Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm những gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1855 Lượt xem

Hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm những gì?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm những gì?

Trong mỗi quốc gia, bên cạnh hệ thống pháp luật quốc gia còn tồn tại một hệ thống pháp luật quốc tế. Các quy phạm pháp luật quốc tế hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia và thể hiện ý chí chung của các quốc gia đó. Pháp luật quốc tế điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong các sinh hoạt quốc tế giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế với nhau. Pháp luật quốc tế bao gồm hai bộ phận: công pháp quốc tế (luật quốc tế) và tư pháp quốc tế.

Công pháp quốc tế (Luật quốc tế) 

Luật quốc tế là tập hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội về chính trị hoặc các khía cạnh chính trị của quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học – kỹ thuật, văn hoá giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với các tổ chức quốc tế liên chính phủ, hoặc các chủ thể khác của pháp luật quốc tế. 

Luật quốc tế hiện đại bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

a. Chế định những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế gồm có:

 – Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia;

– Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia;

– Nguyên tắc dân tộc tự quyết;

– Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác;

– Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực;

– Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế;

– Nguyên tắc tôn trọng các quyền cơ bản của con người;

– Nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia;

– Nguyên tắc tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế.

b. Chế định luật điều ước quốc tế 

Trong điều kiện của xu thế toàn cầu hoá các lĩnh vực của đời sống xã hội, hàng ngày các quốc gia và các chủ thể của luật quốc tế thoả thuận và ký kết với nhau những điều ước quốc tế. Khái niệm điều ước quốc tế đã được đề cập đến trong Chương III. Trong luật quốc tế, quá trình xây dựng, ký kết và duy trì hiệu lực của các điều ước quốc tế được điều chỉnh bằng Công ước Viên về luật điều ước quốc tế ký tại Viên ngày 23-5-1969 và có hiệu lực ngày 23-5-1980. Công ước này đã được “nội luật hoá” bằng Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế do Quốc hội Việt Nam khoá XI thông qua ngày 14-6-2005. 

Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thoả thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhận danh Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thoả thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác. 

Luật điều ước quốc tế quy định những nội dung cơ bản sau đây:

– Ký kết điều ước quốc tế;

– Gia nhập điều ước quốc tế;

– Bảo lưu điều ước quốc tế; – Hiệu lực của điều ước quốc tế;

– Thực hiện điều ước quốc tế. 

Những nội dung cơ bản của luật điều ước quốc tế được trình bày trong Chương III giáo trình này. 

c. Chế định dân cư trong luật quốc tế

Theo luật quốc tế, dân cư được hiểu là tổng thể những người sống trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định. Thành phần dân cư của một nước bao gồm: công dân của nước đó, người có quốc tịch nước ngoài, người không quốc tịch, người nhiều quốc tịch. Chế định dân cư quy định vấn đề quốc tịch, địa vị pháp lý của những người trong thành phần dân cư. 

d) Chế định bảo vệ quyền con người quy định nội dung các quyền con người (nhân quyền) trong điều kiện thời đại, vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. 

đ) Chế định lãnh thổ và biên giới quốc gia quy định các bộ phận cấu thành của lãnh thổ quốc gia (như các vùng đất, vùng nước, vùng trời); quy chế pháp lý của lãnh thổ quốc gia; quy chế pháp lý của biên giới quốc gia. 

e) Chế định về luật biển quốc tế quy định quy chế pháp lý đối với các vùng biển như nội thuỷ; quy chế pháp lý về lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế pháp lý về biển quốc tế v.v… 

g) Pháp luật về hàng không quốc tế quy định các nguyên tắc và các thượng quyền cơ bản trong luật hàng không dân dụng quốc tế, quy chế pháp lý về vùng trời, phi hành đoàn, quy chế về chuyến bay quốc tế và đường bay quốc tế. 

h) Chế định về ngoại giao và lãnh sự đưa ra quy chế pháp lý về các cơ quan đại diện ngoại giao của nhà nước, cơ quan lãnh sự; những ưu đãi và miễn trừ cho các cơ quan và viên chức ngoại giao và lãnh sự. 

i) Hội nghị quốc tế và các tổ chức quốc tế quy định quy chế về tổ chức, đàm phán và ký kết các văn bản của hội nghị quốc tế; địa vị pháp lý của các tổ chức quốc tế toàn cầu như Liên Hợp Quốc, các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế khu vực và các tổ chức quốc tế khác. 

k) Chế định giải quyết các tranh chấp quốc tế quy định các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế, các biện pháp giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. 

I) Chế định pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế về chiến tranh quy định về vấn đề tuyên chiến, khởi chiến; vấn đề sử dụng vũ khí và phương tiện chiến tranh, bảo hộ nạn nhân chiến tranh vv… 

m) Chế định trách nhiệm pháp lý quốc tế quy định chủ thể của trách nhiệm pháp lý quốc tế; tội ác quốc tế; các hình thức trách nhiệm pháp lý của quốc gia và chủ thể khác. 

Nguồn của luật quốc tế là các điều ước quốc tế (song phương và đa phương), pháp luật quốc gia và tập quán quốc tế.

Tư pháp quốc tế 

Bà Tư pháp quốc tế là tập hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Quan hệ dân sự ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm quan hệ dân sự (theo nghĩa hẹp), quan hệ kinh tế – thương mại, quan hệ lao động, quan hệ hôn nhân và gia đình. Theo Điều 758 Bộ luật Dân sự 2005, “Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. 

Chủ thể của tư pháp quốc tế trước hết và chủ yếu là cá nhân, pháp nhân của các nước tham gia giao lưu quốc tế; ngoài ra, trong những trường hợp nhất định, Nhà nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng được thừa nhận là chủ thể của tư pháp quốc tế. 

Các nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế bao gồm:

– Nguyên tắc tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp của các quốc gia; 

– Nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lý giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia khác nhau; 

– Nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa công dân nước sở tại và người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau trên lãnh thổ một quốc gia; 

– Nguyên tắc có đi, có lại. 

Nguồn chủ yếu của tư pháp quốc tế là pháp luật quốc gia, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế. 

Pháp luật quốc gia: Ở nước ta, pháp luật quốc gia tham gia điều chỉnh các quan hệ thuộc lĩnh vực tư pháp quốc tế có các văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu như: Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Bộ luật Hàng hải năm 2005, Bộ luật Lao động năm 1994 và các Luật sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 v.v… 

Điều ước quốc tế: Bao gồm các điều ước quốc tế song phương và điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập như: Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam và các nước, Hiệp định thương mại và hàng hải, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Công ước Paris năm 1883 về sở hữu công nghiệp Việt Nam gia nhập năm 1981), Hiệp định khung hợp tác Việt Nam – EU (ký năm 1992), công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài (gia nhập năm 1995), Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ v.v… 

Tập quán quốc tế: Tập quán quốc tế là những quy tắc xử sự không do các quốc gia hay các tổ chức quốc tế đặt ra nhưng được nhiều quốc gia chấp nhận và áp dụng như một quy phạm pháp luật quốc tế. Tập quán quốc tế xuất hiện trong mọi lĩnh vực của pháp luật quốc tế. Phạm vi của các tập quán quốc tế có thể là toàn cầu hoặc khu vực. Trong tư pháp quốc tế, có những tập quán về thương mại, hàng hải quốc tế và những tập quán quốc tế khác. Hiện tại, được áp dụng nhiều nhất trong các quan hệ thương mại quốc tế là Các điều kiện thương mại quốc tế (INCOTERMS 2000) và bản Quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP 600). 

Nội dung tư pháp quốc tế Việt Nam bao gồm các chế định chủ yếu sau đây: | a) Chế định chủ thể của tư pháp quốc tế quy định địa vị pháp lý của cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và quy chế pháp lý đối với cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. 

b) Chế định quyền sở hữu trong tư pháp quốc tế quy định vấn đề giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu; vấn đề chuyển dịch quyền sở hữu; vấn đề quyền sở hữu của người nước ngoài tại Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong giao dịch quốc tế v.v… 

c) Chế định hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tư pháp quốc tế quy định vấn đề giao kết và thực hiện hợp đồng trong tư pháp quốc tế; quy chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong tư pháp quốc tế. 

d) Chế định thanh toán quốc tế quy định phương tiện và phương thức thanh toán quốc tế; hình thức tín dụng và việc xác lập, thực hiện quan hệ tín dụng trong thanh toán quốc tế v.v… 

đ) Chế định thừa kế trong tư pháp quốc tế quy định các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế; vấn đề giải quyết việc thừa kế có yếu tố nước ngoài. 

e) Chế định hôn nhân và gia đình trong tư pháp quốc tế có các quy định về kết hôn; về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản trong gia đình; về quan hệ giữa những người trong gia đình; vấn đề nuôi con nuôi; vấn đề xác định cha, mẹ, con…

g) Chế định quan hệ lao động trong tư pháp quốc tế quy định vấn đề giải quyết xung đột pháp luật về lao động có yếu tố nước ngoài; quan hệ lao động có yếu tố nước ngoài. 

h) Chế định tố tụng dân sự quốc tế quy định địa vị pháp lý của các chủ thể nước ngoài trong tố tụng dân sự quốc tế; thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế; vấn đề uỷ thác tư pháp quốc tế; vấn đề công nhận và thi hành bản án và quyết định của toà án nước ngoài.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi