Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Đất đai – Nhà ở Quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất như thế nào?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1137 Lượt xem

Quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất như thế nào?

Quy hoạch và kế hoạch hoá đất đai là công việc của tất cả các cơ quan quản lý đất đai và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất của Nhà nước. 

Các quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất

Quy hoạch đất đai là sự tính toán, phân bổ đất đai cụ thể về số lượng, chất lượng, vị trí, không gian cho các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tế của các mục tiêu kinh tế-xã hội để việc sử dụng đất phù hợp với các điều kiện về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và từng ngành sản xuất. 

Quy hoạch đất đai bao giờ cũng gắn liền với kế hoạch hoá đất đai. Bởi vì kế hoạch hoá đất đai chính là việc xác định các biện pháp, thời gian để sử dụng đất theo quy hoạch, do vậy, trong một số trường hợp, quy hoạch hoá đất đai đã bao hàm cả kế hoạch hoá đất đai. 

Quy hoạch và kế hoạch hoá đất đai có ý nghĩa to lớn trong công tác quản lý và sử dụng đất. 

Đối với Nhà nước, đó là sự đảm bảo cho việc sử dụng đất đai hợp lí và tiết kiệm, đạt các mục tiêu nhất định phù hợp với các quy định của Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho Nhà nước theo dõi, giám sát được quá trình sử dụng đất. 

Quy hoạch và kế hoạch hoá đất đai là công việc của tất cả các cơ quan quản lý đất đai và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất của Nhà nước. 

Pháp luật điều chỉnh hoạt động quy hoạch và kế hoạch hoá đất đại ở chỗ, quy định trách nhiệm của mỗi cơ quan nhà nước, mỗi ngành, mỗi đơn vị trong xây dựng quy hoạch và kế hoạch hoá sử dụng đất đồng thời đảm bảo cho các quy hoạch và kế hoạch đó có hiệu lực pháp luật trong thực tế. 

Các nguyên tắc và căn cứ lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 

Các nguyên tắc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai Nguyên tắc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai là những phương hướng chỉ đạo, cơ sở chủ yếu để dựa vào đó mà pháp luật điều chỉnh những quy định về lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. 

Các nguyên tắc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải quán triệt được các quan điểm chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá IX về đổi mới chính sách và pháp luật đất đai trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thể hiện đầy đủ tinh thần của Điều 18 Hiến pháp năm 1992:

“Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả”.

Trong quá trình xây dựng quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách phải có tầm nhìn sâu rộng cho sự phát triển đất nước, vừa thể hiện sự tôn vinh quá khứ vừa có định hướng lâu dài để mọi sự phát triển có tính bền vững.

Vì vậy, tại Điều 35 Luật đất đai năm 2013 đã nêu một cách toàn diện 8 nguyên tắc cơ bản trong việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai.

Trong đó, đòi hỏi mỗi quy hoạch phải phù hợp với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các quy hoạch phải được lập từ tổng thể đến chi tiết, có sự thống nhất cao giữa quy hoạch của cấp trên và cấp dưới thể hiện được đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của từng chủ sử dụng đất.

Các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải hướng quá trình sử dụng đất theo tiêu chí tiết kiệm và có hiệu quả, đảm bảo việc khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lí, góp phần bảo vệ các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và cảnh quan môi trường phù hợp với quan điểm phát triển bền vững trong bảo vệ môi trường. 

Các căn cứ lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là cơ sở khoa học của cả quá trình quản lý và sử dụng đất. Vì vậy, khi xây dựng nó phải thể hiện được đầy đủ các căn cứ có tính định hướng cho việc thực thi quy hoạch và kế hoạch.

Cụ thể, căn cứ xây dựng quy hoạch phải xuất phát từ: 

– Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; quy hoạch phát triển của các ngành và từng địa phương; 

– Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước;

– Điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và nhu cầu thị trường;

– Hiện trạng sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất;

– Định mức sử dụng đất;

– Tiến bộ của khoa học và công nghệ liên quan đến sử dụng đất;

– Kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất của kì trước. 

Luật đất đai năm 2013 xác định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.

Trên cơ sở hệ thống đó, căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được xác định theo từng cấp độ nhất định. Như vậy, có sự phân biệt căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, quốc phòng và an ninh.

Từ căn cứ lập quy hoạch nêu trên, các căn cứ kế hoạch sử dụng đất cũng được chi tiết hoá và cụ thể hoá, góp phần hiện thực hoá mục tiêu quy hoạch trong từng giai đoạn phát triển.

Các căn cứ này cũng xuất phát từ quy hoạch mang tính tổng thể đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhu cầu sử dụng đất của người sử dụng cũng như khả năng thu hút đầu tư vào các dự án của Nhà nước trong việc thực thi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Nội dung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai 

Nếu như trước đây Luật đất đai năm 2003 chỉ đề cập nội dung của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất là việc khoanh định các loại đất khác nhau để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì hiện nay, từ Điều 38 đến Điều 41 Luật đất đai năm 2013 tiến một bước mới trong việc xác lập nội dung của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Theo đó, căn cứ vào hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp, nội dung của quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được xác định một cách cụ thể.

Các nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước tiên gắn với việc điều tra xây dựng cơ bản, các điều kiện về tự nhiên, kinh tế-xã hội, tình hình hiện trạng sử dụng đất ở từng địa phương và của cả nước để xác định tiềm năng đất đai phục vụ cho quá trình phát triển.

Nội dụng quy hoạch sử dụng đất bao quát các biện pháp để xác định phương hướng, mục tiêu sử dụng đất trong từng kì quy hoạch, xác định diện tích các loại đất phân bổ cho các nhu cầu khác nhau về quốc phòng, an ninh, nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu sử dụng đất phục vụ đầu tư trong nước và nước ngoài.

Qua việc xác định các mục tiêu nêu trên, từ đó đưa ra các giải pháp để hiện thực hoá quy hoạch, đưa quy hoạch vào cuộc sống tránh tình trạng không xem xét đầy đủ mọi yếu tố về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, làm cho nhiều quy hoạch không mang tính khả thi gây cản trở đời sống và sự phát triển. 

Từ những nội dung quy hoạch được ghi nhận trên, việc chi tiết hoá bằng các nội dung cụ thể trong kế hoạch sử dụng đất thông qua phân tích đánh giá các kết quả đạt được trong kì kế hoạch sử dụng đất, các nhu cầu cụ thể về phân bổ đất đai cho từng kế hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế và xây dựng hạ tầng xã hội. 

Kì quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 

Đây là những khái niệm mới, lần đầu tiên được quy định tại Điều 24 Luật đất đai năm 2003 và tiếp tục được thể hiện tại Điều 37 Luật đất đai năm 2013.

Kì quy hoạch, kì kế hoạch sử dụng đất là lượng thời gian vật chất mà mỗi cấp chính quyền, từ trung ương cho đến từng địa phương xây dựng chiến lược từ tổng thể đến chi tiết để thực hiện các nội dung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đại.

Lượng thời gian vật chất đó không thể quá ngắn cũng không quá dài, vì xét về mặt tổng thể, thời gian quá ngắn sẽ chưa thể hiện đầy đủ ý tưởng xây dựng quy hoạch của người xây dựng chính sách, nếu dài quá sẽ dẫn tới quy hoạch không mang tính khả thi và xa rời cuộc sống.

Vì vậy, kì quy hoạch sử dụng đất là mười năm và kì kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kì kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh là năm năm ứng với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong một chu kì mười năm và năm năm để thực hiện kế hoạch đó đối với cả nước và tất cả các địa phương.

Khoản 2 Điều 37 xác định kì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm để đáp ứng các nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp trong ngắn hạn. 

Tuy nhiên, dưới góc độ khác, nhiều người sử dụng đất, đặc biệt là các doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn trước việc các kì quy hoạch được xác định với thời gian không dài, trong khi đó việc giao đất hoặc thuê đất có thể đến 50 năm.

Do đó, có thể việc giao đất với một thời gian vật chất gấp 5 lần kì quy hoạch và gấp 10 lần kì kế hoạch sử dụng đất dẫn tới những thay đổi về kì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ ảnh hưởng tới quá trình đầu tư kinh doanh làm ăn lâu dài của người sử dụng đất.

Vì vậy, nếu trong kì quy hoạch đã giao đất cho doanh nghiệp để tổ chức sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược kinh doanh trong thời gian dài nhưng sau đó, ở một giai đoạn nào đó kì quy hoạch mới lại xác định đất đang sử dụng của doanh nghiệp không còn cho mục đích sản xuất kinh doanh, mà được quy hoạch đất khu dân cư ổn định lâu dài.

Cho nên, ở góc độ nào đó, kì quy hoạch tuy là 10 năm song định hướng có thể rất lâu dài để đảm bảo thời gian vật chất của việc giao đất, cho thuê đất đối với các chủ thể sử dụng đất. 

Từ lí do đó nên hiểu kì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không những lượng hoá thời gian cho một tổng thể phát triển kinh tế-xã hội mà còn thể hiện tính liên tục và tính kế tiếp trong việc xây dựng chiến lược khai thác sử dụng đất đai.

Qua đó, người sử dụng đất hoàn toàn an tâm trước các kì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. 

Lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 

Bảo đảm cho quy hoạch, kế hoạch hoá đất đai được thống nhất trong cả nước, Luật đất đai năm 2013 quy định một cơ chế mới về lập, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng xác định rõ nhiệm vụ của từng cấp lập quy hoạch, không giao việc lập quy hoạch cho chính quyền phường, thị trấn cũng như đối với những xã thuộc khu vực phát triển đô thị.

Nhằm gắn việc quản lí, sử dụng với việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai đồng thời có tính đến tính đặc thù của đất quốc phòng và an ninh, Điều 42 Luật đất đai năm 2013 xác định cụ thể là: 

– Chính phủ tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trong cả nước trình Quốc hội quyết định; 

– UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong địa phương mình trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; 

– UBND cấp huyện lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp của mình. 

Như vậy, Luật đất đai năm 2013 không cho phép UBND các phường, thị trấn được phép lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đại mà tập trung thẩm quyền này cho cơ quan hành chính cấp trên để quy về một mối trong việc lập quy hoạch và nâng cao tính khả thi của các quy hoạch trừ trường hợp đối với các xã thuộc khu vực không phát triển đô thị; 

– Bộ quốc phòng và Bộ công an có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của ngành mình đảm bảo phù hợp giữ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương phù hợp với quy hoạch vùng lãnh thổ đã được xác định về mặt nguyên tắc trong Luật đất đai. 

– Cơ quan quản lý đất đai ở trung ương và địa phương giúp Chính phủ và UBND các cấp trong việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. 

Như vậy, lập quy hoạch bao giờ cũng là thẩm quyền và trách nhiệm trong tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở theo phân cấp, trừ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng và an ninh với đặc thù riêng thì phân cấp cho Bộ quốc phòng và Bộ công an.

Các cơ quan chuyên môn triệt để tuân thủ các quy trình quy phạm để giúp Chính phủ và UBND các cấp trong việc lập quy hoạch sử dụng đất từ cấp quốc gia đến cấp địa phương. 

Thẩm quyền quyết định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai 

Xét duyệt vừa là thực hiện quyền quản lí đối với đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời làm cho quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới hợp lí, phù hợp với nhau và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch chung. 

Khác với lập, thẩm quyền quyết định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là đảm bảo hiệu lực pháp lí cho việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đó.

Cho nên quyết định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao giờ cũng thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên cấp lập quy hoạch.

Cụ thể, Điều 45 Luật đất đai năm 2013 quy định: 

– Quốc hội quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia do Chính phủ trình; 

– Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất đai 5 năm, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung hàng năm của từng tỉnh đồng thời phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ quốc phòng và Bộ công an; 

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao giờ cũng phải công khai minh bạch và dựa trên các căn cứ pháp lí nhất định, trên cơ sở phế duyệt của chính phủ, UBND cấp có thẩm quyền.

Càng công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao nhiêu thì người sử dụng đất càng có cơ hội tiếp cận thông tin về đất đai, xây dựng chiến lược kinh doanh khi sử dụng đất.

Nếu không công khai, không được phê duyệt đúng cấp có thẩm quyền thì dẫn tới sự tuỳ tiện trong xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Do đó, Những trở ngại không đáng có đó dẫn đến sự của quyền từ phía cơ quan nhà nước, sự lạm dụng thông tin quy hoạch của một số người để trục lợi và người dân do không được thông tin về quy hoạch nên vi phạm quy hoạch đã được phê duyệt và gây cản trở cho việc thực hiện quy hoạch.

Do đó, khoản 1 Điều 48 Luật đất đai khẳng định: các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dù ở cấp nào thì sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt, điều chỉnh phê duyệt thì phải công bố công khai và xác định luôn trách nhiệm của từng cấp, của Bộ tài nguyên và môi trường trong việc công khai hoá các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc công khai hoá này thực hiện trong suốt kì quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bởi vậy, điểm a khoản 3 Điều 48 Luật đất đai năm 2013 quy định các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 30 ngày, kể từ khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất – UBND cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trước khi trình Chính phủ phê duyệt. 

– UBND cấp huyện trình hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp mình trước khi trình uỷ ban nhân cấp tỉnh phê duyệt. 

– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai thì có thẩm quyền cho phép bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đó.

Với cơ chế như trên, quá trình xây dựng, lập, quyết định, phê duyệt quy hoạch vừa tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương, vừa phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước và thẩm quyền chuyên môn của cơ quan tài nguyên và môi trường. 

Các quy định về công bố quy hoạch 

Từ trước đến nay, người dân thường khó tiếp cận với các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai, phần lớn việc làm quy hoạch cho đến trình tự pháp lí để được phê duyệt và có hiệu lực của quy hoạch là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

Người dân không có được đầy đủ thông tin về quy hoạch được phê duyệt, quy hoạch phải công bố công khai tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có quy hoạch chi tiết, tại cơ quan quản lý đất đai chuyên ngành.

Việc công bố công khai quy hoạch tại trụ sở UBND cấp cơ sở, tại cơ quan quản lý đất đai và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết.

Từ đó, người dân có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về quy hoạch để biết và thực hiện, các cơ quan nhà nước thể hiện sự công khai và minh bạch trong quá trình xây dựng, lập, phê duyệt và đưa quy hoạch vào đời sống đồng thời thể hiện sự dân chủ, công khai trong công tác quy hoạch. 

Thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất 

Các quy định của pháp luật về nguyên tắc, căn cứ, quy trình về lập, xét duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai là cơ sở quan trọng để hiện thực hoá quy hoạch và kế hoạch.

Tuy nhiên, thực hiện quy hoạch là vấn đề hiện đang được cả xã hội rất quan tâm. Từ diễn đàn Quốc hội đến nhiều người dân, chúng ta nghe được những ý kiến xung quanh “quy hoạch treo” ở nhiều dự án và ở nhiều địa phương.

Điều đó có thể hiểu là, các quy hoạch được xây dựng đã nhiều năm nhưng đi vào thực hiện thì không có tính khả thi.

Nguyên nhân của tình trạng trên có thể lí giải ở các khía cạnh khác nhau song dưới góc độ quy hoạch thì đó là khi xây dựng quy hoạch chúng ta chưa tính toán đầy đủ các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, hiện trạng sử dụng đất và khả năng thực tế nguồn vốn trong nước và vốn vay để thực thi quy hoạch.

Các ý tưởng quy hoạch nhiều khi thể hiện quan điểm chủ quan của người làm quy hoạch mà chưa thể hiện được chiến lược tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, quan điểm của người dân góp ý cho các chiến lược đó chưa được lưu tâm một cách đầy đủ.

Vì vậy, nhiều dự án bị phá sản do thiếu vốn, thiếu lòng tin ở người dân, không thuyết phục được người bị thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư. 

Để không lặp lại những khiếm khuyết đã qua trong việc thực hiện quy hoạch, Luật đất đai năm 2013 đã thể hiện sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan công quyền trong việc thực thi quy hoạch.

Điều 49 Luật đất đai năm 2013 giao cho Chính phủ chỉ đạo và kiểm tra quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch của UBND cấp dưới.

Với cơ chế này đã ràng buộc các cấp chính quyền vào cuộc trong chỉ đạo và thực hiện quy hoạch, nhanh chóng phát hiện các biểu hiện vi phạm về quy hoạch để xử lí, ngăn chặn kịp thời các hành vi sử dụng đất trái với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. 

Đối với người sử dụng đất có diện tích đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện việc thu hồi đất thì họ vẫn tiếp tục sử dụng đất theo mục đích đã được xác định như trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Quyền lợi của người sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất được Nhà nước bảo hộ thông qua việc bồi thường và hỗ trợ.

Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi tự ý xây dựng, đầu tư kinh doanh bất động sản trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, nếu có nhu cầu cải tạo sửa chữa nhà ở, công trình thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của những dự án, công trình mà sau nhiều năm không thực hiện hoặc không thể thực hiện được thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về xét duyệt quy hoạch phải có quan điểm, ý kiến rõ ràng về tương lai của những quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đó, tránh tình trạng “quy hoạch treo”.

Người chịu tác động lớn nhất chính là người dân nằm trong vùng quy hoạch. Vì vậy, khoản 3 Điều 49 Luật đất đai năm 2013 xác định rõ:

Đối với diện tích ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi đất thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không được thực hiện theo kế hoạch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thực hiện quyền điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch đồng thời công bố cho người sử dụng đất biết. 

Những quy định trên góp phần khắc phục tình trạng quy hoạch không mang tính khả thi ở nhiều địa phương, trả lại cho người sử dụng đất niềm tin vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Nhà nước không được ra quyết định thu hồi đất trong những trường hợp nào?

Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định và tiến hành thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao cho người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất nhưng có hành vi vi phạm pháp luật về đất...

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất đối với những đối tượng nào?

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi...

Trường hợp nào không được cưỡng chế thu hồi đất?

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện quy định tại Luật đất đai...

Chuyển đổi đất vườn sang đất ở hết bao nhiêu tiền?

Như vậy UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) quyết định cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận được đơn và thửa đất xin chuyển thuộc khu vực được phép...

Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị không?

Luật đất đai quy định giấy tờ chuyển nhượng đất phải được công chứng chứng thực. Vậy Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi