Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
  • Thứ ba, 14/05/2024 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 742 Lượt xem

Quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Điều 176 Bộ luật lao động có bản chất là đưa ra những bảo đảm, điều kiện cần thiết để tổ chức đại diện người lao động có thể hoạt động một cách hiệu quả trong việc đại diện, bảo vệ các quyền hợp pháp và thúc đẩy cho những lợi ích chính đáng của người lao động.

Quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là gì?

Quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được ghi nhận tại Điều 176 Bộ luật lao động, cụ thể như sau:

1. Thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền sau đây:

a) Tiếp cận người lao động tại nơi làm vic trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vic thực hiện quyền này phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người sử dụng lao động; 

b) Tiếp cận người sử dụng lao động để thực hiện các nhiệm vụ đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; 

c) Được sử dụng thời gian làm việc theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này để thực hiện công việc của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà vẫn được người sử dụng lao động trả lương; 

d) Được hưởng các bảo đảm khác trong quan hệ lao động và trong việc thực hiện chức năng đại diện theo quy định của pháp luật.

2. Chính phủ quy định thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức.

3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm so với thời gian tối thiểu quy định tại khoản 2 Điều này và cách thức sử dụng thời gian làm việc của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế. 

Tư vấn về Quyền của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Nếu như quy định tại Điều 175 đưa ra những bảo vệ dành cho người lao động và cán bộ tổ chức đại diện người lao động thì quy định tại Điều 176 có bản chất là đưa ra những bảo đảm, điều kiện cần thiết để tổ chức đại diện người lao động có thể hoạt động một cách hiệu quả trong việc đại diện, bảo vệ các quyền hợp pháp và thúc đẩy cho những lợi ích chính đáng của người lao động.

Tương tự như những bảo vệ quy định tại Điều 175, những bảo đảm, điều kiện quy định tại Điều 176 cũng áp dụng cho cán bộ của cả hai loại tổ chức đại diện người lao động là cán bộ công đoàn cơ sở và cán bộ tổ chức của người lao động một cách bình đẳng. 

Khoản 1 Điều 176 quy định về ba bảo đảm, điều kiện, bao gồm: (i) Tiếp cận người lao động tại nơi làm việc; (ii) Tiếp cận người sử dụng lao động; và (iii) Được sử dụng thời gian làm việc để thực hiện công việc của tổ chức đại diện người lao động mà vẫn được người sử dụng lao động trả lương. Dưới góc độ quan hệ lao động, những quyền của thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động quy định tại Điều 176 là những bảo đảm, điều kiện đặc biệt quan trọng. 

Cán bộ tổ chức đại diện người lao động sẽ không thể thực hiện chức năng đại diện người lao động một cách hiệu quả nếu họ không được đi lại, giao tiếp, trao đổi với người lao động tại nơi làm việc để nắm bắt những vấn đề, nhu cầu, mong muốn của họ trong quan hệ lao động.

Việc tiếp cận người lao động tại nơi làm việc còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cán bộ tổ chức đại diện người lao động thông tin cho người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, những hoạt động của tổ chức để bảo đảm sự tham gia của người lao động vào những công việc của tổ chức, biến người lao động thực sự là chủ của những hoạt động chung đó, bảo đảm tổ chức đại diện người lao động đúng là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Đây cũng là một trong những cách để huy động sức mạnh tập thể của người lao động trong các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động. 

Hoạt động đại diện đòi hỏi cán bộ tổ chức đại diện người lao động phải được quyền tiếp cận người sử dụng lao động tại nơi làm việc để trao đổi, thảo luận về những vấn đề mà người lao động đang quan tâm. Do đó, đây cũng là một trong những bảo đảm, điều kiện quan trọng cho hoạt động hiệu quả của tổ chức đại diện người lao động được khoản 1 Điều 176 quy định. 

Để thực hiện các công việc của tổ chức đại diện người lao động, cán bộ tổ chức đại diện người lao động cần phải có thời gian. Hầu hết họ đều là người lao động của doanh nghiệp nên phải hoàn thành các nghĩa vụ làm việc theo hợp đồng lao động và các quy định nội bộ của doanh nghiệp như một người lao động bình thường. Nếu không được bảo đảm về thời gian thì họ sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện các công việc của tổ chức đại diện người lao động. Do đó, bảo đảm, điều kiện về thời gian trở thành một trong ba bảo đảm, điều kiện quan trọng cho hoạt động hiệu quả của tổ chức đại diện người lao động được khoản 1 Điều 176 quy định. 

Ngoài ba bảo đảm, điều kiện quan trọng nêu trên, khoản 1 Điều176 cũng quy định cán bộ tổ chức đại diện người lao động được hưởng các bảo đảm khác trong quan hệ lao động và trong việc thực hiện chức năng đại diện theo quy định của pháp luật. Những bảo đảm khác này có thể rất đa dạng như: bảo đảm về việc làm (xem bình luận Điều 177), bảo đảm về nơi làm việc và các điều kiện, phương tiện khác (xem bình luận Điều 178), bảo đảm không bị trù dập, trả thù vì lý do tổ chức và lãnh đạo đình công (Điều 208 BLLĐ) và các bảo đảm khác (nếu có) theo quy định của Luật Công đoàn dành cho cán bộ công đoàn cơ sở (nguyên tắc là những bảo đảm dành cho cán bộ công đoàn cơ sở trong quan hệ lao động thì cũng dành cho cán bộ tổ chức của người lao động một cách bình đẳng). 

Điều cần lưu ý là BLLĐ quy định đây là những quyền hay thực chất là những bảo đảm, điều kiện cho hoạt động quan trọng của cán bộ tổ chức đại diện người lao động để hoạt động thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, điều luật cũng quy định việc thực hiện quyền này phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người sử dụng lao động.

Ví dụ, cán bộ tổ chức đại diện người lao động có quyền tiếp cận người lao động tại nơi làm việc trước hoặc sau giờ làm việc, trong giờ nghỉ giữa ca, nếu tiếp cận người lao động trong giờ làm việc thì phải bảo đảm để người lao động vẫn làm việc bình thường, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, trừ khi được người sử dụng lao động đồng ý. Đây là nguyên tắc rất quan trọng, bảo đảm hài hòa quyền và nghĩa vụ của các bên quan hệ lao động. 

Khoản 2 và khoản 3 Điều 176 quy định thêm về bảo đảm, điều kiện về thời gian hoạt động của cán bộ tổ chức đại diện người lao động. Cụ thể, khoản 2 Điều 176 giao Chính phủ quy định thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức. Điểm cần lưu ý của khoản này là Bộ luật giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này, song Bộ luật đã trực tiếp quy định hai nguyên tắc rất quan trọng, bao gồm: 

(i) Thời gian mà Chính phủ quy định chỉ là thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động phải dành cho cán bộ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện. Điều này có nghĩa là các bên có quyền thỏa thuận về số lượng thời gian nhiều hơn so với mức tối thiểu do Bộ luật quy định. 

(ii) Khoảng thời gian tối thiểu nêu trên là dành cho toàn bộ thành viên ban lãnh đạo của tổ chức trên cơ sở số lượng thành viên của tổ chức. Đây là nguyên tắc rất quan trọng và có sự thay đổi so với quy định hiện hành của Luật Công đoàn về thời gian hoạt động dành cho cán bộ công đoàn cơ sở.1 

Theo quy định của BLLĐ năm 2019, tổ chức của người lao động có quyền tự chủ trong việc quyết định về cơ cấu tổ chức nội bộ của mình, bao gồm cả tự chủ trong việc quyết định về số lượng cán bộ của tổ chức. Như vậy, số lượng cán bộ của tổ chức có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào quyết định của chính tổ chức của người lao động, song thời gian tối thiểu mà người sử dụng lao động phải dành cho cán bộ tổ chức không phụ thuộc vào số lượng cán bộ tổ chức mà phụ thuộc vào số lượng thành viên/đoàn viên của tổ chức. 

Khoản 3 Điều 176 quy định rõ hơn về nguyên tắc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và người sử dụng lao động thỏa thuận về thời gian tăng thêm so với thời gian tối thiểu quy định tại khoản 2 và cách thức sử dụng thời gian làm việc của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế. 

Khoản 2 Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: “Cán bộ Công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tuy theo quy mô cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà Ban Chấp hành công đoàn cơ sở và đơn vị sử dụng lao động thoả thuận về thời gian tăng thêm”. 

Quy định này thực chất có tính chất gợi ý, hướng dẫn vì nếu Bộ luật không quy định thì về nguyên tắc, các bên vẫn có quyền thỏa thuận về những nội dung đó. Điểm đáng lưu ý là việc thỏa thuận về thời gian tăng thêm so với mức tối thiểu do luật quy định là quan trọng, song thỏa thuận về cách thức sử dụng thời gian làm việc của thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế cũng quan trọng không kém.

Cụ thể, các bên có thể thỏa thuận dồn tất cả thời gian đó cho một hoặc một số người để người này có thể trở thành cán bộ tổ chức đại diện người lao động hoạt động toàn thời gian (chuyên trách) cho việc thực hiện chức năng đại diện; các bên cũng có thể thỏa thuận để chia đều tổng số thời gian đó cho tất cả các thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động; hoặc các bên cũng có thể thỏa thuận để thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động sử dụng thời gian này đều trong tất cả các ngày trong tháng, song cũng có thể dồn vào để sử dụng trong một số ngày nhất định. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi