Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Đất đai – Nhà ở Thủ tục hành chính về đất đai là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 655 Lượt xem

Thủ tục hành chính về đất đai là gì?

Các thủ tục hành chính được thực hiện bởi một hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, có thể là cơ quan hành chính có thẩm quyền chung.

Khái niệm thủ tục hành chính về đất đai 

Theo Từ điển tiếng Việt, “Thủ tục là những việc phải làm theo một trật tự nhất định, để tiến hành một công việc có tính chất chính thức”, còn trình tự là “sự sắp xếp lần lượt, thứ tự trước sau”. Với ý nghĩa đó, “thủ tục” là cần thiết cho giải quyết bất kì công việc nào đó trên thực tế. 

Trong khoa học pháp lí, “Thủ tục hành chính được hiểu là cách thức, trình tự thực hiện thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước và cách thức tham gia vào công việc quản lý hành chính của các tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật”.

– Toàn bộ các quy tắc pháp lý quy định về trình tự thực hiện thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết nhiệm vụ Nhà nước và công việc liên quan đến cá nhân hay tổ chức tạo thành hệ thống quy phạm thủ tục.

Hệ thống quy phạm thủ tục này là những quy tắc bắt buộc các cơ quan Nhà nước và các cán bộ có thẩm quyền phải tuân theo khi giải quyết công việc thuộc chức năng của mình.

Các thủ tục này không chỉ được thực hiện trong quá trình xây dựng và ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh trong cuộc sống (thường gọi là thủ tục lập pháp), cũng không chỉ áp dụng để giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, lao động hay kinh tế… (gọi là thủ tục tư pháp)

Thủ tục còn được sử dụng để tiến hành các công việc của quản lí hành chính mọi mặt đời sống xã hội. Đó chính là thủ tục hành chính.

Khác với thủ tục lập pháp hay thủ tục tư pháp có thể chỉ được áp dụng tại một thời điểm nào đó khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hoạt động xây dựng pháp luật hay tiến hành những hoạt động liên quan đến khiếu tố, điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết tranh chấp.

Thủ tục hành chính được thực hiện một cách liên tục, thường xuyên và ở tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Các thủ tục hành chính được thực hiện bởi một hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước, có thể là cơ quan hành chính có thẩm quyền chung.

Có thể là cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn hoặc là sự phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất của hai hệ thống cơ quan này trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với một nhiệm vụ hoặc công việc nào đó trên thực tế.

Cho đến nay, trong khoa học pháp lí chưa có khái niệm thống nhất về thủ tục hành chính. Có quan điểm cho rằng:

Thủ tục hành chính là trình tự mà các cơ quan quản lý hành chính giải quyết bất kì vụ việc cá biệt hoặc cụ thể nào hay đó là cách thức, lề lối giải quyết công việc theo một trình tự nhất định, tức là quy định chung phải tuân theo khi thực hiện một công vụ.

Cụ thể hơn, đó là các trình tự kế tiếp nhau theo thứ tự thời gian và không gian nhằm thực hiện hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.

Cũng có quan điểm khác lại cho rằng, thủ tục hành chính là trình tự thực hiện hoặc hình thức hoạt động của các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

Xuất phát từ quan niệm chung về thủ tục và những đặc điểm riêng của thủ tục hành chính, có thể hiểu thủ tục hành chính như sau: 

Thủ tục hành chính là cách thức, trình tự thực hiện thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước và cách thức tham gia vào các công việc quản lý hành chính của các tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Cũng như bất kì lĩnh vực nào khác, quản lý và sử dụng đất đai cũng rất cần được tiến hành theo những thủ tục hành chính nhất định.

Với tính đa dạng và phức tạp của các hoạt động quản lý và sử dụng đất đai, việc thiết lập những thủ tục hành chính để thực hiện công việc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lí và sử dụng đất đai một cách khoa học sẽ là điều kiện đảm bảo cho tiến trình quản lí được thông suốt

Có hiệu quả, đảm bảo cho hoạt động quản lý và sử dụng đất đai của các cơ quan quản lí nhà nước về đất đai hoặc cán bộ có thẩm quyền diễn ra trong một khung khổ pháp lí, một trật tự ổn định.

Thủ tục hành chính về đất đai trong Luật đất đai năm 2013 được quy định nhằm đảm bảo có một thiết chế để Nhà nước thực hiện việc quản lý đất đai như thu hồi đất, trưng dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

Cấp, cấp đổi, đính chính, thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản trên đất;

Thủ tục về cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm điểm, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, hoà giải và giải quyết tranh chấp đất đai, thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật đất đai.

Cùng với đó là các thiết chế nhằm đảm bảo cho người sử dụng đất được thực hiện các giao dịch dân sự về QSDĐ trong quá trình sử dụng như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ và tặng, cho QSDĐ. 

Với ý nghĩa đó, thủ tục hành chính về đất đai được hiểu là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Nhằm quy định trình tự, cách thức thực hiện thẩm quyền của các cơ quan quản lí nhà nước về đất đai trong quá trình quản lí đất đai và những những công việc mà người sử dụng đất phải thực hiện trong quá trình sử dụng đất. 

Đặc điểm của thủ tục hành chính về đất đai

Từ khái niệm trên có thể nhận thấy, thủ tục hành chính về đất đai có những đặc trưng cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, thủ tục hành chính được thực hiện bởi một hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nhà nước về đất đai.

Hệ thống cơ quan này trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính được quyền nhân danh Nhà nước, sử dụng quyền lực Nhà nước và với tư cách là đại diện chủ sở hữu để thực hiện chức năng quản lí đất đai của mình và giải quyết những yêu cầu, nguyện vọng của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất. 

Thứ hai, hệ thống quy phạm thủ tục hành chính về đất đai bao gồm nhiều nội dung nhưng có hai nhóm quy phạm biểu hiện những nội dung quan trọng không thể thiếu, đó là: 

– Nhóm quy phạm quy định về thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như trách nhiệm của các cơ quan tiến hành thủ tục hành chính trong quản lý đất đai cũng như thủ tục trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất (gọi là nhóm quy phạm nội dung). 

– Nhóm quy phạm quy định về trình tự, cách thức thực hiện trong từng thủ tục hành chính cụ thể (gọi là nhóm quy phạm thủ tục). Nhóm quy phạm này đóng vai trò là phương tiện để đảm bảo cho các thủ tục về quản lý và sử dụng đất đai và các quyền của người sử dụng đất được thực hiện trên thực tế. 

Thứ ba, các thủ tục hành chính về đất đai mang tính bắt buộc không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với các chủ thể sử dụng đất nhằm đảm bảo trật tự quản lý đất đai. 

Mục đích và ý nghĩa của thủ tục hành chính về đất đai 

Việc xác định thủ tục hành chính về đất đai nhằm tạo ra một trật tự chuẩn mực trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai.

Hệ thống quy phạm mang tính thủ tục này có vai trò thúc đẩy hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai trên thực tế, bảo đảm quyền và lợi ích cho người dân.

Hơn nữa, về bản chất, trình tự, thủ tục hành chính là một dạng dịch vụ công mà Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp. Việc cung cấp dịch vụ công chính là lí do để Nhà nước tồn tại. Nhân dân đóng thuế để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Do đó, mọi người dân đều có quyền yêu cầu Nhà nước cung cấp những dịch vụ công tối thiểu để đảm bảo quyền lợi của mình.

Có thể khẳng định rằng, thủ tục hành chính là “cầu nối” quan trọng để pháp luật được thực thi. Qua đó, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính về đất đai, đồng thời lợi ích của người sử dụng đất được đảm bảo.

Trong hoạt động quản lí nói chung và quản lí nhà nước về đất đai nói riêng, nếu không có quy phạm thủ tục thì quy phạm nội dung sẽ trở nên vô nghĩa. Khẳng định vấn đề này, Lênin đã viết:

“Muốn quản lý tốt mà chỉ biết thuyết phục không thôi thì chưa đủ, mà cần phải biết tổ chức về mặt thực tiễn nữa”.

Điều này có nghĩa là trong hoạt động quản lí nói chung và quản lí đất đai nói riêng, nếu không có các quy phạm thủ tục thì quy phạm nội dung sẽ trở thành vô nghĩa. Thủ tục chính là hình thức sống của đạo luật. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Nhà nước không được ra quyết định thu hồi đất trong những trường hợp nào?

Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định và tiến hành thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao cho người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất nhưng có hành vi vi phạm pháp luật về đất...

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất đối với những đối tượng nào?

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi...

Trường hợp nào không được cưỡng chế thu hồi đất?

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện quy định tại Luật đất đai...

Chuyển đổi đất vườn sang đất ở hết bao nhiêu tiền?

Như vậy UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) quyết định cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận được đơn và thửa đất xin chuyển thuộc khu vực được phép...

Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị không?

Luật đất đai quy định giấy tờ chuyển nhượng đất phải được công chứng chứng thực. Vậy Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi