Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1082 Lượt xem

Nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Quyền cơ bản của công dân đã được Nhà nước bảo hộ như là một nguyên tắc hiến định, trong đó có quyền thừa kế. Mặt khác, quyền thừa kế là một chế định của BLDS nên việc thừa kế phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật thừa kế.

Vậy nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật cần đảm bảo những nguyên tắc nào? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết dưới đây.

4 nguyên tắc cơ bản của pháp luật thừa kế gồm những nguyên tắc nào?

– Bình đẳng về thừa kế của cá nhân

– Tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản

– Tôn trọng ý chí của người thừa kế

– Đảm bảo quyền hưởng di sản của một số người thừa kế theo pháp luật

Phân tích các nguyên tắc cơ bản của pháp luật thừa kế

Thứ nhất: Bình đẳng về thừa kế của cá nhân 

Nguyên tắc bình đẳng về thừa kế của cá nhân đã được quy định cụ thể tại Điều 635 BLDS 1995 như sau: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Quy định này được giữ nguyên tại Điều 632 của BLDS 2005. Đây là sự cụ thể hoá nguyên tắc bình đẳng đã được quy định trong Điều 5 của BLDS 2005, đồng thời cũng là sự cụ thể hoá nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của công dân đã được Hiến pháp 1992 của nước ta quy định tại Điều 52: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên, nếu nguyên tắc bình đẳng được quy định trong Điều 5 của BLDS là quy định về sự bình đẳng giữa các chủ thể khi họ tham gia các quan hệ dân sự với nhau thì nguyên tắc bình đẳng về thừa kế của cá nhân được quy định tại Điều 632 BLDS 2005 lại quy định về quyền bình đẳng giữa các cá nhân với nhau trong việc để lại di sản và hưởng di sản thừa kế. 

Tuân thủ nguyên tắc này trong thừa kế sẽ gạt bỏ được hoàn toàn tư tưởng trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng trong thừa kế mà chế độ phong kiến đã để lại và từng ăn sâu vào ý thức hệ của đa số người dân từ bao đời nay. Theo đó, sự bình đẳng sẽ dần dần được thiết lập trong lĩnh vực thừa kế. 

Theo đó Điều 632 BLDS 2005 hướng tới các nội dung về sự bình đẳng như sau:  Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng trước khi chết 

Điều 5 BLDS 2005: “Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau.” chủ thể của người phụ nữ khi đã lấy chồng nên pháp luật về thừa kế thời kỳ này thể hiện hết sức rõ nét về sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng. 

Việc đảm bảo cho người phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới (vợ bình đẳng với chồng) trong việc định đoạt tài sản chung được ghi nhận cụ thể tại các điều của BLDS 2005 như sau:

Điều 663 – “Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”, khoản 1 Điều 664 – “Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào”, khoản 2 Điều 664 – “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. 

Vợ chồng có quyền hưởng di sản của nhau khi một bên chết trước 

Ngoài ra BLDS hiện hành của Nhà nước ta đã ghi nhận quyền bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc hưởng di sản của nhau thông qua điểm a khoản 1 Điều 676: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng,… của người chết”. Theo quy định này thì nếu chồng chết trước, vợ sẽ là người thừa kế ở hàng thứ nhất để hưởng di sản của chồng và ngược lại, nếu vợ chết trước, chồng sẽ là người thừa kế thứ nhất để hưởng di sản của vợ. 

– Cha, mẹ có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản của con 

Tại Điều 676 BLDS của nước ta đã xếp cha, mẹ cùng đứng vào hàng thứ nhất để hưởng thừa kế di sản của con khi con chết trước cha mẹ. Cũng trong điều luật này, tại khoản 2 đã quy định người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau. 

– Các con có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản của cha me 

– Những người thân thích khác của người chết được hưởng di sản của người đó một cách ngang nhau nếu họ cùng một hàng thừa kế 

Thứ hai: Tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản 

Theo nguyên tắc này, các cá nhân khi đã có đủ năng lực chủ thể đều có quyền bằng ý chí của mình để quyết định có lập di chúc hay không, phân định tài sản cho ai, cho mỗi người bao nhiêu, cho loại tài sản nào, để lại bao nhiêu phần di sản để di tặng hoặc dùng vào việc thờ cúng hoàn toàn theo sự tự nguyện của họ mà không ai được ép buộc, ngăn cản. Ngoài ra, người đã lập di chúc luôn có quyền thay đổi sự định đoạt của mình thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế di chúc. 

Nếu một người chết đã để lại di chúc và di chúc có hiệu lực pháp luật thì phải căn cứ vào di chúc để dịch chuyển di sản của họ cho những người thừa kế theo ý chí mà họ đã thể hiện trong di chúc đó. Chỉ có thể dịch chuyển di sản của họ cho người thừa kế theo quy định của pháp luật trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực pháp luật. 

Thứ ba: Tôn trọng ý chí của người thừa kế

 Bản chất của quan hệ dân sự là các chủ thể luôn được tự do ý chí khi thiết lập và thực hiện các quan hệ mà họ tham gia. Vì vậy, trong quan hệ thừa kế, pháp luật nước ta cũng cho phép chủ thể được hưởng thừa kế có quyền bằng ý chí của mình để quyết định sự lựa chọn: nhận hay không nhận di sản thừa kế. 

“Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. 

“Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Quy định này tại Điều 636 BLDS cho thấy rằng, bắt đầu từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền hưởng di sản. Mà đã là quyền thì họ có thể bằng ý chí của mình để quyết định đối với quyền đó. Vì vậy, ngoài việc có quyền từ chối nhận di sản, người thừa kế còn có thể nhường quyền hưởng di sản cho người khác, mặc dù vấn đề về nhường quyền hưởng di sản không được luật hiện hành quy định. 

Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền nói trên, người thừa kế cần phải chú ý đến một số vấn đề sau đây: 

Một là: Nếu việc từ chối nhận di sản phải thực hiện các thủ tục tại cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật (chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn khi bàn về vấn đề Từ chối nhận di sản) thì việc nhượng quyền hưởng di sản phải tuân thủ các điều kiện của một giao dịch dân sự. 

Hai là: Từ chối nhận di sản không cần xác định người hưởng di sản (phần từ chối) là ai nhưng nhượng quyền hưởng di sản phải xác định cụ thể người được nhượng quyền. 

Ba là: Chỉ được từ chối nhận di sản trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế nhưng việc nhưởng quyền hưởng di sản không bị hạn chế về thời hạn, miễn là trước khi di sản thừa kế được phân chia. 

Bốn là: Nếu phần di sản bị từ chối nhận là phần di sản được thừa kế theo di chúc thì phần di chúc liên quan đến phần di sản của người đó trở nên không còn hiệu lực nên phần di sản đó được chia cho tất cả những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản. Trong trường hợp quyền hưởng di sản là thừa kế theo pháp luật bị từ chối thì phần di sản đó thuộc về những người thừa kế theo pháp luật còn lại. Tuy nhiên, nếu nhưởng quyền hưởng di sản thì phần di sản đó chỉ thuộc về người được nhường (đã được xác định theo ý chí của người nhường quyền nhận di sản).

Thứ tư: Đảm bảo quyền hưởng di sản của một số người thừa kế theo pháp luật 

Theo nguyên tắc này, nếu vào thời điểm mở thừa kế, người để lại di sản còn có những người mà giữa họ với những người đó có quan hệ gần gũi thân thiết như cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động thì người để lại di sản bắt buộc phải cho mỗi người trong số họ được hưởng phần di sản ít nhất là bằng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. 

Có thể hiểu rằng, theo nguyên tắc này thì người để lại thừa kế chỉ được quyền định đoạt tài sản của mình một cách không hạn chế nếu vào thời điểm mở thừa kế họ không còn ai trong số những người nói trên. Nếu họ còn những người này thì quyền định đoạt tài sản của họ sẽ bị hạn chế để bảo đảm quyền lợi cho những người đó. 

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật. Khách hàng quan tâm đến các nội dung tương tự cần giải đáp kỹ hơn vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6557 để nhận hỗ trợ.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi