Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động mới nhất như thế nào?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 777 Lượt xem

Tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động mới nhất như thế nào?

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Quy định về tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động mới nhất

Điều 169 Bộ luật lao động quy định về Tuổi nghỉ hưu như sau:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. 

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

Bình luận về Tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật lao động mới nhất

Có thể nói, việc điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động là một trong những điểm mới nổi bật của BLLĐ năm 2019. Việc nâng tuổi nghỉ hưu là vấn đề của hầu hết các quốc gia và tại Việt Nam, vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm, được nghiên cứu kỹ lưỡng khi Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Sự thay đổi này là cần thiết vì một số lý do sau: 

Thứ nhất: Để thích ứng với quá trình già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương lai. Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và tốc độ già hóa dân số được dự báo diễn ra rất nhanh. Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động nếu không mở rộng độ tuổi lao động thông qua việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. 

Thứ hai: Mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu theo BLLĐ năm 2012 là 60 với nam, 55 với nữ, nhưng sau độ tuổi này, có tới 70 – 72% nam giới 

độ tuổi 60 – 65 và nữ giới ở độ tuổi 55 – 60 vẫn còn tiếp tục tham gia lực lượng lao động. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp thừa nhận và đảm bảo quyền được làm việc của công dân. 

Thứ ba: Để thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trên thị trường lao động, đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử theo Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982. 

Thứ tư: Mở rộng độ tuổi lao động, tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo cân đối tài chính quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. 

Khi nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động, có ba vấn đề lớn được đặt ra, đó là: (i) Xác định được mốc tuổi nghỉ hưu; (ii) Xác định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; và (iii) Cách thức quy định về tuổi nghỉ hưu. Cụ thể: 

– Về mốc tuổi nghỉ hưu, Điều 169 xác định tuổi nghỉ hưu là đủ 62 tuổi đối với lao động nam và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ. Thực tế cho thấy tuổi nghỉ hưu của đa số các quốc gia là từ 60 trở lên đối với nữ, 62 trở lên đối với nam’ và đang trong xu thế tăng lên hơn 65 tuổi trong tương lai. Mức tăng tuổi nghỉ hưu quy định trong Bộ luật lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam là mức thấp so với tuổi nghỉ hưu phổ biến của các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, việc quy định như vậy là nhằm tránh việc phải điều chỉnh quá nhiều, đặc biệt là đối với lao động nữ, gây tâm lý phản ứng trái chiều; bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; sự thay đổi về quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam. Song, mục tiêu chung và lâu dài vẫn là thu hẹp dần khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, tiến tới quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau. 

– Bộ luật quy định lộ trình điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu (tăng chậm) như sau: trong điều kiện lao động bình thường, người lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và người lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60 (vào năm 2035), theo lộ trình mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam và mỗi năm tăng 04 tháng đối với nữ kể từ năm 2021.

Sở dĩ, Bộ luật quy định lộ trình điều chỉnh tăng chậm là để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động (lộ trình thường thấy ở các nước là 01 năm tăng 03 tháng hoặc một số nước quy định 01 năm tăng 06 tháng, một số nước tăng theo lộ trình thận trọng hơn như 01 năm tăng 01 tháng hoặc 01 năm tăng 02 tháng); đồng thời, lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm sẽ góp phần ổn định chính trị – xã hội, có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và doanh nghiệp.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là quyết sách có tính chiến lược về nhân lực, có tầm nhìn dài hạn, không phải là chính sách ngắn hạn. Do đó, lựa chọn phương án điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu nhanh có thể dẫn đến số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột ngột, gây ra những vấn đề xã hội bức xúc. 

– Cách thức quy định về tuổi nghỉ hưu trong quá trình soạn thảo, tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về sự phù hợp và tương thích trong việc quy định tuổi nghỉ hưu trong BLLĐ với các luật liên quan (như Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các luật chuyên ngành khác). Song, nhìn chung việc quy định về tuổi nghỉ hưu trong BLLĐ là hoàn toàn phù hợp bởi BLLĐ là “luật gốc điều chỉnh mọi vấn đề về lao động, việc làm, trong đó có vấn đề tuổi nghỉ hưu, làm cơ sở cho việc dẫn chiếu áp dụng đối với tất cả các nhóm lao động trong các luật chuyên ngành. 

– Để bảo đảm sự phân biệt cần thiết về tuổi nghỉ hưu của một số nhóm lao động đặc thù, Điều 169 BLLĐ năm 2019 quy định những người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi tại thời điểm nghỉ hưu (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác); người có chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt được nghỉ hưu muộn hơn không quá 05 tuổi (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). 

Nhìn chung, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình chậm như đã phân tích có thể có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, xã hội và thị trường lao động ở Việt Nam, như sau:

(i) Tăng tuổi nghỉ hưu có tác động kép tới quỹ hưu trí. Những người lao động tiếp tục làm việc một mặt làm tăng số tiền đóng vào quỹ, mặt khác giảm số năm chi trả lương hưu dẫn đến giảm chi từ quỹ bảo hiểm;

(ii) Tạo điều kiện cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn kỹ thuật cao tiếp tục làm việc, nâng cao thu nhập, từ đó tổng thu nhập quốc dân tăng lên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kéo theo đó có thể làm tăng nhu cầu lao động của toàn bộ nền kinh tế;

(iii) Thu hẹp khoảng cách về cơ hội việc làm, thu nhập cũng như lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, tiến tới bình đẳng giới trong xã hội. 

Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, tăng tuổi nghỉ hưu cũng tiềm ẩn những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến thị trường lao động. Cụ thể là, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng cung lao động, từ đó có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thất nghiệp hàng năm nếu như nền kinh tế không tăng trưởng kịp thời để tăng lượng cầu lao động tương ứng. Ngoài ra, có khả năng nhóm người lao động lớn tuổi, sức khỏe yếu, khó thích nghi yêu cầu của công việc.

Trường hợp những người lao động này không tiếp tục làm việc hoặc không tìm được việc làm mới có thể dẫn tới tăng số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp hoặc trợ cấp ốm đau. Hiện tượng này sẽ phát sinh thêm các chi phí chi bảo hiểm thất nghiệp, chi phí ốm đau hoặc các chi phí liên quan đến đào tạo nghề để giúp họ tham gia vào thị trường lao động.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi