Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Quy định về Làm thêm giờ theo Bộ luật lao động mới nhất
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2112 Lượt xem

Quy định về Làm thêm giờ theo Bộ luật lao động mới nhất

Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Làm thêm giờ là gì theo Bộ luật lao động mới nhất?

Làm thêm giờ được Bộ luật lao động giải thích tại khoản 1 Điều 107, cụ thể như sau:

Điều 107. Làm thêm giờ

1. Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây: 

a) Phải được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày, không quá 40 giờ trong 01 tháng; 

c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, ngh, công việc hoặc trường hợp sau đây:

a) Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; 

b) Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; 

c) Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; 

d) Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất; 

đ) Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

4. Khi tổ chức làm thêm giờ theo quy định tại khoản 3 Điều này, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. 

Tư vấn quy định về Làm thêm giờ theo Bộ luật lao động mới nhất

Thời giờ làm thêm là vấn đề hết sức nhạy cảm và có nhiều quan điểm trái chiều ngay từ khi xây dựng Dự thảo BLLĐ (sửa đổi). Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, thời giờ làm thêm tối đa theo quy định của các Dự thảo BLLĐ (sửa đổi) và được kế thừa trong BLLĐ năm 2012, là không có tính khả thi, khó được áp dụng trên thực tế.

Bởi họ cho rằng, đây là nhu cầu khách quan của quá trình sản xuất, kinh doanh (nhu cầu doanh thu của người sử dụng lao động và nhu cầu thu nhập của người lao động), nhất là trong bối cảnh năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp như hiện nay, cần thiết phải tăng thời giờ làm thêm để bù đắp vào vấn đề năng suất lao động chưa cao.

Hơn nữa, so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, quy định thời giờ làm thêm của Việt Nam chưa phù hợp với xu hướng chung. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số ý kiến khác lại cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động (mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm) và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ. 

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, BLLĐ năm 2019 về cơ bản vẫn kế thừa các quy định trong BLLĐ năm 2012. Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được quyền sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện: 

– Phải được sự đồng ý của người lao động: Thực tế, người lao động không phải ai cũng có nhu cầu thu nhập và đủ sức khỏe tiếp tục làm việc sau khi hoàn thành nghĩa vụ công việc theo tiêu chuẩn. Nếu bắt buộc người lao động làm thêm thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, cũng như không bảo đảm hiệu quả, năng suất lao động.

Vì vậy, việc làm thêm giờ hay không hoàn toàn do người lao động quyết định. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong một số trường hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, do yêu cầu công việc liên quan đến lợi ích chung của Nhà nước và xã hội, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm và người lao động không được từ chối. 

– Bảo đảm số giờ làm thêm theo quy định: Số giờ làm thêm được khống chế khắt khe: theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo năm. Cụ thể, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày.

Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày, không quá 40 giờ trong 01 tháng. Số giờ làm thêm tối đa trong năm là 200 giờ. Riêng một số ngành, nghề, công việc hoặc một số trường hợp được làm thêm đến 300 giờ trong 01 năm. 

– Bảo đảm quyền lợi cho người lao động: Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau: 1) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; 2) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; 3) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định (được trả ít nhất bằng 30%), người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết. 

Do làm thêm giờ là việc người lao động làm việc ngoài giờ tiêu chuẩn, nên về cơ bản sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động. Vì thế, điều luật quy định người sử dụng lao động không được sử dụng một số đối tượng làm thêm giờ. Theo đó, những lao động không được phép làm việc ban đêm thì đồng thời cũng là những lao động không được phép làm thêm giờ. 

So với quy định của BLLĐ năm 2012 về thời giờ làm thêm, Điều 107 BLLĐ năm 2019 có một số điểm mới là:

(1) Tăng thời giờ làm thêm trong tháng từ 30 giờ lên 40 giờ để phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp được huy động người lao động tăng ca liên tục trong vài tháng thời vụ đến hết quỹ thời giờ làm thêm trong năm;

(2) Bổ sung một số trường hợp được làm thêm tới 300 giờ/ năm quy định tại khoản 3 Điều 107. Các trường hợp này được luật hóa từ các quy định trong Nghị định số 45/2013/NĐ-CP;

(3) Để bảo đảm sức khỏe người lao động, tăng sự quản lý của cơ quan nhà nước, trong trường hợp làm thêm 300 giờ/năm, BLLĐ năm 2019 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đây là quy định được kế thừa, phát triển từ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi