• Thứ ba, 14/05/2024 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 618 Lượt xem

Mức lương tối thiểu vùng năm 2024

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Quy định về mức lương tối thiểu vùng mới nhất

Điều 91 Bộ luật lao động hiện hành quy định về lương tối thiểu vùng như sau:

Điều 91. Mức lương tối thiểu

1. Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. 

2. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng giờ. 

3. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động, việc làm và thất nghiệp, năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Tư vấn về Mức lương tối thiểu vùng năm 2024

Lương tối thiểu là một nội dung quan trọng hệ thống các tiêu chuẩn lao động của đa số các quốc gia trên thế giới. Ở phạm vi quốc tế, ILO đã có Công ước số 26 về cơ chế ấn định mức lương tối thiểu năm 1928 và Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu năm 1970, trong đó thể hiện quan niệm chung của ILO về lương tối thiểu đó là “mức trả công lao động thấp nhất trả cho người lao động làm các công việc đơn giản nhất đủ đảm bảo cho họ một mức sống tối thiểu với tư cách là người chủ gia đình, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội” hay “là mức tối thiểu có thể trả cho người lao động để thực hiện công việc hoặc dịch vụ mà người đó được thuê làm, trong một khoảng thời gian nhất định, bất kể mức tối thiểu đó được tính toán trên cơ sở thời gian hay sản phẩm, mức này không được khấu trừ bằng bất cứ hình thức thỏa ước cá nhân hay tập thể nào, được pháp luật bảo vệ và mức tối thiểu này được xác định sao cho đảm bảo nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình của họ, phù hợp với kinh tế quốc gia và các điều kiện xã hội” (ILO, 1992).

Ở các nước, tùy theo phương pháp xác định và mục tiêu đặt ra gắn với điều kiện kinh tế – xã hội của mỗi nước mà có những quan niệm cụ thể về lương tối thiểu, song đều hướng tới những nội hàm chung nhất của lương tối thiểu, đó là: mức tiền lương thấp nhất để trả cho người lao động gắn với các yêu cầu về điều kiện làm việc, thời gian làm việc nhất định và mức lương này được luật định, người sử dụng lao động không thể cắt giảm theo thỏa ước tập thể hay hợp đồng lao động cá nhân hay các hình thức khác.

Ở Việt Nam, quy định về lương tối thiểu có từ những ngày đầu thành lập nước (tại Sắc lệnh 133/SL năm 1946) và lần đầu được luật hóa trong BLLĐ năm 1994, sau đó tiếp tục bổ sung hoàn thiện trong BLLĐ năm 2012 và 2019. 

Tại Điều 56 của BLLĐ năm 1994 xác định: “ Mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng và được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác”.

Theo quan niệm này thì yếu tố chính để quyết định mức lương tối thiểu trong từng thời kỳ chính là giá cả gắn với chủ thể xác định là người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và hướng tới mục tiêu bù đắp sức lao động cho họ (giản đơn và một phần mở rộng), đồng thời gắn vai trò cho lương tối thiểu là căn cứ để tính mức lương cho các loại lao động khác.

Quy định này phù hợp với bối cảnh ra đời, khi nền kinh tế mới chuyển đổi sang kinh tế thị trường, yếu tố giá cả có sự tác động lớn đến đời sống của người lao động, do đó luật nhấn mạnh đến yếu tố này để bảo đảm tiền lương thực tế trong giai đoạn này, điều kiện kinh tế – xã hội nói chung còn nhiều khó khăn nên mục tiêu đặt ra cho lương tối thiểu gồm phần tái sản xuất sức lao động mở rộng, song sự mở rộng này cơ bản vẫn giới hạn ở phạm vi bản thân người lao động và khi chính sách tiền lương giữa các khu vực vẫn chưa có sự tách bạch, nhất là chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn gắn với khu vực hưởng lương ngân sách, thì việc xác định vai trò “tính mức lương cho các loại lao động khác” sẽ là căn cứ để thiết lập hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lượng áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước bảo đảm tương quan chung so với các khu vực công. 

Đến BLLĐ năm 2012, quan niệm về lương tối thiểu đã tiến lên một bước, tại khoản 1 Điều 91 quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công vic giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Quy định này cho thấy vai trò “tính các mức lương khác” đã được loại bỏ, điều này phù hợp với cơ chế thị trường khi Nhà nước giao quyền tự quyết tiền lương cho doanh nghiệp nhà nước như các loại hình doanh nghiệp khác, hai bên có quyền tự thỏa thuận các mức lương phù hợp với cơ chế thị trường mà không phụ thuộc vào quan hệ định sẵn của Nhà nước.

Mục tiêu của lương tối thiểu cũng đã được mở rộng, nếu ở Bộ luật năm 1994 chỉ xác định chung chung là “bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng” thì đến Bộ luật năm 2012 đã khẳng định rõ “bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động gia đình họ”, tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, xác định “nhu cầu tối thiểu” thế nào là rất khó, nó thể hiện sự mong muốn và biến thiên theo thời gian nên đây chính là yếu tố gây tranh cãi trong quá trình thực thi. 

Đến Bộ luật năm 2019, lương tối thiểu đã được quy định rõ ràng hơn, yếu tố “nhu cầu tối thiểu” đã được thay thế bằng “mức sống tối thiểu” để lượng hóa rõ hơn căn cứ xác định, đồng thời lương tối thiểu còn phải “phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội”, điều này bảo đảm cho lương tối thiểu được xác định hài hòa, bảo đảm lợi ích của cả người lao động, người sử dụng lao động và xã hội.

Về loại hình lương tối thiểu, thông thường có sự phân loại theo 3 yếu tố. Theo không gian, gồm: lương tối thiểu chung (áp dụng thống nhất theo quốc gia); lương tối thiểu vùng (phân theo vùng địa lý nhất định của quốc gia dựa trên sự khác biệt và các yếu tố chênh lệch vùng); lương tối thiểu ngành (xác định cơ sở tiền lương tối thiểu chung và yếu tố đặc thù của ngành).

Theo thời gian, gồm: lương tối thiểu theo giờ; lương tối thiểu theo ngày; lương tối thiểu theo tháng. Kết hợp giữa không gian và thời gian, trong đó lấy yếu tố không gian làm gốc, trong từng loại theo không gian tiếp tục có sự phân loại theo thời gian (ví dụ: mức lương tối thiểu vùng, có nơi trong vùng theo tháng và nơi theo giờ…). 

Ở Việt Nam, Bộ luật năm 1994 quy định 3 loại hình lương tối thiểu là lương tối thiểu chung, lương tối thiểu vùng và lương tối thiểu ngành. Trong đó mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cả khu vực công, khu vực doanh nghiệp, và không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực doanh nghiệp có quan hệ lao động và mức lương tối thiểu ngành áp dụng cho khu vực doanh nghiệp, có quan hệ lao động theo ngành thông qua thỏa ước lao động tập thể ngành.

Đến Bộ luật năm 2012, khi thực hiện tách bạch chính sách tiền lương giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, Bộ luật chỉ quy định xác lập lương tối thiểu theo vùng và lương tối thiểu theo ngành (vùng, ngành xác định theo tháng, theo ngày, theo giờ) và trên thực tế, Chính phủ cũng chỉ quy định được mức lương tối thiểu xác lập theo vùng, ấn định theo tháng. Đến Bộ luật 2019, chỉ còn quy định mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ.

Việc quy định thu hẹp dần loại hình lương tối thiểu là phù hợp, vì trên thực tế, xuất phát từ điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế – xã hội, thị trường lao động có sự chênh lệch khá rõ nét giữa các vùng, không thể áp dụng cùng một mức lương tối thiểu chung giữa các vùng. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu ngành là do các ngành tự xác lập theo cơ chế thương lượng ngành nếu cần thiết, Nhà nước không cần thiết phải quy định, theo đó chỉ còn mức lương tối thiểu vùng, tuy nhiên ngoài mức lương tối thiểu vùng theo tháng thì Chính phủ cần quy định cụ thể về mức lương tối thiểu vùng theo giờ để mở rộng phạm vi bao phủ của mức lương tối thiểu vùng, nhất là trong bối cảnh lao động làm việc không trọn thời gian ngày càng trở nên phổ biến. 

Về căn cứ xác định điều chỉnh lương tối thiểu, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ mà việc xác định, điều chỉnh các loại mức lương tối thiểu có sự khác nhau nhất định. Trong Công ước số 131 của ILO cũng xác định, trong chừng mực có thể và thích hợp, xét theo thực tiễn và điều kiện quốc gia, những yếu tố cần lưu ý để xác định mức lương tối thiểu phải bao gồm nhu cầu của người lao động và gia đình họ xét theo mức lương chung trong nước, giá sinh hoạt, các khoản trợ cấp an toàn xã hội và mức sống những đòi hỏi của sự phát triển kinh tế, năng suất lao động và mối quan tâm trong việc đạt tới và duy trì một mức sử dụng lao động cao.

Đồng thời Khuyến nghị số 135 về ấn định mức lương tối thiểu đã nêu ra yếu tố phản ánh nhu cầu tối thiểu của người lao động và giải thích Công ước số 131 gồm: (i) Hệ thống nhu cầu của người lao động và gia đình họ; (ii) Mức tiền lương chung trong nước; (iii) Chi phí sinh hoạt và sự biến động của giá cả sinh hoạt; (iv) Trợ cấp an sinh xã hội; (v) Tương quan mức sống giữa các nhóm dân cư; (vi) Các yếu tố kinh tế (bao gồm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, năng suất lao động, tổng mức việc làm và khả năng chi trả của các doanh nghiệp). 

Ở Việt Nam, nếu như ở Điều 56 của BLLĐ năm 1994 xác định yếu tố chính để ấn định, điều chỉnh mức lương tối thiểu là chỉ số giá sinh hoạt để hướng tới mục tiêu bảo đảm tái sản xuất sức lao động giản đơn và một phần tái sản xuất sức lao động mở rộng thì đến Điều 91 của BLLĐ năm 2012 đã mở rộng ra 3 nhóm yếu tố, đó là: nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế – xã hội; mức lương trên thị trường lao động.

Tiếp đến Điều 91 của BLLĐ năm 2019 đã mở rộng ra 7 nhóm yếu tố, đó là: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động, việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Việc quy định phản ánh gần như đầy đủ các mối quan hệ giữa tiền lương tối thiểu với các yếu tố kinh tế – xã hội liên quan trong kinh tế thị trường, thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, có nhiều yếu tố phủ rộng hơn so với tinh thần Công ước số 131 của ILO. 

Về thẩm quyền quyết định lương tối thiểu, ILO khuyến nghị lương tối thiểu có thể được quyết định thông qua 2 cơ chế, đó là: Thương lượng tập thể để ấn định mức lương tối thiểu trong thỏa ước lao động tập thể, quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền. 

Ở Việt Nam, Bộ luật năm 1994 quy định Chính phủ quyết định công bố mức lương tối thiểu chung, mức lương tối thiểu vùng, mức lương tối thiểu ngành cho từng thời kỳ sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động; đến Bộ luật năm 2012, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng; mức lương tối thiểu ngành xác định thông qua cơ chế thương lượng tập thể ngành và thể hiện trong thỏa ước ngành; đến Bộ luật năm 2019, tiếp tục duy trì thẩm quyền của Chính phủ trong việc công bố mức lương tối thiểu vùng, ngoài ra từ Bộ luật năm 2012 đến nay có sự thay đổi cơ chế quyết định của Chính phủ là dựa trên khuyến nghị của thiết chế ba bên là Hội đồng tiền lương quốc gia (gồm thành viên đại diện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động đủ điều kiện và chuyên gia độc lập) thay cơ chế quyết định dựa trên ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động của BLLĐ năm 1994, đây chính là bước tiến quan trọng, phù hợp với cơ chế thị trường, giải quyết được hài hòa lợi ích giữa các bên (người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích công).

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Hành vi nào được xem là tiết lộ bí mật kinh doanh?

Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh...

Ai có thẩm quyền ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động?

Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động là văn bản do người sử dụng lao động ban hành nhằm thông báo việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao...

Công ty có phải thông báo trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn không?

Từ 1/1/2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành, công ty không phải thông báo với người lao động khi hợp đồng lao động hết thời...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi