Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Trình tự, thủ tục xác định lại dân tộc cho con khi bố mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau
  • Thứ ba, 24/10/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 784 Lượt xem

Trình tự, thủ tục xác định lại dân tộc cho con khi bố mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau

Vợ tôi là người dân tộc Thái, còn tôi dân tộc kinh, khi sinh con chúng tôi đã quyết định để con theo dân tộc kinh. Nay, chúng tôi muốn đổi dân tộc cho con mình thành dân tộc Thái có được không? Nếu được thì trình tự, thủ tục thế nào?

Câu hỏi: 

Kính chào công ty Luật Hoàng Phi, tôi là Nguyễn Văn Minh ở Lai Châu xin hỏi luật sư giúp đỡ tôi vấn đề sau: Vợ tôi là người dân tộc Thái, còn tôi dân tộc kinh, khi sinh con chúng tôi đã quyết định để con theo dân tộc kinh. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi muốn đổi dân tộc cho con mình thành dân tộc Thái để được hưởng ưu tiên của Nhà nước có được không? Nếu được thì trình tự, thủ tục thế nào?

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn Luật Hoàng Phi xin trả lời như sau:

Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền xác định lại dân tộc như sau:

Điều 29. Quyền xác định, xác định lại dân tộc

1. Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình.

2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

3. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

4. Việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó.

5. Cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.”

Như vậy, theo quy định trên thì một cá nhân khi đã được xác định dân tộc rồi thì vẫn được xác định lại nếu thuộc hai trường hợp đó là: Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau; Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình. Áp dụng với trường hợp của bạn, theo như bạn đã thông tin thì bạn là người dân tộc kinh còn vợ bạn là người dân tộc Thái, khi sinh con hai bạn đã quyết định để con theo dân tộc kinh. Tuy nhiên, hiện nay, bạn muốn đổi dân tộc cho con mình thành dân tộc Thái (dân tộc của vợ) để được hưởng ưu tiên của Nhà nước thì gia đình bạn hoàn toàn có quyền xác định lại dân tộc cho cháu theo Điểm a Khoản 3 Điều 29 Bộ luật dân sự đã nêu ở trên. 

Trình tự, thủ tục xác định lại dân tộc cho con khi bố mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau

Thủ tục xác định lại dân tộc cho con khi bố mẹ thuộc hai dân tộc khác nhau

Lưu ý: Nếu con bạn từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì việc xác định lại dân tộc từ dân tộc Kinh sang dân tộc Thái thì cần phải có sự đồng ý của cháu.

Về trình tự, thủ tục xác định lại dân tộc cho con được quy định tại Điều 47 và Điều 28 Luật hộ tịch 2014 như sau:

“Điều 47. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc

1. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Luật này.

Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật; trình tự được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật này.

2. Thủ tục yêu cầu bổ sung thông tin hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 29 của Luật này.”

“Điều 28. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch

1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.”

Cụ thể gồm các bước sau:

Bước 1: Người yêu cầu xác định lại dân tộc nộp 01 bộ hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – UBND cấp huyện. Thành phần hồ sơ bao gồm:

– Tờ khai theo mẫu quy định (Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP)

– Giấy tờ liên quan làm căn cứ chứng minh yêu cầu xác định lại dân tộc.

Xuất trình: bản chính giấy tờ tùy thân để chứng minh về nhân thân và giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, nếu thấy yêu cầu xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Về lệ phí: theo Điểm b.1 Điều 1 Thông tư 179/2015/TT-BTC sửa đổi nội dung thông tư số 02/2014/ TT-BTC, Lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, chứng minh nhân dân ở UBND cấp huyện đối với việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc là không quá 28.000 đồng. Do đó chi phí là 28000 VNĐ. Miễn lệ phí hộ tịch trong trường hợp đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật. (Thông tư số 179/2015/TT-BTC).

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi