Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 18622 Lượt xem

Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Tặng cho tài sản là giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng diễn ra phổ biến trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người chưa xác định đúng hoặc không hiểu rõ về các đặc điểm pháp lý của loại hợp đồng này. Do đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản không ít người gặp rủi ro, trở thành bên vi phạm hoặc bị vi phạm trong hợp đồng. Bởi lẽ đó, chúng tôi thực hiện bài viết này để giúp Quý độc giả hiểu rõ hơn về hợp đồng tặng cho tài sản theo Bộ luật dân sự mới nhất – Bộ luật dân sự năm 2015.

Hợp đồng tặng cho tài sản là gì?

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận được quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự về Hợp đồng tặng cho tài sản.

Đặc điểm về hợp đồng tặng cho tài sản theo Bộ luật dân sự

–  Hợp đồng tặng cho tài sản là một hợp đồng không có đền bù

Hợp đồng tặng cho tài sản là một hợp đồng nằm ngoài quy luật trao đổi ngang giá. Trong hợp đồng tặng cho, một bên (bên tặng cho) trao cho bên kia (bên được tặng cho) một khoản lợi ích vật chất (tài sản tặng cho) mà không yêu cầu bên kia phải trao lại cho mình một lợi ích vật chất khác. Người nhận tài sản được tặng cho không phải trả cho bên đã tặng cho một khoản tiền hay một lợi ích vật chất nào.

–  Hợp đồng tặng cho tài sản luôn là hợp đồng thực tế

Trong hợp đồng tặng cho tài sản, dù hai bên đã có sự thoả thuận cụ thể về đối tượng tặng cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời hạn giao tài sản tặng cho nhưng nếu bên tặng cho chưa giao tài sản cho người được tặng cho, thì hợp đồng tặng cho tài sản chưa được coi là xác lập. Các bên trong hợp đồng không có quyền yêu cầu đối với nhau trong việc thực hiện hợp đồng. Việc hứa tặng cho không làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản. Bên được tặng cho không có quyền yêu cầu bên tặng cho phải giao tài sản đã hứa tặng cho.

–  Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản

Do tính chất đặc biệt của hợp đồng tặng cho tài sản không mang tính đền bù tương đương nên pháp luật dân sự có quy định riêng về thời điểm có hiệu lực như sau:

+ Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

+ Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Vi dụ về hợp đồng tặng cho tài sản

Ví dụ một số hợp đồng tặng cho tài sản thực tế là:

Khi A lấy chồng, cha mẹ A tặng cho A một căn nhà làm của hồi môn. A và cha mẹ A đi công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà tại văn phòng công chứng Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

Ông B là bác của X tặng cho X chiếc xe máy khi X đỗ Đại học Ngoại thương. Dựa trên hợp đồng tặng cho xe, X thực hiện thủ tục đăng ký xe tại cơ quan công an quận Đống Đa.


Quý vị có thể tham khảo mục HỎI – ĐÁP Luật dân sự về những nội dung có liên quan đến bài viết trên như sau:

Tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình bị xử lý như thế nào?

Xin chào công ty Luật Hoàng Phi. Tôi là Ngô Tấn Khoa, tôi có một vấn đề xin được Luật sư tư vấn như sau:

Em họ tôi là Nguyễn Việt Dũng có mượn của tôi một chiếc máy ảnh để chụp ảnh trong chuyến du lịch nước ngoài tại Nhật Bản. Hôm Dũng về nước thì bạn thân của Dũng là Thu có ra sân bay đón em ấy. Khi Thu nhìn thấy chiếc máy ảnh này thì Thu rất thích và luôn miệng khen đẹp. Dũng thấy Thu có vẻ thích thú chiếc máy ảnh này nên nói dối là đây là quà Dũng mua từ nước ngoài, nếu Thu thích thì Dũng tặng cho Thu. Tuần trước, tôi mới gặp cô bạn này ở nhà cậu mợ tôi (tức bố mẹ Dũng) thấy Thu đang sử dụng máy ảnh của mình, tôi có nói đây là máy ảnh của tôi và đòi lại thì Thu không trả. Hỏi ra mới biết nội dung câu chuyện như trên. Vậy Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi có được đòi lại máy ảnh không? Liệu Dũng có phải bồi thường gì cho tôi hay không?

Mong được Luật sư tư vấn. Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Hoàng Phi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo như bạn trình bày thì chiếc máy ảnh này là của bạn được anh Dũng mượn để chụp ảnh trong chuyến du lịch nước ngoài của mình. Như vậy, bạn là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc máy ảnh này và sẽ có các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình theo quy định tại Điều 158 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 158. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.”

Điều 159 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các Quyền khác đối với tài sản như sau:

“1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt.”

Như vậy, pháp luật quy định người nào là chủ sở hữu đối với tài sản thì sẽ được thực hiện quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản của mình. Còn đối với những chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản của người khác thì chỉ được thực hiện các quyền hưởng dụng, quyền bề mặt hay quyền đối với bất động sản liền kề. Do đó, trong trường hợp này, việc anh Dũng không phải là chủ sở hữu của chiếc máy ảnh mà tự ý cho người khác chiếc máy ảnh này (thực hiện quyền định đoạt) là trái quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền tự bảo vệ đối với tài sản là chiếc máy ảnh của mình mà không ai có quyền hạn chế, ngăn cấm hay tước đoạt quyền này của bạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 164 Bộ luật dân sự 2015 về Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:

“ 1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

 – Về việc đòi lại tài sản của bạn là chiếc máy ảnh.

 Pháp luật quy định về Quyền đòi lại tài sản tại Điều 166 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“ 1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”

Đồng thời, Điều 165 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật như sau:

“ 1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:

a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;

e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.”

Như vậy, pháp luật chỉ quy định chủ sở hữu được đòi lại tài sản thuộc sở hữu của mình trong trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi từ tài sản không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tuy rằng anh Dũng cho chị Thu chiếc máy ảnh không phải tài sản thuộc sở hữu của mình là không đúng, nhưng do chị Thu không biết rằng chiếc máy ảnh này là của bạn, giữa chị Thu và anh Dũng đã xác lập một quan hệ tặng cho tài sản phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, chị Thu là người ngay tình, không hề biết đây là chiếc máy ảnh của bạn nên chị Thu sẽ không có nghĩa vụ phải hoàn trả lại chiếc máy ảnh cho bạn.

Trường hợp này, bạn chỉ có quyền đòi anh Dũng bồi thường cho bạn, nếu anh Dũng không chịu bồi thường cho bạn thì bạn có quyền khởi kiện anh Dũng ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản cho mình.

Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện?

Câu hỏi:

Ông Tùng nợ tiền anh Đông đã lâu nhưng không chịu trả, do nhiều lần đòi nợ không được nên anh Đông hứa tặng tôi một số tài sản nếu tôi đòi được số tiền mà ông Tùng nợ anh Đông. Vậy việc tặng cho này có cần lập thành văn bản không? Nếu tôi đòi nợ được mà anh Đông từ chối tặng cho thì tôi phải làm thế nào?

Trả lời:

Chào bạn, câu hỏi của bạn về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện Luật Hoàng Phi xin được tư vấn như sau:

Theo điều 466, 467 Bộ luật dân sự: “ Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.”

“ 1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2.Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”

Như vậy nếu tài sản anh Đông hứa tặng bạn là bất động sản thì cần lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

Theo điều 470 Bộ luật dân sự: “ 1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2.Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3.Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Trong trường hợp bạn đã đòi được nợ mà anh Đông từ chối tặng cho tài sản thì bạn có quyền yêu cầu anh Đông thanh toán nghĩa vụ bằng tiền hoặc tài sản khác do hai bên thỏa thuận. Nếu anh Đông từ chối thanh toán thì bạn có quyền khởi kiện đòi tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi