Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Điều ước quốc tế là gì? Phân loại điều ước quốc tế?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 515 Lượt xem

Điều ước quốc tế là gì? Phân loại điều ước quốc tế?

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Điều ước quốc tế là gì? Phân loại điều ước quốc tế?

Khái niệm điều ước quốc tế

Cùng với việc mở rộng và đa dạng hoá các quan hệ giữa các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, giữa các khu vực trên thế giới, các quốc gia nhận thức cần phải cùng nhau thể chế hoá và quy định thống nhất các nguyên tắc để giải quyết có hiệu quả những vấn đề thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Việc hợp tác đó thể hiện trong quan hệ giữa các quốc gia, trong việc thành lập các tổ chức quốc tế khu vực và toàn cầu, đồng thời là việc ban hành các quy định có tính bắt buộc đối với các quốc gia thành viên dưới hình thức các điều ước quốc tế. Khác với việc ban hành pháp luật ở mỗi quốc gia, trên phạm vi quốc tế không có một bộ máy nào có thẩm quyền ban hành pháp luật để áp dụng chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi có vấn đề phát sinh giữa các quốc gia cần được điều chỉnh thì các quốc gia có cùng chung mối quan tâm và lợi ích sẽ gặp nhau để thảo luận và ký kết các thoả thuận chung cùng áp dụng. Những thoả thuận này được ký kết theo những nguyên tắc của Luật quốc tế và được gọi là các điều ước quốc tế. 

Điều ước quốc tế là những thoả thuận giữa các chủ thể của Luật quốc tế (trước hết và chủ yếu là các quốc gia trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì nhằm xác định, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trên những lĩnh vực mà các bên quan tâm, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại. Tính phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại là điều kiện để các điều ước quốc tế có hiệu lực. Những điều ước quốc tế được ký kết trái với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại sẽ không có hiệu lực và phải bị huỷ bỏ. Luật quốc tế có chế định luật điều ước quốc tế, thể hiện tập trung trong Công ước Viên về luật điều ước quốc tế ký ngày 23-5-1969, có hiệu lực ngày 27-1-1980, trong đó quy định việc đàm phán, ký kết, công bố, phê chuẩn, phê duyệt, chấp thuận cũng như việc gia nhập các điều ước quốc tế. 

Khoản 1 Điều 2 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 của Việt Nam định nghĩa: “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhận danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định hước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.” 

Sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam với các nước khác đã đòi hỏi Việt Nam tham gia ký kết và thực hiện nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương và đối tác ký kết điều ước cũng rất đa dạng, phong phú. Việc tham gia ký kết này sẽ góp phần tăng cường cơ sở pháp lý tổng thể để thực hiện hội nhập quốc tế, củng cố và thúc đẩy các mối quan hệ, hợp tác đa dạng với các nước. Mặt khác, việc tham gia ký kết điều ước quốc tế còn tạo điều kiện cho các nước hiểu về Việt Nam và yên tâm mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam theo các nguyên tắc và quy phạm chung của luật pháp quốc tế. 

| Đối với một điều ước quốc tế, nếu Việt Nam tham gia ngay từ giai đoạn đàm phán và ký kết thì Việt Nam là thành viên ký kết. Còn đối với những điều ước quốc tế đã được ký kết trước đó, sau này Việt Nam tham gia theo thủ tục gia nhập thì Việt Nam là thành viên gia nhập. Dù là thành viên ký kết hay thành viên gia nhập, trong các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia, thường gọi chung là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Phân loại điều ước quốc tế 

Điều ước quốc tế là tên gọi chung cho các văn bản do hai hay nhiều chủ thể của Luật quốc tế thoả thuận ký kết. Tuỳ theo tính chất và nội dung của từng loại văn bản mà các bên ký kết thoả thuận xác định tên gọi cho chúng. Có thể phân loại điều ước quốc tế theo nhiều tiêu chí khác nhau. 

Thứ nhất: Căn cứ vào danh nghĩa của điều ước quốc tế 

Căn cứ vào danh nghĩa của điều ước quốc tế, theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, điều ước quốc tế bao gồm: Điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước và điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ. 

Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp: Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác; điều ước quốc tế về hoà bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; điều ước quốc tế về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp; điều ước quốc tế về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng; điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thoả thuận với bên ký kết nước ngoài. 

Điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp: để thực hiện điều ước quốc tế đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước; điều ước quốc tế về các lĩnh vực và các tổ chức quốc tế trừ những vấn đề đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh nhà nước; điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thoả thuận với bên ký kết nước ngoài. Khi 

Thứ hai: Căn cứ vào chủ thể ký kết 

Điều ước quốc tế có 2 loại. Thứ nhất, điều ước song phương là điều ước quốc tế được ký kết bởi hai quốc gia với nhau. Thứ hai, điều ước đa phương là điều ước quốc tế được ký kết hoặc gia nhập của từ ba quốc gia trở lên. 

Thứ ba: Căn cứ vào nội dung của điều ước quốc tế 

Có thể chia thành nhiều loại như điều ước về chính trị là điều ước quốc tế liên quan đến các vấn đề chính trị mà các quốc gia tham gia quan tâm, điều ước về kinh tế là điều ước quốc tế liên quan đến các vấn đề về kinh tế giữa hai hoặc nhiều quốc gia, các điều ước quốc tế về biển, hàng không, vũ trụ vv… 

Bên cạnh điều ước quốc tế thì còn có các thỏa thuận quốc tế nhân danh Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

 Các thỏa thuận quốc tế 

Bên cạnh những điều ước quốc tế, trong quan hệ quốc tế còn sử dụng những thỏa thuận quốc tế. Ngày 20-4-2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan Nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài. Nhưng nó không bao gồm các nội dung sau đây: 

– Hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia; 

– Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;

– Tham gia tổ chức quốc tế liên chính phủ; 

– Hỗ trợ phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam; 

– Các vấn đề khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật. 

Thỏa thuận quốc tế được ký kết với các tên gọi như: Thỏa thuận, Bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác, Kế hoạch hợp tác và các tên gọi khác. 

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế là: 

– Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; 

– Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; 

– Cơ quan Nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của 

mình phối hợp với Bộ Ngoại giao thực hiện quản lý Nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. 

Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế được ký bằng tiếng nước ngoài thì bên Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.

Khái quát quá trình ký kết và gia nhập điều ước quốc tế 

Khi nhận thấy cần có một văn bản có tính pháp lý điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ giữa các quốc gia thì các quốc gia có liên quan xem xét để ký kết một điều ước quốc tế. Ký kết điều ước quốc tế là một quá trình gồm nhiều giai đoạn với những thủ tục khác nhau, tuỳ theo lĩnh vực mà điều ước quốc tế đó điều chỉnh và số lượng các bên tham gia. Theo Khoản 4 Điều 2 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005: “Ký kết là những hành vi pháp lý do người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều tước quốc tế”.

Như vậy, trình tự tiến hành ký kết điều ước quốc tế, nội dung của các bước trong trình tự ký kết do chính các bên tham gia ký kết thoả thuận. Nhìn chung, quá trình ký kết bao gồm các giai đoạn sau: đề xuất về việc đàm phán và ký điều ước quốc tế; thẩm định điều ước quốc tế; ký điều ước quốc tế; phê chuẩn điều ước quốc tế; phê duyệt điều ước quốc tế. 

– Đề xuất về việc đàm phán và ký điều ước quốc tế

Các cơ quan đề xuất như Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào nhiệm vụ quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của hợp tác quốc tế, có quyền chủ động đề xuất với Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế. Cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến kiểm tra bằng văn bản của Bộ Ngoại giao, đồng thời lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Nếu Bộ Ngoại giao là cơ quan trực tiếp đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế thì phải lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Việc đàm phán, ký điều ước quốc tế về hoà bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia do Bộ ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan đề xuất với Chính phủ. Nội dung tờ trình, báo cáo đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế được quy định ở Điều 14 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. 

– Quyết định việc đàm phán và ký điều ước quốc tế 

Sau khi xem xét và thấy cần thiết thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định. Cụ thể, Chính phủ quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc thông qua ý kiến của Quốc hội về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế có quy định trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với điều ước quốc tế mà để thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ còn quyết định trình Chủ tịch nước quyết định về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan đề xuất trình trong trường hợp Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác. 

– Hồ sơ trình về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế 

Khi đàm phán, ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất trình Chính phủ phải lập hồ sơ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế Hồ sơ này bao gồm: 

+ Tờ trình của cơ quan đề xuất (có những nội dung quy định tại Điều 14 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế) 

+ Văn bản điều ước quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch điều ước quốc tế bằng tiếng Việt kèm theo: 

+ Ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan; 

+ Các tài liệu cần thiết khác. 

Theo quy định, điều ước quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thoả thuận khác giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Văn bản bằng tiếng Việt phải được Bộ Ngoại giao cho ý kiến trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế.

Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài, thì cơ quan đề xuất có trách nhiệm dịch điều ước quốc tế đó ra tiếng Việt và thống nhất với Bộ Ngoại giao để đối chiếu với ngôn ngữ được ký của điều ước quốc tế trước khi trình Chính phủ về việc đàm phán, ký. Nếu là bản chính điều ước quốc tế phải đóng bìa và được in trên giấy điều ước và có đóng dấu nổi của Bộ Ngoại giao hoặc của cơ quan đại diện của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. 

– Đàm phán và soạn thảo điều ước quốc tế 

Khi có quyết định về việc đàm phán và ký điều ước quốc tế, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập phái đoàn đàm phán. Đàm phán là một giai đoạn quan trọng trong quá trình ký kết điều ước quốc tế. Đó là quá trình thể hiện ý chí và đấu tranh để đi đến thoả thuận về nội dung và hình thức của điều ước quốc tế. Đàm phán luôn gắn với giai đoạn soạn thảo điều ước quốc tế. 

Sau khi đàm phán thống nhất về nguyên tắc, các bên tiến hành soạn thảo văn bản điều ước quốc tế. Đối với điều ước quốc tế song phương, hai bên cử người vào ban soạn thảo, còn đối với điều ước quốc tế đa phương thì các bên thành lập một cơ quan soạn thảo, thông thường là một uỷ ban. Nếu là điều ước quốc tế song phương thì văn bản thường được soạn thảo bằng hai ngôn ngữ của hai nước thành viên và có giá trị như nhau.

Nếu là điều ước quốc tế đa phương thì văn bản được soạn thảo bằng các ngôn ngữ làm việc chính thức của Liên hiệp quốc như Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban nha và Ả rập. Sau khi văn bản đã được soạn thảo xong, các bên thể hiện sự nhất trí của mình về văn bản bằng thủ tục thông qua văn bản điều ước quốc tế. Với thủ tục này, điều ước quốc tế chưa có hiệu lực, đây mới chỉ là bản dự thảo. 

– Thẩm định dự thảo điều ước quốc tế 

Sau khi bản thảo điều ước quốc tế được hoàn thành thì các bên, theo pháp luật của nước mình tiến hành thẩm định nội dung của văn bản. Ở Việt Nam, theo quy định tại Điều 19 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 thì việc thẩm định nội dung của điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Quá trình thẩm định phải làm rõ các nội dung sau đây: 

+ Tính hợp hiến;

+ Mức độ tương thích với các quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế; 

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế. 

– Ký điều ước quốc tế 

Trước khi tiến hành ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phối hợp với Bộ Ngoại giao và cơ quan hữu quan rà soát, đối chiếu văn bản tiếng Việt với văn bản tiếng nước ngoài để bảo đảm chính xác về nội dung và thống nhất về hình thức. 

Các điều ước quốc tế đều phải được ký để thể hiện sự nhất trí của các bên về văn bản. Các hình thức ký bao gồm ký tắt, ký Ad referendum và ký chính thức. Ký tắt là hình thức xác nhận sự nhất trí của các bên tham gia đàm phán, chưa làm phát sinh hiệu lực của văn bản điều ước quốc tế. Pháp luật của Việt Nam quy định văn bản điều ước quốc tế phải được ký tắt trước khi ký chính thức. Ký Ad referendum là hình thức ký vào văn bản điều ước quốc tế của vị đại diện phái đoàn với điều kiện là sau đó điều ước quốc tế này phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê chuẩn. Ký chính thức sẽ làm phát sinh hiệu lực của văn bản, nếu văn bản điều ước này không cần các thủ tục khác. 

Trong Điều 11 Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế 1969 quy định: “Việc đồng ý của một quốc gia chấp nhận sự ràng buộc của một điều ước có thể được biểu thị bằng việc ký, trao đổi các văn kiện cấu thành điều ước, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt, hay gia nhập, hoặc bằng bất kỳ cách nào khác theo thoả thuận”. 

Thực tiễn của hoạt động ký kết điều ước quốc tế và quy định của Công ước Viên năm 1969, có thể thấy các quốc gia có nhiều hình thức xác nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế. Sự thoả thuận giữa các thành viên trong điều ước hoàn toàn chi phối việc sử dụng hình thức nào, giá trị của mỗi hình thức đối với thời điểm phát sinh hiệu lực của điều ước 

Cơ quan đề xuất có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao hoàn thành thủ tục ký vào văn bản điều ước quốc tế, tổ chức lễ ký điều ước quốc tế một cách trang trọng có quốc kỳ Việt Nam và quốc kỳ của bên ký kết nước ngoài hoặc cờ của tổ chức quốc tế hữu quan. 

– Phê chuẩn điều ước quốc tế 

Phê chuẩn là hành vi pháp lý do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Những điều ước quốc tế sau đây phải được phê chuẩn:

+ Điều ước quốc tế có quy định phải phê chuẩn;

+ Điều ước quốc tế được ký nhân danh Nhà nước; 

+ Điều ước quốc tế được ký nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc có quy định liên quan đến ngân sách nhà nước. 

Các cơ quan đề xuất trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Trong trường hợp Bộ Ngoại giao là cơ quan đề xuất phê chuẩn điều ước quốc tế thì Bộ Ngoại giao trình Chính phủ để Chính phủ trình Chủ tịch nước về việc phê chuẩn điều ước quốc tế đó sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức hữu quan. 

Trong điều 82 Công ước Viên năm 1969 đã ghi nhận: “Công ước này sẽ phải được phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu chiểu”. 

– Phê duyệt điều ước quốc tế 

Phê duyệt là hành vi pháp lý do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Những điều ước quốc tế sau đây phải được phê duyệt:

+ Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải phê duyệt; 

+ Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định trái với quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. 

+ Điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ có quy định phải hoàn thành thủ tục pháp lý nội bộ. 

Cơ quan đề xuất trình Chính phủ quyết định phê duyệt điều ước quốc tế sau khi lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong trường hợp điều ước quốc tế đã ký phải được phê duyệt.

– Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên 

Gia nhập là việc một chủ thể của Luật quốc tế quyết định đồng ý ràng buộc mình với điều ước quốc tế nhiều bên đã có mà mình chưa phải là thành viên. Theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong trường hợp nước Cộng hoà Chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực. Cũng theo Luật này, Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhiều bên có quy định phải phê chuẩn. Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ. Nội dung của quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên, trình tự thủ tục trình, quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được quy định ở Khoản 4 Điều 50 và Điều 51 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005. Đối với Công ước Viên 1969, đến nay đã có trên 100 quốc gia là thành viên của Công ước này, trong đó có 24 quốc gia ký kết và còn lại là những quốc gia gia nhập. 

– Bảo lưu điều ước quốc tế nhiều bên 

Bảo lưu là tuyên bố đơn phương của một chủ thể của Luật quốc tế, khi ký kết, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế đa phương, nhằm loại trừ hay thay đổi hệ quả pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng đối với mình. Những điều khoản đó gọi là điều khoản bảo lưu. Theo quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế thì “Bảo lưu của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi ký, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Những điều khoản bảo lưu có thể được rút, nếu hoàn cảnh của quốc gia bảo lưu đã thay đổi không đòi hỏi phải bảo lưu nữa. Bảo lưu chỉ có thể tiến hành vào lúc quốc gia thực hiện các hành vi nhằm xác nhận sự đồng ý chịu ràng buộc của một điều ước. Ví dụ như khi ký, phê chuẩn, phê duyệt… Khi gia nhập Công ước Viên năm 1969, Chính phủ Việt Nam bảo lưu Điều 66 Công ước với nội dung sau: 

“Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không bị các quy định của điều 66 Công ước Viên về Luật điều ước ràng buộc. Bất kỳ tranh chấp nào giữa các bên ký kết liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích các Điều 53 và 64 chỉ được trình lên Toà án quốc tế quyết định hoặc bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc áp dụng hoặc giải thích các điều khoản khác trong chương V của Công ước chỉ được trình lên Uỷ ban hoà giải xem xét, sau khi có sự đồng ý của tất cả các bên tranh chấp trong từng trường hợp cụ thể. Các hoà giải viên trong Uỷ ban hoà giải phải là những người do các bên tranh chấp chỉ định thông qua thoả thuận chung”.

– Công bố và đăng ký điều ước quốc tế 

Theo Hiến chương Liên hiệp quốc, mọi điều ước quốc tế do bất cứ thành viên nào của Liên hiệp quốc ký kết phải được đăng ký tại Ban thư ký và do Ban này công bố. Nếu không đăng ký thì không một bên nào của điều ước quốc tế được quyền viện dẫn điều ước quốc tế đó trước các cơ quan của Liên hiệp quốc (Điều 102 Hiến chương Liên hiệp quốc). Ở Việt Nam, theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Điều ước quốc tế được công bố trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có hiệu lực, được đăng trong Công báo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Niên giám điều ước quốc tế, trừ khi có thoả thuận khác giữa các bên ký kết hoặc có quyết định khác của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.

Hiệu lực của điều ước quốc tế 

Điều ước quốc tế có hiệu lực khi đáp ứng được các điều kiện cơ bản do Luật các điều ước quốc tế quy định như ký kết đúng thẩm quyền và thủ tục theo pháp luật của các nước; đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và bình đẳng trong ký kết điều ước quốc tế; nội dung của điều ước quốc tế phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại.

Theo Điều 61 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thể thức và thời hạn được quy định trong điều ước quốc tế hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Chẳng hạn Khoản 1 và 2 Điều 8 Chương VII của Hiệp định thương mại Việt – Mỹ quy định Hiệp định có giá trị trong ba năm và được gia hạn tiếp tục ba năm nữa nếu không bên nào gửi thông báo cho bên kia ý định của mình về việc chấm dứt Hiệp định ít nhất 30 ngày trước khi Hiệp định hết hiệu lực.

Thời điểm có hiệu lực của điều ước quốc tế phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Nếu điều ước quốc tế không cần phê chuẩn hoặc phê duyệt thì điều ước quốc tế đó có hiệu lực ngay sau khi các bên ký chính thức vào văn bản. Đối với điều ước quốc tế cần phê chuẩn hoặc phê duyệt thì thời điểm có hiệu lực của điều ước quốc tế có thể là thời điểm các bên trao đổi thư phê chuẩn hoặc khi có đủ số lượng quốc gia phê chuẩn điều ước quốc tế đó.

Các điều ước quốc tế có thể quy định hoặc không quy định thời hạn có hiệu lực của mình. Những điều ước quốc tế không có điều khoản quy định về thời hạn là những điều ước quốc tế có hiệu lực vô thời hạn. Thông thường mỗi điều ước quốc tế sẽ ràng buộc 1 ký kết trong phạm vi lãnh thổ của các bên đó trừ khi có các quy định khác ở trong điều ước này. 

Việc chấm dứt hiệu lực của điều ước có thể là vĩnh viễn, cũng có thể chỉ tạm thời; có thể đối với toàn bộ điều ước hoặc cũng có thể chỉ là một phần trong nội dung của điều ước (Theo Điều 62 và 63 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005). Việc kết thúc hiệu lực của điều ước rất đa dạng. Nó có thể được quy định trước trong điều ước hoặc không quy định trước. Nó có thể căn cứ vào sự thoả thuận của các bên hoặc do hành vi đơn phương của một bên. 

Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hiệu lực, bên đơn phương chấm dứt phải thông báo rõ ý định của mình cho các bên khác biết. Nếu một trong các bên có sự phản đối thì các bên sẽ phải giải quyết tranh chấp đó bằng các biện pháp hoà bình đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia

Với chính sách tăng cường hội nhập quốc tế mà đặc biệt quan trọng là việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đang tăng cường tham gia vào các quan hệ quốc tế ngày càng đa dạng và sâu rộng. Trong quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác và với các tổ chức quốc tế, cơ sở để xác lập và giải quyết các quan hệ quốc tế trong mọi lĩnh vực là các điều ước quốc tế. Một vấn đề thực tiễn được đặt ra là phải bảo đảm sự phù hợp, đồng thời xử lý thích đáng những nội dung quy định khác nhau (xung đột pháp luật) giữa điều ước quốc tế với pháp luật quốc gia. 

Điều ước quốc tế là nguồn cơ bản của pháp luật quốc tế, có giá trị bắt buộc đối với các bên ký kết hoặc tham gia, nhưng bản thân các điều ước quốc tế không phải là nguồn của pháp luật quốc gia, không phải là các quy phạm pháp luật quốc gia. Vì vậy, khi điều ước quốc tế có hiệu lực thì việc thực hiện điều ước quốc tế trong quốc gia do chính quốc gia đó quyết định, nếu điều ước quốc tế đó không có quy định khác. Có một số điều ước quốc tế quy định các quốc gia thành viên phải ban hành những quy định riêng để cụ thể hoá và thực hiện điều ước quốc tế ở nước mình. Có nhiều cách để “chuyển hóa” nội dung của điều ước quốc tế thành nội dung của các văn bản pháp luật trong nước.

Ở Việt Nam, theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, nếu việc thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cơ quan đề xuất ký kết, cơ quan nhà nước hữu quan có trách nhiệm phải tự mình hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Thông thường, ngay trong văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia có thể có điều khoản liên quan đến các điều ước quốc tế mà các nhà làm luật đã dự liệu thứ hạng ưu tiên khi áp dụng pháp luật quốc gia và các điều ước quốc tế. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập Việt Nam là thành viên) có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế, như theo quy định của Nghị quyết số 71/2006QH11 ngày 29/11/2006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam và quy định của một số đạo luật Việt Nam. 

Để thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi các bên phải hiểu đúng, chính xác các quy định của điều ước quốc tế. Vì khó khăn về ngôn ngữ nên điều ước quốc tế thường khó hiểu, các quốc gia thành viên phải thực hiện việc giải thích điều ước quốc tế. Vấn đề giải thích điều ước quốc tế được đặc biệt quan tâm khi các bên ký kết có ý kiến bất đồng về ý nghĩa thực của một hoặc một số điều khoản trong điều ước.

Theo pháp luật nước ta, thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế là của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nếu điều ước quốc tế được Quốc hội phê chuẩn và điều ước quốc tế có điều khoản trái hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành; là của Chính phủ nếu điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Nhà nước và danh nghĩa Chính phủ; là của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu điều ước quốc tế do Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ký kết và là của Bộ, ngành nếu điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa Bộ, ngành.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi