Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Đất đai – Nhà ở Một số đặc điểm về việc chiếm hữu ruộng đất trong lịch sử Việt Nam 
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 964 Lượt xem

Một số đặc điểm về việc chiếm hữu ruộng đất trong lịch sử Việt Nam 

Với chức năng quản lí xã hội, các nhà nước phong kiến đã tổ chức, tập hợp người dân trong công cuộc khai phá các vùng đất mới, đắp đê, xây dựng các hệ thống thuỷ lợi.

Đặc điểm về việc chiếm hữu ruộng đất trong lịch sử Việt Nam 

Khác với các nước Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất cho đến đầu thế kỉ XX quá trình tự hữu hoá đất đai vẫn chưa hoàn thành. Mặc dù vậy, sẽ là sai lầm khi ai đó cho rằng ở Việt Nam không tồn tại sở hữu tư nhân về ruộng đất, chiếm hữu ruộng đất.

Do những điều kiện lịch sử – xã hội đặc thù, ruộng đất trong các triều đại phong kiến Việt Nam vừa thuộc sở hữu nhà nước, vừa thuộc sở hữu tư nhân.

“Trong các triều đại phong kiến ở nước ta vừa có sở hữu đất đai của nhà nước như quân điền, quan điền mà vua là người đại diện (nhưng vua không phải là chúa đất lớn nhất như ở phương Tây), vừa có sở hữu công xã về đất đai, vừa có sở hữu ruộng đất tư nhân”.

Sự song hành tồn tại hai hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân về ruộng đất trong suốt chiều dài lịch sử chế độ phong kiến đã tạo nên những nét đặc trưng của chế độ sở hữu ruộng đất ở Việt Nam. 

Quyền sở hữu tối cao về ruộng đất của nhà nước

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, việc xác lập quyền sở hữu tối cao của nhà nước đối với đất đai xuất hiện từ rất sớm ở nước ta.

Điều này được lí giải bởi các nguyên nhân chủ yếu sau:

– Về khía cạnh chính trị, việc xác lập quyền sở hữu tối cao của nhà nước (mà đại diện là nhà vua) đối với đất đai nhằm khẳng định chủ quyền, sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của các triều đại phong kiến Việt Nam với các nước láng giêng.

Mặt khác, việc Nhà nước năm giữ đất đai – tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội – trong tay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền phong kiến từ trung ương đến địa phương;

– Về khía cạnh kinh tế, nghề trồng lúa nước xuất hiện từ rất sớm ở nước ta và đóng vai trò là một ngành sản xuất chủ yếu.

Tuy nhiên, năng suất lao động, hiệu quả kinh tế của phương thức canh tác trồng lúa nước lại phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên.

Để khắc phục sự tàn phá của thiên nhiên đối với sản xuất nông nghiệp (như hạn hán, lũ lụt…) thì việc xây dựng, tu bổ hệ thống thuỷ lợi, để điều đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Với chức năng quản lí xã hội, các nhà nước phong kiến đã tổ chức, tập hợp người dân trong công cuộc khai phá các vùng đất mới, đắp đê, xây dựng các hệ thống thuỷ lợi.

Với ý nghĩa đó, mỗi mảnh đất mà người nông dân canh tác đều hàm chứa công sức đầu tư của nhà nước. 

Mặc dù quyền sở hữu tối cao của nhà nước về đất đai bắt đầu manh nha hình thành vào triều Lý (thế kỉ thứ XI) song nó chỉ thực sự được xác lập một cách tương đối vững chắc từ thời Lê sơ (thế kỉ thứ XV) và được tiếp tục duy trì trong các thế kỉ sau.

Quá trình xác lập quyền sở hữu tối cao của nhà nước đối với đất đai được đánh dấu bằng các sự kiện chủ yếu sau đây:

– Nhà Lý sau khi giành được ngôi báu và củng cố vững chắc quyền lực thống trị của mình đã cho tiến hành đo đạc lại ruộng đất trong cả nước nhằm xác lập chủ quyền của Nhà nước đối với toàn bộ đất đai trong cả nước.

Quá trình xác lập quyền sở hữu này được tiếp tục thực hiện dưới thời nhà Trần bằng việc vua Trần lập ra một chức quan chuyên lo về việc điền địa, trông coi để điều. 

– Thời nhà Lê, sau cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh giành được thắng lợi năm 1428, vua Lê cho tiến hành thống kê ruộng đất trong cả nước.

Ruộng đất của các quan ti ngạch cũ, của các thế gia triều trước, của những người dân tuyệt tự, cũng là ruộng đất và sản vật từng mùa của ngụy quan, của lính trốn hạn đến tháng tư năm sau thì phải nộp lên.

Cùng với việc thống kê nắm bắt tình hình ruộng đất, năm 1429 nhà Lê đã tiến hành thu hồi ruộng đất của bạn quan lại nhà Minh, của ngụy quan chiếm đoạt, số ruộng đất của nhân dân bị bỏ hoang, của lính trốn để sung làm ruộng đất của công.

Đồng thời, nhà nước cũng quản lý chặt chẽ ruộng đất công thông qua việc nhà vua ra lệnh cho các phủ làm sổ ruộng đất, số hộ. 

Trên cơ sở thống kê và tịch thu các nguồn đất đai, nhà nước phong kiến trung ương đã xác lập quyền sở hữu bằng các chính sách và biện pháp cụ thể như thi hành chính sách lộc điền, quân điền.

Chính sách lộc điền thực chất là việc nhà vua, với tư cách là người đại diện tối cao của nhà nước phong kiến trung ương, thực hiện quyền sở hữu tối cao ban cấp ruộng đất cho tầng lớp quan lại cấp cao và những người thân thuộc trong hoàng tộc.

Lộc điền là một trong những bổng lộc của quan lại trong thời kì này (các bổng lộc của quan lại bao gồm: tuế bổng – tiền cấp hàng năm; thực hộ – số hộ để sai phái, nộp thuế hoặc cung cấp mắm muối; lộc điền – ruộng đất được ban cấp để hưởng dụng).

Người được cấp lộc điền là những quan lại cao cấp từ thân vương đến tòng tứ phẩm và những người thân thuộc của nhà vua, các nữ quan thân cận trong triều – có nghĩa là tầng lớp cao cấp nhất trong giai cấp thống trị.

Ruộng đất cấp theo chế độ lộc điền trong thời kì này được chia làm hai loại: Loại ruộng đất thế nghiệp và loại cấp tạm thời cho hưởng dụng với nghĩa là 3 năm sau khi người được cấp lộc điền chết thì con cháu của người đó phải trả lại ruộng đất lộc điền cho Nhà nước, không được ẩn lậu.

Đối với ruộng đất thế nghiệp thì người được cấp sau khi chết được truyền lại cho con cháu đời sau hưởng lộc.

Tuy nhiên, trong mọi trường hợp nhà nước phong kiến trung ương mà đại diện là nhà vua vẫn bảo lưu quyền sở hữu tối cao đối với số ruộng đất được cấp theo chế độ lộc điền; theo đó, nhà nước có thể thu hồi lại số ruộng đất đã cấp theo chế độ lộc điền trong một số trường hợp. 

Hơn nữa, để thực hiện quyền sở hữu của mình đối với ruộng đất, nhà nước còn đặt ra chế độ tô thuế cho từng loại ruộng đất, quy định cụ thể quyền sở hữu của mình trên ruộng đất công.

Quốc triều Hình luật (hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức) có những quy định cấm dân không được bán ruộng đất của công cấp cho hay ruộng đất khẩu phần (Điều 342); trừng phạt những người chiếm ruộng đất công quá số hạn định (Điều 343)…

Do củng cố vững chắc sự thống nhất, tập trung quyền lực nên nhà Lê đã can thiệp mạnh mẽ vào quyền sở hữu ruộng đất của làng, xã thông qua phép quân điền (điều mà các triều đại phong kiến Lý, Trần trước đây dường như chưa hoặc ít thực hiện được).

Phép quân điền được ban hành chính thức thành quy chế vào đời Hồng Đức (1470 – 1497), theo đó, nhà Lê phân chia các ruộng đất công cho dân các làng, xã với thời hạn chia lại ruộng đất là 6 năm một lần.

Như vậy, với những chính sách chặt chẽ và tương đối triệt để của nhà Lê về ruộng đất dẫn đến kết quả là: “… quyền sở hữu về ruộng đất của làng, xã bị can thiệp khá mạnh.

Trước đây, công xã vừa là người quản lí, vừa là người tổ chức phân phối cho các thành viên (nông dân) thì nay công xã chỉ còn là người quản lí ruộng cho nhà nước, giúp nhà nước phân chia ruộng, thu thuế theo quy định chung. Quyền tự trị của làng, xã trong lĩnh vực này bị huỷ bỏ dần.

Tuy nhiên, đến cuối triều Lê (thế kỷ thứ XVIII) do sự suy yếu của chính quyền phong kiến trung ương đã dẫn đến việc làm suy yếu quyền sở hữu nhà nước đối với ruộng đất. Tình trạng mua bán, chiếm đoạt ruộng công điền diễn ra khá phổ biến. 

Tóm lại: Quyền sở hữu của nhà nước đối với đất đai được hình thành từ rất sớm ở nước ta xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập tự chủ cũng như đòi hỏi của việc phát triển nền nông nghiệp trồng lúa nước.

Hình thức sở hữu này bắt đầu manh nha từ thế kỉ thứ XI, được củng cố vững chắc ở thế kỉ thứ XV và tiếp tục được duy trì ở các triều đại phong kiến tiếp theo với quy mô và mức độ khác nhau. 

Quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai 

Mặc dù chế độ ruộng đất công được nhà nước phong kiến bảo hộ và phát triển mạnh mẽ nhất trong thời kì Lê sơ song bên cạnh đó còn tồn tại quyền sở hữu tư nhân đối với ruộng đất.

Hình thức sở hữu này bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Lý – Trần: “ở Việt Nam đã có sự tồn tại và phát triển của chế độ sở hữu tư nhân về đất đai không những vào thế kỉ XV mà còn từ nhiều thế kỉ trước đó”.

Đến thời Lê sơ, với những chính sách ban cấp ruộng đất cho công thần, quan lại, quý tộc có quy mô lớn, số lượng ban cấp nhiều, nhà nước lại cho phép họ có quyền định đoạt (có quyền mua bán, chuyển nhượng, dùng làm tài sản thừa kế, trừ khi phạm tội, nên sở hữu tư nhân trở thành một hình thức sở hữu phổ biến.

Sở hữu tư nhân về ruộng đất bao gồm:

– Sở hữu lớn của những quan lại, quý tộc được nhà nước ban cấp ruộng đất; Sở hữu nhỏ của những người nông dân do có sức lao động, có quyền mua ruộng đất và tích tụ đất đai.

Do sự phát triển của sở hữu tư nhân ngày càng mạnh, nhà nước không chỉ thừa nhận mà còn có chính sách bảo vệ hình thức sở hữu này.

Pháp luật nhà Lê trước hết bảo vệ quyền sở hữu đất đai của giai cấp địa chủ, phong kiến rất chặt chẽ. Các hành vi xâm chiếm hoặc bán trộm đất đai bị trừng phạt rất nặng.

Ví dụ: Nếu xâm chiếm bờ cõi ruộng đất, nhổ bỏ mốc giới của người khác hay tự mình lập ra mốc giới thì xử biếm 2 tư (Điều 357 Quốc triều Hình luật);

Nếu chặt tre, gỗ trong vườn mộ địa của người khác thì xử biếm 1 tư và nộp tiền tạ lỗi 10 quan, lấn chiếm mộ của người khác cũng phải tội như thế và phải bồi thường cho chỗ lấn chiếm; nếu là mộ nhà quyền quý thì phải tăng thêm tội (Điều 358 Quốc triều Hình luật);

Nô tỳ mà bán trộm ruộng đất của chủ thì phải phạt 90 trượng, thích vào mặt 6 chữ, lưu đi châu gần, ruộng đất phải trả cho chủ và trả tiền cho người mua (Điều 386 Quốc triều Hình luật).

Bên cạnh đó, pháp luật cũng bảo vệ quyền sở hữu đất đai hợp pháp của tư nhân và trừng phạt các hành vi xâm phạm.

Ví dụ: Bán trộm ruộng đất của người khác thì xử tội biếm, bán từ 10 mẫu trở lên thì xử tội đồ, trả tiền cho người mua và trả thêm một lần tiền mua nữa để trả cho người có ruộng đất và người mua mỗi người một phân, ruộng đất phải trả cho người chủ cũ” (Điều 382 Quốc triều Hình luật).

Người nào tranh giành nhà đất thì phải biếm 2 tư, nếu có chúc thư mà còn tranh giành thì cũng xử biếm như thế và phải tước mất cả phần của mình nữa (Điều 354 Quốc triều Hình luật).

Nếu khai man ruộng đất của người khác là của mình thì phải biếm 3 tư và phải trả tiền đất cho chủ cũ (Điều 353 Quốc triều Hình luật) v.v.. 

Bước sang thế kỉ XVI, ruộng đất tự hữu phát triển mạnh mẽ hơn so với thời kì trước đó. Chế độ chiếm hữu lớn tư nhân về ruộng đất là một trong những tiền đề dẫn đến việc chấm dứt thời kì thống trị của nhà Lê sơ và sự thống nhất của cả nước dưới một chính quyền chung.

Các cuộc chiến tranh liên miên nổ ra ở các thế kỉ XVI – thế kỉ XVIII không những tàn phá nghiêm trọng nền sản xuất nông nghiệp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giai cấp địa chủ, phong kiến xâm chiếm ruộng đất công và ruộng đất của nông dân.

Thế kỉ XVIII được ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc bởi sự phân chia đất đai và tranh giành quyền lực thống trị của hai tập đoàn phong kiến đàng Ngoài (vua Lê – chúa Trịnh) và đàng Trong nhà Nguyễn).

Sự tranh giành quyền lực của 2 tập đoàn phong kiến này đã tác động mạnh mẽ lên chính sách đất đai nói chung và chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất nói riêng ở nước ta trong thế kỉ XVIII.

Cụ thể: 

– Về ruộng đất tự ở đàng Ngoài, do sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất ở những thập kỉ đầu của thế kỉ thứ XVIII đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhà nước, làm sút giảm đáng kể cho nguồn thu của nhà nước.

Dẫn đến việc buộc nhà nước phải huỷ bỏ lệ miễn thuế cho ruộng tư vốn được thực hiện suốt từ thế kỉ XV cho đến lúc đó. Kết quả là nhà nước quyết định đánh thuế đối với cả ruộng đất công và ruộng đất tự nhưng với mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp quan lại đóng vai trò chủ chốt trong giai cấp phong kiến, năm 1724, chúa Trịnh cùng với việc ban cấp ruộng đất huệ dưỡng, ruộng sứ thần và các chế độ bổng lộc khác cho quan lại đã ban lệ miễn thuế ruộng tự cho quan lại.

Chính sách này đã có tác dụng khuyến khích các quan lại mua, tậu ruộng tư và do vậy đã góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất. 

– Về ruộng đất tự ở đàng Trong, để mở mang lãnh thổ bờ cõi và tăng cường nguồn nhân lực, của cải nhằm củng cố tiềm lực chính trị, quân sự và kinh tế phục vụ trực tiếp cho cuộc tranh giành quyền lực với nhà Trịnh ở đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã ban hành một loạt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp.

Một trong những chính sách đó là chính sách khuyến khích, động viên mọi người tích cực khai phá đất hoang bằng cách miễn thuế sử dụng đất trong 3 năm đầu và coi ruộng đất khai phá thuộc quyền sở hữu của người bỏ công sức và vốn liếng ra khai phá.

Kết quả là ở vùng cực nam của đất nước xuất hiện một loạt các trang trại tư nhân lớn. Chính sách khẩn hoang này của chúa Nguyễn đã tạo điều kiện cho sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển và tồn tại dai dẳng, vững chắc ở miền Nam.

– Từ sự phân tích khái quát đặc điểm hình thành quyền sở hữu ruộng đất ở nước ta có thể đưa ra nhận xét như sau: “Ở Việt Nam, nhà nước giữ quyền sở hữu tối cao đối với toàn bộ đất đai của quốc gia. Vì vậy quyền tư hữu đối với ruộng đất là một thứ quyền tư hữu bị hạn chế và không hoàn chỉnh, luôn luôn bị sự chi phối lớn quyền sở hữu tối cao của nhà nước. Đây chính là một đặc điểm lớn trong chế độ sở hữu ruộng đất ở Việt Nam”.

Tóm lại: Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta hiện nay được xây dựng không chỉ dựa trên những luận cứ khoa học của học thuyết Mác-Lênin về quốc hữu hoá đất đai mà còn căn cứ vào những điều kiện thực tiễn đặc thù của nước ta, cũng như kế thừa và phát triển tập quán chiếm hữu đất đai của cha ông trong lịch sử.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Nhà nước không được ra quyết định thu hồi đất trong những trường hợp nào?

Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định và tiến hành thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao cho người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất nhưng có hành vi vi phạm pháp luật về đất...

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giao đất đối với những đối tượng nào?

Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi...

Trường hợp nào không được cưỡng chế thu hồi đất?

Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện quy định tại Luật đất đai...

Chuyển đổi đất vườn sang đất ở hết bao nhiêu tiền?

Như vậy UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) quyết định cho hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sau khi nhận được đơn và thửa đất xin chuyển thuộc khu vực được phép...

Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị không?

Luật đất đai quy định giấy tờ chuyển nhượng đất phải được công chứng chứng thực. Vậy Giấy chuyển nhượng đất viết tay có giá trị...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi