Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Bản chất của vi phạm pháp luật là gì? Trách nhiệm pháp lý là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 832 Lượt xem

Bản chất của vi phạm pháp luật là gì? Trách nhiệm pháp lý là gì?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Bản chất của vi phạm pháp luật là gì? Trách nhiệm pháp lý là gì?

Bản chất vi phạm pháp luật 

Như các phần trên chúng ta phân tích, pháp luật, xét về bản chất giai cấp của nó, là sự thể hiện và bảo vệ ý chí của giai cấp thống trị và điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo đảm ổn định trật tự chung trong xã hội. Nhưng trong xã hội, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức khi xử sự về một vấn đề cụ thể nào đó bao giờ cũng xuất phát từ sự cân nhắc, tính toán về lợi ích của mình cũng như từ sự nhận thức về bổn phận của mình trước xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, luôn luôn tồn tại các lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Mặt khác, nhận thức của mỗi người về bổn phận của mình đối với xã hội cũng khác nhau. Vì thế, không phải bất cứ ai và bao giờ cũng luôn luôn xử sự đúng với yêu cầu của pháp luật. Vi phạm pháp luật vì thế là điều không thể tránh khỏi trong mọi xã hội, ngay cả trong xã hội ta, pháp luật thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động chiếm đại đa số trong xã hội. 

Nghiên cứu vấn đề vi phạm pháp luật, làm rõ tính chất, các dấu hiệu cơ bản của nó cũng như các nguyên nhân của các loại vi phạm pháp luật có ý nghĩa to lớn trong đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật trong quản lý xã hội. Vi phạm pháp luật là những sự kiện pháp lý và là cơ sở để truy cứu trách nhiệm pháp lý. 

Dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật

Một hành vi được xác định là một vi phạm pháp luật khi có biểu hiện của những dấu hiệu nhất định. 

Thứ nhất, vi phạm pháp luật luôn luôn là một hành vi (hành động hoặc không hành động) của con người. Pháp luật được đặt ra để điều chỉnh hành vi, cách xử sự của con người. Nói cách khác, điều mà pháp luật quan tâm là hành vi, cách xử sự của con người. Vì vậy, không thể coi là vi phạm pháp luật đối với các suy nghĩ, các sở thích cá nhân, các đặc tính cá nhân khác của một người nếu nó chưa biểu hiện thành các hành vi cụ thể của các cá nhân hoặc thành hoạt động của một cơ quan, tổ chức. 

Thứ hai, vi phạm pháp luật không những là hành vi xác định của con người mà hành vi đó phải trái với các quy định của pháp luật, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Tính trái pháp luật đó có thể biểu hiện ở việc không thực hiện những điều phải làm theo quy định của pháp luật, làm những điều mà pháp luật cấm hoặc sử dụng quyền vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. 

Thứ ba, vi phạm pháp luật là những hành vi trái pháp luật nhưng hành vi trái pháp luật đó phải chứa đựng lỗi của chủ thể hành vi. Để xác định hành vi vi phạm pháp luật phải xem xét cả mặt chủ quan của hành vi, tức là xác định lỗi của họ là biểu hiện trạng thái tâm lý của người thực hiện hành vị đó. Trạng thái tâm lý đó có thể là cố ý hay vô ý. Lỗi là yếu tố không thể thiếu được để xác định hành vi vi phạm pháp luật. Nếu một hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện và hoàn cảnh khách quan mà chủ thể hành vi đó không thể ý thức hoặc lường trước được thì họ không thể bị coi là có lỗi, và do đó không thể bị coi là vi phạm pháp luật. 

Thứ tư, năng lực chịu trách nhiệm pháp lý của chủ thể đã thực hiện hành vi trái pháp luật. Trong pháp luật, sự độc lập gánh chịu trách nhiệm pháp lý chỉ quy định đối với những người có khả năng tự lựa chọn được cách xử sự và có sự tự do ý chí, tức là người đó phải có khả năng nhận thức, điều khiển được hành vi của mình. Vì vậy, những hành vi mặc dù trái pháp luật nhưng do những người không có năng lực hành vi, người mất năng lực hành vi thực hiện thì vẫn không bị coi là vi phạm pháp luật. 

Từ các dấu hiệu cơ bản đó có thể khái niệm, vi phạm pháp luật là hành vi (hành động hoặc không hành động trái pháp luật và có lỗi do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện, xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. 

Vi phạm pháp luật có nhiều loại và thường được chia thành các loại:

– Vi phạm hành chính

– Vi phạm dân sự

– Vi phạm hình sự (tội phạm) 

– Vi phạm kỷ luật.

Trách nhiệm pháp lý 

Trong khoa học pháp lý, khái niệm trách nhiệm pháp lý được hiểu là những hậu quả bất lợi mà theo quy định của pháp luật được áp dụng đối với các chủ thể đã có hành vi vi phạm pháp luật. Nó thể hiện sự lên án, sự phản đối của Nhà nước, của xã hội đối với hành vi vi phạm pháp luật cũng như đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. 

Truy cứu trách nhiệm pháp lý tức là áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được quy định trong các chế tài của quy phạm pháp luật. Bản thân trách nhiệm pháp lý không phải là sự cưỡng chế nhà nước mà chỉ là nghĩa vụ phải gánh chịu những biện pháp cưỡng chế nhà nước. Chủ thể vi phạm pháp luật bị buộc phải thực hiện các chế tài của pháp luật. Như vậy, về nội dung thì trách nhiệm pháp lý là sự áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, về hình thức là sự thực hiện chế tài quy phạm pháp luật. Đó là quá trình hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, tìm hiểu sự việc, ra quyết định giải quyết sự việc và tổ chức thực hiện quyết định đó. 

Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý chính là những biện pháp bảo đảm trong thực tế tính cưỡng chế của pháp luật. 

Trách nhiệm pháp lý được xác định trên cơ sở vi phạm pháp luật. Để truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với một hành vi vi phạm pháp luật cụ thể, trước hết phải xác định mức độ thực tế của các mặt thuộc cấu thành của vi phạm pháp luật đó. Cấu thành vi phạm pháp luật bao gồm: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể của vi phạm pháp luật.

Mặt khách quan của vi phạm pháp luật là những biểu hiện bên ngoài của vi phạm pháp luật, bao gồm: 

+ Hành vi trái pháp luật.

+ Thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần mà xã hội gánh chịu.

+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại. 

Mặt chủ quan của hành vi vi phạm pháp luật là lỗi của người vi phạm pháp luật. Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật. Lỗi có thể là: 

+ Lỗi cố ý trực tiếp: Chủ thể vi phạm nhìn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra và mong muốn điều đó xảy ra. 

+ Lỗi cố ý gián tiếp: Chủ thể vi phạm nhìn thấy hậu quả xảy ra, tuy không mong muốn song để mặc nó xảy ra. 

+ Lỗi vô ý vì quá tự tin: Chủ thể vi phạm nhìn thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng hy vọng, tin tưởng điều đó không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. 

+ Lỗi vô ý do cẩu thả: Chủ thể vi phạm đã không nhìn thấy hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, mặc dù có thể hoặc cần phải nhìn thấy được. 

Chủ thể của hành vi vi phạm pháp luật có thể là cá nhân hoặc tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lý. Năng lực trách nhiệm pháp lý của chủ thể vi phạm pháp luật được xem xét đối với từng loại vi phạm pháp luật cụ thể. 

Khách thể của vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội đang được pháp luật bảo vệ và đang bị xâm hại. Tính chất của khách thể phản ánh mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật.

Những yếu tố cấu thành vi phạm pháp luật nói trên được làm rõ khi nghiên cứu các loại vi phạm pháp luật và các chế độ trách nhiệm pháp lý cụ thể. 

Mỗi loại vi phạm pháp luật có loại trách nhiệm pháp lý tương ứng. 

Mỗi loại trách nhiệm pháp lý cũng chính là việc vận dụng các chế tài tương ứng vào các trường hợp vi phạm cụ thể, bao gồm: 

– Trách nhiệm hành chính

– Trách nhiệm dân sự

 – Trách nhiệm hình sự 

– Trách nhiệm kỷ luật

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi