Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Nguyên tắc cơ bản của chế độ ưu đãi xã hội là gì?
  • Thứ tư, 23/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1693 Lượt xem

Nguyên tắc cơ bản của chế độ ưu đãi xã hội là gì?

Nội dung chủ yếu của ưu đãi xã hội là chế độ ưu đãi trợ cấp để đảm bảo đời sống và những ưu tiên của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực đối với đối tượng ưu đãi.ội dung chủ yếu của ưu đãi xã hội là chế độ ưu đãi trợ cấp để đảm bảo đời sống và những ưu tiên của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực đối với đối tượng ưu đãi.

Ưu đãi xã hội là một trong những chế độ được nhiều người quan tâm tìm hiểu hiện nay. Nguyên tắc cơ bản của chế độ ưu đãi xã hội là gì?

Ưu đãi người có công trước hết là trách nhiệm của Nhà nước 

Người có công là những người đã có những đóng góp hy sinh cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Do đó, khi họ bị thương tật, bị suy giảm sức khoẻ, tuổi già hoàn cảnh sống khó khăn thì việc quan tâm, chăm sóc cũng như thực hiện các ưu đãi đối với họ trước hết thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

Với tư cách là chủ thể quản lý, chủ thể đại diện cho cộng đồng, Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công. Để thực hiện trách nhiệm này, Nhà nước phải ban hành các văn bản pháp luật quy định về các đối tượng được ưu đãi, chế độ ưu đãi đối với người có công.

Trên cơ sở đó, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của Nhà nước có trách nhiệm triển khai thực hiện trong thực tế. Hơn nữa, quỹ dùng để ưu đãi đối với người có công chủ yếu được đảm bảo từ ngân sách nhà nước. Qua từng thời kỳ khác nhau, Nhà nước phải đánh giá, tổng kết việc thực hiện chế độ ưu đãi xã hội, điều chỉnh các quy định của pháp luật ưu đãi cho phù hợp. 

Bên cạnh đó, Nhà nước còn phải đóng vai trò vừa là người phát động phong trào để huy động tiềm lực của nhân dân, vừa là người tổ chức phối hợp các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng thực hiện ưu đãi xã hội tại cộng đồng một cách hiệu quả.

Thực hiện công bằng và công khai trong ưu đãi xã hội 

Nội dung chủ yếu của ưu đãi xã hội là chế độ ưu đãi trợ cấp để đảm bảo đời sống và những ưu tiên của Nhà nước trong nhiều lĩnh vực đối với đối tượng ưu đãi.

Việc sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện ưu đãi xã hội cũng như các lĩnh vực phân phối khác, phải đảm bảo công bằng.

Yếu tố công bằng được thể hiện trước hết là sự bình đẳng giữa những người có công, không phân biệt nam nữ, dân tộc, vùng miền… Mọi người có công với nước theo quy định của pháp luật đều phải được hưởng chế độ ưu đãi.

Những người có đóng góp ở mức độ tương đương phải được hưởng ưu đãi, được tạo điều kiện như nhau trong cuộc sống. Những người bị tổn thất mất mát nhiều hơn (như thương, bệnh binh nặng, bà mẹ Việt Nam anh hùng…) phải được ưu đãi nhiều hơn so với các đối tượng khác.

Sự bình đẳng ở đây còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ đơn thuần là sự bình đẳng giữa những người có công với nhau mà còn là sự bình đẳng giữa những người có công với các thành viên khác của cộng đồng.

Nếu so với các đối tượng cần trợ giúp khác và các tầng lớp dân cư nói chung thì chế độ ưu đãi xã hội phải đảm bảo đời sống cho đối tượng ưu đãi cao hơn nhưng không thể quá cao, tạo ra sự không công bằng trong sử dụng ngân sách nhà nước.

Như vậy, công bằng còn có nghĩa là tránh tình trạng ưu đãi lại trở thành sự phân biệt đối xử giữa những người có công với các thành viên khác trong xã hội, có như vậy, mới đảm bảo được ý nghĩa của ưu đãi xã hội.

Bên cạnh đó, việc ưu đãi xã hội còn phải đảm bảo nguyên tắc công khai. Sự công khai ở đây phải thể hiện trong từng địa phương, trong toàn xã hội và trong cả cộng đồng. Về nội dung, phải công khai điều kiện, loại chế độ ưu đãi, mức hưởng… để đảm bảo minh bạch.

Những người dân và chính đối tượng ưu đãi có thể giám sát việc thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật. Hàng loạt các vụ việc làm giả hồ sơ, chi sai chế độ, sai đối tượng… cũng là sự thiếu công khai, tuyên truyền trong quá trình thực hiện chế độ chính sách đối với người có công.

Mặt khác, sự ưu đãi đối với người có công ở một góc độ nào đó chính là sự đền ơn đáp nghĩa của xã hội, của dân tộc đối với những người đã cống hiến hy sinh cho Tổ quốc, là sự suy tôn của dân tộc, là niềm tự hào của chính bản thân người có công.

Vì vậy, việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với họ một cách công khai sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục con cháu, thế hệ mai sau của đất nước, trong việc noi gương cha ông đồng thời phải biết kính trọng, đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với nước. 

Xác định các chế độ ưu đãi hợp lý 

Người có công đã có nhiều đóng góp, cống hiến, hy sinh cho đất nước. Chính vì vậy, họ có thể bị tổn thất về tính mạng, sức khoẻ, cuộc sống gặp khó khăn trên nhiều phương diện. Do đó, việc xác định chế độ ưu đãi với các hình thức ưu đãi hợp lý là hết sức cần thiết.

Các hình thức ưu đãi phải vừa đảm bảo được cuộc sống vật chất của người có công vừa phải đảm bảo cuộc sống tinh thần cho họ, tạo điều kiện để họ có thể tự lập trong cuộc sống đồng thời hoà nhập vào cộng đồng. Vì vậy, ưu đãi xã hội không chỉ dừng lại ở việc trợ cấp cho những người có công mà còn cần phải có các chế độ ưu đãi khác như việc làm, nhà ở, chăm sóc sức khoẻ…

Những chế độ này vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới mọi nhu cầu chính đáng của người có công vừa tạo điều kiện cho họ không chỉ có mức sống ổn định mà còn có điều kiện phấn đấu vươn lên, phát huy truyền thống, tự khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Đó cũng là mục đích chính của việc thiết lập chính sách ưu đãi xã hội. 

Mức ưu đãi phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước

Ưu đãi đối với những người có công là nhằm đảm bảo và hỗ trợ cuộc sống vật chất và tinh thần của họ song mức ưu đãi phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Sự phát triển của kinh tế xã hội là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách đối với những người có công, thực hiện công bằng xã hội.

Ngược lại, nếu được xác định đúng mức, chính sách ưu đãi xã hội cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, góp phần tạo ra sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Hơn nữa, nguồn lực thực hiện chế độ ưu đãi xã hội chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.

Do đó, sự phát triển của kinh tế xã hội sẽ là cơ sở đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả chế độ ưu đãi đối với người có công. Mức ưu đãi đối với người có công phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước và phải dựa trên điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.

Như vậy, mới có căn cứ để xác định trong từng thời kỳ, đến mức nào đủ để thực hiện ưu tiên, ưu đãi với mục đích tạo điều kiện để giúp người có công hoà nhập cùng cộng đồng.

Khi điều kiện kinh tế xã hội càng phát triển, đối tượng những người có cộng sẽ càng được quan tâm và Nhà nước phải sửa đổi chế độ ưu đãi đối với họ để nâng cao đời sống của người có công cho phù hợp.

Việc thực hiện nguyên tắc này cũng là thực hiện tư tưởng lớn trong chính sách của Đảng và Nhà nước coi chính sách phát triển kinh tế là cơ sở, tiền đề để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện chính sách xã hội để tạo động lực phát triển kinh tế.

Đảng và Nhà nước cũng đã xác định: không hy sinh công bằng xã hội để phát triển kinh tế đơn thuần và thực hiện các vấn đề xã hội ngay trong từng bước phát triển kinh tế. 

Xã hội hoá công tác ưu đãi xã hội

Ưu đãi đối với người có công không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là của toàn xã hội, của cộng đồng. Những người có công với nước đã hy sinh một phần thân thể, thậm chí cả tính mạng, đời sống bình thường của mình để đổi lấy cuộc sống hoà bình cho nhân dân.

Chính vì vậy, các thế hệ con cháu mai sau, các thành viên của xã hội phải có trách nhiệm đối với họ – những người sẵn sàng xả thân vì sự bình yên của đất nước.

Hơn nữa, ưu đãi đối với những người có công không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà nó còn thể hiện thái độ, tình cảm của cộng đồng, của dân tộc, của thế hệ con cháu đối với thế hệ cha ông.

Vì vậy, việc xã hội hoá công tác ưu đãi xã hội cũng là điều tất yếu. Toàn dân tham gia chăm sóc người có công- một công việc vừa là tình cảm vừa là trách nhiệm đã biến thành ý chí của toàn xã hội.

Thực tiễn ở nước ta trong nhiều năm qua do số lượng người có công lớn, điều kiện kinh tế còn nghèo, chúng ta cũng đã phải dựa vào nhân dân để thực hiện chính sách đối với người có công.

Hơn nữa, do hoàn cảnh lịch sử, địa phương nào cũng có người có công nên nếu không xã hội hoá thì Nhà nước không thể có đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực để đảm bảo đời sống cho người có công, đặc biệt là những ưu đãi cần thiết xét trong mối tương quan giữa đời sống người có công với cộng đồng dân cư địa phương.

Vì vậy, xã hội hoá các hoạt động ưu đãi đối với người có công là vấn đề tất yếu và hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của nước ta trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với nguyên tắc đa dạng hoá, xã hội hoá các hoạt động của an sinh xã hội.

Tuy nhiên, xã hội hoá không có nghĩa là Nhà nước phó mặc cho cộng đồng và xã hội mà trái lại càng xã hội hoá thì vai trò của Nhà nước càng quan trọng. Nhà nước vẫn phải giữ vai trò là người chủ chốt, định hướng cho các hoạt động của cộng đồng xã hội có hiệu quả.

Thực tế trong nhiều năm qua, cùng với các chế độ của Nhà nước, cộng đồng xã hội đã hưởng ứng phong trào toàn dân chăm sóc người có công như chăm sóc thương binh tại nhà, tại làng xã; tặng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng…

Các tổ chức đoàn thể, cơ quan, chủ doanh nghiệp, ngành văn hoá, các phương tiện thông tin… đã có nhiều hoạt động, nhiều sáng kiến trong việc đền ơn đáp nghĩa đối với người có công. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi