Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 907 Lượt xem

Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Quy định về Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm 

Điều 98 Bộ luật lao động quy định Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: 

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; 

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công vic của ngày làm việc bình thường. 

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

Tư vấn về Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm 

Thứ nhất: Tiền lương làm thêm giờ 

Theo khoản 1 Điều 90 thì “tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc”, đây chính là tiền lương định trước gắn với các điều kiện việc làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ở mức độ bình thường (thời giờ làm việc, nghỉ ngơi trong khung tiêu chuẩn luật định). Tuy nhiên, trên thực tế, xuất phát từ yêu cầu sản xuất, kinh doanh mà người lao động có thể làm việc ít hơn hoặc nhiều hơn so với thời gian làm việc tiêu chuẩn. Trường hợp làm việc ít hơn thời gian làm việc tiêu chuẩn, việc trả lương chỉ đơn giản là quy đổi ra thời gian tương ứng để tính trả theo thời gian làm việc thực tế như đã đề cập tại Điều 96 về hình thức trả lương.

Trường hợp làm việc nhiều hơn so với thời gian làm việc tiêu chuẩn, sẽ có những tác động không tốt đến sức khỏe, khả năng lao động và những vấn đề liên quan khác đối với người lao động, trong trường hợp này BLLĐ đưa ra cơ chế bảo vệ chính đối với người lao động, đó là: (i) Các quy định về ràng buộc về thời giờ làm thêm (số giờ làm thêm tối đa, nghỉ ngơi trong giờ làm thêm…), điều này được đề cập tại Chương VII – Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (ii) Các quy định về trả lương làm thêm giờ để bù đắp cho người lao động. 

Việc xác định mức trả lương làm thêm giờ tăng thêm bằng bao nhiều so với tiền lương trong thời gian làm việc bình thường là nội dụng quan trọng, nó liên quan trực tiếp đến mục tiêu bảo vệ người lao động. Nếu tiền lương khi làm thêm giờ quá thấp, sẽ không bảo đảm bù đắp hao phí lao động và các tác động tiêu cực liên quan khác đối với người lao động; nếu quá cao, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả, tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, hơn nữa cũng có thể là yếu tố kích thích người lao động làm thêm.

Do đó, tùy theo mức độ ưu tiên và các điều kiện cụ thể như trình độ phát triển của nền kinh tế, quan hệ cung cầu của thị trường lao động, mặt bằng tiền công, mức sống dân cư… mà mỗi quốc gia có các quy định khác nhau về mức trả lương làm thêm. 

Ở Việt Nam, tại BLLĐ năm 1994, mức tiền lương làm thêm giờ được quy định gồm 02 mức: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 200% so với tiền lương vào ngày làm việc bình thường. Đến năm 2002, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLLĐ đã bổ sung điều chỉnh tăng lên mức ít nhất 300% nếu làm thêm vào ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, tuy nhiên khi quy định chi tiết, Chính phủ hướng dẫn trong mức 300% này đã bao gồm cả 100% tiền lương của ngày lễ, tết, ngày nghỉ hưởng nguyên lương, điều này làm cho quy định của luật mặc dù có điều chỉnh tăng nhưng về thực chất không tăng so với Bộ luật năm 1994.

Đến Bộ luật năm 2012 đã phải bổ sung khẳng định trong mức 300% nêu trên chưa bao gồm tiền lương của ngày lễ, tết, ngày nghỉ hưởng nguyên lương, đồng thời bổ sung “gốc” so sánh mức tăng đối với người hưởng lương thời gian là tiền lương thực trả để | bảo đảm tương quan và thống nhất chung về cách tính lương trả cho người lao động (bình thường hay làm thêm) đều trên cùng một mặt bằng và quy định này tiếp tục được duy trì trong Bộ luật năm 2019. 

Khoản 1 Điều 98 đặt ra cơ chế bảo vệ đối với người lao động thông qua quy định trách nhiệm đối với người sử dụng lao động phải trả lương cho thời gian làm thêm giờ cao hơn so với thời gian làm việc bình thường gắn với các hình thức trả lương (thời gian, sản phẩm) và tính chất thời gian của ngày làm thêm. Trường hợp lao động làm thêm: vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% so với đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm. 

Việc tiếp tục duy trì mức lương làm thêm giờ trong Bộ luật năm 2019 được các chuyên gia đánh giá là phù hợp khi không điều chỉnh tăng số tiền lương làm thêm giờ, bảo đảm hài hòa lợi ích của cả hai bên trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn tiếp tục phát triển, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng lao động tăng ca để đáp ứng nhu cầu thị trường và người lao động đang ở mặt bằng tiền lương, thu nhập thấp có mong muốn được làm thêm giờ để cải thiện đời sống. 

Thứ hai: Tiền lương làm việc vào ban đêm 

Theo Điều 106 của BLLĐ năm 2019 thì làm việc vào ban đêm là trong khung thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là khung ngoài thời gian làm việc bình thường, ở khung thời gian này người lao động thường được nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động, nếu con người làm việc vào khung giờ này sẽ trái với nhịp sinh học thông thường và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của họ, do đó để bù đắp những tổn hại cho người lao động, Bộ luật quy định nếu làm việc vào ban đêm, thì người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường

Thứ ba: Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm 

Để đáp ứng theo yêu cầu sản xuất, kinh doanh thì người lao động không chỉ có thời gian làm việc theo khung tiêu chuẩn số giờ làm việc theo Điều 105 của Bộ luật mà thực tế có trường hợp người lao động làm ngoài khung số giờ tiêu chuẩn vào ban đêm, tức là làm thêm giờ vào ban đêm.

Trong trường hợp này người lao động bị tác động kép, vừa ảnh hưởng do làm đêm, vừa ảnh hưởng do làm thêm giờ, do đó Bộ luật quy định người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo làm thêm, làm đêm thông thường còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết. 

Việc thiết kế trả lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ vào ban đêm theo nguyên tắc bù đắp một phần lượng tăng thêm tương ứng với từng loại thời gian là phù hợp với nguyên lý chung về trả lương gắn với độ phức tạp công việc, điều kiện lao động và cường độ lao động.

Tuy nhiên, để người sử dụng lao động có thể trả lương đúng theo quy định là vấn đề rất phức tạp, phức tạp trong hướng dẫn chi tiết từ phía Nhà nước và trong tổ chức thực thi ở doanh nghiệp, do đó cần phải tiếp tục có sự nghiên cứu thấu đáo để sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa tối đa vào thời điểm thích hợp. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi