Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Thế nào là thực hiện pháp luật? Áp dụng pháp luật là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1847 Lượt xem

Thế nào là thực hiện pháp luật? Áp dụng pháp luật là gì?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Thế nào là thực hiện pháp luật? Áp dụng pháp luật là gì?

Khái niệm, ý nghĩa của thực hiện pháp luật 

Nhà nước khi đặt ra pháp luật bao giờ cũng hướng vào việc điều chỉnh quan hệ xã hội, làm cho các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội đó có cách xử sự phù hợp với lợi ích của xã hội, lợi ích chính đáng của mỗi người, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu pháp luật do nhà nước ban hành được thực hiện trong thực tế. Vì vậy, cùng với việc sáng tạo pháp luật của nhà nước thì việc thực hiện pháp luật là quá trình không thể thiếu của việc quản lý xã hội bằng pháp luật. Trên ý nghĩa đó, thực hiện pháp luật bao gồm tất cả các hành vi được tiến hành phù hợp với các yêu cầu của các quy phạm pháp luật. Đó là các hành vi hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ pháp luật. 

Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho các quy định của pháp luật đi vào thực tế đời sống tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của các chủ thể quan hệ pháp luật.

Các hình thức thực hiện pháp luật 

Các quy phạm pháp luật rất phong phú và đa dạng nên việc thực hiện pháp luật cũng có các hình thức khác nhau. Căn cứ vào tính chất của hoạt động này việc thực hiện pháp luật bao gồm: tuân theo pháp luật; thi hành pháp luật; vận dụng pháp luật; áp dụng pháp luật. 

– Tuân theo pháp luật (còn gọi là tuân thủ pháp luật) là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể tự kiềm chế không tiến hành các những hành vi mà pháp luật ngăn cấm. Trong khi tuân theo pháp luật, con người thực hiện nghĩa vụ này một cách thụ động mà không phải thực hiện một hành vi cụ thể nào để thực hiện các quy phạm pháp luật. Hành vi tuân theo pháp luật có ở tất cả các loại chủ thể của quan hệ pháp luật: cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, công dân. 

– Thi hành pháp luật: là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình bằng hành động tích cực. 

Khác với hình thức tuân theo pháp luật hình thức thi hành pháp luật 

đòi hỏi chủ thể phải thực hiện hành động một cách cụ thể, tích cực. Chủ thể của hình thức thực hiện pháp luật này cũng có thể là cơ quan nhà nước, các nhà chức trách, các tổ chức xã hội và mọi công dân. 

– Vận dụng pháp luật (còn gọi là sử dụng pháp luật) là hình thức thực hiện pháp luật mà trong đó các chủ thể thực hiện các quyền được cho phép hoặc được giao theo quy định của pháp luật. Hình thức thực hiện pháp luật này khác với hai hình thức trên ở chỗ chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện các quyền được trao theo ý chí của mình chứ không bị ép buộc phải thực hiện. Cũng như hai hình thức thực hiện pháp luật trên, tất cả các loại chủ thể của quan hệ pháp luật đều có thể sử dụng hình thức thực hiện pháp luật này. 

– Áp dụng pháp luật: là một hình thức thực hiện pháp luật đặc biệt quan trọng, là quá trình trong đó nhà nước thông qua các cơ quan, người có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể thực hiện những quy định của pháp luật trong một tình huống cụ thể nào đó. Việc áp dụng pháp luật xuất hiện khi cần có sự can thiệp của nhà nước vào quá trình thực hiện các quy phạm pháp luật mà các hình thức thực hiện pháp luật khác không đáp ứng được.

Nói cách khác, nếu thiếu sự tham gia của nhà nước thì trong rất nhiều trường hợp các quy phạm pháp luật không thể được thể hiện trong hoạt động thực tế của các chủ thể quan hệ pháp luật. Áp dụng pháp luật một mặt là hoạt động thực hiện pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, mặt khác là cách thức nhà nước tổ chức cho các chủ thể khác thực hiện pháp luật. 

Khi nào áp dụng pháp luật?

Việc áp dụng pháp luật được thực hiện trong các trường hợp sau: 

– Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với các chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật; 

– Khi các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể nào đó của các chủ thể quan hệ pháp luật không mặc nhiên phát sinh nếu không có sự can thiệp của nhà nước; 

– Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà các bên đó không thể tự giải quyết được; 

– Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết tham gia để giám sát, kiểm tra hoạt động của các bên tham gia quan hệ đó, hoặc nhà nước xác nhận sự tồn tại hay không tồn tại của các sự việc, sự kiện nhất định.

Đặc điểm của áp dụng pháp luật

Từ những nội dung trên có thể thấy hoạt động áp dụng pháp luật có những đặc điểm sau: 

– Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức – quyền lực nhà nước. 

Đây là loại hoạt động riêng có của cơ quan nhà nước hoặc của nhà chức trách có thẩm quyền. Hơn nữa, pháp luật còn quy định mỗi loại cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động áp dụng pháp luật cụ thể nào. Trong một số trường hợp đặc biệt, theo quy định của pháp luật một tổ chức chính trị – xã hội cũng có thể thực hiện loại hoạt động này. 

Tính tổ chức – quyền lực còn được thể hiện ở chỗ, hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành theo ý chí đơn phương của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Các quyết định áp dụng pháp luật có tính bắt buộc đối với chủ thể bị áp dụng và các bên khác có liên quan. Trong trường hợp cần thiết, các quyết định này được đảm bảo thực hiện bởi các biện pháp cưỡng chế nhà nước. 

– Áp dụng pháp luật là hoạt động được thực hiện theo một thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và các bên có liên quan phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định đó. 

– Áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh cá biệt, cụ thể đối với các quan hệ xã hội. Bằng việc áp dụng pháp luật, những quy phạm pháp luật nhất định, với tư cách là các quy tắc xử sự chung được cá biệt hóa, cụ thể hóa đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể, trong những tình huống cụ thể nhất định. Kết quả của môi trường hợp áp dụng cụ thể đó bao giờ cũng thể hiện bằng việc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đưa ra một văn bản cụ thể – văn bản áp dụng quy phạm pháp luật (văn bản cá biệt). 

– Áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính sáng tạo. Mỗi quy phạm pháp luật chỉ giả định những trường hợp, hoàn cảnh chung nhất. Khi áp dụng vào từng trường hợp cụ thể cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải phân tích sự việc, làm sáng tỏ các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của vụ việc đó để lựa chọn các quy phạm pháp luật phù hợp và định ra cách giải quyết đúng đắn nhất. 

Tóm lại, áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính tổ chức – quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền, hoặc tổ chức xã hội khi được nhà nước trao quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm cá biệt hóa những quy phạm pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể trong các trường hợp cụ thể. 

Việc áp dụng pháp luật trải qua các giai đoạn sau: 

– Phân tích những tình tiết đã tạo ra cấu thành của vụ việc được đưa ra xem xét; 

– Lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để giải quyết vụ việc đó;

– Ra quyết định (văn bản) áp dụng quy phạm pháp luật; 

– Tổ chức thực hiện quyết định áp dụng quy phạm pháp luật.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi