Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Quy định về Cho thuê lại lao động mới nhất
  • Thứ ba, 14/05/2024 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 620 Lượt xem

Quy định về Cho thuê lại lao động mới nhất

Cho thuê lại lao động là một quan hệ việc làm đặc thù: quan hệ việc làm ba bên. Trong quan hệ việc làm đó, người sử dụng lao động sử dụng người lao động gián tiếp qua bên thứ 3.

Cho thuê lại lao động là gì? Hoạt động cho thuê lại lao động là gì?

Điều 52 Bộ luật lao động giải thích về Cho thuê lại lao động, hoạt động cho thuê lại lao động như sau:

1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

Bình luận quy định về cho thuê lại lao động mới nhất

Cho thuê lại lao động là một quan hệ việc làm đặc thù: quan hệ việc làm ba bên. Trong quan hệ việc làm đó, người sử dụng lao động sử dụng người lao động gián tiếp qua bên thứ 3.

Cho thuê lại lao động là phương thức sử dụng lao động linh hoạt và là cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt đối với những công việc mang tính chất tạm thời; giúp doanh nghiệp sử dụng lao động tiết kiệm đáng kể chi phí nhân sự trong quá trình hoạt động; giúp các doanh nghiệp hoạt động cho thuê lại lao động kinh doanh hiệu quả; giúp nền kinh tế quốc gia tăng trưởng và hội nhập, đáp ứng được quan hệ cung cầu lao động mới, thách thức mới và giúp cho các kênh chắp nối việc làm trong thị trường lao động linh hoạt hơn.

Xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường làm nảy sinh nhu cầu cho thuê lại lao động tại nhiều quốc gia phát triển. Hoạt động cho thuê lại lao động là phổ biến, được biết dưới nhiều tên gọi khác nhau: đại lý lao động (Agency work) ở châu Âu; lao động phái cử (Dispatched labor) ở châu Á; lao động cho thuê (Employee leasing/Labor hire) ở châu Phi, nhân viên thời vụ tạm thời (Professional Employer Organization/Employee leasing/Temporary staffing) ở Mỹ. 

Tại Việt Nam, hình thức lao động cho thuê lại bắt đầu xuất hiện từ khoảng những năm 2000 ở các khu công nghiệp trọng điểm phía Nam và phát triển phổ biến trên phạm vi toàn quốc với quy mô, mật độ ngày càng lớn. Tuy nhiên, hình thức cho thuê lại lao động chưa được pháp luật thừa nhận trong suốt một thời gian dài nên các vi phạm về quyền lợi của người lao động cho thuê lại đã xảy ra.

Sau nhiều tranh luận trong quá trình soạn thảo, hoạt động cho thuê lại lần đầu tiên đã được BLLĐ năm 2012 chính thức công nhận; sau đó, BLLĐ năm 2019 tiếp tục khẳng định sự điều chỉnh đối với quan hệ cho thuê lại lao động. 

– Điều 52 của BLLĐ năm 2019 đưa ra định nghĩa về hoạt động cho thuê lại lao động và khẳng định hoạt động này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.

 Nội hàm của khái niệm về cho thuê lại lao động thực chất gồm ba mối quan hệ: (i) Quan hệ giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và người lao động thuê lại (bản chất là quan hệ lao động được thiết lập trên cơ sở của hợp đồng lao động). (ii) Quan hệ giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và người/bên thuê lại lao động (quan hệ mang tính dịch vụ được hình thành trên cơ sở hợp đồng cho thuê lại lao động). (iii) Quan hệ giữa người lao động được cho thuê lại và người/bên thuê lại lao động. 

So với BLLĐ năm 2012, định nghĩa về cho thuê lại lao động có sự thay đổi ở các điểm sau: (i) Thay đổi cụm từ “tuyển dụng” sang “giao kết hợp đồng lao động”; (ii) Bổ sung cụm từ “một người sử dụng lao động” trước “doanh nghiệp cho thuê lại lao động”; (iii) Thay đổi diễn giải để làm rõ hơn hành động điều chuyển “sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác”. 

Đọc lại toàn văn nội dung tại khoản 1 Điều này, chúng ta thấy có sự nhấn mạnh về doanh nghiệp cho thuê lại lao động”; tiếp đó, khoản 1 Điều 54 quy định cụ thể hơn: “Doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký quỹ và được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động”. Dường như, sự nhấn mạnh về doanh nghiệp cho thuê lại lao động nhằm tiếp nối sự khẳng định hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ do doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, xét về khoa học, sự nhấn mạnh doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong quy định tại khoản 1 của Điều 52 nhằm nhấn mạnh, chú trọng đến hình thức pháp lý của quan hệ mà chưa chú trọng tới nội dung của quan hệ pháp lý đó. 

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều trường hợp người lao động được tuyển dụng hoặc giao kết hợp đồng lao động bởi một người sử dụng lao động (không phải là doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động), sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động trước đó đã giao kết hợp đồng lao động.

Rõ ràng, nếu đối chiếu về quy định của khoản 1 Điều này thì đó không phải là hoạt động cho thuê lại lao động (vì không phải do doanh nghiệp cho thuê lại lao động giao kết hợp đồng lao động với người lao động); trong khi xét về bản chất thì đây chính là hoạt động cho thuê lại lao động.

Như vậy có lẽ, sự sửa đổi, bổ sung của khoản 1 Điều này không tiến bộ hơn so với BLLĐ năm 2012, thậm chí có thể là bước tụt so với trước đây vì còn làm “cứng nhắc” hình thức pháp lý của quan hệ cho thuê lại lao động. Nếu điều luật sửa đổi theo hướng quy định bất kỳ người sử dụng lao động nào mà tiến hành cử người lao động sang làm việc cho một người sử dụng lao động khác với nội hàm giống bản chất của hoạt động cho thuê lại lao động thì sẽ giúp ích rất nhiều cho thực tiễn quản lý và giải quyết tranh chấp. 

Khoản 2 của Điều 52 tiếp tục bổ sung một điều kiện nữa đối với hoạt động cho thuê lại lao động: chỉ áp dụng đối với một số công việc nhất định. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có 20 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động tại Phụ lục II kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. 

BLLĐ năm 2019 tiếp tục quy định “chỉ áp dụng đối với một số công việc” sẽ tất yếu làm cho loại hình kinh doanh dịch vụ này khó phát triển trong thị trường lao động.

So sánh với các quốc gia khác (lúc đầu cũng chỉ cho thực hiện với một số công việc, nhưng hiện nay đã mở rộng sang tất cả các công việc của thị trường lao động), trong bối cảnh sự phát triển ngày càng đa dạng các quan hệ lao động trước yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập thương mại quốc tế, việc quy định “cứng nhắc” danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động là chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, chưa thúc đẩy sự phát triển kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động và có thể gây bất lợi cho cả doanh nghiệp sử dụng lao động thuê lại cũng như người lao động làm việc theo hình thức này. 

->>>>>> Tham khảo thêm: Giấy phép lao động

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi