Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 901 Lượt xem

Đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp

Mỗi bên thương lượng tập thể có quyền mời tổ chức đại diện cấp trên của mình cử người tham gia là đại diện thương lượng và bên kia không được từ chối. Đại diện thương lượng tập thể của mỗi bên không được vượt quá số lượng quy định tại khoản 1 Điều 69 BLLĐ, trừ trường hợp được bên kia đồng ý.

Pháp luật quy định thế nào về Đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp?

Điều 69 Bộ luật lao động quy định về đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp như sau:

Điều 69. Đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp

1. Số lượng người tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do các bên thỏa thuận.

2. Thành phần tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do bên đó quyết định. 

Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì tổ chức đại diện có quyền yêu cầu thương lượng quyết định số lượng đại diện của mỗi tổ chức tham gia thương lượng. 

Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể theo quy định tại khoản 3 Điều 68 của Bộ luật này thì số lượng đại diện của mỗi tổ chức do các tổ chức đó thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì từng tổ chức xác định số lượng đại diện tham gia tương ứng theo số lượng thành viên của tổ chức mình trên tổng số thành viên của các tổ chức. 

3. Mỗi bên thương lượng tập thể có quyền mời tổ chức đại diện cấp trên của mình cử người tham gia là đại diện thương lượng và bên kia không được từ chối. Đại diện thương lượng tập thể của mỗi bên không được vượt quá số lượng quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp được bên kia đồng ý

Tư vấn về Đại diện thương lượng tập thể tại doanh nghiệp

Nếu như Điều 68 của BLLĐ năm 2019 quy định về tổ chức đại diện người lao động ở cấp doanh nghiệp có quyền thương lượng tập thể thì Điều 69 quy định về đại diện của các bên thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp là ai? 

Khoản 1 Điều 69 quy định số lượng người tham gia thương lượng tập thể của mỗi bên do các bên thỏa thuận. Đây là quy định tuân thủ nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể. Và như vậy, số lượng người tham gia thương lượng tập thể của các bên không nhất thiết phải bằng nhau.

Thông thường, bên đại diện người lao động cần số lượng người tham gia thương lượng tập thể đông hơn so với bên người sử dụng lao động nhằm bảo đảm tính đại diện và để góp phần cân bằng sức mạnh” thương lượng với bên người sử dụng lao động. 

Khoản 2 Điều 69 quy định mỗi bên tự quyết định về thành phần tham gia thương lượng. Đây là vấn đề không phức tạp với bên người sử dụng lao động, song với bên đại diện người lao động thì phức tạp hơn trong trường hợp có nhiều tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng. 

– Trường hợp bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể quy định tại khoản 2 Điều 68 thì tổ chức đại diện đáp ứng yêu cầu về số lượng thành viên tối thiểu và là đại diện nhất đồng ý cho các tổ chức đại diện người lao động khác tham gia, khoản 2 Điều 69 của Bộ luật trao cho tổ chức đại diện có quyền yêu cầu thương lượng quyết định số lượng đại diện của mỗi tổ chức tham gia thương lượng. Nếu các tổ chức đại diện khác không đồng ý với quyết định phân bổ số lượng đại diện tham gia thương lượng thì có thể rút khỏi thương lượng tập thể cũng theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. 

Nếu bên người lao động có nhiều tổ chức đại diện tham gia thương lượng tập thể trên cơ sở các tổ chức này kết hợp với nhau do không tổ chức nào đáp ứng được yêu cầu về số lượng thành viên tối thiểu thì khi đó số lượng đại diện của mỗi tổ chức do các tổ chức đó thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì từng tổ chức xác định số lượng đại diện tham gia tương ứng theo số lượng thành viên của tổ chức mình trên tổng số thành viên của các tổ chức. 

Có thể thấy, tất cả những quy định trên của Điều 69 BLLĐ năm 2019 đều tuân thủ nguyên tắc tự nguyện trong thương lượng tập thể, trao quyền cho các bên thương lượng quyết định về chính những vấn đề của mình trong thương lượng tập thể. Đây là cách tiếp cận phù hợp với các nguyên tắc của thương lượng tập thể theo các tiêu chuẩn của ILO, trong đó có các tiêu chuẩn trong Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. 

Một nội dung đáng chú ý khác của Điều 69 là quy định tại khoản 3, theo đó, trong phạm vi số lượng người tham gia thương lượng tập thể đã được các bên thống nhất, mỗi bên thương lượng tập thể có quyền mời tổ chức đại diện cấp trên của mình cử người tham gia là đại diện thương lượng. Ví dụ, nếu bên thương lượng tập thể là công đoàn cơ sở thì có thể mời công đoàn cấp trên là liên đoàn lao động huyện, tỉnh hoặc công đoàn các khu công nghiệp… cử người tham gia thương lượng.

Điều quan trọng là BLLĐ đã quy định rõ, trong trường hợp này, bên đối tác thương lượng tập thể phải chấp nhận sự tham gia thương lượng tập thể của các tổ chức cấp trên đó. Việc từ chối sự tham gia thương lượng tập thể của những đại diện này bị xem là một trong những hành vi vi phạm nghĩa vụ thương lượng thiện chí. 

Đây là quy định có thể tìm thấy ở thực tiễn pháp lý của khá nhiều quốc gia, phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của ILO và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể thực chất và hiệu quả. Sự tham gia thương lượng tập thể của các tổ chức cấp ngoài doanh nghiệp vào thương lượng tập thể cấp doanh nghiệp sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn, hạn chế về năng lực, kỹ năng và nhất là vị thế của các tổ chức đại diện người lao động ở cấp doanh nghiệp khi tiến hành thương lượng tập thể, từ đó giúp cho quá trình thương lượng tập thể được thực chất và hiệu quả hơn. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi