Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Sự phát triển của Luật Môi Trường tại Việt Nam
  • Thứ sáu, 03/06/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1897 Lượt xem

Sự phát triển của Luật Môi Trường tại Việt Nam

Sự phát triển của Luật Môi Trường tại Việt Nam như thế nào? Bài viết này sẽ phần nào giải đáp thắc mắc trên cho Quý độc giả.

Luật môi trường là ngành khoa học mới đối với phần lớn các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Điều này có lí do riêng của nó. Pháp luật với tư cách là công cụ điều tiết xã hội luôn luôn phải chịu sự chi phối của nhu cầu xã hội. Khi việc bảo vệ môi trường chưa được ý thức rõ, chưa trở thành thách thức xã hội thì luật môi trường chưa được chú ý. Trong thế kỉ trước và những thập kỉ đầu và giữa của thế kỉ này, khi sự phát triển kinh tế là động lực phát triển của các quốc gia thì tài nguyên, môi trường không phải là vấn đề quan trọng.

>>>>> Tham khảo: Môi trường là gì?

Các quốc gia sẵn sàng khai thác hết tài nguyên để công nghiệp hoá, để phát triển. Môi trường chưa phải là thử thách khi vấn đề phát triển, vấn đề dân số chưa đạt tới sự báo động. Chỉ đến khi tất cả các quốc gia phải đối mặt với sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên, sự mất cân bằng sinh thái và những sự trả thù khốc liệt của thiên nhiên thì vấn đề bảo vệ môi trường mới nổi lên như một thách thức xã hội. Luật môi trường ra đời như là biện pháp giải quyết thách thức đó. Luật môi trường xuất hiện sớm ở các nước phát triển, nơi các thách thức môi trường trở nên quyết liệt hơn do tốc độ công nghiệp hoá, ô nhiễm công nghiệp ở các nước đó. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia sự thách thức của vấn đề môi trường khác nhau, nhất là khi xem xét ở những thành phần cụ thể của môi trường. 

Ở Việt Nam, luật môi trường xuất hiện chậm. Có thể nói trong hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam thì luật môi trường là lĩnh vực mới nhất. Chính vì vậy, lịch sử phát triển của luật môi trường không chứa đựng những sự phân kì phức tạp, những giai đoạn thăng trầm như một số lĩnh vực luật khác. Quá trình phát triển của luật môi trường có thể được chia ra hai giai đoạn chính sau đây: 

– Giai đoạn trước năm 1986: Giai đoạn này luật môi trường với tư cách là lĩnh vực riêng chưa xuất hiện. Trong giai đoạn này chúng ta khó có thể tìm thấy văn bản pháp luật riêng nào về vấn đề môi trường. Trong giai đoạn này, mặc dù Nhà nước đã có những ý tưởng về việc bảo vệ môi trường song việc thể chế hoá các ý tưởng này chưa được toàn diện mặc dù Chính phủ cũng đã có những cố gắng nhất định. Sắc lệnh số 142/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh kí ngày 21/12/1949 quy định việc kiểm soát lập biên bản các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng có thể được coi là văn bản pháp luật sớm nhất đề cập vấn đề môi trường.

Một số văn bản khác của Chính phủ tuy không chính thức điều chỉnh các vấn đề môi trường song cũng có thể coi là có liên quan đến các vấn đề môi trường. Đó là Nghị quyết 36/CP ngày 11/03/1961 của Hội đồng chính phủ về việc quản lý, bảo vệ tài nguyên dưới lòng đất; Chỉ thị số 127/CP ngày 24/05/1971 của Hội đồng Chính phủ về công tác điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên; Chỉ thị số 07/TTg ngày 16/01/1964 về thu tiền bán khoán lâm sản và thu tiền nuôi rừng; Nghị quyết số 183/CP ngày 25/09/1966 về công tác trồng cây gây rừng và đặc biệt là Pháp lệnh về bảo vệ rừng ban hành ngày 11/09/1972. Điều đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là việc coi bảo vệ môi trường là đòi hỏi hiến định.

Điều 36 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Các quan nhà nước, nghiệp, hợp tác xã, đơn vị trang nhân dân công dân đều nghĩa vụ thực hiện chính sách bảo vệ cải tạo tái sinh các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cải tạo môi trường sống. Khái quát lịch sử pháp luật môi trường Việt Nam trong giai đoạn này, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm sau đây: 

+ Các quy định của pháp luật chỉ liên quan đến một số khía cạnh của bảo vệ môi trường xuất phát từ yêu cầu quản lí nhà nước. Các quy định này chưa nhằm trực tiếp vào việc bảo vệ các yếu tố môi trường

+ Các quy định về môi trường hoặc liên quan đến môi trường nằm rải rác trong các văn bản pháp luật đơn hành được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội khác nhau với mục tiêu là đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Khía cạnh môi trường chỉ là phần thứ yếu, phái sinh trong các văn bản đó. Chính vì thế, cách tiếp cận mang tính môi trường chưa thể hiện đậm nét trong các quy định pháp luật ban hành ở giai đoạn này; 

+ Các quy định pháp luật về môi trường trong thời kì này được ban hành chủ yếu bằng hình thức văn bản dưới luật. Ngoại trừ Điều 36 Hiến pháp năm 1980, toàn bộ các quy định còn lại đều được ban hành trong các nghị định, nghị quyết, thông tư, chỉ thị của Chính phủ. 

Tình trạng kém phát triển của pháp luật môi trường trong giai đoạn này, đặc biệt là sự thiếu vắng của luật môi trường trong giai đoạn trước năm 1986 có những lí do của nó. 

+ Trước hết, hoàn cảnh lịch sử của đất nước trong thời kì trước năm 1986 không cho phép đất nước ta chú ý nhiều đến việc bảo vệ môi trường. Tất cả những cố gắng trong thời kì đó đều tập trung cho việc chiến thắng đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc. Tiếp đó, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vấn đề môi trường cũng bị đẩy lùi về phía sau vì mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta là hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế và thoát ra khỏi sự khủng hoảng kinh tế xã hội đang hoành hành từ thời gian sau chiến tranh đến năm 1986, khi chính sách đổi mới được khởi xướng. 

+ Trong giai đoạn trước năm 1986, các biến động xấu của thiên nhiên do sự huỷ hoại môi trường chưa thể hiện ở mức cao. Sự ô nhiễm trong các đô thị và vùng nông thôn chưa đến mức báo động do số lượng ô tô, xe máy, các thiết bị, máy móc có thải chất dioxin chưa được sử dụng nhiều. Phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp cũng được sử dụng ở mức hạn chế. Những lí do đó dẫn tới tình trạng là ít người quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. 

+ Hệ thống pháp luật của Việt Nam trước năm 1986 chưa phải là hệ thống pháp luật hoàn thiện. Cơ chế bao cấp với sự ngự trị của hệ thống chỉ tiêu kế hoạch trong các quan hệ kinh tế, xã hội đã hạn chế sự phát triển của pháp luật. Ngay cả những ngành luật thiết thực nhất cho thời kì đó như luật kinh tế, luật ngân hàng, tài chính vẫn không phát triển. Trong một hệ thống pháp luật như vậy thì sự thiếu vắng của luật môi trường là điều tất yếu.

+ Nội dung các quy định của pháp luật môi trường ở giai đoạn này chưa phản ánh và đáp ứng được những đòi hỏi khách quan hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường. Sự tương hợp của các quy định pháp luật mà Nhà nước ta đã ban hành với các công ước quốc tế còn hạn chế. 

– Giai đoạn từ năm 1986 đến nay: Khủng hoảng kinh tế xã hội cuối những năm 70 và đầu những năm 80 đã dẫn đến những cuộc cải cách kinh tế sâu sắc bằng việc xoá bỏ cơ chế tập trung bao cấp và chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường có định hướng. Việc chuyển nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường đã làm thay đổi nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội.

Sự phát triển của nền kinh tế trong những năm thực hiện chính sách đổi mới đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân của nhiều hiện tượng kinh tế xã hội tiêu cực, trong số đó có suy thoái môi trường. Vì chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá nên các nguồn tài nguyên của đất nước bị khai thác bừa bãi. Nạn dân chúng đua nhau đi đào vàng, khai thác trầm, gỗ quý, đá quý diễn ra ở quy mô lớn đã làm cho môi trường nhiều nơi bị suy thoái nghiêm trọng. Quá trình đô thị hoá dưới tác động của kinh tế thị trường diễn ra khá nhanh chóng cũng đã làm gia tăng sức ép môi trường ở các thành phố và thị xã, nhất là các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Số lượng máy móc thiết bị, ô tô, xe máy tăng lên gấp nhiều lần so với với 10 năm trước đó. Lượng khí thải từ các máy móc thiết bị này đã làm cho môi trường, nhất là môi trường đô thị bị ô nhiễm. 

Sức ép của vấn đề ô nhiễm môi trường tăng lên cùng với việc sử dụng rộng rãi các hoá chất trừ sâu bệnh, các chất kích thích tăng trọng. Nhiều vụ ngộ độc thức ăn đã liên tiếp xảy ở nhiều nơi. Ngộ độc thức ăn là một trong những biểu hiện rõ nét trước mắt của tình trạng ô nhiễm môi trường. – Những hậu quả mà chiến tranh và sự phá hoại của con người đối với rừng bắt đầu khởi động sự trả thù. Những cơn lũ quét diễn ra liên tục ở những nơi rừng bị phá trụi là bằng chứng cho sự trả thù đó. Những vùng đất bị trọc hoá ngày càng có xu hướng lan rộng

Vấn đề môi trường toàn cầu cũng là một thách thức mới. Tầng ôzôn bị thủng làm cho nhiệt độ quả đất nóng dần lên là nguyên nhân của nhiều biến đổi bất thường của khí hậu trên toàn trái đất. Cơn bão Linda, biểu hiện của hiện tượng El Nino là một trong những biến đổi bất thường của khí hậu toàn cầu tại Việt Nam.

Tất cả những nguyên nhân trên đã làm cho vấn đề bảo vệ môi trường trở thành thách thức lớn của xã hội. Bảo vệ môi trường không chỉ còn là đòi hỏi mang tính cục bộ. Nhu cầu đảm bảo cho đất nước sự phát triển bền vững đã đẩy bảo vệ môi trường lên thành một trong những ưu tiên chiến lược của Việt Nam. Kể từ năm 1986, đặc biệt là những năm đầu của thập kỉ thứ 10 của thế kỉ XX, bảo vệ môi trường đã trở thành nguyên tắc hiến định. Luật môi trường được coi là một lĩnh vực quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Những sự kiện chính trong quá trình phát triển luật môi trường ở Việt Nam bao gồm: 

– Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành đã đưa việc bảo vệ môi trường thành điều khoản riêng biệt. Đây là văn bản luật đầu tiên có đề cập vấn đề môi trường. Tiếp đó, các văn bản luật khác như Bộ luật hàng hải năm 1990, Luật đất đai năm 1993, Luật dầu khí năm 1993… đều đưa việc bảo vệ môi trường thành nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác các yếu tố môi trường mà trong đó cá nhân, tổ chức đó hoạt động. 

– Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VII xác định bảo vệ môi trường là bộ phận trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2000. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn trong việc đánh giá vị trí của bảo vệ môi trường phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mặt khác nó cũng tạo điều kiện cho quá trình thể chế hoá việc bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng các chính sách kinh tế, xã hội cụ thể hoặc trong việc ban hành văn bản pháp luật. .

– Hiến pháp năm 1992 đã đưa việc bảo vệ môi trường thành nghĩa vụ hiến định. Đây là một trong những sự kiện hết sức quan trọng đối với sự phát triển của luật môi trường. Hiến pháp là văn bản luật có hiệu lực pháp lí cao nhất. Các quy định trong Hiến pháp là nền tảng của các văn bản pháp luật khác. Điều 17, 29 Hiến pháp năm 1992 là cơ sở hiến định cho việc đưa nghĩa vụ bảo vệ môi trường vào trong các lĩnh vực cụ thể khác của đời sống kinh tế. 

– Bước phát triển nổi bật nhất của luật môi trường là việc Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993. Với việc ban hành đạo luật riêng về môi trường, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định một lần nữa sự quan tâm của mình đối với việc bảo vệ môi trường, điều kiện quan trọng của quá trình phát triển bền vững.  

– Trên thế giới những năm gần đây, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được các quốc gia quan tâm; xu hướng quốc tế hoá về bảo vệ môi trường ngày càng mở rộng. Những điều đó đã tác động tích cực tới sự ra đời phát triển của pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về môi trường, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường đã tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam phát triển.

Với các điều kiện như trên, pháp luật bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn từ năm 1986 tới nay có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng. Hiện tại hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam đã có tương đối đủ các quy định về những vấn đề, những yếu tố khác nhau của môi trường. Sự phát triển của pháp luật môi trường dưới những tác động kể trên đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến nội dung, hình thức của nó. Dưới đây là một số đặc điểm chính của pháp luật môi trường giai đoạn từ năm 1986 đến nay. 

+ Các quy định pháp luật về môi trường đã có nội dung cụ thể và trực tiếp hơn về vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều quy định pháp luật, kể cả các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã xác định cụ thể và chi tiết quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường. Các chính sách phát triển kinh tế, xã hội đề được gắn kết với các vấn đề về môi trường để tạo ra được sự phát triển bền vững. Nhà nước ta đã ban hành đạo luật riêng điều chỉnh các các quan hệ xã hội gắn liền với yếu tố môi trường.

+ Nội dung pháp luật về môi trường giai đoạn từ năm 1986 đến nay đã mang tính toàn diện và hệ thống hơn. Các quy định pháp luật về môi trường đã đề cập hầu hết các yếu tố và các vấn đề của môi trường và bảo vệ môi trường từ chức năng nhiệm vụ quyền hạn của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong khai thác, sử dụng và bảo vệ các yếu tố khác nhau của môi trường. Hệ thống tiêu chuẩn môi trường cũng đã được ban hành để làm cơ sở pháp lí cho việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật môi trường. 

+ Các quy định pháp luật về môi trường đã chú trọng tới khía cạnh toàn cầu của vấn đề môi trường. Tính tương đồng giữa các quy phạm pháp luật môi trường Việt Nam với các quy định trong công ước quốc tế về môi trường được nâng cao. Hệ thống pháp luật môi trường Việt Nam đã khẳng định tính ưu tiên của các quy định trong công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã kí trước các quy định của pháp luật nội địa trong việc giải quyết các vấn đề cụ thể. 

+ Hiệu lực của các quy định của pháp luật môi trường được nâng cao do việc Nhà nước sử dụng nhiều các văn bản luật. Đây là những điều kiện tiền đề rất thuận lợi cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ lĩnh vực môi trường. Chính vì lí do này nên các quy định của pháp luật môi trường đã phát huy được tác dụng của chúng trong thực tế. 

>>>>> Tham khảo: Ô nhiễm môi trường là gì?

Đánh giá bài viết:
5/5 - (3 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi