Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Ưu đãi xã hội gồm những chế độ nào?
  • Thứ ba, 22/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1309 Lượt xem

Ưu đãi xã hội gồm những chế độ nào?

Tùy thuộc vào từng đối tượng mà người có công với cách mạng và thân nhân của họ được hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

Ưu đãi xã hội gồm những chế độ nào? nội dung này sẽ được chúng tôi giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Chế độ ưu đãi trợ cấp 

Ưu đãi trợ cấp là hình thức ưu đãi bằng tiền để giúp đỡ về đời sống cho đối tượng hưởng ưu đãi. Mức trợ cấp ưu đãi căn cứ vào cống hiến, hy sinh và hoàn cảnh sống thực tế của đối tượng, cân đối với điều kiện kinh tế xã hội và tương quan mức sống trung bình của cộng đồng dân cư, ngoài ra, cũng tính đến sự phù hợp với chính sách tiền lương và trợ cấp cho các đối tượng khác.

Đây là chế độ chính trong các chế độ ưu đãi xã hội không chỉ vì nó có ý nghĩa thiết thực đối với người được ưu đãi mà do còn được áp dụng đối với hầu hết các đối tượng ưu đãi. Bên cạnh ý nghĩa giúp đỡ về vật chất, sự trợ cấp ưu đãi cũng thể hiện lòng biết ơn, trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với người được ưu đãi. 

Tùy thuộc vào từng đối tượng mà người có công với cách mạng và thân nhân của họ được hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi. Cụ thể, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 được hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng. Người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 được hưởng trợ cấp hàng tháng. Thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử.

Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ, con liệt sĩ từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn đi học, con liệt sĩ bị bệnh, tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được trợ cấp tuất hàng tháng.

Ngoài ra, trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ sống cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi từ 18 tuổi trở xuống hoặc trên 18 tuổi nếu còn đi học, con liệt sĩ bị bệnh, tật nặng từ nhỏ khi hết thời hạn hưởng trợ cấp tiền tuất vẫn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thân nhân của hai liệt sĩ trở lên thì còn được trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp ưu đãi như đối với liệt sĩ và được hưởng phụ cấp hàng tháng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động được hưởng trợ cấp hàng tháng. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được hưởng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh, bệnh binh được hưởng trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động.

Người hoạt động háng chiến bị nhiễm chất độc hoá học được hưởng trợ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động.

Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được hưởng trợ cấp một lần. Người có công giúp đỡ cách mạng tùy từng trường hợp mà được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng.

Mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi cụ thể đối với từng đối tượng người có công được Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ. Hiện tại, mức trợ cấp được xác định theo Nghị định số 47/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/5/2012. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.110.000 đồng. 

Chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo 

Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu quyết định sự phát triển của đất nước, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư có ý nghĩa phát triển nhất. Đối với những người có công, việc nâng cao trình độ tay nghề, văn hoá, nghiệp vụ lại càng có ý nghĩa hơn bởi vì những lý do về lịch sử, những đối tượng là người có công (đặc biệt là thương binh, con em thương binh, liệt sĩ…) thường bị thiệt thòi trong học vấn và đào tạo.

Do đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi đối với những đối tượng này. Hơn nữa, ưu tiên họ trong giáo dục đào tạo không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng cán bộ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng mà những người đi trước đã dày công xây dựng, vun đắp. 

Để tạo điều kiện cho những người có công và con em họ học tập, Nhà nước đã có những ưu tiên đãi ngộ cũng như các khoản trợ cấp, phụ cấp cho phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của đất nước.

Đối với các học sinh là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh khi đi học ở các trường phổ thông thì tùy thuộc vào mức độ mất sức lao động của bố (mẹ) mà được hưởng một hoặc một số các ưu tiên trong tuyển sinh, xét tốt nghiệp, dược miễn các khoản đóng góp xây dựng trường sở, được miễn hoặc giảm mức nộp học phí, được trợ cấp mỗi năm một lần tiền mua sách vở, đồ dùng học tập… 

Học sinh, sinh viên là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, thương binh hoặc là con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh đang học tại các trường đào tạo của Nhà nước như đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dy nghề, dự bị đại học, dân tộc nội trú được ưu tiên trong tuyển chọn, kiểm tra và xét lên lớp, được trợ cấp một khoản tiền nhất định theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, Nhà nước còn vận động toàn thể nhân dân đóng góp giúp đỡ các đối tượng ưu đãi học tập có hiệu quả như hỗ trợ tiền ăn học hàng tháng, tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ việc làm sau khi học xong… 

Chế độ ưu đãi về việc làm và đảm bảo việc làm 

Do mang đặc thù về thương tật, bệnh tật, do hạn chế về sức khoẻ nên người có công ở nước ta phần lớn là những người có hoàn cảnh sống khó khăn. Sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội cũng chỉ có thể giúp họ giảm bớt đi phần nào gánh nặng trong cuộc sống, họ không thể chỉ trông chờ vào mỗi khoản trợ cấp đó được mà phải tự mình tạo ra thu nhập.

Vì vậy, tạo việc làm và đảm bảo việc làm cho những người có công là vấn đề hết sức quan trọng. Nó không chỉ giúp người có công có thêm thu nhập. đảm bảo được đời sống mà còn giúp họ hoà nhập vào cuộc sống, hoà nhập vào cộng đồng.

Tuy nhiên, việc làm và giải quyết việc làm vốn là một vấn đề bức xúc, người có công lại thường là những người có những hoàn cảnh riêng biệt. khó có thể cạnh tranh trên thị trường nên khó có cơ hội có việc làm. Điều đó đòi hỏi Nhà nước phải có những chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm giải quyết việc làm, tự tạo việc làm cho người có công. 

Người có công được ưu tiên, ưu đãi trong việc vay vốn để tự tạo việc làm, giải quyết việc làm. Với các chương trình như Chương trình 327, Chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Chương trình xoá đói, giảm nghèo… những người có công bao giờ cũng được ưu tiên hàng đầu.

Trong các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, Nhà nước cũng luôn chú ý tạo cơ hội cho người có công để họ có những hướng đi thích hợp, hoà nhập vào đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng. Cá nhân hoặc nhóm lao động người có công đồng thời là người tàn tật, tự tạo việc làm có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp từ quỹ việc làm dành cho người tàn tật. 

Khi người có công học nghề để tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm cũng được ưu đãi như được xét giảm hoặc miễn học phí khi học nghề tại các cơ sở dạy nghề của Nhà nước, được hỗ trợ kinh phí để học nghề hoặc được xét hưởng trợ cấp xã hội. 

Nhà nước cũng khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động nhận người có công vào làm việc. Ở khu vực các doanh nghiệp có quy định tỷ lệ lao động là người tàn tật mà doanh nghiệp phải nhận vào làm việc, nếu doanh nghiệp chưa nhận hoặc không nhận đủ tỷ lệ đó thì hàng tháng doanh nghiệp có trách nhiệm nộp vào quỹ người tàn tật khoản tiền nhất định.

Trong các cơ quan nhà nước, khi các thương binh; con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang dự tuyển công chức được ưu tiên trong thi, xét tuyển. 

Để thích nghi với cơ chế thị trường, Nhà nước còn có những ưu tiên, ưu đãi với doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề của người có công như ưu tiên cho thuê đất thuận lợi, hỗ trợ họ xây dựng cơ Sở vật chất ban đầu về nhà xưởng, trường lớp, miễn thuế, vay vốn ưu đãi.

Các thành viên trong doanh nghiệp khi muốn nâng cao tay nghề, học nghề ở các trường, cơ sở đào tạo thuộc sự quản lý của Nhà nước thì được miễn giảm học phí và cấp học bổng. Hệ thống các quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người có công trong lĩnh vực việc làm. 

Chế độ chăm sóc sức khoẻ

Người có công thường là những người bị suy giảm khả năng lao động, có sức khoẻ bị giảm sút, đặc biệt là đối với các thương, bệnh binh. Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khoẻ đối với những người có công là hết sức cần thiết.. 

– Để chăm sóc sức khoẻ cho người có công, Nhà nước đã thành lập các trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, các trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng cho thương binh, các khu điều dưỡng cho những người có công.

Đối với những người có công với cách mạng mà không được hưởng lương hoặc bảo hiểm xã hội thì được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế để khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện dân y hoặc bệnh viện quân đội.

Ngoài ra, những người có công mất sức lao động từ 81%, anh hùng, bà mẹ Việt Nam anh hùng... trong những hoàn cảnh cần thiết có thể được tổ chức nuôi dưỡng tại các cơ sở của tỉnh, được hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm.

Người có công với cách mạng mà không thuộc diện hưởng chế độ điều dưỡng hàng năm và có thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày được hưởng chế độ điều dưỡng.

Ngoài ra, người có công với cách mạng và thân nhân nhân của họ còn được điều dưỡng phục hồi chức năng lao động, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình. 

Đặc biệt Nhà nước còn phát động phong trào toàn dân chăm sóc người có công như đón thương binh về nhà chăm sóc, cấp thuốc định kỳ. mời điều trị điều dưỡng, dành một số giường trong các cơ sở y tế để chăm sóc người có công trên địa bàn. 

Các chế độ ưu đãi khác 

Để người có công được ưu đãi trên tất cả các phương diện cần thiết của cuộc sống, bên cạnh những chế độ ưu đãi nói trên, Nhà nước còn có một số chính sách ưu đãi khác như hỗ trợ, cải thiện về nhà ở, chăm sóc đời sống tinh thần đối với những người có công như cấp báo nhân dân, sinh hoạt văn hoá tinh thần phù hợp.

Thực tế, nhiều nhà ở của các đối tượng người có công bị dột nát cần phải sửa chữa và thậm chí có những người có công hiện nay vẫn chưa có nhà ở, còn phải ở nhờ, ở tạm. Bởi vậy, Nhà nước đã có một số chính sách nhằm hỗ trợ người có công cải thiện về nhà ở. . 

Với nguyên tắc căn cứ vào công lao đóng góp, hoàn cảnh của từng người, khả năng địa phương và cùng với phương châm cả nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước đã áp dụng một số hình thức để cải thiện nhà ở đối với người có công như: 

– Tặng nhà tình nghĩa;

– Hỗ trợ kinh phí để xây dựng và sửa chữa nhà ở; 

– Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền sử dụng đất khi bán nhà của Nhà nước hoặc khi giao đất làm nhà ở; 

– Các hình thức hỗ trợ khác. 

Tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh thực tế của người có công mà họ nhận được sự hỗ trợ ở một trong các hình thức nêu trên.

Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, không thể tạo lập được nhà ở mà chưa được thuê nhà của Nhà nước hoặc bị mất nhà do thiên tai hoả hoạn thì tùy theo điều kiện của địa phương, hoàn cảnh và công lao của từng người được xét tặng nhà tình nghĩa, được giao đất làm nhà ở hoặc mua nhà trả góp.

Đối với những người đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng dột nát, chật chội, không bảo đảm điều kiện sống trung bình mà không có khả năng khắc phục thì tuỳ thuộc hoàn cảnh của từng người và khả năng của địa phương mà hỗ trợ họ cải tạo, sửa chữa nhà ở. 

Cùng với sự hỗ trợ về nhà ở, những người có công còn được Nhà nước và xã hội chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần. Những ngày lễ tết, chính quyền địa phương và nhân dân đều đến thăm hỏi, quan tâm, chăm sóc. 

Đặc biệt, các liệt sĩ còn được Nhà nước trân trọng ghi công. Họ là những người có công lao lớn nhất đã hy sinh cả bản thân mình cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

Sự đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước và nhân dân ta chỉ có thể là sự ghi ơn công lao của họ và dành cho những người thân của họ những ưu đãi về vật chất và tinh thần. Nhà nước đã phát động toàn dân quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng mộ các liệt sĩ đã hy sinh, xây dựng đài tưởng niệm, xây dựng nghĩa trang liệt sĩ.

Các công trình ghi công đã trở thành những biểu tượng thiêng liêng ghi nhớ công ơn những người con đã hy sinh vì Tổ quốc. Nhiều công trình ghi công lớn đã trở thành những công trình văn hoá lịch sử của địa phương và cả nước như Nghĩa trang Trường Sơn, Đài tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc. 

Với các quy định tương đối toàn diện đó, chế độ ưu đãi xã hội đã thể hiện rõ nét truyền thống dân tộc, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm phong phú thêm quan niệm về hệ thống an sinh xã hội và hoàn thiện thêm hệ thống pháp luật về xã hội ở Việt Nam. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi