Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Nội dung cơ bản của luật kinh tế
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2346 Lượt xem

Nội dung cơ bản của luật kinh tế

Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhiều loại hình chủ thể kinh doanh khác nhau hình thành. Những nội dung cơ bản của luật kinh tế là gì?

Các loại chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế 

Pháp luật mỗi quốc gia đều có quy định về các loại hình chủ thể kinh doanh, điều kiện, thủ tục để tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh hợp pháp. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều loại hình chủ thể kinh doanh khác nhau hình thành, theo đó, có thể xuất hiện nhiều sự liên kết phức tạp về vốn góp, về quản lý, về tính chất chịu trách nhiệm tài sản, về công nghệ… Sự tồn tại và hoạt động của các chủ thể kinh doanh cần có sự công nhận, bảo hộ từ phía nhà nước và pháp luật là công cụ quan trọng để thực hiện điều này, thể hiện thông qua các nhóm quy định pháp luật kinh tế cơ bản như sau: 

Thứ nhất: Luật Kinh tế quy định các loại hình doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh khác 

– Ở Việt Nam, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ được thành lập và được biết đến sau khi Quốc hội ban hành Luật Công ty năm 1990 và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Công ty TNHH một thành viên, công ty hợp danh chỉ được thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành vào năm 1999 và công ty TNHH một thành viên do một cá nhân làm chủ chỉ được thành lập sau khi Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành và có hiệu lực pháp luật. Sự hiện diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được bắt đầu trên cơ sở quy định của | Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987) với các hình thức cụ thể là doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Các chủ thể kinh doanh này thành lập và hoạt động với tên gọi doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong một thời gian dài, cho đến khi pháp luật về đầu tư tại Việt Nam được nhất thể hoá với sự ra đời của Luật Đầu tư năm 2005. Hiện nay, phụ thuộc vào cấu trúc vốn đầu tư và tính chất liên kết, doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài, đều hiện diện với tên gọi như nhau là công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân v.v… Ngoài ra, pháp luật còn có quy định về một số chủ thể kinh doanh khác như hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các cá nhân không có nghĩa vụ phải đăng ký kinh doanh như người bán hàng rong, quà vặt, có thu nhập thấp. 

Thứ hai: Luật Kinh tế quy định về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường của nhà đầu tư 

Nhà đầu tư có quyền tự do thành lập doanh nghiệp để đầu tư kinh. doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm. Để đảm bảo trật tự và lợi ích xã hội, nhà nước kiểm soát việc thực hiện quyền này thông qua các quy định về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường. Bằng các quy định của Luật Thương mại, nhà nước kiểm soát các yếu tố về vốn đầu tư, ngành nghề kinh doanh, người góp vốn thành lập, người đại diện theo pháp luật, nơi đặt trụ sở chính… Các quy định về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường cũng cho phép xác định tư cách pháp lý hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý trong hoạt động kinh doanh của họ. 

Thứ ba: Luật Kinh tế quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh (trong chương này tạm gọi chung là doanh nghiệp) và của người góp vốn (gọi chung là nhà đầu tư). 

 + Quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có mục đích là xác định rõ phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh trong nền kinh tế. 

Trên cơ sở quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp quy định, Luật Kinh tế quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Đây là những quy định quan trọng xác lập phạm vi thẩm quyền kinh tế của người kinh doanh, là cơ sở đo lường tính chất bình đẳng, không phân biệt đối xử trong hoạt động kinh doanh của các loại hình tổ chức kinh doanh khác nhau. Các quyền cơ bản được pháp luật quy định, bao gồm: Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; Chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; Chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn; Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng; Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu; Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu kinh doanh; Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp… 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải thực hiện các nghĩa vụ cơ bản, đó là: Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh; Tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê; Kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định hoặc tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố; Thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động, báo cáo và các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó; Tuân thủ quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; Thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng… 

+ Quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân góp vốn (nhà đầu tư) có mục đích xác định rõ thẩm quyền của họ với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp. Trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp và trách nhiệm tài sản của nhà đầu tư góp vốn được quy định có sự phân biệt. Với tư cách là chủ sở hữu của tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư (tổ chức, cá nhân đầu tư, góp vốn) có quyền quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty, cơ cấu tổ chức quản lý công ty, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, quyết định tăng vốn điều lệ của công ty; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác, quyết định thành lập công ty con, góp vốn vào công ty khác, tổ chức giám sát và đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty, quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty, quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty…

– Về trách nhiệm của nhà đầu tư, các quy định của Luật Thương mại cho phép xác định phạm vi trách nhiệm tài sản của tổ chức, cá nhân góp vốn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do họ thành lập ra. Nhà đầu tư có thể phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà họ lựa chọn đầu tư góp vốn. D. 

Thứ tư: Luật Kinh tế quy định vấn đề cơ cấu tổ chức quản lý (quản trị nội bộ) của mỗi loại hình doanh nghiệp 

Các quy định của Luật Kinh tế quy định “khung” cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ của từng loại hình doanh nghiệp, phù hợp với tính chất một chủ hay nhiều chủ sở hữu, phù hợp với quy mô thành viên của doanh nghiệp. Các quy định này cho phép nhận diện thống nhất về bộ máy quản lý, thẩm quyền của mỗi chức danh quản lý trong doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi có giao dịch thương mại với nhau và thuận tiện trong các quan hệ pháp luật khác. Trên cơ sở “khung” pháp luật về quản trị nội bộ doanh nghiệp mà luật quy định, mỗi doanh nghiệp có thể chi tiết hoá thông qua Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp trên cơ sở không trái với quy định hiện hành. 

Thứ năm: Luật Kinh tế quy định vấn đề tổ chức lại doanh nghiệp

Hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi doanh nghiệp (gọi chung là tổ chức lại doanh nghiệp) là các nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp trước tác động của các yếu tố thị trường. Tổ chức lại doanh nghiệp giúp thương nhân thực hiện các mục tiêu cạnh tranh thông qua các hình thức tập trung kinh tế hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh phù hợp khác. Tổ chức lại doanh nghiệp có thể cho phép hình thành doanh nghiệp mới và chấm dứt doanh nghiệp cũ chỉ về phương diện pháp lý mà không ảnh hưởng đến sự tồn tại vật chất của doanh nghiệp. Điều này tiết kiệm chi phí giải thể doanh nghiệp cũ và thành lập doanh nghiệp mới, song lại đặt ra những vấn đề phức tạp cần có luật điều chỉnh về kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lý, về quyền của chủ sở hữu, về tổ chức, quản lý doanh nghiệp mới, về thủ tục pháp lý… 

Thứ sáu: Luật Kinh tế quy định điều kiện, thủ tục rút khỏi thị trường của doanh nghiệp (bao gồm thủ tục giải thể và phá sản doanh nghiệp) 

Việc chấm dứt hoạt động và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phải giải quyết các quyền và nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động. Lý do chấm dứt hoạt động và khả năng tài chính ở thời điểm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp rất khác nhau, có thể thanh toán hết các khoản nợ hoặc không đủ khả năng thực hiện việc này. Pháp luật đã quy định điều kiện và thủ tục giải thể để doanh nghiệp rút khỏi thị trường khi chưa mất khả năng thanh toán và quy định điều kiện, thủ tục phá sản cho những doanh nghiệp mất khả năng thanh toán rút khỏi thị trường. Các quy định pháp luật về giải thể, phá sản là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thanh lý tài sản, thanh toán nợ và rút khỏi thị trường một cách hợp pháp.

Quy định về các hoạt động thương mại, đầu tư và hợp đồng trong thương mại và đầu tư

Kinh doanh là hoạt động thuộc chức năng chính của các chủ thể kinh doanh, nằm trong khuôn khổ lý do thành lập và mục tiêu lợi nhuận của họ. Hoạt động kinh doanh diễn ra thông qua các hoạt động đầu tư, góp vốn, các hoạt động thương mại cụ thể như mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ… thông qua các quan hệ hợp đồng, có tự do thoả thuận và thống nhất ý chí và một số các giao dịch khác như tự tổ chức khuyến mại, quảng cáo, tổ chức đấu thầu… Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động thương mại được thực hiện trong khuôn khổ quyền tự do hợp đồng, tự do hoạt động thương mại. Xét ở tầm ảnh hưởng, hoạt động thương mại không chỉ liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, đối tác của doanh nghiệp mà còn có những ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân khác, đến sự phát triển hàng hoá, dịch vụ và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung. Đây là lý do pháp luật cần quy định cơ sở pháp lý cần thiết cho doanh nghiệp tiến hành hoạt động thương mại cụ thể.

Luật Kinh tế điều chỉnh hành vi cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp 

Tự do kinh doanh và tự do khế ước cùng với sự giục giã của quy luật giá trị và bản tính của con người dẫn đến các hoạt động cạnh tranh tự phát có thiên hướng thái quá, cực đoan, nhằm gây rối, ngăn cản, hạn chế hoặc thủ tiêu cạnh tranh của các đối thủ… huỷ hoại động lực phát triển kinh tế. Đây là lý do cần có sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh. Pháp Luật Cạnh tranh là một trong các công cụ điều tiết cạnh tranh của nhà nước, thông qua việc quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh (hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền, tập trung kinh tế), pháp luật chống hành vi cạnh tranh không lành mạnh và quy định về tụng cạnh tranh, thủ tục miễn trừ và xử lý vi phạm pháp Luật Cạnh tranh. 

Quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, đầu tư của tổ chức, cá nhân kinh doanh 

Tranh chấp kinh tế bao gồm các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại của doanh nghiệp, bao gồm cả tranh chấp trong quan hệ đầu tư, mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ… Thông qua các văn bản pháp luật cụ thể, Luật Kinh tế là cơ sở pháp lý để xác định: 

– Quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giải quyết tranh chấp thương mại phát sinh giữa họ với nhau hoặc với chủ thể khác có liên quan; 

– Nghĩa vụ và hành vi vi phạm hợp đồng của các bên có tranh chấp trong hoạt động thương mại; 

– Trách nhiệm pháp lý của bên có hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, biểu hiện ở việc thực hiện các chế tài hợp đồng như phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, huỷ hợp đồng… 

– Cách thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại thông qua tự thương lượng, hoà giải, trọng tài thương mại, toà án. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi