Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Quyền lợi bảo hiểm hưu trí là gì?
  • Thứ ba, 22/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 602 Lượt xem

Quyền lợi bảo hiểm hưu trí là gì?

Theo nghĩa chung nhất, chế độ hưu trí được hiểu là chế độ bảo hiểm xã hội đảm bảo thu nhập cho người hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia quan hệ lao động nữa

Trong hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí giữ vị trí quan trọng. Vậy Quyền lợi bảo hiểm hưu trí là gì?

Khái niệm bảo hiểm hưu trí 

Trong hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí là chế độ dành cho những người không còn tham gia quan hệ lao động nữa. Vì vậy, nó rất cần thiết và không thể thiếu được bởi bất cứ người lao động nào cũng sẽ đến lúc già yếu, hết tuổi lao động nhưng vẫn có nhu cầu đảm bảo cuộc sống và lương hưu sẽ là nguồn thu nhập chính của họ trong lúc này.

Được hưởng trợ cấp khi về hưu là một trong những mục đích, động lực cơ bản để người lao động tham gia quan hệ bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy mà trong lịch sử phát triển của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí là một trong những chế độ bảo hiểm được thực hiện sớm nhất.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi hệ thống bảo hiểm xã hội mới được hình thành, ở các nước như Đức, Pháp… các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đầu tiên được thực hiện là bảo hiểm hưu trí (bảo hiểm tuổi già) và bảo hiểm y tế.

Sau đó, khi hệ thống bảo hiểm được nhân rộng, phần lớn các nước công nghiệp phát triển mới mở rộng thêm các chế độ bảo hiểm khác như tai nạn lao động, ốm đau, mất sức lao động, chết, thất nghiệp… nhằm bảo vệ người lao động trước các rủi ro trong cuộc sống. 

Tháng 6 năm 1952, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã thông qua Công ước số 102 về những quy phạm tối thiểu của an sinh (an toàn) xã hội, trong đó có khuyến nghị các nước thành viên phải thực hiện ít nhất 3 trong 9 chế độ được quy định trong Công ước và trong đó phải có ít nhất một trong các chế độ trợ cấp bắt buộc là trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hưu trí, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tàn tật và trợ cấp mất người nuôi dưỡng.

Điều này chứng tỏ, chế độ hưu trí luôn được ILO, chính phủ các nước cũng như người lao động hết sức quan tâm. 

Ở Việt Nam, khi còn bị Pháp đô hộ, chính quyền thực dân tuy không thực hiện nhiều chế độ bảo hiểm xã hội nhưng cũng đã thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí cho người lao động.

Tuy nhiên, đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm này còn rất hạn hẹp, chủ yếu là những người tham gia phục vụ cho chính quyền của thực dân Pháp. Ở miền Nam Việt Nam sau này, chính quyền nguy Sài Gòn cũng đã áp dụng một số các chế độ bảo hiểm xã hội trong đó có chế độ hưu bổng song cũng mới chỉ dừng lại ở đối tượng là các công chức và quân nhân chuyên nghiệp. 

Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngay sau khi giành được chính quyền cũng đã quan tâm đến chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn trong đó có chế độ bảo hiểm hưu trí đối với người lao động, thể hiện trong nhiều điều khoản của Sắc lệnh số 29/SL (ngày 12/3/1947), Sắc lệnh số 76/SI (ngày 20/5/1950).

Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, kinh tế còn nghèo nàn nên chính sách bảo hiểm xã hội ban hành thời kỳ này nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng còn hạn chế. Sau hoà bình lập lại, ngày 27/12/1961 Chính phủ đã ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội tạm thời kèm theo Nghị định số 218/CP về bảo hiểm xã hội cho công nhân viên chức nhà nước trong đó có chế độ hưu trí.

Tiếp đến ngày 18/9/1995 cùng với việc cải tiến chế độ tiền lương, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 236/HĐBT sửa đổi, bổ sung các quy định về cách quy đổi thời gian công tác cũng như quy định lại cách tính lương hưu trong chế độ hưu trí. 

Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội nói chung và chế độ bảo hiểm hưu trí nói riêng thực sự có những thay đổi căn bản bắt đầu từ năm 1993 với Nghị định số 43/CP (ngày 23/6/1993) và tiếp sau đó là các quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Những đổi mới ở đây được tập trung vào một số các quy định như đối tượng tham gia, điều kiện tuổi đời, thời gian đóng và hưởng trợ cấp.

Đặc biệt, Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 được ban hành không chỉ đánh dấu một mốc mới về công tác lập pháp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội mà còn cải thiện chế độ hưu trí theo hướng công bằng hơn giữa các thành phần kinh tế, tiến tới giai đoạn pháp triển ổn định và bền vững. 

Như vậy, có thể thấy rằng ở Việt Nam, chế độ hưu trí là một trong những chế độ bảo hiểm xã hội được Nhà nước hết sức quan tâm, luôn có sự sửa đổi bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tế.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia quan hệ lao động nữa được hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí một lần hoặc hàng tháng theo quy định của pháp luật. Đây là khoản trợ cấp nhằm đảm bảo thu nhập và đời sống cho người về hưu, thay thế cho khoản tiền lương trước đây mà họ có được khi còn đang tham gia quan hệ lao động. 

Vì vậy, theo nghĩa chung nhất, chế độ hưu trí được hiểu là chế độ bảo hiểm xã hội đảm bảo thu nhập cho người hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia quan hệ lao động nữa.

Dưới góc độ pháp luật, chế độ bảo hiểm hưu trí là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện và mức trợ cấp cho những người tham gia bảo hiểm xã hội, khi đã hết tuổi lao động hoặc không còn tham gia quan hệ lao động. 

Vai trò, ý nghĩa của chế độ bảo hiểm hưu trí 

Trong hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí giữ vị trí quan trọng. Tầm quan trọng đó không chỉ vì chế độ hưu trí là vấn đề quan tâm của mọi người lao động khi tham gia quan hệ bảo hiểm mà còn do hầu hết mọi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đều là đối tượng của bảo hiểm hưu trí.

Nếu như các chế độ bảo hiểm xã hội khác chỉ áp dụng cho một số đối tượng lao động nhất định như chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ áp dụng cho những người bị tai nạn lao động hay bị bệnh nghề nghiệp, chế độ thai sản chủ yếu áp dụng đối với lao động nữ khi sinh con thì chế độ bảo hiểm hưu trí lại được áp dụng cho hầu hết những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Chỉ trừ một số ít những người lao động không may mắn chết trong khi đang làm việc, còn lại đa số những người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi hết tuổi lao động đều được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội này. Vì vậy, những thay đổi trong chế độ bảo hiểm hưu trí luôn ảnh hưởng đến tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội và được cả xã hội quan tâm. 

Hơn nữa, phần lớn phí đóng góp vào bảo hiểm xã hội đều dành cho việc chi trả chế độ bảo hiểm hưu trí. Trong số 20% quỹ lương mà người lao động và người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ bảo hiểm thì có tới 16% dành cho chế độ hưu trí và tử tuất (11% quỹ lương của người sử dụng lao động và 5% lương của người lao động), trong đó chủ yếu là dành cho chế độ hưu trí.

Tỷ lệ quỹ hưu trí, tử tuất còn được tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, sẽ chiếm tới 22% tổng quỹ lương. Thời gian người lao động hưởng chế độ hưu trí thường lâu dài nên chế độ này ảnh hưởng, chi phối tới đời sống của người lao động nhiều hơn so với các chế độ bảo hiểm xã hội khác.

Quỹ bảo hiểm xã hội có an toàn về tài chính hay không cũng chủ yếu phụ thuộc vào chế độ hưu trí được quy định và thực hiện như thế nào. 

Chính vì chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống các chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí đã góp phần cùng với các chế độ bảo hiểm xã hội khác tạo nên ý nghĩa của bảo hiểm xã hội nói chung trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội và pháp lý.

Song xét ở phạm vi cụ thể, chế độ bảo hiểm hưu trí đã đảm bảo được việc thực hiện quyền và lợi ích chính đáng của người lao động sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ lao động đối với xã hội. Đối với người lao động, tiền lương hưu mà họ nhận được là kết quả tích luỹ trong suốt quá trình làm việc thông qua việc đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Đây là khoản thu nhập chủ yếu và là chỗ dựa chính nhằm đảm bảo cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động trong quãng đời còn lại sau quá trình lao động. Có thể khi về già, nhiều người lao động cũng có những khoản tích luỹ, có chỗ dựa là con cháu song phần lớn là họ trông cậy vào khoản trợ cấp hưu trí.

Hơn nữa, khoản trợ cấp hưu trí này còn là chỗ dựa tinh thần cho những người hết tuổi lao động. Những người về hưu sẽ cảm thấy yên tâm trong cuộc sống khi họ được hưởng lương hưu, không bị mắc cam là gánh nặng của gia đình và xã hội. 

Đối với xã hội, chế độ bảo hiểm hưu trí thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội, của người sử dụng lao động đối với những người đã có quá trình lao động, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển chung của đất nước, nay hết tuổi lao động.

Chế độ này phản ánh rõ nét các giá trị xã hội, tính nhân văn, nhân đạo của dân tộc, là một trong những nội dung nòng cốt của chính sách bảo đảm xã hội quốc gia. Cũng bởi vậy, chế độ hưu trí không chỉ dành được sự quan tâm của người lao động, của Nhà nước, của tổ chức lao động quốc tế mà còn của cả các tổ chức xã hội khác và của Ngân hàng thế giới, 

Các nguyên tắc của chế độ hưu trí 

Chế độ bảo hiểm hưu trí là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội nên cũng tuân thủ theo các nguyên tắc chung của bảo hiểm xã hội.

Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc không còn sức lao động đều được hưởng một khoản thu nhập thay thế tiền lương, tỷ lệ thuận với thời gian làm việc và mức độ đóng góp của họ; mức lương hưu không được cao hơn mức tiền lương khi người lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, chế độ bảo hiểm hưu trí còn có một số nguyên tắc riêng biệt ngoài các nguyên tắc chung nói trên. Đó là: 

– Nguyên tắc điều chỉnh hợp lý chế độ hưởng bảo hiểm hưu trí giữa lao động nam và lao động nữ 

Nguyên tắc này không được đặt ra trong các chế độ bảo hiểm xã hội khác song lại được đặt ra đối với chế độ hưu trí. Điều này xuất phát từ sự khác biệt về yếu tố thể lực, quá trình lão hoá, tâm sinh lý… giữa lao động nữ và lao động nam. Nhìn chung, thể lực của lao động nữ thường kém hơn nam giới. Đến một độ tuổi nhất định, điều đó càng thể hiện rõ nét.

Tuy nhiên, những yếu tố này có thể thay đổi do điều kiện phát triển kinh tế, dịch vụ xã hội, sự phát triển của khoa học y dược… Vì vậy, một số nước đã quy định điều kiện nghỉ hưu thống nhất đối với cả hai giới.

Mặt khác, theo truyền thống lập pháp của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thì tuổi lao động của hai giới được quy định không giống nhau nên các quy định của chế độ hưu trí cũng cần điều chỉnh hợp lý trong tương quan với quy định về tuổi lao động. Nếu tuổi lao động của lao động nữ được xác định ngắn hơn nam giới thì lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn nam giới. 

Thực tế, vấn đề tuổi lao động còn phụ thuộc vào quan niệm lao động là quyền hay là nghĩa vụ của con người. Nếu quan niệm lao động thiên về góc độ là nghĩa vụ thì quyền nghỉ hưu của lao động nữ thường được quy định sớm hơn so với lao động nam.

Nếu xem xét lao động là vấn đề thuộc quyền của con người thì tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu có thể được quy định như nhau đối với hai giới, nếu điều kiện kinh tế, xã hội cho phép.

Những quan niệm này cũng có thể thay đổi do sự thay đổi của các điều kiện kinh tế xã hội và vì vậy, quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động cũng có thể thay đổi theo từng thời kỳ.

Chính vì vậy mà hiện nay, có nước ghi nhận sự khác biệt này nhưng cũng có nước chỉ có một loại quy định thống nhất, có nước đang thực hiện lộ trình điều chỉnh để từ chỗ phân biệt tuổi nghỉ hưu của hai giới thành quy định một mức tuổi nghỉ hưu thống nhất.

Tuy nhiên, khá nhiều nước có sự phân biệt chế độ hưởng bảo hiểm hưu trí theo giới tính. Ví dụ như ở Anh, lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn lao động nam 5 tuổi (nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi), ở Trung Quốc và Nhật Bản lao động nữ cũng nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 tuổi (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

Ở Việt Nam, trong những văn bản đầu tiên về chế độ bảo hiểm hưu trí đã quy định lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn lao động nam 5 tuổi. Đó cũng là truyền thống ưu đãi phụ nữ đã được tồn tại từ lâu trong cộng đồng và được nhà nước thừa nhận.

Vì vậy, cách tính lương hưu giữa lao động nữ và lao động nam cũng phải quy định khác nhau nhằm đảm bảo sự công bằng về quyền hưởng bảo hiểm hưu trí giữa lao động nữ và lao động nam. 

– Nguyên tắc ưu đãi đối với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định. 

Nguyên tắc này xuất phát từ lý do điều kiện làm việc của người lao động trong một số ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại, ở những nơi xa xôi hẻo lánh hoặc trong những lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc phòng… có sự khác nhau.

Đồng thời, nó cũng nhằm khuyến khích người lao động vào làm việc trong các ngành nghề và lĩnh vực này, tạo sự phân công lao động đồng đều giữa các ngành, các vùng với nhau.

Những người lao động phải làm việc trong điều kiện lao động không thuận lợi hoặc làm những công việc mà tầm quan trọng của nó đối với an ninh đất nước có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của họ thì sẽ được hưởng những chế độ ưu đãi đặc biệt.

Trong chế độ hưu trí, sự ưu đãi này được thể hiện ở việc luật pháp cho phép họ được nghỉ hưu ở tuổi sớm hơn so với quy định chung nhưng không phải trừ tỷ lệ lương hưu vì thời gian nghỉ sớm đó.

Pháp luật Việt Nam quy định người lao động làm trong những công việc nặng nhọc độc hại, làm việc ở những vùng sâu, vùng xa hoặc làm việc trong lực lượng vũ trang, nhìn chung, sẽ được nghỉ hưu sớm hơn so với những người lao động khác 5 tuổi. 

Nguyên tắc này cũng có thể là hợp lý ở giai đoạn này nhưng có thể thay đổi ở giai đoạn khác, khi điều kiện làm việc thay đổi do sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. 

Như vậy, các nguyên tắc riêng của chế độ hưu trí hiện hành đều mang tính ưu đãi đối với một số đối tượng nhất định. Việc xây dựng, thực hiện những nguyên tắc ưu đãi này cũng phải cân nhắc với các tương quan khác trong cuộc sống của con người, ví dụ như quyền lao động của họ. Điều đó đặc biệt phải lưu ý khi mức bảo hiểm hưu trí hiện hành có sự chênh lệch đáng kể so với mức thu nhập của người lao động trước khi nghỉ hưu. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (7 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi