• Thứ tư, 23/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2773 Lượt xem

Pháp luật an sinh xã hội

Luật an sinh xã hội Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực tổ chức và thực hiện việc trợ giúp đối với các cá nhân (thành viên của xã hội) trong trường hợp rủi ro, hiểm nghèo…

Nếu như đối tượng điều chỉnh là căn cứ thứ nhất để phân định một ngành luật thì phương pháp điều chỉnh là căn cứ thứ hai để phân định ngành luật ấy. Trong khoa học pháp lý, phương pháp điều chỉnh của một ngành luật thường được hiểu là cách thức, biện pháp mà Nhà nước sử dụng, thông qua các quy phạm pháp luật, để tác động lên hành vi xử sự của các bên tham gia quan hệ xã hội thuộc đối tượng của ngành luật ấy.

Phương pháp điều chỉnh của mỗi ngành luật, suy cho cùng, được xác định bởi tính chất, đặc điểm của đối tượng điều chỉnh, tức là của những quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Như trên đã nói, các quan hệ xã hội là đối tượng của luật an sinh xã hội bao gồm nhiều loại, có tính chất, đặc điểm khá phong phú và phức tạp.

Để cho việc điều chỉnh pháp luật an sinh xã hội được phù hợp và hiệu quả, Nhà nước sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp, trong đó có hai phương pháp chủ yếu thường dùng là: Phương pháp mệnh lệnh và phương pháp tuỳ nghi. 

Phương pháp mệnh lệnh 

Phương pháp mệnh lệnh thể hiện ở việc sử dụng quyền uy” và “phục tùng”. Cơ sở của phương pháp mệnh lệnh, trước hết nằm ngay trong chức năng xã hội của Nhà nước. Là người đại diện và thay mặt cho toàn xã hội, Nhà nước đứng ra tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có vấn đề an sinh xã hội. Bằng công cụ pháp luật, Nhà nước biến các “chính sách xã hội” của mình thành các quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia và bảo đảm thực hiện chúng.

Muốn vậy, Nhà nước không thể không sử dụng đến quyền nữa, cơ sở của phương pháp mệnh lệnh cũng nằm chính trong tính chất, đặc điểm của các quan hệ an sinh xã hội. Tính chất của an sinh xã hội thường là “trợ giúp” và “đền đáp”, muốn thực hiện có hiệu quả điều này thì người đảm trách phải có khả năng, có nguồn lực đủ mạnh. Trong xã hội, chỉ Nhà nước – người đại diện, người nắm quyền lực cao nhất đồng thời là người chủ sở hữu cao nhất, mới có được khả năng đó. Bằng hệ thống luật pháp và thông qua các cơ quan chức năng của mình, Nhà nước thể hiện như là người đảm nhiệm chính những trách nhiệm xã hội. 

Trong an sinh xã hội, quyền uy thể hiện rõ ràng ở những quy phạm “cứng”. Chẳng hạn, như trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, phương pháp mệnh lệnh được thể hiện rõ trong việc quy định hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bằng việc quy định sự đóng góp bắt buộc của các bên vào quỹ bảo hiểm xã hội, cũng như bắt buộc áp dụng các chế độ trợ cấp bảo hiểm, pháp luật đã góp phần làm tăng ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội trong khu vực có quan hệ lao động. Bởi vì, đây là khu vực rộng lớn, có đông đảo lực lượng lao động tham gia và đang làm ra nhiều của cải cho xã hội.

Trong ưu đãi xã hội, phương pháp mệnh lệnh cũng được sử dụng phổ biến. Ở đây, Nhà nước định ra chính sách, chế độ và bắt buộc các bên tham gia (chủ yếu và trước hết là phía các cơ quan chức năng của chính Nhà nước) phải thực hiện. Có thể có thoả thuận ở chỗ này, chỗ khác nhưng chỉ là đối với một số trường hợp và trong những điều kiện nhất định. Đồng thời với việc quy định chặt chẽ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên, việc thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp với các chế tài tương ứng cũng được quy định rõ ràng, chặt chẽ. 

Chính do sự có mặt của phương pháp mệnh lệnh, phương pháp điều chỉnh đặc thù của ngành luật hành chính, đã khiến cho trước đây khi an sinh xã hội chưa trở thành một ngành luật độc lập) người ta hay xếp một số các lĩnh vực thuộc an sinh xã hội (như cứu trợ, ưu đãi) vào số các đối tượng của ngành luật này.

Tuy nhiên, có thể thấy việc sử dụng quyền uy và phục tùng trong luật an sinh xã hội “mềm” hơn trong ngành luật hành chính – nơi thể hiện rõ mối quan hệ công quyền, giữa cấp trên và cấp dưới. Nghĩa là trong an sinh xã hội nó chỉ được sử dụng trong những lĩnh vực, những mối quan hệ cần thiết và, “quyền uy” trong khi sử dụng ở đây vẫn thường được kết hợp với các hoạt động của các tổ chức đại diện của những đối tượng được trợ giúp hoặc được đền đáp, ví như các tổ chức “Công đoàn”, “Hội chữ thập đỏ”, “Hội cựu chiến binh”, “Hội những người tàn tật”… 

Phương pháp tuỳ nghi 

Phương pháp tuỳ nghi thể hiện ở chỗ Nhà nước để cho các bên tham gia quan hệ tự lựa chọn cách thức xử sự của mình, miễn sao không trái với những quy định cứng (xử sự bắt buộc). Cơ sở của phương pháp này, trước hết nằm ngay trong tính chất, đặc điểm của các quan hệ là đối tượng của luật an sinh xã hội. Như đã nói trên, an sinh xã hội là lĩnh vực của sự “trợ giúp” và “đền đáp” (chủ yếu là bằng tiền và hiện vật) mà sự trợ giúp, đền đáp bên cạnh trách nhiệm của Nhà nước, còn là sự tuỳ tâm của cá nhân hoặc tuỳ thuộc vào khả năng của cộng đồng cũng như của chính Nhà nước. Chính tính chất “tuỳ tâm”, “tuỳ khả năng” này là cơ sở cho việc áp dụng phương pháp tuỳ nghi. Cơ sở của phương pháp tuỳ nghi cũng nằm ngay trong tính xã hội của an sinh xã hội.

Những người có công với nước là những người đã cống hiến cuộc đời họ không phải cho một người mà cho một số động người, cho xã hội. Do đó, trách nhiệm thực hiện ưu đãi xã hội không phải chỉ là việc riêng, trách nhiệm riêng của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội.

Tương tự như vậy, việc cứu trợ là công việc, trách nhiệm của Nhà nước, cũng là của cộng đồng và toàn dân. Do vậy, bên cạnh việc áp dụng phương pháp mệnh lệnh (quyền uy và phục tùng), trong luật an sinh xã hội phương pháp tuỳ nghi cũng được sử dụng khá phổ biến. Điều này cũng phù hợp với chủ trương “xã hội hoá” việc thực hiện các công việc xã hội của Nhà nước ta.

Bằng phương pháp tuỳ nghi (thể hiện trong những quy phạm tuỳ nghi), Nhà nước chia sẻ bớt gánh nặng trách nhiệm xã hội của mình cho cộng đồng, cá nhân có khả năng và tấm lòng, huy động được mọi nguồn lực cho việc giải quyết những vấn đề xã hội. Điều này cũng phần nào phản ánh nguyên tắc, mục tiêu hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “của dân, do dân và vì dân”. 

– Trong luật an sinh xã hội, phương pháp tuỳ nghi thường được thể hiện trong các quy phạm “mềm”. Chẳng hạn, như trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bên cạnh loại hình bảo hiểm bắt buộc, pháp luật cũng quy định loại hình bảo hiểm tự nguyện. Với loại hình bảo hiểm tự nguyện, pháp luật tạo điều kiện cho nhiều người có thể được hưởng một số chế độ bảo hiểm thiết yếu khi họ không có điều kiện tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Đặc biệt, trong lĩnh vực cứu trợ xã hội, bên Cạnh các nỗ lực chính của mình, bằng những quy phạm tuỳ nghi Nhà nước đã huy động, khuyến khích được nhiều sự đóng góp, chia sẻ tự nguyện của các tổ chức, tư nhân. Ngay cả trong ưu đãi xã hội, nơi phương pháp mệnh lệnh được sử  dụng phổ biến (quy định rõ ràng các trường hợp trợ cấp và các khoản trợ cấp) thì cũng không hoàn toàn loại trừ phương pháp tuỳ nghi (như khuyến khích việc xây dựng các nhà tình nghĩa, nhà dưỡng lão, lập quỹ “đền ơn đáp nghĩa”, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng…).

Tuy nhiên, việc phân chia ra hai phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật an sinh xã hội, dù sao, cũng chỉ mang tính tương đối. Đối tượng của luật an sinh xã hội là một “tổ hợp” các quan hệ tuy cùng loại nhưng lại bao gồm nhiều nhóm khác nhau, có đặc điểm riêng, lại đan xen vào nhau. Do vậy, để sự điều chỉnh pháp luật phù hợp và đạt hiệu quả cao thì tuỳ từng loại quan hệ hoặc tùng mặt của quan hệ mà sử dụng các phương pháp cho thích hợp và linh hoạt. 

Qua việc phân tích đối tượng và phương pháp điều chỉnh của luật an sinh xã hội, có thể sơ bộ định nghĩa: Luật an sinh xã hội Việt Nam là tổng thể các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong lĩnh vực tổ chức và thực hiện việc trợ giúp đối với các cá nhân (thành viên của xã hội) trong trường hợp rủi ro, hiểm nghèo nhằm giảm bớt những khó khăn, bất hạnh mà bản thân họ không thể tự mình khắc phục được, góp phần bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển an toàn, bền vững, công bằng và tiến bộ. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi