Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Quốc hội là gì? Thẩm quyền của quốc hội? Kỳ họp quốc hội
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 553 Lượt xem

Quốc hội là gì? Thẩm quyền của quốc hội? Kỳ họp quốc hội

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội là gì?

Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội có vị trí đặc biệt quan trọng. 

“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Điều 83 Hiến pháp năm 1992). 

Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội biểu hiện tập trung khối đại đoàn kết toàn dân, bao gồm các đại biểu đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân và cho các vùng lãnh thổ trong cả nước. 

Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội thống nhất tập trung toàn bộ quyền lực nhà nước: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp; mặt khác có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền đó. Các cơ quan nhà nước khác thực hiện các quyền năng cụ thể do Quốc hội giao và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Quốc hội thay mặt nhân dân cả nước quyết định những công việc quan trọng nhất của Nhà nước.

Thẩm quyền của Quốc hội

Thẩm quyền của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp (Điều 84 Hiến pháp năm 1992) và Luật tổ chức Quốc hội do Quốc hội thông qua ngày 25-12-2001 (Điều 2) và Luật sửa đổi bổ sung năm 2007. Thẩm quyền của Quốc hội có thể chia thành ba nhóm: quyền lập hiến và lập pháp, quyền quyết định những công việc quan trọng nhất của nhà nước và quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. 

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Đó là quyền thông qua Hiến pháp và việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, thông qua luật và sửa đổi, bổ sung luật. Quốc hội xem xét, thông qua các đạo luật tại một hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội. 

Là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định chính sách dân tộc, tôn giáo của nhà nước; quy định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ cao cấp của nhà nước; quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình, quyết định các chính sách đối ngoại của nhà nước và nhiều vấn đề quan trọng khác. 

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước. 

Giám sát là việc Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Kỳ họp Quốc hội

Tại kỳ họp Quốc hội, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Uỷ 1 Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; thông qua việc xem xét, phê chuẩn các báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức thông qua việc xem xét các báo cáo, kiểm tra tình hình thực tế tại chỗ cũng như tiếp xúc với các cử tri tại địa phương. 

Nhiệm kỳ mỗi khoá Quốc hội là năm năm. Các hoạt động chủ yếu và cơ cấu tổ chức của Quốc hội bao gồm: kỳ họp Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. 

Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Quốc hội, là nơi biểu hiện trực tiếp và tập trung nhất quyền lực nhà nước của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nơi biểu hiện trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và của nhân dân.

 Những vấn đề nhất thiết phải được quyết định tại kỳ họp của Quốc hội như thảo luận và thông qua các đạo luật, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước; xem xét, thảo luận báo cáo công tác của các cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp cao nhất, bầu các chức danh cao nhất của Nhà nước vv… Cũng tại các kỳ họp, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của cơ quan nhà nước. 

Kỳ họp Quốc hội được tổ chức công khai, trừ trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể họp kín. Đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan báo chí, công dân và khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội. 

Chương trình và nội dung kỳ họp Quốc hội được quy định trong Luật tổ chức Quốc hội 2001

Ủy ban Thường vụ Quốc hội là gì?

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Thành phần của Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm có Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội và các uỷ viên do Chủ tịch Quốc hội làm chủ tịch, các Phó chủ tịch Quốc hội làm Phó Chủ tịch. Thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ. 

– Thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được quy định trong Điều 91 Hiến pháp năm 1992 bao gồm: 

– Công bố và chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội; tổ chức việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; 

– Ra pháp lệnh; giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh; 

– Giám sát việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước theo quy định của Hiến pháp. 

– Chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. 

– Trong trường hợp Quốc hội không thể họp được, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh khi nước nhà bị xâm lược; quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ, ban bố tình trạng khẩn cấp; 

– Thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội;

– Tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội; 

Thẩm quyền của Uỷ ban thường vụ Quốc hội được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001. 

Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. 

Chủ tịch Quốc hội có vị trí rất quan trọng trong tổ chức của Quốc hội cũng như Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội, là người chủ trì và điều hành các hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội, giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Thẩm quyền của Chủ tịch Quốc hội được quy định cụ thể trong Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2007). 

Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội là các cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội bầu ra, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số Hội đồng dân tộc nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội những vấn đề về dân tộc; thực hiện quyền giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số. 

Các Uỷ ban của Quốc hội nghiên cứu, thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh và dự án khác, những báo cáo được Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện quyền giám sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do luật định; kiến nghị những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Uỷ ban. 

Hiện tại, các Uỷ ban của Quốc hội bao gồm: – Uỷ ban pháp luật; – Uỷ ban tư pháp; – Uỷ ban kinh tế; – Uỷ ban tài chính, ngân sách; – Uỷ ban quốc phòng và an ninh; – Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; – Uỷ ban về các vấn đề xã hội; – Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường; – Uỷ ban đối ngoại. 

Uỷ ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm và các uỷ viên. Thành viên Uỷ ban của Quốc hội do Quốc hội đầu trong số các đại biểu Quốc hội. Thẩm quyền của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp năm 1992 (Điều 94, 95, 96) và được cụ thể hoá trong Luật tổ chức Quốc hội 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2007). 

Đại biểu Quốc hội “là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại biểu cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại biểu cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội” (Điều 43 Luật tổ chức Quốc hội đã dẫn). Đại biểu Quốc hội có thể là đại biểu chuyên trách hoặc đại biểu không chuyên trách. Đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm trước cử tri đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. 

Thẩm quyền của đại biểu Quốc hội được quy định trong Hiến pháp năm 1992 bao gồm: quyền chất vấn Chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được cung cấp tài liệu và bảo đảm kinh phí cho việc hoạt động, nghĩa vụ liên hệ chặt chẽ với cử tri, thu thập và phản ánh ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội vv… Thẩm quyền của đại biểu Quốc hội được cụ thể hoá trong Luật tổ chức Quốc hội 2001. 

Các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội có trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và có đại biểu hoạt động chuyên trách. Đoàn đại biểu Quốc hội có trụ sở, văn phòng giúp việc và hoạt động bằng kinh phí ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ của đoàn đại biểu Quốc hội và trưởng đoàn đại biểu Quốc hội được quy định trong các Điều 60 và 61 Luật tổ chức Quốc hội 2001.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi