Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Khái niệm luật hành chính? Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1165 Lượt xem

Khái niệm luật hành chính? Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Khái niệm luật hành chính? Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính?

Khái niệm luật hành chính

Xét về mặt thẩm quyền hoạt động, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước ta bao gồm cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan quản lý (hành chính) nhà nước, cơ quan kiểm sát và cơ quan xét xử. 

Trong đó, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực, được tổ chức thành một hệ thống chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và cơ sở để trực tiếp quản lý, điều hành các mặt hoạt động của đời sống xã hội từ kinh tế, văn hoá đến an ninh, quốc phòng, từ hoạt động đối nội đến hoạt động đối ngoại. Như vậy, trong mối quan hệ và sự phân định về thẩm quyền hoạt động của cơ quan quản lý hành chính) nhà nước với các cơ quan nhà nước khác như cơ quan quyền lực, cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử thì khái niệm quản lý nhà nước được hiểu theo một nghĩa hẹp, tức là chỉ giới hạn trong các hoạt động chấp hành và điều hành, chủ yếu là của cơ quan quản lý (hành chính) nhà nước. Việc xác định khái niệm quản lý nhà nước là cơ sở để xác định đối tượng điều chỉnh và nội dung của luật hành chính.

Với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống luật của Nhà nước, luật hành chính là tổng hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan nhà nước đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Trên ý nghĩa đó cũng có thể nói, luật hành chính là ngành luật của quản lý nhà nước. 

 Đối tượng điều chỉnh của luật hành chính

Các quan hệ xã hội mà luật hành chính điều chỉnh có thể chia thành bốn nhóm sau đây: 

Thứ nhất, các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động chấp hành và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước khi thực hiện việc quản lý nhà nước đối với mọi mặt của đời sống xã hội. 

Thứ hai, các quan hệ trong hoạt động tổ chức và công tác nội bộ của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Đây là hai nhóm quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh chủ yếu của luật hành chính. 

Thứ ba, những quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành phát sinh trong hoạt động tổ chức và công tác nội bộ của các cơ quan kiểm sát, cơ quan xét xử, cơ quan quyền lực. 

Thứ tư, một số quan hệ xã hội mang tính chất chấp hành và điều hành khi các cơ quan nhà nước không phải là cơ quan quản lý và một số tổ chức chính trị – xã hội được trao quyền thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước cụ thể. 

Phương pháp điều chỉnh luật hành chính

Là những quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, các quan hệ xã hội mà luật hành chính điều chỉnh có một đặc điểm quan trọng là trong đó bao giờ cũng có ít nhất một bên chủ thể mang quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước và bên kia phải chấp hành quyền lực đó. Trong các quan hệ này không có sự bình đẳng về ý chí mà luôn luôn có một bên phải phục tùng ý chí của bên kia. Bên mang quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước có quyền đơn phương đưa ra quyết định quản lý và bên kia có nghĩa vụ phải chấp hành các quyết định đơn phương đó.

Đồng thời, bên mang quyền lực nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp kiểm tra, xem xét việc thực hiện quyết định của mình, có quyền sử dụng các biện pháp cưỡng chế bảo đảm các quyết định của mình được thực hiện. Tính chất quyền lực – phục tùng như vậy là yêu cầu tất yếu của quản lý. Vì vậy, phương pháp mệnh lệnh là phương pháp điều chỉnh chủ yếu của luật hành chính và còn được gọi là phương pháp hành chính. 

Đặc điểm về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là cơ sở để phân biệt ngành luật này với các ngành luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.

Hệ thống luật hành chính 

Cũng như các ngành luật khác, hệ thống luật hành chính là sự phân chia các quy phạm của luật hành chính thành các chế định cụ thể. Trong đó mỗi chế định điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội. Hệ thống pháp luật hành chính được sắp xếp thành phần chung và phần riêng. 

Phần chung bao gồm các chế định liên quan đến tất cả các ngành, các lĩnh vực của quản lý nhà nước. Những chế định chủ yếu thuộc phần này bao gồm: 

– Các nguyên tắc cơ bản của quản lý nhà nước; 

– Vị trí, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị trong bộ máy hành chính nhà nước; 

– Thủ tục hành chính và văn bản hành chính nhà nước;

– Quy chế pháp lý hành chính đối với cán bộ, công chức; 

– Quy chế pháp lý hành chính đối với công dân, tổ chức xã hội, người nước ngoài, người không quốc tịch; 

– Trách nhiệm hành chính;

– Chế độ pháp lý về công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 

– Chế độ pháp lý về việc giải quyết các vụ án hành chính (Tố tụng hành chính); 

Phần riêng của luật hành chính bao gồm các chế định điều chỉnh các quan hệ trong quản lý, điều hành các lĩnh vực, các mặt hoạt động cụ thể của đời sống xã hội: an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục, tôn giáo, đối ngoại vv… trong đó các chế định về quản lý hành chính nhà nước về kinh tế và hoạt động kinh doanh là một bộ phận rất quan trọng của luật hành chính. 

Quan hệ pháp luật hành chính 

Các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quản lý, chỉ huy, điều hành các mặt hoạt động của đời sống xã hội khi được các quy phạm của luật hành chính điều chỉnh trở thành các quan hệ pháp luật hành chính. Nói cách khác, quan hệ pháp luật hành chính là hình thức biểu hiện về mặt pháp lý của các quan hệ về quản lý nhà nước. Việc quản lý nhà nước là do các cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức thực hiện và bản thân nó là hoạt động chấp hành Hiến pháp và luật. Chính vì vậy, các quan hệ xã hội về quản lý nhà nước chỉ có thể biểu hiện dưới hình thức quan hệ pháp luật, chỉ tồn tại, gắn liền với nhà nước và pháp luật. 

Là một loại quan hệ pháp luật cụ thể, quan hệ pháp luật hành chính có tất cả những đặc điểm của quan hệ pháp luật nói chung: đó là các quan hệ ý chí, trong đó mỗi bên (chủ thể) có các quyền và nghĩa vụ pháp lý, tức là các chủ thể được và phải xử sự trong những mức độ, phạm vi nhất định mà Nhà nước đã xác định trong các quy phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, quan hệ pháp luật hành chính cũng có những đặc điểm riêng. Những đặc điểm này xuất phát từ các đặc điểm của luật hành chính. Trong đó, những đặc điểm chủ yếu là: 

Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính luôn gắn liền với hoạt động chấp hành, điều hành của quản lý nhà nước. Các quyền và nghĩa vụ này chỉ phát sinh trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. 

Thứ hai, quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh theo yêu cầu hợp pháp của bất kỳ bên chủ thể nào, sự thỏa thuận của bên kia không phải là điều kiện bắt buộc phải có cho việc hình thành các quan hệ pháp luật hành chính. 

Thứ ba, trong quan hệ pháp luật hành chính bao giờ cũng có ít nhất một chủ thể mang quyền lực của Nhà nước, nhân danh Nhà nước và để thực hiện quyền lực Nhà nước. Đây là chủ thể bắt buộc phải có, mà thiếu nó thì không thể hình thành quan hệ pháp luật hành chính. Chủ thể này có thể là cơ quan hành chính nhà nước, là cán bộ, công chức hoặc các cơ quan, tổ chức khác được nhà nước trao quyền thực hiện những nhiệm vụ quản lý nhà nước cụ thể nào đó. Do vậy, không thể hình thành một quan hệ pháp luật hành chính giữa các cá nhân, tổ chức xã hội với nhau nếu các cá nhân, tổ chức đó không được nhà nước trao quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong các quan hệ pháp luật hành chính, chủ thể nhân danh quyền lực Nhà nước luôn có quyền đơn phương đưa ra các quyết định quản lý và bên kia (các đối tượng bị quản lý) có nghĩa vụ bắt buộc phải chấp hành các quyết định đơn phương đó. 

Thứ tư, phần lớn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính. Một số ít các tranh chấp có tính chất phức tạp, sau khi đã giải quyết theo thủ tục hành chính mà không đạt kết quả, thì có thể được giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Quan hệ tố tụng hành chính, có những đặc điểm riêng phù hợp với đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính và khác biệt với các quan hệ tố tụng dân sự, tố tụng hình sự. 

Thứ năm, bên vi phạm trong quan hệ pháp luật hành chính phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước chứ không phải trước bên kia. Bởi vì, bản chất của sự vi phạm đó bao giờ cũng là vi phạm trật tự quản lý nhà nước nói chung. Những đặc điểm trên thể hiện trong cả quan hệ pháp luật hành chính dọc và quan hệ pháp luật hành chính ngang. Quan hệ pháp luật hành chính dọc hình thành giữa các chủ thể có quan hệ lệ thuộc về mặt tổ chức như những quan hệ giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa Chính phủ với uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Quan hệ pháp luật hành chính ngang hình thành giữa các chủ thể của luật hành chính mà giữa họ không có sự lệ thuộc về mặt tổ chức, chẳng hạn như những quan hệ giữa các bộ, các ngành với nhau. Giữa các cơ quan này có mối quan hệ phối hợp để cùng thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước trong phạm vi ngành hoặc các địa phương. Cũng thuộc loại này là những quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức xã hội, với công dân, người nước ngoài. 

Luật hành chính với việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay 

Quyền lực nhà nước nói chung bao gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Ở nước ta, lập pháp thuộc thẩm quyền chỉ của Quốc hội – cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Quyền tư pháp thể hiện trong hoạt động của các Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. Quyền hành pháp thể hiện trong hoạt động của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, của các cơ quan chính quyền nhà nước các cấp trong quản lý, điều hành các mặt hoạt động của đời sống xã hội.

Chính vì vậy, luật hành chính giữ vai trò chủ yếu trong việc xác lập và hoàn thiện hoạt động hành pháp của Nhà nước. Ở Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất và có sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quy định của luật hành chính về tổ chức thẩm quyền và chế độ làm việc của bộ máy hành chính nhà nước, về các nguyên tắc quản lý nhà nước, về quy chế cán bộ, công chức và công vụ v.v… là cơ sở cho hoạt động hành pháp của Nhà nước. 

Nhà nước ta nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng ra đời và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra, Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới: Từ đổi mới tư duy đến đổi mới các mặt hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội mà trọng tâm là đổi mới kinh tế. Nhờ đường lối và bước đi thích hợp, nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thay thế cho nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung theo cơ chế bao cấp trước đây. Kết quả đó đã đưa nước ta bước sang một thời kỳ mới của phát triển đất nước với những vận hội và những thách thức mới. 

Sự phát triển mạnh mẽ với những đòi hỏi mới và to lớn của nền kinh tế đã đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới của bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước hình thành trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung bao cấp trước đây đang tỏ ra bất cập với yêu cầu mới của nền kinh tế cả về tổ chức và trình độ, năng lực. Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ Tám (khoá VII) Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính”. 

Về nhiệm vụ cải cách nên hành chính nhà nước, Nghị quyết xác định ba nội dung chủ yếu là: 

Thứ nhất, cải cách thể chế hành chính nhà nước bao gồm việc cải cách thủ tục hành chính, thủ tục giải quyết các khiếu nại của dân, thủ tục lập pháp, lập quy và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật. 

Thứ hai, chấn chỉnh tổ chức và quy chế hoạt động của bộ máy nhà nước, trong đó có hệ thống hành chính; từ đó tạo ra mối quan hệ hợp tác, giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. 

Thứ ba, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức để từ đó nâng cao hiệu quả của việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. 

Để thực hiện đường lối, chủ trương mà Đảng đã xác định, luật hành chính Việt Nam phải có sự đổi mới về chất đối với tất cả các chế định của nó. Mặt khác, thực tế đó cũng là cơ sở để luật hành chính phát triển một cách hoàn chỉnh với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, cũng như trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khắc phục tình trạng tản mạn, chắp vá của luật hành chính hiện hành. 

Cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước Việt Nam đã được thực hiện tích cực trong hơn 20 năm đổi mới và sẽ vẫn là công việc phải được chú trọng và kiên quyết thực hiện trong những năm tới của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi đốt pháo năm 2024

Thực tế hiện nay do không nhận thức được sự nguy hiểm của việc đốt pháo nên nhiều người đã có những hành vi đốt pháo trái phép gây ra sự mất an toàn đối với trật tự an ninh, xã...

Thủ tục cấp phù hiệu xe tải

Phù hiệu xe tải là tên gọi khác của Giấy phép kinh doanh vận tải được Bộ Giao Thông Vận Tải quy định để thể hiện cách thức và mục đích sử dụng của xe, là dấu hiệu để các cơ quan, lực lượng chức năng có thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải của...

Căn cước công dân gắn chip có tác dụng gì?

Thẻ CCCD gắn chip có mức độ bảo mật cao và được tích hợp công nghệ đặc biệt. Căn cước công dân gắn chip có tác dụng...

Đơn vị sự nghiệp công lập là gì?

Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân và thực hiện cung cấp dịch vụ...

Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là gì?

Chức năng của Viện kiểm sát nhân dân là chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi