Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Đối tượng điều chỉnh Luật an sinh xã hội
  • Thứ tư, 23/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2761 Lượt xem

Đối tượng điều chỉnh Luật an sinh xã hội

Theo nghĩa rộng, an sinh xã hội bao trùm lên nhiều mặt cuộc sống của con người. Đó là các quan hệ hình thành trong lĩnh vực nhằm ổn định đời sống, nâng cao chất lượng sống của các thành viên xã hội, góp phần ổn định, phát triển và tiến bộ xã hội.

Những quan hệ xã hội là đối tượng của luật anh sinh xã hội Việt Nam 

Như tên gọi của nó, đối tượng của luật an sinh xã hội là những quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực an sinh xã hội. An sinh xã hội là một vấn đề phong phú, phức tạp. là một khái niệm mở” nên có thể hiểu theo hai nghĩa: Rộng và hẹp. 

Theo nghĩa rộng, an sinh xã hội bao trùm lên nhiều mặt cuộc sống của con người. Đó là các quan hệ hình thành trong lĩnh vực nhằm ổn định đời sống, nâng cao chất lượng sống của các thành viên xã hội, góp phần ổn định, phát triển và tiến bộ xã hội. Theo nghĩa này, an sinh xã hội có thể bao gồm các nhóm quan hệ sau: 

– Nhóm quan hệ trong lĩnh vực giải quyết việc làm, chống thất nghiệp: 

– Nhóm quan hệ trong lĩnh vực chăm sóc y tế, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; nhóm quan hệ trong lĩnh vực dân số, kế hoạch hoá gia đình:

– Nhóm quan hệ trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội;

– Nhóm quan hệ trong lĩnh vực cứu trợ xã hội;

– Nhóm quan hệ trong lĩnh vực tru đãi xã hội;

– Nhóm quan hệ trong lĩnh vực môi trường… 

Theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình, trước hết và chủ yếu là những trường hợp bị giảm sút thu nhập đáng kể do gặp những rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tàn tật, mất việc mất người nuôi dưỡng, nghỉ thai sản, về già cũng như các trường hợp bị thiên tai, địch hoa. Đồng thời, xã hội cũng thu đãi những thành viên của mình đã có những hành động xả thân vì nước, vì dân, có những cống hiến đặc biệt cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Theo nghĩa này, an sinh xã hội bao gồm các nhóm quan hệ chủ yếu sau: 

– Nhóm các quan hệ bảo hiểm xã hội; .

– Nhóm các quan hệ cứu trợ xã hội;

– Nhóm các quan hệ ưu đãi xã hội;

– Nhóm các quan hệ bảo hiểm y tế. 

Đây cũng chính là các nhóm quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh chủ yếu của luật an sinh xã hội Việt Nam. Dưới đây chúng ta sẽ xem xét cụ thể từng nhóm quan hệ ấy. 

Các nhóm quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh Luật an sinh xã hội

Nhóm thứ nhất: Quan hệ bảo hiểm xã hội 

Quan hệ bảo hiểm xã hội là tổng hợp các quan hệ kinh tế – xã hội hình thành trong lĩnh vực bảo đảm trợ cấp cho người lao động trong trường hợp họ gặp những rủi ro trong quá trình lao động khiến khả năng lao động giảm sút hoặc khi già yếu không còn khả năng lao động. Theo ILO, bảo hiểm xã hội là trụ cột chính hoặc cơ chế chính trong an sinh xã hội. Bởi vì ngoài bảo hiểm xã hội (Social insurance), hệ thống an sinh hay an toàn xã hội còn bao gồm cứu trợ xã hội (Social asistance), các chế độ trợ cấp và dịch vụ khác. 

Quan hệ về bảo hiểm xã hội có một số điểm đặc trưng sau: 

– Đối tượng hưởng bảo hiểm chủ yếu áp dụng đối với người lao động hiểu theo nghĩa rộng. Đó có thể là công chức, cán bộ nhà nước, người lao động làm công ăn lương”, người lao động ở các khu vực kinh tế khác và những người phục vụ trong lực lượng vũ trang. 

– Hình thức bảo hiểm thường có hai loại là bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Với hình thức bảo hiểm bắt buộc thì mức độ đóng góp và các chế độ được hưởng được quy định cụ thể trong văn bản pháp luật. Còn với hình thức bảo hiểm tự nguyện thì pháp luật thường có quy định mở để cho người tham gia bảo hiểm tự lựa chọn mức thu nhập cần bảo hiểm để đóng góp và hưởng chế độ bảo hiểm. 

– Nguồn trợ cấp bảo hiểm do “các bên” tham gia bảo hiểm đóng góp, chủ yếu là ba bên: Người lao động, người sử dụng lao động, sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm theo tỷ lệ quy định và hình thành nên quỹ bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ tiền tệ tập trung, do cơ quan chức năng quản lý thống nhất theo chế độ tài chính, hạch toán độc lập và được Nhà nước bảo hộ. 

– Mức trợ cấp bảo hiểm chủ yếu căn cứ vào mức độ đóng góp của người lao động vào quỹ bảo hiểm xã hội nhiều hay ít và mức độ rủi ro, thương tật của người lao động cao hay thấp. Về cơ bản, mức hưởng bảo hiểm được quán triệt theo nguyên tắc “phân phối theo lao động”. Tuy nhiên, trong một số trường hợp còn vận dụng cả nguyên tắc tương trợ “lấy số đông bù số ít”. 

– Chế độ hưởng và thời gian hưởng bảo hiểm bao gồm các chế độ trợ cấp như: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất và thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thường là ổn định và lâu dài. 

Quan hệ về bảo hiểm được phân ra làm hai loại: 

– Quan hệ trong việc tạo lập quỹ bảo hiểm xã hội (nguồn trợ cấp); 

– Quan hệ trong việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội (chi trả các khoản trợ cấp). 

Nhóm thứ hai: Quan hệ cứu trợ xã hội 

Cứu trợ xã hội bao gồm tổng hợp các hình thức và biện pháp khác nhau nhằm trợ giúp các đối tượng thiệt thòi, yếu thể hoặc bị hẫng hụt trong cuộc sống mà bản thân họ không có đủ khả năng tự lo liệu, giải quyết được. Thông qua sự trợ giúp mà tạo cho họ điều kiện tồn tại và cơ hội hoà nhập với cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo ổn định và công bằng xã hội. Quan hệ cứu trợ xã hội là quan hệ hình thành giữa “người cứu trợ” và “người được cứu trợ”. Người cứu trợ là người có trách nhiệm hoặc là người có khả năng cứu trợ. Đó có thể là Nhà nước, cộng đồng nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Người được cứu trợ là những cá nhân công dân thực sự có nhu cầu cứu trợ, do đang gặp những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh. 

Nhìn chung, quan hệ về cứu trợ xã hội có một số những điểm đặc trưng sau: 

– Đối tượng cứu trợ là các công dân nói chung đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất và tinh thần. Đó có thể là người có quan hệ lao động hoặc không có quan hệ lao động, có thể là người già hoặc trẻ em, người tàn tật, người lang thang, người mắc các chứng bệnh xã hội… 

– Hình thức cứu trợ chủ yếu gồm hai hình thức là cứu trợ thường xuyên và cứu trợ đột xuất. Cứu trợ thường xuyên thường áp dụng đối với những người hoàn toàn không thể tự lo được cuộc sống trong thời gian dài hoặc trong suốt cả cuộc đời của họ. Cứu trợ đột xuất thường áp dụng đối với những người không may bị thiên tai mất mùa hoặc gặp những biến cố bất thường mà không có nguồn sinh sống tức thời. 

– Nguồn cứu trợ chủ yếu là từ ngân sách nhà nước hoặc từ các nguồn ủng hộ của nhân dân và cộng đồng quốc tế. Người thụ hưởng không phải đóng góp bất kỳ khoản nào vào quỹ cứu trợ. 

– Mức trợ cấp và thời gian hưởng trợ cấp cấp căn cứ chủ nếu vào mức độ khó khăn của người được cứu trợ và vào nguồn cứu trợ. Ngoài trợ cấp bằng tiền, có thể có trợ giúp bằng hiện vật. 

Nhóm thứ ba: Quan hệ ưu đãi xã hội 

Ưu đãi xã hội (social privilege) là sự đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với những người có công với nước, với dân, với cách mạng (và thành viên của gia đình) nhằm ghi nhận những công lao đóng góp, hy sinh cao cả của họ. Trong hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, ưu đãi xã hội có vị trí to lớn và đặc biệt. Nó có vị trí to lớn, vì trải qua những năm tháng lâu dài, gian khổ của chiến tranh giữ nước thì số lượng những thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng là khá lớn (khoảng 6.3 triệu người, chiếm tỷ lệ trên 8% dân số). Nó đặc biệt, vì ưu đãi xã hội trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật về an sinh xã hội là một nét đặc thù của pháp luật an sinh xã hội của Việt Nam. Điều này chẳng những thể hiện trách nhiệm xã hội của Nhà nước mà còn nói lên đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc. 

Quan hệ ưu đãi xã hội hình thành giữa hai bên: “người ưu đãi” và “người được ưu đãi”. Người ưu đãi thường là Nhà nước, người đại diện và thay mặt cho quốc gia có trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa đối với những cống hiến, hy sinh của người có công.

Ngoài ra, người ưu đãi cũng còn bao gồm các tổ chức, cộng đồng nhân dân trong nước cũng như nước ngoài. Người được ưu đãi là những cá nhân đã có những cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người được ưu đãi, trong một số trường hợp cũng còn có thể là thân nhân của người có công.

Quan hệ ưu đãi xã hội có một số điểm đặc trưng sau: 

– Đối tượng ưu đãi là người có công với cách mạng và thân nhân của họ, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước tháng tám năm 1945, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bà mẹ Việt Nam anh hùng; anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh… 

– Nguồn trợ cấp ưu đãi chủ yếu do ngân sách nhà nước cấp. Ngoài ra, còn được huy động từ các nguồn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước. 

– Chế độ ưu đãi bao gồm các chế độ trong các lĩnh vực khác nhau như: Y tế, giáo dục đào tạo, lao động, việc làm, trợ cấp trong đời sống sinh hoạt… 

– Mức trợ cấp ưu đãi và thời gian hưởng: Mức trợ cấp căn cứ vào thời gian và mức độ cống hiến, hy sinh của người có công. Nhìn chung, mức trợ cấp đảm bảo sao cho đời sống vật chất và tinh thần của người hưởng trợ cấp ít nhất bằng mức sống trung bình của người dân ở nơi họ cư trú. Thời gian hưởng trợ cấp ưu đãi tương đối ổn định, lâu dài. 

Nhóm thứ tư: Quan hệ bảo hiểm y tế 

Quan hệ bảo hiểm y tế là các quan hệ xã hội hình thành giữa người tham gia bảo hiểm y tế, tổ chức bảo hiểm y tế và cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong quá trình chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện. 

– Đối tượng tham gia bảo bảo hiểm y tế chủ yếu là các công dân Việt Nam, không phân biệt theo bất cứ tiêu chí nào. 

– Nguồn kinh phí thực hiện bảo hiểm y tế chủ yếu là từ nguồn đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước. 

– Chế độ bảo hiểm y tế cho người tham gia chủ yếu bao gồm các chi phí về chăm sóc y tế, thuốc chữa bệnh và vật tư y tế… theo yêu cầu khám chữa bệnh và theo quy định. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (11 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi