Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Tài sản là gì? Quyền sở hữu tài sản là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 571 Lượt xem

Tài sản là gì? Quyền sở hữu tài sản là gì?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Tài sản là gì? Quyền sở hữu tài sản là gì?

 Khái niệm tài sản 

Điều 163 và Điều 181 Bộ luật dân sự đề cập khái niệm tài sản. Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy, tài sản bao gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản trước hết là những vật (đang có thực hoặc được hình thành trong tương lai) của thế giới vật chất mà con người có thể thực hiện sự chiếm hữu bằng các hành vi cụ thể như nhà cửa, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, vàng bạc, đồ đạc v,v… phục vụ cho hoạt động của con người (tài sản hữu hình).

Có thời kỳ nhiều năm trước đây, trong pháp luật Việt Nam, các quyền tài sản không được xác định là tài sản nên không trở thành đối tượng của giao dịch dân sự. Ngày nay theo pháp luật Việt Nam, ngoài tài sản hữu hình, tài sản còn bao gồm những quyền tài sản (tài sản vô hình) như quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, các quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần góp vốn trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng vv… 

Phân loại tài sản

Tài sản được phân loại theo nhiều cách khác nhau tùy theo tiêu chí sử 

dụng. 

Tài sản được chia thành bất động sản và động sản. Bất động sản là các tài sản bao gồm: 

– Đất đai; 

– Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó; 

– Các tài sản khác gắn liền với đất đai;

– Các loại tài sản khác do pháp luật quy định. 

Động sản là những tài sản không phải là bất động sản. 

Quyền sở hữu đối với bất động sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

Có thể chia tài sản thành vật chính và vật phụ. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính nhưng có thể tách rời vật chính. 

Tài sản cũng được chia thành vật chia được và vật không chia được. Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu. Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia. 

Tài sản còn chia thành vật tiêu hao và vật không tiêu hao. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất,hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. 

Một cách khác là chia tài sản thành vật cùng loại và vật đặc định. Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau. Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.

Khái niệm sở hữu và quyền sở hữu 

Sở hữu (quan hệ sở hữu) là mối quan hệ xã hội về việc chiếm hữu những của cải vật chất trong xã hội. Đây là quan hệ giữa người với người mang nội dung tài sản chứ không phải là quan hệ giữa người với tài sản. Tuy nhiên, quan hệ sở hữu luôn luôn gắn liền với một tài sản nhất định và nó tồn tại trong mọi xã hội có quan hệ xã hội và có tài sản. Mỗi chế độ xã hội có một chế độ sở hữu tương ứng làm cơ sở cho nền sản xuất của xã hội đó. Ở Việt Nam hiện nay, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng. 

Trong xã hội có giai cấp, có nhà nước, các quan hệ sở hữu được pháp luật điều chỉnh, từ đó xuất hiện khái niệm quyền sở hữu. Quyền sở hữu là biểu hiện về mặt pháp lý của các quan hệ sở hữu. Đó là những quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân hay các chủ thể khác trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Giai cấp thống trị củng cố cơ sở kinh tế của mình trước hết bằng cách luật pháp hoá các quan hệ sở hữu. Pháp luật của nhà nước xác nhận, củng cố và bảo vệ các hình thức sở hữu phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị và những điều kiện kinh tế – xã hội của nhà nước trong mỗi thời kỳ. 

Nội dung quyền sở hữu 

Nội dung của quyền sở hữu bao gồm 3 quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. 

Quyền chiếm hữu là quyền của chủ sở hữu tự mình nắm giữ, quản lý tài sản thuộc sở hữu của mình. Thông thường quyền chiếm hữu được thực hiện bởi chủ sở hữu. Nhưng người không phải là chủ sở hữu cũng có quyền chiếm hữu tài sản trong trường hợp được chủ sở hữu chuyển giao hoặc do pháp luật quy định. Người ta phân biệt chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật còn được phân biệt thành chiếm hữu không có căn cứ pháp luật ngay tình và không ngay tình. 

Quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Người chủ sở hữu trực tiếp thực hiện quyền sử dụng thì được thực hiện theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Người không phải là chủ sở hữu cũng có quyền sử dụng tài sản trong trường hợp được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng thông qua hợp đồng hoặc do pháp luật quy định. 

Quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Các hình thức định đoạt thông thường như bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ tài sản… Chủ sở hữu tự mình hoặc uỷ quyền cho người khác định đoạt tài sản của mình. Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Các chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác đều được pháp luật quy định có đủ ba quyền trên trong nội dung quyền sở hữu của mình. Nguyên tắc chung trong việc thực hiện quyền sở hữu là: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác” (Điều 165 Bộ luật dân sự). 

Căn cứ xác lập và chấm dứt quyền sở hữu 

Điều 170 Bộ luật dân sự quy định quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây: 

– Do lao động, do hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp; 

– Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 

– Thu hoa lợi, lợi tức; 

– Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;

– Được thừa kế tài sản; 

– Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên; 

– Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản. 

Quyền sở hữu chấm dứt trong các trường hợp sau đây (Điều 171 Bộ luật dân sự): 

1- Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác;

2- Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình;

3- Tài sản bị tiêu hủy;

4- Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu,

5- Tài sản bị trưng mua;

6- Tài sản bị tịch thu; 

7- Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định; tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu khi họ đã chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản; 

8- Các trường hợp khác do pháp luật quy định. 

Các hình thức sở hữu ở Việt Nam 

Trong phần chế độ kinh tế, Hiến pháp 1992 quy định ở Việt Nam có ba chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân, trong đó Sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng. Trên cơ sở đó, Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu là: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (Điều 172 Bộ luật dân sự). 

Thứ nhất: Sở hữu nhà nước 

“Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định” (Điều 200 Bộ luật Dân sự). 

Nhà nước CHXHCN Việt Nam thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước, cụ thể Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước. 

Quyền sở hữu nhà nước được thực hiện theo những chế độ pháp lý tương ứng đối với các bộ phận tài sản sau đây: 

– Tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước; – Tài sản được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang; 

– Tài sản được giao cho của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; 

– Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước chưa được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý. 

Thứ hai: Sở hữu tập thể

“Sở hữu tập thể là sở hữu của hợp tác xã hoặc các hình thức kinh tế tập thể ổn định khác do cá nhân, hộ gia đình cùng góp vốn, góp sức, hợp tác sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục đích chung được quy định trong Điều lệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng dân chủ, cùng quản lý và cùng hưởng lợi” (Điều 208 Bộ luật dân sự). 

Tài sản thuộc sở hữu tập thể được hình thành từ các nguồn: vốn góp của các thành viên; thu nhập hợp pháp do sản xuất kinh doanh; được Nhà nước hỗ trợ hoặc từ các nguồn khác. Việc thực hiện quyền sở hữu tập thể phải tuân theo pháp luật, phù hợp với điều lệ của mỗi tập thể để bảo đảm sự phát triển ổn định của sở hữu tập thể. 

Sở hữu tập thể là cơ sở kinh tế để hình thành kinh tế tập thể dưới hình thức hợp tác xã và nhiều hình thức khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. 

Thứ ba: Sở hữu tư nhân 

Điều 211 Bộ luật dân sự quy định: “Sở hữu tư nhân là sở hữu của một cá nhân đối với tài sản hợp pháp của mình. Sở hữu tư nhân bao gồm sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân”. 

Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị và bao gồm: thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân. Đối với tài sản mà pháp luật quy định không thể thuộc hình thức sở hữu tư nhân thì cá nhân không được sở hữu đối với những tài sản này. 

Phù hợp với quy định của pháp luật, chủ sở hữu là cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện các mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hoặc đầu tư thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh và các mục đích khác. 

Thứ tư: Sở hữu chung 

Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản. Tài sản thuộc sở hữu chung là tài sản chung. Tài sản chung là một tài sản hoặc một tập hợp tài sản không thể phân chia thành các phần khác nhau và các chủ sở hữu chỉ có thể khai thác được công dụng vốn có của tài sản nếu giữ nguyên kết cấu ban đầu của nó. 

Sở hữu chung chia thành hai loại là sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. 

Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu có thể được xác định đối với tài sản chung. Nếu các chủ sở hữu không có thoả thuận khác thì mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình. Một biểu hiện đặc biệt của sở hữu chung theo phần trong lĩnh vực kinh tế là sở hữu chung hỗn hợp, đó là sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận.

Tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp bao gồm tài sản được hình thành từ nguồn vốn góp của các chủ sở hữu, lợi nhuận hợp pháp thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật. Việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp ngoài việc tuân theo quy định của Bộ luật dân sự còn phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan đến việc góp vốn, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành, trách nhiệm về tài sản và phân chia lợi nhuận, chẳng hạn như Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật đầu từ năm 2005, Luật hợp tác xã năm 2003. 

– Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung. Sở hữu chung hợp nhất lại chia thành sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Các biểu hiện phổ biến của sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung của vợ chồng, sở hữu chung của cộng đồng. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng. 

Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán. Bộ luật dân sự cũng quy định những nguyên tắc trong việc thực hiện các quyền năng của quyền sở hữu chung. Trừ khi có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản (chiếm hữu tài sản) theo nguyên tắc nhất trí. Đối với sở hữu chung theo phần, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung (sử dụng tài sản) tương ứng với phần quyền sở hữu của mình.

Đối với sở hữu chung hợp nhất, các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, nếu không có thỏa thuận khác. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Các chủ sở hữu chung hợp nhất cũng có quyền định đoạt tài sản chung hợp nhất theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Khi một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại. 

Thứ năm: Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp 

– Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được hiểu là sở hữu của cả tổ chức đó đối với một khối tài sản nhằm thực hiện mục đích chung quy định trong điều lệ. 

Tài sản thuộc sở hữu của các tổ chức này được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như sự đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng, cho chung, tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước mà Nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu, từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật. 

Chủ sở hữu là các tổ chức này thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật và phù hợp với mục đích hoạt động được quy định trong điều lệ. 

Ngoài những nội dung trên, Bộ luật dân sự còn quy định việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu trong những trường hợp cụ thể, quy định những biện pháp bảo vệ quyền sở hữu mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản có thể thực hiện khi quyền sở hữu bị xâm phạm, đồng thời cũng có những quy định đặc biệt về quyền sở hữu.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi