Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Thế nào là quan hệ pháp luật? Bản chất quan hệ pháp luật
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1080 Lượt xem

Thế nào là quan hệ pháp luật? Bản chất quan hệ pháp luật

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Thế nào là quan hệ pháp luật? Bản chất quan hệ pháp luật?

Khái niệm quan hệ pháp luật

Mỗi quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh một loại quan hệ xã hội nhất định, quan hệ giữa người và người trong sản xuất, trao đổi, phân phối, tiêu dùng, trong sinh hoạt chính trị, xã hội, gia đình v.v… Khi đó, mỗi bên trong quan hệ xã hội buộc phải có những cách xử sự nhất định phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, với đòi hỏi của nhà nước thể hiện trong các quy phạm pháp luật, trở thành người mang các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể. 

Quan hệ pháp luật là quan hệ giữa người với người quan hệ xã hội) do một quy phạm pháp luật điều chỉnh, biểu hiện thành quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các bên, được đảm bảo bằng sự cưỡng chế nhà nước. 

Có thể nói, việc xác lập các quan hệ pháp luật là biểu hiện kết quả của việc thực hiện pháp luật trong đời sống. Pháp luật đi vào thực tế đời sống chính là thông qua việc xác lập các quan hệ pháp luật cụ thể.

Bản chất của quan hệ pháp luật

Các quan hệ xã hội, trước hết là các quan hệ sản xuất tồn tại một cách khách quan, do tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định. Nhưng mặt khác, các quan hệ xã hội bao giờ cũng biểu hiện thông qua các hành vi qua lại có mục đích, có tính toán, qua hành vi có ý chí của con người. Đó là các quan hệ ý chí cụ thể của các cá nhân cụ thể trong xã hội. Quan hệ sản xuất khách quan là sự tổng hợp các quan hệ ý chí cụ thể, lặp đi lặp lại, bị chi phối bởi những quy luật kinh tế khách quan của một phương thức sản xuất nhất định.

Ý chí của người tham gia các quan hệ cụ thể đó là do lợi ích kinh tế khách quan, cũng tức là do quan hệ sản xuất khách quan quyết định. Nhưng trong từng trường hợp cụ thể, ở các thời điểm cụ thể, con người nhận thức về lợi ích của mình và tính toán để xử sự trên cơ sở lợi ích chủ quan của mình. Vì vậy, các quan hệ do họ tạo ra trong ý chí chủ quan của họ, không biểu hiện chính xác, thậm chí có khi đi ngược lại các lợi ích kinh tế khách quan, tức là đi ngược lại yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan. 

Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, các quan hệ sản xuất khách quan chính là thông qua việc tác động trực tiếp vào quan hệ ý chí, biến các quan hệ ý chí đó thành các quan hệ pháp luật, tức là buộc các bên trong quan hệ ý chí đó có cách xử sự phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị thể hiện trong pháp luật.

Vì vậy, trong một xã hội, nếu giai cấp cầm quyền là đại biểu cho xu thế tiến bộ của lịch sử, lợi ích kinh tế của nó phù hợp với yêu cầu của các quy luật kinh tế khách quan thì pháp luật của nó có tác động thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội nói chung. Ngược lại, khi giai cấp cầm quyền đã trở thành phản động, quan hệ sản xuất mà nó đại diện đã trở thành lạc hậu, thì pháp luật của nó trở thành lực lượng cản trở, kìm hãm sự phát triển của xã hội. 

Cũng như pháp luật, quan hệ pháp luật là những quan hệ xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, được xây dựng trên một cơ sở kinh tế nhất định, do cơ sở kinh tế quyết định, nhưng nó cũng có tác động trở lại mạnh mẽ đến cơ sở kinh tế. 

Một quan hệ pháp luật được nghiên cứu ở 3 mặt: chủ thể, khách thể và nội dung của quan hệ pháp luật.

Chủ thể của quan hệ pháp luật 

Chủ thể của quan hệ pháp luật là những cá nhân hay tổ chức dựa trên cơ sở của các quy phạm pháp luật mà tham gia vào các quan hệ pháp luật, trở thành người mang các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể. 

Nói cách khác, chủ thể của quan hệ pháp luật là các bên tham gia vào quan hệ pháp luật. Đó có thể là một cá nhân hay một tổ chức. Đặc biệt nhà nước cũng có thể tham gia vào nhiều loại quan hệ pháp luật khác nhau và là chủ thể của các quan hệ pháp luật đó. 

Thứ nhất: Chủ thể là cá nhân 

Cá nhân khi là chủ thể của quan hệ pháp luật trước hết và quan trọng nhất là công dân. “Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam” (Điều 49 Hiến pháp 1992). 

Khi là chủ thể của quan hệ pháp luật, một cá nhân có thể là chủ thể trực tiếp hoặc chủ thể không trực tiếp. 

Chủ thể trực tiếp trong một quan hệ pháp luật là một chủ thể luôn luôn có đủ cả năng lực pháp luật và năng lực hành vi. 

Năng lực pháp luật là khả năng của một chủ thể được hưởng quyền và làm nghĩa vụ trong một quan hệ pháp luật nhất định. Về nguyên tắc mọi công dân đều có năng lực pháp luật, trừ trường hợp bị pháp luật hạn chế hoặc Toà án tước đoạt. 

“Năng lực dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết” (Điều 14 Bộ luật dân sự 2005). 

Năng lực hành vi là khả năng của một chủ thể có thể bằng hành vi của mình mà tham gia vào một quan hệ pháp luật để hưởng quyền và làm nghĩa vụ. Người có năng lực hành vi là người hiểu rõ ý nghĩa và kết quả hành vi mà mình thực hiện. Cho nên, pháp luật coi những người chưa đến một độ tuổi nhất định, người mắc các bệnh tâm thần là những người không có năng lực hành vi. Tuổi cụ thể để được coi là có năng lực hành vi được xác định khác nhau tuỳ theo từng loại quan hệ pháp luật. 

Người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì có thể bị Toà án tuyên bố là người mất năng lực hành vi theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan. Một người cũng có thể bị Toà án tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi. 

Khi một người có năng lực pháp luật mà không có năng lực hành vi thì trong những trường hợp cần thiết phải tham gia vào quan hệ pháp luật, họ tham gia thông qua hành vi của một người khác và đó là chủ thể không trực tiếp. Người thay mặt cho chủ thể không trực tiếp trong quan hệ pháp luật gọi là người đại diện, người giám hộ. Đó là cha mẹ đối với con chưa thành niên, là người giám hộ trong những trường hợp không có hoặc mất năng lực hành vi khác. 

Trong đa số trường hợp, năng lực pháp luật và năng lực hành vi là thống nhất với nhau trong một chủ thể. Sự tách biệt năng lực pháp luật và năng lực hành vi chỉ xảy ra trong một số loại quan hệ pháp luật, thường gặp trong các quan hệ pháp luật dân sự. 

Năng lực pháp luật và năng lực hành vi không phải là những thuộc tính tự nhiên của con người. Nó do nhà nước quy định phù hợp với cơ sở kinh tế – xã hội của nhà nước đó. Vì vậy, trong các chế độ xã hội khác nhau, giữa các quốc gia khác nhau thì năng lực pháp luật và năng lực hành vi của con người cũng được pháp luật quy định khác nhau. 

Công dân là chủ thể của hầu hết các ngành luật. Tuy nhiên, để trở thành chủ thể của mỗi nhóm quan hệ pháp luật nhất định công dân còn phải đáp ứng các điều kiện khác nhau tuỳ theo đặc điểm của mỗi nhóm quan hệ pháp luật đó. 

Ngoài công dân thì các cá nhân là người nước ngoài, người không quốc tịch cũng có thể là chủ thể của nhiều quan hệ pháp luật. 

Thứ hai: Chủ thể là tổ chức 

Một tổ chức cũng có thể là chủ thể của nhiều loại quan hệ pháp luật khác nhau. Đó là một tập hợp người theo một cơ cấu tổ chức nhất định, nhằm những mục tiêu kinh tế hay chính trị, xã hội cụ thể nhất định. 

Một tổ chức khi tham gia vào quan hệ pháp luật nếu thoả mãn những điều kiện do pháp luật quy định có thể được thừa nhận là một pháp nhân. Nếu như một cá nhân tham gia vào quan hệ pháp luật với tư cách một thể nhân, thì pháp nhân là một tổ chức được thừa nhận có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi để tham gia vào một quan hệ pháp luật như đứng làm một bên để ký kết các hợp đồng, đứng làm nguyên đơn hay bị đơn trong các vụ kiện vv…

Phân biệt giữa thể nhân và pháp nhân có ý nghĩa đặc biệt trong việc xác định giới hạn trách nhiệm về tài sản của các chủ thể này khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự hay kinh doanh, thương mại. 

Pháp nhân là một chế định rất quan trọng đối với nhiều ngành luật, đặc biệt là trong luật dân sự và các ngành luật trong lĩnh vực kinh doanh. Theo Điều 84 Bộ luật dân sự 2005, một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau: 

– Được thành lập hợp pháp; – Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; 

– Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; 

– Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. 

Việc thành lập một pháp nhân bao giờ cũng thể hiện bằng một văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo đúng thủ tục mà pháp luật đã quy định. Tư cách pháp nhân của tổ chức thường cũng được xác định trong chính văn bản ấy.

Yếu tố tổ chức và hoạt động nội bộ của pháp nhân được thể hiện trong điều lệ pháp nhân. Những nội dung chủ yếu mà điều lệ của pháp nhân phải có được quy định trong Khoản 2 Điều 88 Bộ luật dân sự 2005. Trong nhiều trường hợp, điều lệ của pháp nhân là văn bản bắt buộc phải có trong việc thành lập và hoạt động của pháp nhân. 

Theo Điều 100 Bộ luật dân sự 2005 các loại pháp nhân bao gồm:

– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.

– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.

– Tổ chức kinh tế. 

– Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. 

– Quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 

– Các tổ chức khác có đủ điều kiện.

Nội dung của quan hệ pháp luật 

Nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm, quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể. 

Quyền là mức độ, phạm vi được phép xử sự của các chủ thể được nhà nước bảo vệ. Đó có thể là một khả năng của một chủ thể được có những cách xử sự nhất định như: 

– Khả năng của chủ thể được xử sự theo cách thức nhất định mà pháp luật cho phép. 

– Khả năng yêu cầu các chủ thể khác chấm dứt các hành động cản trở mình thực hiện các quyền phù hợp với pháp luật. 

– Khả năng của chủ thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ lợi ích của mình. 

Nghĩa vụ là mức độ phạm vi xử sự cần phải có của các chủ thể, được bảo đảm bằng sự cưỡng chế của nhà nước. 

– Nghĩa vụ pháp lý bao gồm hai yếu tố: 

+ Phải tiến hành các xử sự bắt buộc, tức là phải có hoặc không được có một xử sự nào đó. 

+ Phải chịu trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các xử sự bắt buộc. 

Xuất phát từ bản chất và đặc điểm của nhà nước và pháp luật nước ta, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật là thống nhất và luôn đi liền với nhau. Chủ thể này có quyền thì đồng thời cũng có nghĩa vụ đối với các quyền tương ứng của chủ thể kia. Việc mở rộng quyền đối với một chủ thể bao giờ cũng đồng thời là yêu cầu cao hơn về nghĩa vụ của chủ thể đó trước xã hội và trước các chủ thể khác. Pháp luật của nhà nước ta, xét về bản chất, không thừa nhận có những người hoặc lớp người đặc quyền, đặc lợi.

Khách thể của quan hệ pháp luật 

Cá nhân, tổ chức khi tham gia vào một quan hệ pháp luật nào đó đều nhằm thoả mãn những yêu cầu nhất định về vật chất, tinh thần, hay về chính trị, xã hội. Đó có thể là các lợi ích vật chất, hoặc các lợi ích phi vật chất, cũng có thể là các nhu cầu về hoạt động chính trị, xã hội. 

Có thể hiểu khách thể của quan hệ pháp luật là những gì mà các chủ thể mong muốn đạt được khi tham gia vào quan hệ pháp luật. Khách thể của quan hệ pháp luật phản ánh lợi ích của chủ thể. Sự quan tâm nhiều hay ít của chủ thể quan hệ pháp luật đối với khách thể là động lực thúc đẩy sự phát sinh, tồn tại, chấm dứt quan hệ pháp luật. Vì vậy, có thể nói khách thể của quan hệ pháp luật là hành vi xử sự các chủ thể. 

Khách thể của quan hệ pháp luật nêu lên vị trí, ý nghĩa của quan hệ pháp luật được pháp luật bảo vệ. Thái độ xử lý của nhà nước có căn cứ vào khách thể của quan hệ pháp luật khi một quan hệ pháp luật bị xâm phạm.

Sự kiện pháp lý 

Một quan hệ xã hội chỉ có thể trở thành một quan hệ pháp luật khi được một quy phạm pháp luật điều chỉnh. Do đó, để có các quan hệ pháp luật đương nhiên phải có các quy phạm pháp luật phù hợp. Nhưng nếu chỉ có các quy phạm pháp luật thì cũng chưa thể làm phát sinh thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể. Mỗi quy phạm pháp luật, do đặc điểm của nó, chỉ mới nêu lên những tình huống chung, những điều kiện chung mà thôi.

Một quan hệ pháp luật cụ thể chỉ phát sinh, thay đổi, chấm dứt khi xảy ra những sự việc cụ thể trong đời sống, phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh mà một quy phạm pháp luật đã giả định trước. Khoa học pháp lý gọi đó là các sự kiện pháp lý. 

Sự kiện pháp lý là những sự việc cụ thể xảy ra trong đời sống phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh đã được dự liệu trong một quy phạm pháp luật từ đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một quan hệ pháp luật cụ thể. 

Sự kiện pháp lý bao gồm sự biến và hành vi. 

– Sự biến là những sự kiện phát sinh không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người nhưng cũng làm phát sinh thay đổi, chấm dứt một quan hệ pháp luật. Chẳng hạn, một vụ tai nạn, những biến cố trong thiên nhiên cũng làm phát sinh các quan hệ pháp luật về bảo hiểm. 

– Hành vi (bao gồm hành động và không hành động) là những sự kiện xảy ra thông qua ý chí của con người. Hành vi được chia thành hành vi hợp pháp, tức là làm hay không làm một việc phù hợp với yêu cầu của pháp luật, và hành vi không hợp pháp, tức là làm hay không làm một việc không đúng với yêu cầu của pháp luật. 

Nếu có một quy phạm pháp luật là có điều kiện cần thì sự kiện pháp lý là điều kiện đủ để áp dụng quy phạm pháp luật cho một quan hệ xã hội để có một quan hệ pháp luật cụ thể. Dựa vào nội dung của sự kiện pháp lý người ta lựa chọn quy phạm pháp luật thích hợp để áp dụng, từ đó có một quan hệ pháp luật cụ thể với những chủ thể, khách thể và nội dung cụ thể của các chủ thể trong đó. Sự kiện pháp lý là yếu tố khởi đầu của cơ chế thực hiện pháp luật. Việc xác lập các quan hệ pháp luật thích ứng với các sự kiện đó là biểu hiện nội dung và kết quả của việc thực hiện pháp luật. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi