Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Quy định về nghỉ thai sản theo Bộ luật lao động mới nhất
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 880 Lượt xem

Quy định về nghỉ thai sản theo Bộ luật lao động mới nhất

Trong đa số trường hợp, người phụ nữ có thai kỳ khoẻ mạnh sẽ nghỉ thai sản lúc gần kề hoặc bắt đầu từ thời điểm sinh con. Tuy nhiên, một số phụ nữ trong những tháng cuối của thai kỳ không đủ sức khoẻ để làm việc, cần được nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Bộ luật lao động quy định thế nào về nghỉ thai sản?

Điều 139 Bộ luật lao động quy định về nghỉ thai sản như sau:

Điều 139. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng. 

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 

Tư vấn về nghỉ thai sản theo quy định Bộ luật lao động mới nhất

Quy định trên cơ bản đã tương thích với quy định của Công ước CEDAW và Công ước số 111 của ILO. Những nội dung được quy định tại Điều này được quy định thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Cụ thể, khoản 1 Điều 139 BLLĐ năm 2019 quy định tương tự khoản 1 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: 

“ 1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. 

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”. 

Trong đa số trường hợp, người phụ nữ có thai kỳ khoẻ mạnh sẽ nghỉ thai sản lúc gần kề hoặc bắt đầu từ thời điểm sinh con. Tuy nhiên, một số phụ nữ trong những tháng cuối của thai kỳ không đủ sức khoẻ để làm việc, cần được nghỉ ngơi, dưỡng sức. Do vậy, việc quy định thời gian nghỉ thai sản như trên đảm bảo cho người mẹ có điều kiện tập trung vào việc chăm sóc sức khoẻ bản thân, thai nhi, chăm con sơ sinh; có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 06 tháng đầu đời của con theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để con phát triển tốt nhất. 

Quy định này cũng phù hợp với các công ước quốc tế (khoản 2 Điều 10 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước số 183 của ILO về bảo vệ bà mẹ; Điều 3 Công ước số 3 của ILO về bảo vệ thai sản); phù hợp với mức chung theo quy định của các quốc gia đang phát triển; việc quy định chế độ thai sản hợp lý cho lao động nữ là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sức khoẻ của thế hệ tương lai; quy định này có tính khả thi và phù hợp với nguyện vọng chung của người lao động và sự đồng tình của người sử dụng lao động; giúp doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, góp phần tạo nên mối quan hệ tốt giữa người lao động với doanh nghiệp. 

Khoản 2 Điều 139 BLLĐ năm 2019 quy định: “Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”. Thời gian hưởng chế độ bảo hiểm thai sản được căn cứ theo Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bao gồm: thời gian hưởng chế độ khi khám thai; thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; thời gian hưởng chế độ khi sinh con; chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi; thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng bảo hiểm thai sản quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. 

Khoản 4 Điều 139 BLLĐ năm 2019 đã kế thừa, bổ sung nội dung cần thiết từ quy định tại Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi có đủ điều kiện sau đây: 

(i) Đã nghỉ ít nhất được 04 tháng;

(ii) Phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý; 

(iii) Có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. 

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. 

Quy định này phù hợp với nguyện vọng của một bộ phận không nhỏ lao động nữ khi trao cho lao động nữ quyền được trở lại công việc trước khi hết thời gian nghỉ thai sản. Như vậy, nếu lao động nữ chỉ bắt đầu nghỉ thai sản từ ngày sinh con, họ có ít nhất 04 tháng để nghỉ thai sản trước khi trở lại công việc, thời gian này sẽ giảm dần theo hiệu số tổng thời gian nghỉ trừ đi số ngày nghỉ trước khi sinh.

Nếu trước khi sinh con, lao động nữ mang thai đã nghỉ theo thời gian tối đa là 02 tháng thì khoảng thời gian nghỉ sau khi sinh con đến lúc đi làm trở lại của người mẹ vẫn còn ít nhất 02 tháng (áp dụng cho trường hợp sinh 01 con). Mặc dù quy định của BLLĐ năm 2019 tôn trọng quyền lao động của lao động nữ sau thai kỳ, nhưng vẫn bảo vệ cho sức khoẻ của họ khi khống chế thời gian nghỉ tối thiểu là 04 tháng cho một lần sinh con. 

Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 139 BLLĐ năm 2019, mặc dù hết thời gian nghỉ thai sản, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động. Quy định như vậy phù hợp, thể hiện sự linh động của cơ quan làm luật, tạo điều kiện cho người lao động nữ có thời gian hợp lý để phục hồi sức khỏe. 

Khoản 5 Điều 139 BLLĐ năm 2019 quy định: “Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”. Quy định này không phải là điểm mới mà thực chất đã được quy định trước đó trong pháp luật về bảo hiểm xã hội, song việc quy định tại BLLĐ năm 2019 nhằm nhấn mạnh ý nghĩa bảo đảm bình đẳng giới như tên gọi của Chương này.

Điều này phù hợp với công ước quốc tế, cũng như là thực tiễn các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các quốc gia có hệ thống bảo hiểm xã hội phát triển đang có xu hướng chuyển dần từ chế độ thai sản cho bà mẹ sang chế độ thai sản cho cha mẹ.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi