Trang chủ Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay
  • Thứ hai, 14/08/2023 |
  • Thông tin cần biết |
  • 9587 Lượt xem

Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Quý bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay qua bài viết dưới đây.

Tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực của xã hội, mang tính lịch sử. Sự hình thành, phát triển của tội phạm về tham nhũng gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy Nhà nước.

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, làm thoái hóa, biến chất một số lượng không nhỏ các cán bộ Nhà nước và gây ra những bất ổn trong xã hội, đòi hỏi cần có những chế tài xử phạt chặt chẽ để góp phần răn đe các hành vi đó. Pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng từ đó mà được chú trọng hơn bao giờ hết.

Để có thể hiểu rõ hơn về Pháp luật Phòng chống tham nhũng, Quý bạn đọc hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay.

Pháp luật về phòng chống tham nhũng là gì?

Trước hết, để hiểu được thế nào là Pháp luật về Phòng chống tham nhũng thì phải hiểu được tham nhũng là gì?

Tham nhũng là hành vi của một công chức hoặc của một người khác, cố ý thực hiện một trong những hành vi: hối lộ, nhận hối lộ, biển thủ tài sản, lợi dụng ảnh hưởng, lạm dụng chức năng và làm giàu bất hợp pháp nhằm đạt được một lợi ích không chính đáng trong quá trình thi hành công vụ hoặc công việc mà mình được giao.

Đặc điểm của hành vi tham nhũng

Tham nhũng mang các đặc điểm sau:

– Chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn.

Người có chức vụ, quyền hạn có thể là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ nào đó.

– Chủ thể tham nhũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao.

Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không có hành vi tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Và hành vi của chủ thể tham nhũng phải là hành vi được thực hiện một cách cố ý.

– Mục đích của hành vi tham nhũng là vì lợi ích riêng.

Lợi ích ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, việc xác định chủ thể tham nhũng đã đạt được lợi ích trên thực tế hay chưa là không bắt buộc mà phải dựa vào động cơ khi chủ thể thực hiện hành vi đó.

Pháp luật về Phòng, chống tham nhũng là tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm xác định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tổ chức, hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò, trách nhiệm của công dân, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng; hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng và các biện pháp bảo đảm nhằm phòng, chống tham nhũng.

Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay

Giai đoạn 1: Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1986

Khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hệ thống pháp luật của nước ta bấy giờ còn đang ấp ủ và chưa có điều kiện để xây dựng các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Mặc dù tình hình đất nước đang khó khăn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định được tình trạng tư lợi cá nhân, lấy của công làm của riêng do vậy sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 10/7/1945 Bác đã gửi thư tới Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Người nhắc nhở các cấp chính quyền ở một số nơi “cậy thế, tham ô, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo” và căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”…đã chính thức định hình xây dựng tư tưởng về chống tham ô, lãng phí trong lòng cán bộ, nhà nước lúc bấy giờ.

Vừa kháng chiến, vừa xây dựng đất nước biết bao khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không quên nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng và Bác giáo dục đạo đức cán bộ. Có thể thấy rõ qua cuộc trò chuyện của Bác về “về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” năm 1952; bài về chống quan liêu, tham ô, lãng phí ngày 17/3/1952 có đoạn như sau: “Bài báo có đoạn: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”,…

Những lời căn dặn, nhắc nhở của Bác là sự định hướng có tầm nhìn sâu rộng đối với con đường xây dựng đất nước, là lời kêu gọi quyết tâm đến mỗi cán bộ, cơ quan, tổ chức và toàn thể nhân dân cùng nhau phòng, chống tham ô, lãng phí; làm sạch và nâng cao tư cách người cán bộ trung thành với nhiệm vụ, với Tổ quốc, với nhân dân. Ta khẳng định rằng, những nhận định, lời căn dặn của Bác chính là nền móng tư tưởng vững chắc, sâu sắc về phòng, chống tệ nạn tham nhũng. Các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng thời điểm này chưa có điều kiện để xây dựng và ban hành. Điều này cũng thể hiện tình hình kinh tế – xã hội, hiện trạng chính trị của đất nước ta lúc bấy giờ.

Giai đoạn 2: Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2005

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận thức được rõ tác hại của tham nhũng. Cùng với thuận lợi của việc tổ chức Đại hội biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), tiến hành toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, từ đây cuộc đấu tranh chống tham nhũng ngày càng được tiến hành mạnh mẽ và đồng  bộ hơn. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, Đảng ta nhấn mạnh: “Nhà nước có mối liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với nhân dân,… Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị quan liêu, tham nhũng, lộng hành, vô trách nhiệm.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần VIII tiếp tục nhấn mạnh: “Tiến hành đấu tranh kiên quyết thường xuyên và có hiệu quả chống tệ nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước, trong các ngành, các cấp từ trung ương đến cơ sở. Kết hợp những biện pháp cấp bách….nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và loại trừ tệ tham nhũng.” Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 8 ĐCSVN có ghi: “Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với đấu tranh chống buôn lậu, lãng phí, quan liêu, tập trung vào các hành vi lạm dụng chức quyền, tham ô, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhận hối lộ, chú ý những lĩnh vực trọng điểm như đất đai, nhà ở, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hải quan,…”. Đến nghị quyết 04/NQTW ngày 12/9/1987 của Bộ Chính trị về tiến hành các cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhất là chống tham nhũng, trong đó Đảng đã đề ra vạch ra các biện pháp cụ thể để đấu tranh, chừng phạt các hành vi tham nhũng,… Tư tưởng, đường lối của Đảng, của Bộ Chính trị đã nhiều lần chú trọng sâu sắc về phòng chống tham nhũng, và đòi hỏi cần có các quy định pháp luật để cụ thể hóa, nhằm nâng cao hiệu quả, phát huy được sự chỉ đạo, áp dụng trên thực tế.

Nhằm triển khai, cụ thể hóa đường lối của Đảng, ngày 26/6/1990 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 240/HĐBT về đấu tranh chống tham nhũng. Đây là văn bản pháp luật sớm nhất của nhà nước có thuật ngữ “tham nhũng”. Tiếp đó là các văn bản pháp luật trực tiếp quy định về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng lần lượt được ban hành: Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998; pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tham nhũng năm 2000.

 Trong hoạt động phòng, chống tham nhũng thì các quy định trong pháp luật hình sự rất quan trọng, nhằm nâng cao tính giáo dục, hiệu quả trong công tác phòng, chống tệ tham nhũng. Tuy nhiên, trong BLHS 1985 và các văn bản pháp luật hình sự trước đó chưa có văn bản nào có thuật ngữ “tham nhũng”, phải đến khi có Luật số 57/L-CTL sửa đổi , bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự ngày 10/5/1997 mới các  quy định liên quan đến tham nhũng, cụ thể có 11 tội danh quy định về “tội phạm tham nhũng”. Tiếp đó, trong BLHS năm 1999, các tội phạm về tham nhũng được quy định thành một chương riêng, gồm 7 tội danh.

Ta có thể thấy rằng, các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã bắt đầu hình thành và dần hoàn thiện trên cơ sở tư tưởng và những nhận định sâu sắc của Hồ Chủ tịch. Đây cũng là quy luật của sự phát triển, đồng thời nhằm đáp ứng được yêu cầu trong thời kì đổi mới của đất nước. Sự hình thành, phát triển của các văn bản pháp luật, các quy định về phòng, chống tham nhũng chính là của sự đấu tranh bên trong của, tình hình xã hội, tư tưởng, của pháp luật để thích ứng với các điều kiện khách quan cụ thể.

Giai đoạn 3: Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn từ năm 2005 đến trước ngày 28/11/2013 (ngày thông qua Hiến pháp 2013)

Bước vào giai đoạn xây dựng đổi mới đất nước, nạn tham nhũng càng biến hóa biến chất hơn và trở thành vấn đề lớn và nguy hiểm đối với xã đòi hỏi cần phải có một văn bản quy phạm pháp luật có tính bao phủ lớn hơn,  điều chỉnh trực tiếp công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật phòng, chống tham nhũng gồm 8 Chương chia thành 92 Điều.

Điều đầu tiên, nhằm xác định mục tiêu ban hành và các hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, xác định nguyên tắc xử lý hành vi tham nhũng:

i) Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh;

ii) Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

iii) Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật;

iv) Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể được xem xét giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

v) Việc xử lý tham nhũng phải được thực hiện công khai theo quy định của pháp luật.

vi). Người có hành vi tham nhũng đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác vẫn phải bị xử lý về hành vi tham nhũng do mình đã thực hiện.

Bên cạnh đó, khái niệm về tham nhũng tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã có sự đổi khác so với pháp lệnh về phòng, chống tham nhũng năm 1998. Sự thay đổi không phải sự  dài ngắn của câu chữ mà nó sự đổi mới về nhận thức và quan điểm lập pháp về tham nhũng. “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” – Các định nghĩa này của Luật Phòng chống tham nhũng có tính khát quát hơn, phản ánh đầy đủ hơn về tham nhũng – một tệ nạn ở Việt Nam. Để Luật Phòng chống tham nhũng được thực hiện đầy đủ thì các văn bản hướng dẫn cũng ban hành. Đây cũng là cái phát triển của Luật từ giai đoạn trước khi bước sang giai đoạn này

*Sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012

Sau một thời gian thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng 2005, nhận thấy có cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quan điểm mới, phù hợp với thực tiến, khắc phục những thiếu sót mà thực tế phản ánh, năm 2007 và 2012 Quốc hội đều đã thông qua việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng 2005.

Thông qua Luật phòng, chống tham nhũng 2005 và các văn bản Luật sửa đổi năm 2007, 2012 và BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017,…. đã cho thấy một bước phát triển của quá trình lập hiến ở nước ta. Nhận ra một quy luật tất yếu, khi các yếu tố khách quan thay đổi tác động đến sự vật, ở đây là điều kiện đất nước tác động lên việc xây dựng pháp luật, buộc các sự vật đó cũng phải thay đổi để phát triển để hoàn thiện làm sao cho phù hợp với điều kiện khách quan mới.

Giai đoạn 4: Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn từ ngày 28/11/2013 đến trước ngày 1/7/2019

Hiến pháp 2013 được ban hành trở thành cột mốc mới đánh dấu sự phát triển, tiến bộ của nền lập pháp của Việt Nam. Sau đó, các quy định pháp luật cũng được sửa đổi, thay thế sao cho phù hợp với Hiến pháp, với tình hình kinh tế – xã hội.

Từ năm 2013, cụ thể,  Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 259 luật, pháp lệnh, nghị quyết, nhất là Luật PCTN, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giám định tư pháp, Luật Tố cáo, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tiếp cận thông tin… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành gần 1.172 nghị định, 966 nghị quyết, 488 quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành gần 88 ngàn văn bản để triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Nhằm thực hiện phòng chống tham nhũng được diễn ra đồng bộ, tránh cục bộ và được hưởng ứng thực hiện ở cấp, các địa phương.

Ví dụ, trong đó, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 giữ nguyên các tội danh về tham nhũng của BLHS 1999, tuy nhiên, các hình phạt được quy định nặng hơn, các quy định được quy định cụ thể hơn phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.

Suy cho đến cùng chúng ta không thể phủ nhận được sự tiến bộ của Nhà nước trong quá trình lập hiến. Tuy nhiên cũng khó tránh khỏi những quanh co, hạn chế. Vì vậy, việc sửa đổi, hoàn thiện các chế định được thực hiện từng bước.

Giai đoạn 5: Các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến ngày nay

Sau gần 13 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng 2005. Để phù hợp với tình hình xã hội, Luật phòng chống tham nhũng đã sửa đổi 02 lần, tuy nhiên vẫn còn những bất cập và hạn chế.  Do vậy, cần phải có một văn bản pháp luật mới. Ngày 20 tháng 11 năm 2018, Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tham nhũng 2018 giúp tăng cường, nâng cao hiệu quả thực hiện trên thực tế. Cùng các văn bản hướng dẫn, các nghị định, thông tư,… cũng được ban hành nhằm đồng bộ hóa, thống nhất thực hiện từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Đồng thời, với lời kêu gọi của Tổng bí thư, như mồi lửa cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đã nỗ lực, tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử. Việc xét xử được đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, nghiêm minh, thấu tình đạt lý, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Pháp Việt Nam quả thực đã có sự chuyển mình rõ rệt, trải qua những thăng trầm, để ngày càng hoàn thiện, bản hiến pháp sau ra đời là sự kế thừa và phát huy bản hiến pháp trước để phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội của mỗi giai đoạn khác nhau. Trong tương lai, kĩ thuật lập pháp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện trên cơ sở kế thừa và phát triển để đáp ứng yêu cầu khách quan trong nước. Tuy nhiên, vẫn phải tiếp tục đấu tranh không ngừng đối với tham nhũng. Đặc biệt cần tiếp tục chú trọng nâng cao đạo đức người cán bộ trong các cơ quan nhà nước.

Vai trò của Pháp luật về Phòng, chống tham nhũng

– Pháp luật về Phòng chống tham nhũng là cơ sở pháp lý để nhận diện tham nhũng. Với việc quy định các hàn vi thm nhũng, pháp luật đã tạo điều kiện nhận diện tham nhũng, nhận biết được các hành vi tham nhũng xảy ra trên thực tế, đồng thời, phân biệt được hành vi tham nhũng với hành vi vi phạm pháp luật khác, giữa hành vi tham nhũng này với hành vi tham nhũng khác.

– Pháp luật tạo lập khuôn khổ pháp lý để phòng ngừa tham nhũng.

– Pháp luật về Phòng, chống tham nhũng tạo lập khuôn khổ pháp lý để phát hiện, xử lý tham nhũng.

– Ngoài ra, nó còn là ơ sở pháp lý để các cơ quan phòng, chống tham nhũng thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình trong phòng chống tham nhũng.

– Đây cũng là cơ sở pháp lý để phát huy vai trò, trách nhiệm của công dân, tổ chức trong Phòng chống tham nhũng.

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến “Các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở nước ta từ năm 1945 đến nay”. Mong rằng đây sẽ là một nguồn tài liệu bổ ích có thể giúp Quý bạn đọc trong quá trình nghiên cứu và học tập. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc để biết thêm nhiều thông tin, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Chúc các bạn học tập thật tốt. Xin cảm ơn

Đánh giá bài viết:
5/5 - (47 bình chọn)

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bắc Giang

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bắc Giang có nhiệm vụ trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Hà Nam

Phòng Đăng ký Kinh doanh tỉnh Hà Nam là phòng chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có chức năng tham mưu giúp Ban Giám đốc Sở về lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp và quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên phạm vi toàn...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Phước (SĐT, Email, Địa chỉ)

Thông tin về Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Phước được chúng tôi tổng hợp, chia sẻ tới Quý độc giả trong bài viết này. Do đó, Quý vị đừng bỏ...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Phú Thọ ở đâu?

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Phú Thọ có nhiệm vụ Hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh...

SĐT, Địa chỉ Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc

Để giúp Quý độc giả có thêm thông tin về Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi thực hiện bài viết với những chia sẻ này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi