Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Công ty vi phạm quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi thì xử phạt như nào?
  • Thứ ba, 19/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 6883 Lượt xem

Công ty vi phạm quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi thì xử phạt như nào?

Công ty tôi vi phạm quy định về thời gian làm việc bình thường, thời gian nghỉ ngơi đối với người lao động thì bị xử phạt như thế nào? Việc công ty không cho nghỉ vào ngày lễ hàng năm và trả lương như đối với ngày làm việc bình thường thì phạt ra sao?

Câu hỏi:

Xin chào công ty Luật Hoàng Phi. Tôi là Nguyễn Thanh Hà, tôi có một vấn đề xin được tư vấn như sau:

Hiện nay tôi đang làm việc cho một công ty giày da xuất khẩu. Lúc đầu khi mới vào làm việc thì tôi được công ty thỏa thuận hợp đồng với thời gian làm việc là ngày làm 8h, thỉnh thoảng tùy theo khối lượng công việc mà có thể phải tăng ca. Tuy nhiên, sau khi làm việc được hai tháng, công ty bắt đầu bắt nhân viên chúng tôi làm việc quá thời gian quy định. Có ngày chúng tôi phải làm 10h, có ngày phải làm hơn 12h mà không có bất kỳ thông báo gì về việc tăng ca, làm thêm giờ. Thời giờ làm việc không đúng quy củ, khi nào làm xong việc hôm đó mới được nghỉ. Có tuần chúng tôi phải làm việc liên tục, không được nghỉ một ngày nào. Không chỉ vậy, công ty còn không cho nghỉ những ngày lễ mà theo quy định của pháp luật, người lao động được nghỉ. Chúng tôi làm công việc vào ngày lễ nhiều hơn ngày thường mà lương chỉ được tính như ngày làm việc bình thường. Hiện tại, nhân viên chúng tôi đang rất bức xúc. Tôi muốn hỏi Luật sư trong trường hợp, công ty vi phạm quy định của pháp luật về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và ngày nghỉ lễ thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Quyền lợi của nhân viên chúng tôi được bảo vệ ra sao?

Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Hoàng Phi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Theo như bạn trình bày, công ty bạn hiện nay không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thời gian làm việc của người lao động là ngày làm 8h, mà thường xuyên bắt nhân viên làm việc quá giờ, khi nào xong công việc mới cho nghỉ. Không chỉ vậy, những ngày nghỉ lễ nhân viên vẫn phải đến công ty làm mà lương lại chỉ được tính như ngày thường. Như vậy, công ty bạn đã vi phạm các quy định của pháp luật lao động, mà cụ thể là các quy định liên quan đến thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết năm.

Thứ nhất, Về thời giờ làm việc bình thường.

Căn cứ theo quy định tại Điều 104 Bộ luật lao động 2012 về Thời giờ làm việc bình thường như sau:

“1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”.

Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần. Nhưng công ty bạn lại không quy định cụ thể thời gian làm việc là theo giờ (trong ngày) hay là làm việc theo tuần. Nếu làm việc theo giờ thì không được quá 8h/ngày; còn nếu làm việc theo tuần thì thời gian làm việc bình thường cũng không được quá 10h/ngày. Hơn nữa, việc quy định thời giờ làm việc còn phụ thuộc vào tính chất công việc người lao động thực hiện có nằm trong danh mục các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không. Nếu là công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành thì thời gian làm việc không được quá 06h/ngày. Mà theo như bạn trình bày, công ty thường xuyên bắt nhân viên làm việc quá thời gian, có ngày phải làm 10h, có ngày phải làm đến 12h mới được nghỉ. Hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc đối với người lao động và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP về Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau:

“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định;

b) Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật;

c) Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đi với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.”
Công ty vi phạm quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi thì xử phạt như nào?

Xử phạt vi phạm về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi

Thứ hai: Về ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, tết.

Khoản 1, Điều 110 Bộ luật lao động 2012 quy định về Nghỉ hàng tuần như sau:

“1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì mỗi tuần, người lao động sẽ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Ngày nghỉ hàng tuần do người sử dụng lao động quyết định vào ngày chủ nhật hoặc vào một ngày cố định khác trong tuần, được ghi vào trong nội quy lao động của công ty. Trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động khiến cho người lao động không thể nghỉ hàng tuần thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất là 04 ngày. Do vậy, việc công ty bạn không sắp xếp ngày nghỉ cố định hàng tuần cho nhân viên, có tuần còn làm việc cả tuần không được nghỉ là vi phạm quy định của pháp luật về ngày nghỉ hàng tuần.

Khoản 1, Điều 115 Bộ luật lao động 2012 quy định về Nghỉ lễ, tết như sau:

“1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”

Như vậy, đối với các ngày lễ, tết, người lao động được nghỉ làm việc và được hưởng nguyên lương. Do đó, việc công ty bạn không cho nhân viên nghỉ vào những ngày lễ mà pháp luật cho phép người lao động được nghỉ là vi phạm quy định của pháp luật.

Khi người lao động làm việc vào ngày lễ, tết thì tiền lương của người lao động được tính theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 97 Bộ luật lao động 2012 như sau:

“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:

c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.”

Do đó, việc nhân viên làm việc vào những ngày nghỉ lễ, tết thì lương mà người lao động phải trả phải ít nhất bằng 300%. Việc công ty bạn trả lương như đối với ngày làm việc bình thường là vi phạm quy định của pháp luật.

Đối với việc công ty không trả lương làm việc vào ngày nghỉ lễ theo đúng quy định thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

“3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Do vậy, tùy theo số lượng lao động mà công ty vi phạm về mức tiền lương mà công ty bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo một trong các mức phạt quy định như trên.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi