Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Quy chế pháp lý hành chính của cán bộ, công chức như thế nào?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 2193 Lượt xem

Quy chế pháp lý hành chính của cán bộ, công chức như thế nào?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Quy chế pháp lý hành chính của cán bộ, công chức như thế nào?

Quy chế pháp lý hành chính hiện hành về cán bộ, công chức được xác định theo Luật Cán bộ, công chức 2010 và các Nghị định của Chính phủ đã nêu ở phần trên. Nhìn tổng thể quy chế pháp lý hành chính của cán bộ, công chức bao gồm các vấn đề chủ yếu do sau đây: 

Công vụ và những nguyên tắc công vụ 

Cán bộ, công chức khác về cơ bản so với các đối tượng lao động khác trong xã hội ở chỗ họ phải thực hiện những công vụ, nhiệm vụ nhà nước tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp của nhà nước. 

Công vụ, nhiệm vụ là những hoạt động mang tính nhà nước, nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước, vì lợi ích xã hội, lợi ích nhà nước, lợi ích chính đáng của các tổ chức và cá nhân. 

Cần phân biệt công vụ với nhiệm vụ: Công vụ là hoạt động nhà nước có tính chất thường xuyên, liên tục; hoạt động công vụ chủ yếu do đội ngũ công chức chuyên nghiệp tiến hành. Nhiệm vụ là những công việc nhà nước phải làm vì một mục đích nhất định trong một khoảng thời gian xác định. 

Để đảm bảo cho cán bộ, công chức hoàn thành tốt công vụ, nhiệm vụ được giao, công chức phải quán triệt những nguyên tắc chủ yếu lớp bao gôm: 

1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. 

2) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. 

3) Công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát.

4) Bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, liên tục, thông suốt và hiệu quả.

5) Bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.

Bầu cử, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức 

Bầu cử thường được áp dụng trong trường hợp nhà nước cần trao cho công dân đảm nhiệm một chức vụ nhất định trong một thời gian nhất định (theo nhiệm kỳ). 

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức danh khác trong hệ thống các cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và các văn bản pháp luật khác. Việc bầu cử các chức danh trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện theo điều lệ của các tổ chức đó. 

Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội khi thôi giữ chức vụ được bố trí công tác theo năng lực, sở trường, ngành, nghề chuyên môn của mình và được đảm bảo các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức. 

Tuyển dụng được thực hiện trong trường hợp nhà nước trao cho công dân một công vụ, nhiệm vụ thường xuyên tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Việc tuyển dụng cán bộ, công chức do cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Người được tuyển dụng phải có phẩm chất đạo đức, đủ tiêu chuẩn và thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. 

Việc tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán Toà án nhân dân, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Pháp lệnh về Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân. 

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Quy chế pháp lý điều chỉnh đối với những người là viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc thì áp dụng Luật Viên chức năm 2010. 

Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội (gọi chung là công chức) là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Điều kiện dự tuyển công chức gồm có: 

– Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; 

– Tuổi của người dự tuyển từ đủ 18 tuổi đến dưới 40 tuổi. Trường hợp người dự tuyển là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước thì tuổi dự tuyển có thể cao hơn nhưng không quá 45 tuổi; 

– Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với yêu cầu của ngạch dự tuyển; 

– Đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ, công vụ; 

– Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục. Người dự tuyển vào công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; của cơ quan nhà nước ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện phải qua thực hiện chế độ công chức dự bị. 

Khi tuyển dụng công chức, cơ quan, đơn vị tuyển dụng phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác và chỉ tiêu biên chế được giao.. 

Người trúng tuyển công chức phải thực hiện chế độ tập sự. Khi hết thời gian tập sự, nếu đạt yêu cầu thì được cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức, 

Quy chế sử dụng cán bộ, công chức được thực hiện thông qua các quy định về việc bố trí, phân công công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch; đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, từ chức, miễn nhiệm, luân chuyển, biệt phái và việc đánh giá cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP của Chính phủ. 

Quản lý cán bộ, công chức 

Quản lý cán bộ, công chức là hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần quyết định vào việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời tăng cường hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ của các cán bộ, công chức. 

Nội dung và thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, pháp luật về cán bộ, công chức và điều lệ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội. 

Nghĩa vụ, quyền lợi, nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, công chức 

Điều 8 Luật Cán bộ, công chức quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân như sau: 

“1) Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia. 

2) Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. 

3) Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. 

4) Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.” 

Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ bao gồm: 

– Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 8 

– Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước. 

– Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

– Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao. 

– Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. 

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. 

Tương ứng với các nghĩa vụ, cán bộ, công chức được pháp luật quy định cho hưởng những quyền lợi nhất định phù hợp với nhiệm vụ, công vụ mà họ đảm nhận tại các cơ quan, tổ chức.

Quyền lợi của cán bộ, công chức được quy định theo Bộ luật lao động và Luật cán bộ, công chức. Quyền của cán bộ, công chức được bảo đảm các điều kiện thi hành công vụ (Điều 11); Quyền của cán bộ, công chức về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương (Điều 12); Quyền của cán bộ, công chức về nghỉ ngơi (Điều 13); và các quyền khác (Điều 14); 

Quyền hạn của cán bộ, công chức gắn liền với nhiệm vụ, công vụ được giao và là phương tiện quan trọng để họ thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Do đó, căn cứ vào địa vị pháp lý của từng đối tượng cán bộ, công chức và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc mà pháp luật quy định quyền hạn của họ là khác nhau trong các văn bản pháp luật. Trên cơ sở đó mà cán bộ, công chức chỉ được thực hiện các nhiệm vụ quyền hạn trong khuôn khổ pháp luật quy định. Nếu vượt quá nhiệm vụ quyền hạn tức là vị phạm pháp luật, cán bộ, công chức phải chịu trách nhiệm pháp lý. 

Trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ, công chức 

Trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ, công chức phát sinh khi họ có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm kỷ luật công vụ. 

Cán bộ, công chức có thể phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý với tư cách là cán bộ, công chức hoặc với tư cách công dân. Nếu cán bộ, công chức vi phạm pháp luật với tư cách công dân thì về nguyên tắc, họ phải chịu trách nhiệm pháp lý bình đăng như công dân khác vi phạm pháp luật. Trong phạm vi chương này chỉ xem xét trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ nhà nước. Sau đây là các loại trách nhiệm pháp lý có thể được áp dụng đối với cán bộ, công chức. 

Một là, trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với cán bộ, công chức khi họ thực hiện hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu cán bộ, công chức thực hiện tội phạm có tính chất đặc thù gắn liền với nhiệm vụ, công vụ được xác định là các tội phạm về chức vụ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tương ứng của chương XXI Bộ luật Hình sự năm 1999. Cán bộ, công chức phạm tội không có tính chất đặc thù (với tư cách công dân) thì khi quyết định hình phạt, Toà án có thể coi tư cách cán bộ, công chức là tình tiết tăng nặng để xử lý nghiêm khắc hơn so với các công dân cùng phạm tội đó. 

Hai là, trách nhiệm hành chính được áp dụng khi cán bộ, công chức có hành vi vi phạm hành chính có tính chất đặc thù gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhà nước. Việc xử lý vi phạm hành chính được tiến hành theo quy định của pháp luật (xem Phần VI Chương V). 

Ba là, trách nhiệm kỷ luật được áp dụng đối với cán bộ, công chức khi họ có hành vi vi phạm kỷ luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Đây là chế độ kỷ luật hành chính, khác với chế độ kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động. 

Cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật (trách nhiệm kỷ luật) theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, 

– Đối với cán bộ, các hình thức kỷ luật:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo: 

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

– Đối với công chức, các hình thức kỷ luật bao gồm:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc. 

Một điểm mới về trách nhiệm của công chức 20 theo Luật Cán bộ, Công chức năm 2008 là nếu công chức hai năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có hai năm liên tiếp, trong đó một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. 

Công chức hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.

Bốn là, trách nhiệm vật chất là trách nhiệm bồi thường bằng tiền của cán bộ, công chức cho cơ quan, tổ chức, đơn vị bị thiệt hại về tài sản do cán bộ, công chức đó làm mất mát, hư hỏng hoặc gây ra. Việc xử lý trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức được thực hiện theo Nghị định số 118/2006/NĐ-CP ngày 10-10-2006 của Chính phủ. Cán bộ, công chức bị xử lý trách nhiệm vật chất có quyền khiếu nại về quyết định bồi thường thiệt hại của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 

Năm là, trách nhiệm bồi thường của nhà nước là trách nhiệm của nhà nước về việc bồi thường những thiệt hại mà các cá nhân, tổ chức đã phải gánh chịu do cán bộ, công chức gây ra khi thi hành nhiệm vụ, công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. Việc bồi thường của nhà nước cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009. Kinh phí bồi thường được đảm bảo từ ngân sách nhà nước. Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại cho người khác phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi