Thương lượng tập thể không thành
Điều 71 về thương lượng tập thể không thành bao gồm hai nội dung chính: (i) Quy định về những trường hợp cụ thể được xác định là thương lượng tập thể không thành; và (ii) Quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp thương lượng tập thể không thành.
Các trường hợp thương lượng tập thể không thành
Điều 71 Bộ luật lao động quy định về Thương lượng tập thể không thành như sau:
1. Thương lượng tập thể không thành thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Một bến từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 70 của Bộ luật này;
b) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này mà các bên không đạt được thỏa thuận;
c) Chưa hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật này nhưng các bên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
2. Khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.
Bình luận về thương lượng tập thể không thành
Điều 71 về thương lượng tập thể không thành bao gồm hai nội dung chính: (i) Quy định về những trường hợp cụ thể được xác định là thương lượng tập thể không thành; và (ii) Quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp thương lượng tập thể không thành.
Trường hợp đầu tiên được quy định là thương lượng tập thể không thành là trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật là 30 ngày kể từ ngày có yêu cầu thương lượng tập thể. Đây thực chất là trường hợp bên từ chối thương lượng đã vi phạm pháp luật do việc phải tiến hành thương lượng trong thời hạn luật định là nghĩa vụ pháp lý của bên nhận được yêu cầu thương lượng.
Hành vi vi phạm pháp luật này có thể bị xử lý và áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, về phương diện quan hệ lao động, nó được xác định là một trường hợp thương lượng tập thể không thành và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động có thể được kích hoạt, bao gồm quá trình hòa giải, trọng tài và cả việc bên người lao động là bên bị vi phạm thì họ vẫn có thể thực hiện quyền đình công theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp khác được xác định là thương lượng tập thể không thành là những trường hợp đã hết tổng thời gian 90 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 70 của BLLĐ mà các bên không đạt được thỏa thuận; hoặc trường hợp chưa hết thời hạn 90 ngày nêu trên, song các bên thương lượng không thấy có cơ hội đạt được thỏa thuận thông qua thương lượng nên cùng xác định và tuyên bố về việc thương lượng tập thể không đạt được thỏa thuận.
Khoản 2 Điều 71 quy định khi thương lượng không thành, các bên thương lượng tiến hành thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của BLLĐ. Trong khi đang giải quyết tranh chấp lao động, tổ chức đại diện người lao động không được tổ chức đình công.
Bản chất của quy định này là xác định trong trường hợp thương lượng tập thể không thành thì có nghĩa là một tranh chấp về lợi ích đã xuất hiện. Và do đó, toàn bộ trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích có thể được các bên sử dụng để thúc đẩy cho việc đạt được thỏa thuận trong thương lượng tập thể.
Đây là điểm rất đặc thù của tranh chấp lao động so với các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại thông thường. Trong dân sự, kinh doanh, thương mại, việc các bên không đạt được thỏa thuận trong quá trình đàm phán hợp đồng không trở thành những tranh chấp dân sự hay kinh doanh, thương mại. Nếu đàm phán thành thì có hợp đồng, nếu không thành thì không có hợp đồng, mà không phát sinh tranh chấp liên quan.
Tuy nhiên, trong quan hệ lao động, nếu các bên thương lượng tập thể để tiến tới ký thỏa ước lao động tập thể (bản chất là hợp đồng tập thể) mà không thành thì pháp luật lại xem đây là một tranh chấp lao động và được định nghĩa là tranh chấp lao động tập thể về lợi ích’ và các quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp như hòa giải, trọng tài có thể được áp dụng để giải quyết.
Và như vậy, bản chất của việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp này là quá trình hỗ trợ, thúc đẩy cho các bên đạt được thỏa thuận trong thương lượng tập thể, khác với việc giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, bản chất của việc giải quyết tranh chấp là khôi phục lại những quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại do hành vi vi phạm hoặc không thực hiện hợp đồng gây ra.
BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hiệu lực của hợp đồng lao động theo quy định mới nhất 2025
Theo quy định thì hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày các bên giao kết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định...

Chưa đủ 18 tuổi có đi làm được không?
Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01...

Hiệu lực của Bộ luật Lao động năm 2019
Điều khoản thi hành của một văn bản quy phạm pháp luật thường quy định về các nội dung: Tuyên bố thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản, tuyên bố các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hết hiệu lực thi...

Giải quyết hỗ trợ kinh phí đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động
Luật sư Hoàng Phi cho tôi hỏi: Tôi là chủ một doanh nghiệp sản xuất mây tre đan xuất khẩu. Nay tôi muốn cử một số người lao động trong doanh nghiệp của tôi đi đào tạo nâng cao tay nghề thì tôi có phải hộc trợ kinh phí cho họ...

Phụ cấp thâm niên vượt khung là gì?
Phụ cấp thâm niên vượt khung là một chế độ của Nhà nước cho các cán bộ, nhân viên tại nơi công tác nhằm khuyến khích và khích lệ tinh...
Xem thêm