa bảo đảm quyền lợi phù hợp cho lao động nữ theo nhu cầu của lao động nữ. Vì thế, nếu người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại điện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý. 

– Thủ tục tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ quy định tại khoản 2 Điều 136 BLLĐ năm 2019 được thực hiện thông qua cơ chế đối thoại tại nơi làm việc quy định tại Điều 63, Điều 64 BLLĐ năm 2019 và Nghị định quy định về đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. 

Ba là: Người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc. 

Theo Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ sở có yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp, buồng tắm được quy định như sau: 01 – 20 người/buồng đối với doanh nghiệp có từ 01 – 300 người, 21 – 30 người/buồng đối với doanh nghiệp có từ 301 – 600 người, 30 người/buồng đối với doanh nghiệp có từ trên 600 người; buồng vệ sinh kinh nguyệt được quy định như sau: 01 – 30 nữ/buồng đối với doanh nghiệp có từ 01 – 300 người, 30 nữ/buồng đối với doanh nghiệp có trên 300 người. 

Các quy định trên cho thấy Nhà nước đã quan tâm, đáp ứng những nhu cầu thiết thực về vệ sinh của người lao động tại nơi làm việc. Việc tuân thủ các quy định này sẽ giúp cho người lao động thực hiện được những nhu cầu về vệ sinh, phòng tắm, nơi rửa tay, nước uống và nơi để quần áo an toàn. 

Ngoài ra, Chính phủ nên quy định thêm nội dung: “Khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 500 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.” 

Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc tạo điều kiện cho lao động nữ trong việc thực hiện đồng thời chức năng lao động xã hội và chức năng sinh sản, nuôi con nhỏ. Thực tế triển khai quy định về lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc trong thời gian qua cho thấy nhận thức, nhu cầu nuôi con bằng sữa mẹ và vai trò của phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc đã tăng một bước đáng kể so với trước. 

Bốn là: Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. 

Việc thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 136 BLLĐ năm 2019 một cách hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích như sau: (i) Giúp người lao động yên tâm làm việc; (ii) Góp phần xóa bỏ dần định kiến về công việc chăm sóc con nhỏ gắn với phụ nữ, khuyến khích nam giới chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con nhỏ; (iii) Lao động nữ có thể dành nhiều thời gian cho hoạt động sản xuất và phát triển sự nghiệp bản thân, nâng cao vị thế kinh tế và xã hội cho lao động nữ; (iv) Trẻ em được tiếp cận hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, được chăm sóc tốt hơn, an toàn hơn. 

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 136 BLLĐ năm 2019 theo dự đoán có tính khả thi không cao vì chỉ một số ít doanh nghiệp lớn của Nhà nước mới có đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu về mặt bằng đất đai cho xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, về đội ngũ giáo viên nuôi dạy trẻ…

Do đó, để nâng cao tính khả thi của quy định này cần có chính sách khuyến khích của Nhà nước như: Nhà nước cần giảm thuế cho các chi phí mà doanh nghiệp đã chi cho việc hỗ trợ người lao động, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp khi thực hiện các chính sách. Những chi phí của doanh nghiệp hỗ trợ/thanh toán cho xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động được tính là chi phí hợp lý trong sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Nhà nước cần đảm bảo thủ tục hành chính được giải quyết kịp thời, đúng theo thời hạn quy định, cũng như hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục hành chính cần thiết khi xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi