Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Lao động – Tiền Lương Quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về chế độ nghỉ thai sản?
  • Thứ năm, 21/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1986 Lượt xem

Quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về chế độ nghỉ thai sản?

Điều 139 quy định về nghỉ thai sản của lao động nữ. Tuy nhiên, nội dung của điều luật chỉ đề cập đến thời gian và quyền lợi của lao động nữ khi nghỉ sinh con

Khái niệm nghỉ thai sản theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019

Căn cứ Điều 139 Bộ luật lao động năm 2019 quy định như sau:

Điều 139. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về chế độ nghỉ thai sản?

Quy định về nghỉ thai sản

Bình luận và phân tích quy định về nghỉ thai sản theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019

Điều 139 quy định về nghỉ thai sản của lao động nữ. Tuy nhiên, nội dung của điều luật chỉ đề cập đến thời gian và quyền lợi của lao động nữ khi nghỉ sinh con. Các thời gian nghỉ cho các chế độ thai sản khác như: nghỉ khám thai; sảy thai, nạo thai, hút thai, thai chết lưu; nghỉ nuôi con nuôi sơ sinh; nghỉ khi thực hiện các biện pháp tránh thai… được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Vì thế, có thể sửa tiêu đề Điều 157 là nghỉ sinh con.

Về thời gian nghỉ sinh con, so với trước, Điều 139 chỉ quy định một khoảng thời gian nghỉ sinh con chung cho mọi lao động nữ là 06 tháng, không có sự phân biệt giữa lao động nữ về điều kiện lao động và khả năng lao động bị suy giảm như trước đây. Hay nói cách khác, mọi lao động nữ khi có đủ điều kiện do Luật Bảo hiểm xã hội quy định, đều có quyền được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng và thời gian nghỉ tối thiểu sau sinh là ít nhất 04 tháng.

Thời gian nghỉ việc trước và sau khi sinh con được dựa trên cơ sở tính toán một cách khoa học lượng thời gian cần và đủ để lao động nữ ổn định nhịp sinh học của cơ thể, đồng thời đủ để đứa trẻ tận dụng được nguồn sữa mẹ để có thể phát triển tốt về thể lực và trí tuệ cũng như phù hợp với nhu cầu của lao động nữ và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Mục đích của quy định này là nhằm bảo vệ sức khỏe cho lao động nữ khi thực hiện thiên chức, đồng thời bảo vệ thế hệ lao động tương lai, góp phần nâng cao thể lực, cải thiện nòi giống, khắc phục thể trạng thấp còi của người Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. So với quy định của pháp luật các nước trong khu vực, với thời gian nghỉ sinh con 06 tháng, đã thể hiện rõ rệt sự ưu đãi của Nhà nước đối với lao động nữ.

Mặc dù thể hiện sự ưu đãi đối với lao động nữ khi thực hiện thiên chức, song có một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc trong tương quan chung về lợi ích của đơn vị sử dụng lao động và lợi ích lâu dài của lao động nữ, trong sự thống nhất với quy định của pháp luật khác. Vì quy định này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp về việc sử dụng lao động (ký họp đồng lao động thay thế, bố trí công việc cũ hoặc sắp xếp công việc mới cho lao động nữ sau khi sinh con, bảo đảm tiền lương sau thời gian lao động nữ nghỉ sinh con…), làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc và sản xuất, tạo tâm lý e ngại cho người sử dụng lao động khi tuyển lao động nữ.

Từ đó, vô hình trung làm cho các quy định của pháp luật về cấm phân biệt khi tuyển dụng lao động giữa lao động nam và lao động nữ trong luật lao động và luật bình đẳng giới khó thực thi trong thực tế. Đồng thời do thời gian nghỉ sinh con quá lâu nên ảnh hưởng không ít đến cơ hội việc làm, thu nhập cũng như thăng tiến và các cơ hội khác của lao động nữ.

Tuy nhiên, để hoá giải cho những ý kiến đặt ra ở trên, khoản 3 và khoản 4 của Điều luật quy định linh hoạt các trường hợp nghỉ sinh con. Theo đó, lao động nữ có thể đi làm sớm hơn khi đủ điều kiện về thời gian nghỉ tối thiểu (04 tháng), sức khỏe đảm bảo (xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), người sử dụng lao động bố trí được công việc (người sử dụng lao động đồng ý). Đồng thời, lao động nữ cũng có thể nghỉ thêm khi hết thời gian nghỉ nêu trên, nếu có nhu cầu, để bảo đảm sức khỏe của mình và trẻ sơ sinh (thỏa thuận với người sử dụng lao động). Quy định như vậy là phù hợp, thể hiện sự thống nhất với pháp Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm tạo điều kiện cho lao động nữ được quyền lựa chọn thời gian nghỉ sinh con phù họp với nhu cầu, sức khỏe, điều kiện cụ thể của mình.

Quy định của Bộ luật lao động năm 2012 về chế độ nghỉ thai sản?

Về quyền lợi của lao động nữ khi nghỉ sinh con, trong thời gian nghỉ sinh con, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bao gồm chế độ trợ cấp thay lương và chế độ trợ cấp một lần, nhằm giúp lao động nữ đảm bảo đời sống, sinh hoạt, tăng cường sức khỏe trong thời gian nghỉ sinh con cũng như đáp ứng nhu cầu chi phí tăng lên đột xuất do lao động nữ cần phải sắm sửa những vật dụng cần thiết cho việc nuôi con nhỏ.

Trường hợp lao động nữ nghỉ thêm ngoài thời gian quy định thì không hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Trường hợp người lao động đi làm sớm khi chưa hết thời gian nghỉ sinh con, thì ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, người lao động vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định cùa pháp luật về bảo hiểm xã hội cho đến khi hết thời gian nghỉ theo quy định.

Có thể thấy rằng, quy định về thời gian nghỉ sinh con tại Điều 139 là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay, đạt được mục đích trong việc bảo vệ sức khỏe lao động nữ khi sinh con.

Trong trường hợp cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Hoàng Phi qua TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ 19006557 để được tư vấn.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi