Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
  • Thứ hai, 23/10/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2633 Lượt xem

Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tổ chức và tiến hành những biện pháp, thủ tục cần thiết để tiếp nhận đầy đủ, kiểm tra xác minh và xử lý theo luật định mọi thông tin về tội phạm.

Quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:

a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;

b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;

c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.

4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Tố giác, tin báo về tội phạm

Bình luận quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là trách nhiệm của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tổ chức và tiến hành những biện pháp, thủ tục cần thiết để tiếp nhận đầy đủ, kiểm tra xác minh và xử lý theo luật định mọi thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức và cá nhân gửi đến, nhằm quyết định khởi tố hay quyết định không khởi tố vụ án hình sự, áp dụng các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn cho người tố giác.

Giải quyết tin báo tố giáchoạt động tiền tố tụng được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự. Các quan hệ phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm được điều chỉnh trực tiếp bởi các quy phạm của Bộ luật tố tụng hình sự và cả các quy phạm của các văn bản dưới luật khác. Mặc dù đều liên quan đến tin báo, tố giác nhưng việc tiếp nhận tin báo, tố giác ở giai đoạn đầu với việc giải quyết tin báo tố giác là những hoạt động có bản chất pháp lý khác nhau và sự điều chỉnh pháp luật đối với các hoạt động này cũng khác nhau. Nếu việc tiếp nhận tin báo, tố giác là nghĩa vụ của tất cả các cơ quan, tổ chức, thì việc giải quyết tin báo, tố giác lại được pháp luật tố tụng hình sự quy định là nhiệm vụ của một số rất hẹp các cơ quan bảo vệ pháp luật (cụ thể là, chỉ có Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát). Luật quy định chi tiết về thẩm quyền và xác định thời hạn cho việc giải quyết tin báo tố giác cũng như những trách nhiệm phát sinh trong quá trình giải quyết tin báo tố giác đó.

Quy định nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn bảo vệ pháp luật và trật tự xã hội. Việc quy định nhiệm vụ giải quyết tin báo tố giác xét về mặt xã hội là một bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện trật tự pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp chế, để công lý luôn được bảo vệ. Người dân có thể tin tưởng rằng những thông tin về tội phạm mà họ đem đến cho các cơ quan, tổ chức – với ý nghĩa là những đại diện cho Nhà nước và xã hội này đều có những địa chỉ tin cậy và được xem xét giải quyết theo luật định. Mặt khác, xét về mặt tố tụng hình sự, việc quy định như thế nhằm xác định rõ chức trách nhiệm vụ và thủ tục để giải quyết nhanh chóng tin báo tố giác về tội phạm, bảo đảm hiệu quả cao của tố tụng hình sự. Quy định như thế còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc khắc phục tình trạng chồng chéo nhau, nhiều cơ quan, đơn vị cùng lúc giải quyết một sự việc dẫn đến những tranh chấp hoặc những hậu quả không mong muốn khác. Đồng thời, để tránh tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Vai trò chính trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (trong phạm vi trách nhiệm của mình tiến hành các biện pháp và thủ tục cần thiết để giải quyết, tiếp nhận, xử lý) thuộc về Cơ quan điều tra. Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát hoạt động của Cơ quan điều tra trong việc giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm. Phạm vi trách nhiệm của Cơ quan điều tra được nêu trong Điều luật được hiểu là phạm vi về quyền năng tố tụng hình sự; phạm vi địa bàn, loại án được phân công điều tra; trách nhiệm phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo quy định của Điều luật: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển đến. Điều đó có nghĩa là bất luận trường hợp nào Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không được từ chối việc nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước với lý do tin tức không đầy đủ hay việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Khi nhận được tố giác hay tin báo về tội phạm, hoặc kiến nghị khởi tố Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay các tố giác và tin báo về tội phạm đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Cơ quan điều tra, phải khẩn trương kiểm tra, xác minh nguồn tin để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự, không được chần chừ. Vì những người có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thì cũng có quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu có tố giác hay tin báo về tội phạm mà theo luật định chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì phải hỏi người bị hại xem họ có yêu cầu khởi tố vụ án hình sự hay không.

Việc giải quyết tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố tuy là một hoạt động tố tụng độc lập nhưng hoạt động này có quan hệ chặt chẽ và có ý nghĩa quan trọng đối với các hoạt động tố tụng tiếp theo.

–  Điều luật không điều chỉnh chi tiết về trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước, nhưng để thực hiện được những nhiệm vụ mà luật đã định trong các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đều phải có đơn vị thường trực để tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm do công dân, cơ quan, tổ chức cung cấp. Các đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận nguồn tin phải có địa điểm thuận lợi, có ghi tên cơ quan và thông báo rộng rãi cho quần chúng nhân dân biết. Những cán bộ thường trực tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm phải có năng lực pháp lý, nghiệp vụ và phẩm chất cần thiết. Cơ quan tiếp nhận thông tin tội phạm phải có hệ thống sổ sách thống nhất theo mẫu quy định chung: sổ tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm; thống kê tố giác và tin báo về tội phạm; thống kê kết quả giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm; sổ giao ban, chuyển giao thông tin giữa các cơ quan, đơn vị…

–  Trường hợp cá nhân tố giác về tội phạm thì phải ghi nhận nguồn tin vào sổ “Tiếp nhận tố giác, báo tin về tội phạm”. Khi có công dân trực tiếp tố giác về tội phạm, cán bộ trực ban hình sự tiếp nhận và phải lập biên bản theo đúng thủ tục pháp luật. Biên bản tiếp nhận tố giác về tội phạm phải có chữ ký của người đã tố giác. Nếu người tố giác mang theo đơn thì phải xem xét nội dung đơn và yêu cầu ghi đầy đủ các dữ kiện cần thiết như: họ tên, địa chỉ, nội dung sự việc.Trong trường hợp cần ngăn chặn ngay tội phạm thì Cơ quan điều tra (hoặc Viện Kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra) phải tổ chức triển khai kịp thời các biện pháp khẩn cấp theo đúng quy định của pháp luật.

–  Trường hợp nhận được đơn tố giác qua đơn thư thì phải tiếp nhận, phản ánh trong sổ trực ban và đưa vào sổ theo dõi để giải quyết. 

Thủ trưởng Cơ quan điều tra phải có kế hoạch cử cán bộ kiểm tra xác minh đơn tố giác.

–  Trường hợp nhận được tố giác của công dân qua điện thoại thì cán bộ trực ban phải ghi rõ nội dung tố giác vào sổ trực ban và báo ngay cho lãnh đạo biết để giải quyết. Trường hợp này cần xác định họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người báo tin, nội dung sự việc (địa điểm, thời gian, diễn biến sự việc…).

–  Trường hợp người phạm tội tự thú thì cơ quan tiếp nhận phải lập biên bản theo đúng quy định.

–  Những tin báo về tội phạm do cơ quan, tổ chức cung cấp phải được thể hiện bằng văn bản và ghi vào sổ theo dõi.

–  Để thu thập và xử lý các thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, trước hết cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải có đơn vị hay cán bộ chuyên trách để thực hiện chức năng này. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, đài phát thanh, truyền hình…) cần được thu nhận và ghi rõ, nguồn báo cáo kịp thời lên các cấp có thẩm quyền. Cơ quan bảo vệ pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của mình phải có kế hoạch kiểm tra xác minh các nguồn tin này. Nếu thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng mà có địa chỉ cụ thể, hoặc yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật giải quyết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm giải quyết theo quy định của điều luật này.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (1 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi