Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Công ty có được giữ bằng gốc của nhân viên không?
  • Thứ sáu, 11/08/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 720 Lượt xem

Công ty có được giữ bằng gốc của nhân viên không?

Công ty không được giữ bằng gốc của nhân viên, hành vi giữ bằng gốc là trái với quy định của pháp luật, nếu người sử dụng lạo động là cá nhân giữ bằng gốc của nhân viên sẽ bị phạt tiền từ từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng,  còn đối với tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi.

Thực tế thấy được rằng để giữ chân nhân viên nhiều công ty thường đưa ra yêu cầu giữ bằng gốc của ứng viên khi trúng tuyển, vậy Công ty có được giữ bằng gốc của nhân viên không? Quý độc giả hãy cùng theo dõi nội dung bài viết sau đây.

Bằng gốc là gì?

Bằng gốc là thuật ngữ  dùng để nói bản chính của bằng đại học, các chứng chỉ nghề, bằng cao đẳng, thạc sĩ,.. những giấy tờ này thể hiện trình độ chuyên môn, học vấn của một người.

Đối với những công việc có yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ thuật thì người sử dụng lao động thường sẽ yêu cầu người lao động cung cấp bản sao của loại bằng cấp tương ứng. Có thể thấy được rằng đây là một yêu cầu hợp lý để người lao động có thể chứng minh cho trình độ chuyên môn, kỹ thuật của mình phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

Công ty có được giữ bằng gốc của nhân viên không?

Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy từ quy định trên thấy được rằng công ty không được giữ bằng gốc của nhân viên, hành vi giữ bằng gốc là trái với quy định của pháp luật.

Thông thường hồ sơ tuyển dụng lao động chỉ bao gồm: Đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, bản sao văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng, giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền,…

Công ty bắt nhân viên nộp bằng gốc bị phạt như thế nào?

Công ty có được giữ bằng gốc của nhân viên không? đã được giải đáp ở nội dung trên, theo đó nếu công ty giữ bằng gốc của nhân viên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 9. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động được quy định tại khoản 1 Điều này;

c) Buộc người sử dụng lao động giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;

d) Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

đ) Buộc người sử dụng lao động trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Mặt khác theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:

Điều 6. Mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần

1. Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II, Chương III và Chương IV Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 7; khoản 3, 4, 6 Điều 13; khoản 2 Điều 25; khoản 1 Điều 26; khoản 1, 5, 6, 7 Điều 27; khoản 8 Điều 39; khoản 5 Điều 41; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 Điều 42; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 43; khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 45; khoản 3 Điều 46 Nghị định này. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Chương V Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Từ quy định trên thấy được rằng nếu người sử dụng lạo động là cá nhân giữ bằng gốc của nhân viên sẽ bị phạt tiền từ từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng,  còn đối với tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi. Ngoài việc bị phạt tiền người lao động còn buộc phải trả lại bằng gốc đã giữ của người lao động.

Cách lấy lại bằng gốc khi bị công ty giữ

Từ những phân tích trên thấy được rằng việc công ty giữ bằng gốc của nhân viên là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của Bộ luật lao động. Nếu người lao động lỡ giao bằng gốc cho công ty thì có thể đòi lại theo cách sau đây:

– Trao đổi trực tiếp với người sử dụng lao động để lấy lại bằng gốc và đề nghị nộp lại cho người sử dụng lao động bản sao bằng có công chứng, chứng thực. Trường hợp công ty không đồng ý trả lại bằng gốc thì có thể làm đơn khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền.

– Làm đơn khiếu nại

+ Theo hướng dẫn tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP trước tiên người lao động phải khiếu nại đến người sử dụng lao động. Việc khiếu nại có thể thực hiện bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp.

+ Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

+ Nếu quá thời hạn trên mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của công ty, người lao động được quyền khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để yêu cầu đòi bằng gốc.

+ Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu phát hiện vi phạm, thanh tra lao động sẽ xử phạt vi phạm và yêu cầu công ty trả lại bằng gốc cho người lao động.

Trên đây là những chia sẻ của Công ty Luật Hoàng Phi về vấn đề Công ty có được giữ bằng gốc của nhân viên không? mong rằng đã cung cấp đến quý độc giả những thông tin hữu ích.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi