Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Giải quyết vụ án hành chính là gì?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 429 Lượt xem

Giải quyết vụ án hành chính là gì?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Giải quyết vụ án hành chính là gì? Thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính?

Khái niệm giải quyết vụ án hành chính 

Để giải quyết những công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật, các cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức thường ban hành các quyết định hành chính hay thực hiện các hành vi hành chính. Trên thực tế, nhiều quyết định hành chính hay hành vi hành chính vì nhiều lý do khác nhau mà có thể được ba hoặc thực hiện một cách trái pháp luật. Từ đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức; đồng thời duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, pháp luật quy định quyền khiếu kiện đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, của cán bộ, công chức và đó là các khiếu kiện hành chính. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc giải quyết các khiếu kiện của công dân, tổ chức đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức đạt hiệu quả chưa cao; nhiều vụ việc khiếu kiện không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng. Từ đó dẫn đến việc giải quyết phải kéo dài, khiếu kiện vượt cấp làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức chưa được bảo hộ một cách triệt để. Nhằm khắc phục tình trạng đó, đồng thời phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, ngày 21-5-1996 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2006). 

Ý nghĩa của việc giải quyết các vụ án hành chính

Hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, hoạt động của Tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ việc khiếu kiện còn tồn đọng trước đây đã được giải quyết một cách thỏa đáng. 

Để hoàn thiện hơn nữa cơ chế pháp lý cho việc khiếu kiện và giải quyết các khiếu kiện hành chính; từ đó giúp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình tránh sự xâm hại từ phía chính quyền nhà nước (bằng con đường tố tụng Tòa án – một hệ thống cơ quan nhà nước độc lập với bộ máy hành chính); ngày 24/11/2010 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính. Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011; đồng thời thay thế Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 1996 và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung (1998 và 2006). Việc ban hành Luật Tố tụng hành chính là một thành quả quan trọng trong tiến trình hoàn thiện pháp luật, phù hợp với chương trình cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Luật Tố tụng hành chính 2010 quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính. Theo Luật Tố tụng hành chính 2010, đối tượng của các khiếu kiện hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỳ luật buộc thôi việc đối với công chức.

Các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong phần này được hiểu khác với phần chế độ pháp lý về giải quyết khiếu nại, cụ thể là theo Luật Tố tụng hành chính: 

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành, quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. 

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. 

Điểm khác trong đối tượng khiếu kiện hành chính so với khiếu nại là không phải tất cả mọi quyết định kỷ luật công chức đều là đối tượng khiếu kiện hành chính mà ở đây chỉ là quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với một số công chức nhất định. 

Quyết định kỷ luật buộc thôi việc là văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, 

Do tính chất và đặc điểm quản lý hành chính nhà nước, pháp luật quy định, khi cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc công chức bị kỷ luật buộc thôi việc có căn cứ cho rằng các quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật buộc thôi việc là trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì họ có quyền khiếu nại theo thủ tục hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Những khiếu kiện hành chính được Toà án thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng gọi là vụ án hành chính. 

Như vậy, vụ án hành chính có thể hiểu: đó là việc Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng những khiếu kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc công chức bị kỷ luật đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại lần đầu hay lần hai với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó; nhằm bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

 Thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết các vụ án hành chính 

Thứ nhất: Thẩm quyền về vụ việc (Những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) 

Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các loại khiếu kiện hành chính (vụ án hành chính) sau đây : 

– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước; trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. 

– Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu đại biểu Quốc hội, danh sách cử trị bầu đại biểu Hội đồng nhân dân. 

– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và cấp tương đương trở xuống. 

– Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. 

Thứ hai: Thẩm quyền của Toà án các cấp (Điều 29-30) 

Trong việc giải quyết các vụ án hành chính, Toà án nhân dân cũng thực hiện chế độ 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm). Ở đây, chỉ đề cập quy định thẩm quyền xét xử cấp sơ thẩm của Toà án. Có 2 cấp Tòa án thực hiện xét xử sơ thẩm đó là Toà án cấp huyện và Toà án cấp tỉnh. 

Toà án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ án sau: 

– (i) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;

 – (ii) Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án đối với công chức thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức đó; 

– (iii) Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu đại biểu Hội đồng nhân dân của cơ quan lập danh sách cử tri trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án. 

Toà hành chính Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thấm những vụ án hành chính sau:

– (i) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước,Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính; 

– (ii) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan nhà nước quy định tại nhóm trên và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính; 

– (iii) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó; 

– (iv) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; 

– (v) Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án; 

– (vi) Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc canh tranh mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án. Hà Đối với những khiếu kiện thuộc thẩm quyền của Toà án cấp huyện liên quan đến nhiều đối tượng, phức tạp hoặc trong trường hợp nếu xét thấy cần thiết thì Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết. 

Thứ ba: Phân định thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu kiện hành chính 

Theo quy định hiện hành, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, khiếu kiện hành chính. Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà có trường hợp cá nhân, tổ chức vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện. Việc phân định thẩm quyền giải quyết đối với những trường hợp này được thực hiện theo những quy định sau đây: 

Một là, trường hợp người khởi kiện có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền, đồng thời có đơn khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết theo sự lựa chọn của người khởi kiện. 

Hai là, Toà án đã thụ lý vụ án hành chính, nếu phát hiện vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền và xoá sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. 

Đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị quyết định này trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Toà án đã ra quyết định chuyền vụ án hành chính phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng. 

Ba là, tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Toà án cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Toà án cấp tỉnh giải quyết. 

Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính giữa các Toà án cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nhau hoặc giữa các Toà án cấp tỉnh do Chánh án Toà án nhân dân tối cao giải quyết.

Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính 

Các vụ án hành chính khi được đưa ra giải quyết ở Toà án sẽ tuân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2010, theo đó, các giai đoạn cơ bản của tố tụng hành chính bao gồm: khởi kiện và thụ lý vụ án; chuẩn bị xét xử; xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm; thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; thi hành các bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. 

Thứ nhất: Khởi kiện và thụ lý vụ án 

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong các trường hợp theo quy định tại Điều 103 Luật Tố tụng hành chính. 

Nếu đương sự gửi đơn kiện đến Tòa án cấp có thẩm quyền tức là đã khởi kiện một vụ án hành chính, Đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật (Điều 105); đương sự có thể trực tiếp nộp đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện, nhưng phải nộp đơn khởi kiện theo đúng thời hiệu theo quy định tại Điều 104 LuậtTố tụng hành chính. Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm; trừ trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. 

Toà án chỉ tiếp nhận và thụ lý để giải quyết các vụ án hành chính khi có đơn của người khởi kiện gửi đến đúng Toà án có thẩm quyền. 

Thứ hai: Chuẩn bị xét xử 

Sau khi thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán giải quyết vụ án (Điều 112); đồng thời, Tòa án phải thông báo cho người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp về việc thụ lý vụ án (Điều 114). 

– Trong thời hạn chuẩn bị xét xử (Điều 117), Tòa án yêu cầu các đường sự cung cấp, bổ sung chứng cứ, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân hữu quan để xác minh, thu thập chứng cứ nhằm hoàn chỉnh hồ sơ vụ án để phục vụ cho công tác giải quyết sau này. 

Cũng trong thời hạn chuẩn bị xét xử nói trên, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên toà phải ra một trong các quyết định: đưa vụ án ra xét xử; tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; đình chỉ việc giải quyết vụ án. 

Thứ ba: Thủ tục xét xử sơ thẩm 

Thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hành chính được thực hiện thông qua phiên tòa hành chính sơ thẩm. Trừ trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ, còn nói chung phiên toà sơ thẩm được tiến hành công khai với sự có mặt của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. 

– Trong thời hạn hai mươi ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hành chính; trường hợp có lý do chính đáng thì hạn mở phiên tòa có thể kéo dài, nhưng không quá ba mươi ngày (Điều 117). 

| Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt, Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân (Điều 128). 

Bản án phải được Hội đồng xét xử thảo luận tập thể và biểu quyết thông qua tại phòng nghị án. Bản án và các Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chỉ có hiệu lực pháp luật khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị (Điều 176 và Điều 183) mà không có kháng cáo, kháng nghị. 

Thứ tư: Thủ tục phúc thẩm 

Bản án hoặc Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị (Điều 174 và Điều 181). Nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị, vụ án hành chính phải được xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. 

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. 

Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hành chính được xác định theo nguyên tắc sau: 

– Nếu cấp xét xử sơ thẩm là Toà án nhân dân cấp huyện thì cấp xét xử phúc thẩm là Toà hành chính Toà án nhân dân cấp tỉnh. 

– Nếu cấp xét xử sơ thẩm là Toà hành chính Toà án nhân dân cấp tỉnh thì cấp xét xử phúc thẩm là Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao. 

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm là sáu mươi ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán. Phiên toà phúc thẩm được tiến hành theo các thủ tục tương tự như phiên toà sơ thẩm. 

Toà án cấp phúc thẩm có quyền bác kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên các quyết định của bản án sơ thẩm; sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật; huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc có chứng cứ mới quan trọng mà Tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được; huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có các căn cứ theo quy định của pháp luật; đình chỉ việc giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm. 

Những trường hợp dẫn đến các quyết định này của Tòa án cấp phúc thẩm được xác định trong Điều 205 Luật Tố tụng hành chính. 

Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có hiệu lực pháp luật ngay.

Thứ năm: Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 

Các Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thẩm quyền và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 212 và Điều 215; thẩm quyền và thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại các Điều 235 và Điều 236 Luật Tố tụng hành chính. 

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định của Tòa án, đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Thủ tục giám đốc thẩm được tiến hành nếu có kháng nghị của người có thẩm quyền khi xuất hiện một trong các căn cứ sau đây: 

– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; 

– Phần quyết định trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; 

– Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. 

Thủ tục tái thẩm được tiến hành nếu có kháng nghị của người có thẩm quyền khi xuất hiện một trong các căn cứ sau đây

– Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; 

– Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ; 

– Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; 

– Bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ. 

Tùy từng trường hợp, thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm có thể là: Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân cấp Tỉnh, Toà hành chính Toà án nhân dân tối cao, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. 

Việc xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải thực hiện bằng phiên toà. Toà án phải mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án. Phiên toà giám đốc thẩm hoặc tái thẩm không nhất thiết phải triệu tập những người tham gia tố tụng, trừ trường hợp Toà án cần phải nghe ý kiến của họ trước khi quyết định. 

 Luật Tố tụng hành chính 2010 còn có quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyếtđịnh của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền (Chương 15); thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (Chương 16); Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính (Chương 17).

– Các đương sự và những cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Các quyết định về tài sản, quyền tài sản trong các bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính được thi hành theo Luật thi hành án dân sự 2008 và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009. 

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi