Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Bảo hiểm xã hội Nguyên tắc cơ bản của chế độ trợ giúp xã hội là gì?
  • Thứ ba, 22/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1104 Lượt xem

Nguyên tắc cơ bản của chế độ trợ giúp xã hội là gì?

Mức hưởng trợ giúp xã hội được tính trên cơ sở của nhu cầu chi tiêu cụ thể và tình trạng tài sản của đối tượng đặt trong khả năng đáp ứng của Nhà nước và cộng đồng.

Nguyên tắc cơ bản của chế độ trợ giúp xã hội là gì? và có ý nghĩa như thế nào, mời quý độc giả cùng theo dõi nội dung bài viết sau.

Nguyên tắc cơ bản của chế độ trợ giúp xã hội 

Là bộ phận cấu thành pháp luật an sinh xã hội, chế độ trợ giúp xã hội cũng đảm bảo thực hiện các nguyên tắc chung của hệ thống an sinh như nguyên tắc đảm bảo thực hiện đối với mọi thành viên xã hội, nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý, nguyên tắc kết hợp hài hòa chính sách kinh tế và xã hội, nguyên tắc đa dạng hoá, xã hội hoá, nguyên tắc lấy số đông bù số ít, chia sẻ cộng đồng…

Tuy nhiên, với những đặc thù riêng của mình về đối tượng, hình thức thực hiện, mục đích trợ cấp… nên chế độ trợ giúp xã hội cũng xác định những tư tưởng riêng cho phù hợp. 

Mức trợ giúp xã hội trên cơ sở nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của đối tượng 

Quyền được hưởng an sinh xã hội nói chung và hưởng trợ giúp xã hội nói riêng là quyền của công dân trong xã hội. Mọi thành viên trong xã hội khi gặp phải rủi ro, bất hạnh… dẫn đến cuộc sống thường nhật bị đe dọa đều được trợ giúp, không phân biệt địa vị kinh tế, thành phần xã hội, tôn giáo, giới tính…

Mức hưởng trợ giúp xã hội được tính trên cơ sở của nhu cầu chi tiêu cụ thể và tình trạng tài sản của đối tượng đặt trong khả năng đáp ứng của Nhà nước và cộng đồng.

Khác với các chế độ khác trong hệ thống an sinh xã hội, trợ cấp xã hội không căn cứ vào sự đóng góp, thu nhập hay mức sống của đối tượng trước khi phát sinh nhu cầu trợ giúp. Không phải ai lúc trước khi có biến cố rủi ro có thu nhập, mức sống cao hơn thì được hưởng trợ cấp cao hơn và ngược lại.

Nguyên tắc này xuất phát từ mục đích của trợ giúp xã hội, theo đó, khoản trợ cấp xã hội không nhằm bù đắp hay thay thế thu nhập của đối tượng, cũng không nhằm đảm bảo cuộc sống với những yêu cầu định trước mà chỉ nhằm giúp cho đối tượng thoát ra khỏi tình trạng cuộc sống bị đe doạ, vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Do vậy, khi gặp biến cố rủi ro, bất hạnh… tất cả đều là “nạn nhân”, đều được hưởng trợ giúp xã hội mà không gắn với bất cứ yêu cầu gì về nghĩa vụ tài chính trước đó. Đây cũng là điểm phân biệt trợ giúp xã hội với các chế độ khác trong hệ thống an sinh xã hội và thể hiện rõ nét nhất tính nhân đạo của an sinh xã hội. 

Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc này trong trợ giúp xã hội cũng không có nghĩa đổ đồng, cào bằng về chế độ hưởng, ai cũng như ai, gia đình nào cũng như gia đình nào. Thực tế cho thấy với những nguyên nhân, mức độ rủi ro, hoàn cảnh gia đình khác nhau… dẫn đến nhu cầu trợ giúp khác nhau.

Từ đó chế độ trợ gúp cho các đối tượng cũng có sự khác nhau nhất định. Điều này cũng được thể hiện rõ trong việc phân loại đối tượng trợ giúp để đưa ra chế độ trợ giúp thường xuyên, đột xuất phù hợp.

Đảm bảo hài hoà giữa nhu cầu thực tế của đối tượng với khả năng đáp ứng và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội 

Trên thực tế, do những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị xã hội… mà nhu cầu trợ giúp xã hội ở Việt Nam là rất lớn. Với tỷ lệ số hộ đói nghèo, số lượng người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi… như hiện nay là bài toán nan giải trên con đường phát triển kinh tế xã hội nói chung và là gánh nặng của công tác trợ giúp xã hội nói riêng.

Để đảm bảo thực hiện trợ giúp xã hội có hiệu quả, vấn đề quan trọng là phải xác định được cụ thể nhu cầu của đối tượng ở mức độ nào, hình thức nào cho phù hợp.

Việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội phải được tính toán cân đối và phù hợp với khả năng đáp ứng và điều kiện kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn cụ thể của đất nước, nếu không sẽ không đạt được mục đích của trợ giúp xã hội và ảnh hưởng đến chính sách kinh tế xã hội khác.

Nếu mức trợ cấp cao hơn so với khả năng đáp ứng thì sẽ không đảm bảo thực hiện, thậm chí còn tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn trợ giúp. Nếu mức trợ cấp quá thấp thì không đảm bảo được mục đích của trợ giúp nói riêng và an sinh xã hội nói chung, bởi lẽ xét cho cùng, trợ giúp xã hội với những khoản trợ cấp là “lưới đỡ” cận kề nhất với cuộc sống người dân, thể hiện rõ nhất thái độ của Nhà nước đối với những người “yếu thế” trong xã hội. 

Nguyên tắc này thể hiện rất rõ trong việc quy định phạm vi đối tượng hưởng trợ giúp xã hội và chế độ hưởng. Không phải mọi đối tượng “yếu thế” đều được hưởng trợ cấp xã hội mà phải thoả mãn những điều kiện nhất định mặc dù ước mơ mở rộng phạm vi đối tượng không chỉ là của riêng quốc gia nào.

Hiện nay, kinh phí thực hiện trợ giúp xã hội chủ yếu do ngân sách nhà nước và địa phương nơi phát sinh nhu cầu đảm bảo. Vì vậy, cần phải tính toán sao cho phù hợp với khả năng đáp ứng của từng địa phương vì có địa phương có nhiều nguồn thu, ngân sách nhiều và đương nhiên nguồn kinh phí dành cho trợ giúp xã hội cũng cao hơn và ngược lại.

Mặc dù vậy, trợ cấp xã hội cũng phải đảm bảo được những nhu cầu tối cần thiết nhằm duy trì được cuộc sống cho đối tượng hoặc thoát khỏi hoàn cảnh nguy nan trước mặt. 

Đa dạng hoá, xã hội hoá các hoạt động trợ giúp xã hội 

Xem xét về đối tượng trợ giúp xã hội cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn cần giúp đỡ của đối tượng là vô cùng đa dạng và phong phú.

Những nguyên nhân này bao gồm cả nguyên nhân chủ quan, khách quan như từ thiên nhiên (hạn hán, lũ lụt, mưa bão, động đất…), kinh tế (khủng hoảng kinh tế, phá sản, thất nghiệp…), chính trị (chiến tranh, bạo loạn, phân biệt sắc tộc…), xã hội (tệ nạn, tội phạm…), sức khoẻ và bất hạnh của hoàn cảnh sống (tàn tật, mất sức lao động, tuổi già, cô đơn, sống phụ thuộc…).

Căn cứ vào các nguyên nhân đó mà hình thành các nhóm đối tượng với nhu cầu trợ giúp khác nhau. Có đối tượng thì cần cứu khỏi chết đói, chết rét, chết bệnh nhưng có đối tượng cần sự trợ giúp thường xuyên để duy trì cuộc sống trong thời gian dài, có những đối tượng lại cần những điều kiện thuận lợi để thoát khỏi tình trạng đói nghèo, tự vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Hơn nữa, không phải lúc nào và bao giờ nhu cầu trợ giúp của các đối tượng cũng như nhau. Do vy, việc đáp ứng nhu cầu cần phải xem xét mức và hình thức, biện pháp trợ giúp hợp lý.

Chẳng hạn, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ có nhu cầu khác với những đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, bão lụt… thậm chí, ngay cả khi có thiên tai, bão lụt thì nhà này cần tiền để dựng lại nhà ở, nhà kia lại cần lương thực để chống đói…

Chính vì vậy, trợ giúp xã hội phải được thực hiện theo hướng đa dạng hoá các hoạt động với các phương thức khác nhau mới có thể đảm bảo thực hiện được mục đích của trợ giúp, đảm bảo được công bằng và an toàn xã hội.

Trong đa số các trường hợp, việc thực hiện trợ giúp xã hội bằng tiền hoặc hiện vật nhưng cũng có những trường hợp sự trợ giúp về tinh thần như việc lập các thư viện, khu vui chơi giải trí, các hình thức sinh hoạt văn hoá, tư vấn tâm lý… thậm chí còn bao gồm cả các hình thức hỗ trợ như cho vay vốn, đào tạo nghề, hướng nghiệp… tạo điều kiện cho đối tượng tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo. 

Việc thực hiện trợ giúp xã hội trước tiên thuộc về trách nhiệm của Nhà nước đồng thời cũng là mối quan tâm, lo lắng của toàn dân, toàn xã hội.

Mỗi cá nhân sống trong cộng đồng đều có trách nhiệm với các thành viên khác và với chính mình trên cơ sở sự thương yêu, che chở, đùm bọc lẫn nhau. Chính vì vậy, xã hội hoá hoạt động trợ giúp xã hội đã trở thành nguyên tắc quan trọng nhằm đảm bảo được mục tiêu của trợ giúp xã hội.

Theo đó, Nhà nước giữ vai trò trung tâm, khuyến khích và tạo điều kiện để bất cứ cá nhân, tổ chức nào có lòng từ thiện đều có thể tham gia vào các hoạt động trợ giúp, miễn là không có mưu đồ chính trị hoặc lợi dụng, vụ lợi cá nhân.

Trong điều kiện hiện nay việc xác định nội dung xã hội hoá hoạt động trợ giúp với vai trò trung tâm của Nhà nước và trách nhiệm của toàn xã hội được nhìn nhận theo hướng tiến bộ. Không phải mọi hoạt động trợ giúp đều do Nhà nước trực tiếp thực hiện với tư tưởng ban phát, bao cấp mà Nhà nước chỉ đảm bảo thực hiện trong chừng mực nhất định, với những đối tượng thực sự cần.

Quan trọng hơn là việc Nhà nước phải có những biện pháp huy động được nguồn lực và sự quan tâm của cả cộng đồng nhằm đưa đến sự bảo vệ cao nhất cho các thành viên xã hội.

Thời gian gần đây việc xã hội hoá hoạt động trợ giúp xã hội đã được phát huy hiệu quả, một loạt các hoạt động, phong trào như “vì người nghèo”, “ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam”, các hoạt động từ thiện khi có thiên tai… đã thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của toàn xã hội.

Dưới góc độ pháp luật, nguyên tắc này đã được cụ thể hoá trong các quy định mang tính tuỳ nghi, điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội từ thiện, các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm bảo trợ và việc huy động sự hảo tâm của mỗi thành viên xã hội… Có thể nói trợ giúp xã hội thể hiện rõ nét nhất nguyên tắc xã hội hoá so với các bộ phận khác trong hệ thống an sinh xã hội. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thủ tục làm chế độ nghỉ chăm con ốm đau mới nhất

Chế độ nghỉ chăm con ốm đau là một quyền lợi của người lao động khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Người lao động được hưởng tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ chăm con ốm theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội...

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không?

Có thể nhờ người khác nhận tiền đền bù tai nạn lao động không? Quý vị hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua nội dung bài viết sau...

Người sử dụng lao động phải trả những chi phí nào cho người bị tai nạn lao động?

Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy...

Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì có được nhận thêm trợ cấp khuyết tật không?

Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cùng loại chỉ được hưởng một chính sách trợ giúp cao...

Khám dịch vụ có được hưởng bảo hiểm y tế không?

Đối với các dịch vụ không được chỉ định theo yêu cầu chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế: Người bệnh tự chi trả toàn bộ chi phí các dịch vụ...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi