Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Giải thích giao dịch dân sự
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1420 Lượt xem

Giải thích giao dịch dân sự

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ từ giao dịch có thể là hành vi cố ý, có thể vô ý hoặc có thể thực hiện sai do không hiểu hết nội dung của giao dịch.

Giải thích giao dịch dân sự là gì?

Giải thích giao dịch dân sự là làm rõ nội dung của giao dịch dân sự có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thông thường, việc giải thích giao dịch dân sự được thực hiện theo thứ tự sau đây:

1/ Theo ý chí đích thực của các bên khi xác lập giao dịch;

2/ Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch;

3/ Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập.

Việc giải thích nội dung hợp đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 404 Bộ luật dân sự, việc giải thích nội dung của di chúc được thực hiện theo quy định tại điều 648 Bộ luật dân sự.

Tư vấn quy định Giải thích giao dịch dân sự

Trong cuộc sống, những tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch dân sự thường diễn ra không ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hoặc là bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình với bên có quyền. Hành vi không thực hiện nghĩa vụ từ giao dịch có thể là hành vi cố ý, có thể vô ý hoặc có thể thực hiện sai do không hiểu hết nội dung của giao dịch.

Thực trạng này vẫn tồn tại là do khi xác lập giao dịch, các bên tham gia đã thỏa thuận và thể hiện sự thỏa thuận không chuẩn, không diễn tả được ý chí tự nguyện của mình một cách chuẩn xác và còn có nhiều nội dung của giao dịch không được làm rõ, khó hiểu hoặc có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Xuất phát từ thực trạng này, Điều 212 BLDS quy định về giải thích giao dịch dân sự là một quy định cần có để điều chỉnh quan hệ giao dịch có nội dung không thể hiện rõ ràng, cụ thể các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch.

Căn cứ vào quy định tại Điều 121 BLDS năm 2015 thì việc giải thích giao dịch dân sự được thực hiện đối với giao dịch mà theo quy định tại khoản 1 là: Giao dịch có nội dung không rõ ràng, khó hiểu, được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau và không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này thì việc giải thích giao dịch đó được thực hiện theo các thứ tự theo quy định tại các điểm a, b và c của khoản 1, Khoản 2 Điều 121 quy định việc giải thích hợp đồng được thực hiện theo quy dịnh tại Điều 404 Bộ luật và việc giải thích nội dung di chúc được thực hiện theo quy định tại Điều 648 Bộ luật.

Như vậy, giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 BLDS mà tại phần trên chúng tôi đã xác định nội dung Điều 116 BLDS là một quy phạm định nghĩa: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” 

Xét về logic thì mọi hợp đồng là giao dịch, nhưng không phải mọi giao dịch là hợp đồng. Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên, còn giao dịch có giao dịch đa phương (hợp đồng) và giao dịch mang tính chất đơn phương (không có thỏa thuận).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 121 BLDS năm 2015, chỉ nhằm điều chỉnh quan hệ giao dịch trong phạm vi rất hẹp. Bởi vì khoản 2 Điều 121 đã xác định phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 theo phương thức loại trừ việc giải thích hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 404 và giải thích nội dung của di chúc được quy định tại Điều 648 BLDS. Như vậy, chế định hợp đồng và chế định thừa kế trong BLDS năm 2015 không được viện dẫn để giải thích giao dịch dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 121.

Với thực trạng pháp luật này thì sự cần thiết phải xác định những giao dịch còn lại là những giao dịch không phải là hợp đồng và giao dịch không phải là di chúc, vì việc giải thích hợp đồng và di chúc đã được viện dẫn tại khoản 2 Điều 121 BLDS.

Vì vậy, những giao dịch còn lại trong phạm vi theo quy định tại khoản 2 Điều 121 là những giao dịch được giải thích nếu có tranh chấp về cách hiểu giao dịch. Những giao dịch thuộc phạm vi giải thích đã xác định phổ biến là những giao dịch trong việc tổ chức cuộc thi người đẹp Việt Nam, tổ chức phát hành xổ số kiến thiết, tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật…

Khi giải thích giao dịch, cần thiết phải giải thích theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch. Mục đích là những lợi ích nhất định mà chủ thể của giao dịch luôn luôn quan tâm để đạt được. Mục đích đó phù hợp với ý chí và sự bày tỏ ý chí của các chủ thể vào thời điểm xác lập giao dịch.

Tập quán nơi giao dịch được xác lập cũng là một căn cứ để các chủ thể áp dụng vào việc giải thích giao dịch.

Tập quán, xét về mặt dân tộc và văn hoá – xã hội thì tập quán được hiểu dựa trên những nét cơ bản là những phương thức ứng xử giữa người với người đã được định hình và được xem như một dấu ấn, một điểm nhấn tạo thành nề nếp, trật tự trong lối sống của cá nhân trong quan hệ nhiều mặt tại một cộng đồng dân cư nhất định.

Tập quán có đặc điểm là bất biến, bền vững, do vậy, rất khó thay đổi. Trong những quan hệ xã hội nhất định, tập quán được biểu hiện và định hình một cách tự phát hoặc được hình thành và tồn tại, ổn định thông qua nhận thức của chủ thể trong một quan hệ nhất định và tập quán được bảo tồn thông qua ý thức của quá trình giáo dục có định hướng rõ nét.

Như vậy, tập quán được hiểu như những chuẩn mực xử sự của các chủ thể trong một cộng đồng nhất định và còn là tiêu chí để đánh giá tính cách của một cá nhân tuân theo hay không tuân theo những chuẩn mực xử sự mà cộng đồng đã thừa nhận và áp dụng trong suốt quá trình sống, lao động, sinh hoạt tạo ra vật chất và những quan hệ liên quan đến tài sản, đến tình cảm của con người trong cộng đồng. Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng và bản lĩnh văn hoá có tính độc lập tương đối giữa các dân tộc. Do vậy, tập quán của mỗi dân tộc đều có những nét đặc thù, khác nhau. Câu ngạn ngữ: “Luật vua thua lệ làng” đã phản ánh đúng thực trạng về tập quán của mỗi dân tộc ở Việt Nam.

Tập quán pháp được hiểu là một hệ thống các quy tắc xử sự dựa trên cơ sở của các tập quán có những nội dung phù hợp với đời sống xã hội, không trái đạo đức xã hội và được nhà nước thừa nhận. Tập quán pháp được áp dụng nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Với nguồn gốc hình thành, tập quán pháp là một hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất.

Trong quan hệ xã hội tại một cộng đồng thì tập quán pháp hình thành, tồn tại và được áp dụng trong việc đánh giá và giải quyết những tranh chấp giữa các chủ thể liên quan đến quan hệ tài sản, lưu thông tài sản và sinh hoạt trong cộng đồng.

Tập quán pháp là những chuẩn mực xử sự trong cộng đồng được hình thành, tạo thành hệ thống các quy tắc mà hạt nhân của nó là các tập quán được nhà nước thừa nhận để nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Như vậy, tập quán pháp được xem là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụng nhiều trong nhà nước có chế độ chủ nô. Như một sự kế thừa lịch sử, tập quán pháp cũng được lưu truyền và tồn tại trong nhà nước thời kỳ phong kiến, nhà nước tư sản theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ.

Tại hai quốc gia Anh quốc và Hoa Kỳ thì án lệ rất được coi trọng. Luật của Anh có thể được xem là luật án lệ điển hình trên thế giới. Do có việc tôn trọng án lệ, nên yêu cầu của các toà án là phải được tổ chức thành một hệ thống có tính tập trung cao.

Ở Việt Nam, sau khi thành lập nhà nước dân chủ nhân dân, bên cạnh những văn bản pháp luật của nhà nước, án lệ đã được coi có vai trò tương tự những quy phạm pháp luật. Sắc lệnh ngày 10/10/1945 đã cho phép áp dụng luật lệ của chế độ cũ, trong đó có những quy định về quyền thừa kế, chỉ loại trừ những điều khoản trái với nền độc lập và dân chủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Đặc biệt, Sắc lệnh số 97-SL ngày 22/5/1950 về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật và chiểu theo Sắc lệnh ngày 10/10/1945 tạm giữ các luật lệ hiện hành tại Việt Nam để thi hành cho đến khi ban hành các bộ luật mới cho toàn cõi Việt Nam.

Theo tinh thần của Thông tư số 19-NHH ngày 30/6/1955 của Bộ Tư pháp và Chỉ thị số 772-TATC ngày 10/7/1959 của Toà án nhân dân (TAND) tối cao hướng dẫn TAND các cấp trong khi xét xử, ngoài việc áp dụng pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp về thừa kế, còn có thể căn cứ vào án lệ. Nhưng thực chất, hướng dẫn áp dụng án lệ của TAND tối cao không có tính chất bắt buộc đối với các TAND địa phương. Vì theo Thông tư số 19-VHH và Chỉ thị số 772-TATC cũng chỉ có những hướng dẫn Tòa án các cấp có thể căn cứ vào án lệ” mà không có tính chất bắt buộc.

Như vậy, án lệ không được khuyến khích áp dụng trong việc giải quyết một số vụ việc dân sự. Hơn nữa, án lệ không được vận dụng phổ biến, vì Hiến pháp năm 1946 quy định tại Điều 69 nguyên tắc trong khi xét xử, các viên thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp”. 

Như vậy, kể từ khi có Hiến pháp năm 1959 ở Việt Nam, án lệ không được thừa nhận áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự.

Nội dung Điều 5 BLDS năm 2015 là một quy định nhằm mở rộng thẩm quyền của TAND trong khi giải quyết những tranh chấp bằng việc áp dụng tập quán, trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận. Hơn nữa, theo quy định tại điều này, trong trường hợp không có tập quán để áp dụng thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, việc áp dụng tập quán chỉ thực hiện khi thỏa mãn hai điều kiện: thứ nhất, pháp luật khômg có quy định; thứ hai, các bên không có thỏa thuận.

Giao dịch dân sự vô hiệu Điều 112, Điều 123, Điều 124, Điều 125, Điều 126, Điều 127, Điều 128, Điều 129, Điều 130, Điều 131 BLDS

Giao dịch dân sự là phương tiện pháp lý được các chủ thể trong bất kỳ xã hội có tư hữu nào cũng sử dụng để đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của mình hoặc vì lợi ích của người thứ ba. Phần lớn giao dịch dân sự là hợp đồng. Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên chủ thể nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Ngoài giao dịch là hợp đồng, giao dịch dân sự còn là phương tiện pháp lý để chủ thể tự định đoạt tài sản của mình theo ý chí với tư cách đơn phương (Hành vi pháp lý đơn phương, giao dịch một bên) như việc cá nhân lập di chúc, một tổ chức tổ chức cuộc thi sáng tạo trí tuệ, một tổ chức tổ chức cuộc thi người đẹp, một công ty tài chính, ngân hàng phát hành xổ số kiến thiết khu vực hoặc liên tỉnh hoặc tỉnh…

Ngoài ra, giao dịch dân sự còn phổ biến từ sự kiện hứa thưởng và thi có giải thường được tổ chức để tìm kiếm tài năng trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, trong lĩnh vực tạo ra của cải vật chất hoặc tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và các cuộc thi sáng tạo trí tuệ khác.

Pháp luật quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, cũng đồng thời có những quy định về giao dịch dân sự vô hiệu toàn bộ, một phần và hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu và thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi