Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Các ngành luật trong hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1073 Lượt xem

Các ngành luật trong hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Các ngành luật trong hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam

Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta hiện nay, tuy mức độ phát triển của các ngành luật có khác nhau nhưng nói chung có các ngành luật chủ yếu sau đây: Luật nhà nước, luật hành chính, luật tài chính, luật đất đai, luật dân sự, luật lao động, luật hôn nhân và gia đình, luật hình sự, luật kinh tế, luật tố tụng hình sự, luật tố tụng dân sự, luật tố tụng hành chính.

Luật nhà nước (luật Hiến pháp)

Luật nhà nước là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản cấu thành Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là các quan hệ xã hội gắn liền với việc xác định chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng; xác định địa vị pháp lý của công dân; quy định tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quy phạm pháp luật của ngành luật nhà nước xác định các nguyên tắc cơ bản mang tính định hướng cho toàn bộ hệ thống pháp luật. 

Nội dung luật nhà nước bao gồm những chế định chủ yếu sau đây: 

Chế định về chế độ chính trị của Nhà nước bao gồm những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản thuộc lĩnh vực chính trị như: xác định tính chất của Nhà nước; mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội với việc thực hiện quyền lực Nhà nước; quan hệ giữa Nhà nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với các nhà nước trên thế giới và với các tổ chức quốc tế vv…

Chế định về chế độ kinh tế bao gồm các quy phạm pháp luật xác định cơ chế kinh tế của nền kinh tế, xác định chính sách liên quan đến những tư liệu sản xuất và những tài sản chủ yếu của đất nước; quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức kinh tế. 

Chế định về văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình Nhà nước quản lý sự nghiệp văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Chế định bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ tổ quốc và an ninh quốc gia như: vấn đề xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, xác định trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân trong việc củng cố và tăng cường nền quốc phòng, an ninh nhân dân. 

Chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân bao gồm các quy phạm pháp luật xác định địa vị pháp lý của công dân trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Chế định về bộ máy Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm các quy phạm pháp luật xác định địa vị pháp lý (vị trí, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức) của các cơ quan nhà nước trong bộ máy Nhà nước như: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân. 

Nguồn chủ yếu của luật nhà nước là Hiến pháp (do đó ngành luật này còn được gọi là luật Hiến pháp). Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – ngày nay là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – từ khi ra đời đến nay đã ban hành bốn bản Hiến pháp, phù hợp với tình hình nhiệm vụ của cách mạng và đặc điểm kinh tế xã hội của mỗi thời kỳ lịch sử. 

Hiến pháp đầu tiên là Hiến pháp năm 1946 do Quốc hội khoá I thông qua tại phiên họp ngày 9-11-1946, bao gồm Lời nói đầu, 7 chương, 70 điều. Hiến pháp năm 1946 xác định những thành quả của Cách mạng Tháng Tám, xác định hình thức chính thể của nhà nước ta là Cộng hoà dân chủ nhân dân, đặt nền móng cho việc tổ chức và hoạt động của một bộ máy nhà nước kiểu mới. 

Hiến pháp năm 1959 do Quốc hội khóa I thông qua tại Kỳ họp thứ 11 ngày 31/12/1959, bao gồm Lời nói đầu, 10 chương, 112 điều. Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hoá đường lối chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã đề ra là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc. 

Hiến pháp năm 1980 do Quốc hội khoá VI thông qua tại Kỳ họp thứ 7 trong phiên họp ngày 18-12-1980, bao gồm Lời nói đầu, 12 chương, 147 điều. Hiến pháp năm 1980 được coi là bản Hiến pháp của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. LÀ Hiến pháp năm 1992 do Quốc hội khoá VIII Kỳ họp thứ 11 thông qua phiên họp ngày 15-4-1992, bao gồm Lời nói đầu, 12 chương 147 điều, kế thừa và phát triển các quy định của các Hiến pháp 1946, 1959, 1980, tiếp tục thể chế hoá đường lối chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện của sự nghiệp đổi mới.

Sau gần mười năm thực hiện, nhằm bảo đảm cho Hiến pháp – luật cơ bản của Nhà nước thực sự phù hợp với đặc điểm tình hình của đất nước qua nhiều năm đổi mới toàn diện, tại phiên họp ngày 25-12-2001, Quốc hội khoá X, Kỳ họp thứ 10 đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. 

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) là cơ sở pháp lý để xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Nguồn của ngành luật nhà nước còn bao gồm một số luật và nghị quyết của Quốc hội, một số pháp lệnh và nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, một số nghị quyết và nghị định của chính phủ, một số nghị quyết của Hội đồng nhân các cấp có các quy phạm pháp luật. 

Trong hệ thống pháp luật nước ta, luật nhà nước là ngành luật giữ vai trò chủ đạo do đối tượng điều chỉnh đặc biệt của nó. Các quy phạm và chế định của luật nhà nước là cơ sở để quy định các quy phạm và chế định của các ngành luật khác. 

Luật hành chính 

Luật hành chính là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình tổ chức, thực hiện các hoạt động chấp hành – điều hành của các cơ quan nhà nước trên các lĩnh vực hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. 

Các quy phạm pháp luật hành chính quy định các nguyên tắc, hình thức, phương pháp quản lý nhà nước; xác định quy chế pháp lý của các chủ thể quản lý nhà nước; điều chỉnh hoạt động công vụ của cán bộ, công chức; quy định thủ tục hành chính và trách nhiệm hành chính. 

– Hệ thống luật hành chính Việt Nam bao gồm hai phần: phần chung và phần riêng. Phần chung của luật hành chính bao gồm các quy phạm quy định những nguyên tắc chung phát sinh trong lĩnh vực và phạm vi quản lý nhà nước như: 

a) Địa vị pháp lý của các cơ quan hành chính nhà nước;

b) Chế định ban hành văn bản hành chính;

c) Quy chế pháp lý về cán bộ, công chức; 

d) Quy chế pháp lý đối với các tổ chức, công dân người nước ngoài, người không quốc tịch; 

đ) Thủ tục hành chính;

e) Quy chế giám sát, kiểm tra hành chính;

g) Xử lý vi phạm hành chính (trách nhiệm hành chính);

h) Tài phán hành chính. 

Phần riêng của Luật hành chính điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội: quản lý công dân, pháp nhân, tổ chức xã hội, quản lý kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục v.v… 

Quan hệ pháp luật hành chính có đặc điểm là các chủ thể luôn có mối quan hệ phụ thuộc về tổ chức, một bên nhân danh quyền lực nhà nước còn bên kia phải phục tùng quyền lực đó. Do đó, phương pháp điều chỉnh của luật hành chính là phương pháp mệnh lệnh. 

Nguồn của luật hành chính Việt Nam bao gồm các luật, văn bản quy phạm dưới luật và văn bản hành chính có chứa đựng các quy định về quản lý nhà nước. 

Những nội dung chủ yếu của luật hành chính được nghiên cứu trong Chương V giáo trình này.

Luật tài chính 

Luật tài chính là tổng thể những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, phân phối, sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu tích luỹ về tiêu dùng xã hội. 

Luật tài chính bao gồm các chế định chủ yếu sau đây:

Chế định tạo lập và chấp hành ngân sách nhà nước 

Bao gồm các quy định về dự toán ngân sách của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phê chuẩn ngân sách của Quốc hội, công bố ngân sách, chấp hành ngân sách và quyết toán ngân sách. 

Chế định thu ngân sách nhà nước 

Thu ngân sách nhà nước là hoạt động của nhà nước tập trung một bộ phận của cải xã hội dưới hình thức giá trị theo các hình thức và phương pháp nhất định để lập quỹ ngân sách nhà nước. 

Các quy phạm pháp luật về thu ngân sách nhà nước bao gồm: pháp luật về thu ngân sách từ thuế, pháp luật về thu ngân sách nhà nước từ phí, lệ phí, pháp luật về các khoản thu khác của ngân sách nhà nước như: viện trợ, tài sản sung công v.v… 

c. Chế định chi ngân sách nhà nước 

Chi ngân sách nhà nước là hoạt động của nhà nước nhằm phân phối và sử dụng quỹ ngân sách nhà nước theo dự toán ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. 

Các quy phạm pháp luật về chi ngân sách nhà nước quy định chế độ chi cho đầu tư, xây dựng; chế độ chi ngân sách nhà nước cho các sự nghiệp kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, chế độ chi cho hoạt động quản lý nhà nước.V.V… 

Nguồn chủ yếu của luật tài chính là Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, các đạo luật thuế và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.

Luật đất đai 

Là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật, luật đất đai là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai. Các quy phạm pháp luật của luật đất đai, một mặt khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu như quy định của Hiến pháp năm 1992, mặt khác quy định chế độ quản lý đất đai, chế độ sử dụng đất đai và quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất. 

Quản lý và sử dụng đất dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau đây: 

Một là, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với đất đai. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. 

Hai là, nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất đồng thời đòi hỏi người sử dụng đất thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. 

Hệ thống luật đất đai bao gồm các chế định chủ yếu sau đây:

a) Chế định quản lý nhà nước về đất đai.

Quản lý nhà nước về đất đai bao gồm những nội dung cơ bản sau đây: 

– Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đại và tổ chức thực hiện các văn bản đó; 

– Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; 

– Khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất; lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; 

– Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 

– Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 

– Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 

– Quản lý tài chính về đất đai; 

– Quản lý và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản; 

– Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; 

– Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; 

– Giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai; 

– Quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai. 

Những nội dung cụ thể của quản lý nhà nước về đất đai được quy định tại chương II Luật đất đai năm 2003 (từ Điều 16 đến Điều 65). 

b) Chế định sử dụng đất

Chế định sử dụng đất bao gồm các quy định về sử dụng các loại đất và về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. 

Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân biệt thành ba nhóm: 

– Nhóm đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm nước, đất nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ. 

– Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm: đất ở; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất do các cơ sở tôn giáo sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác theo quy định của Chính phủ. 

– Nhóm đất chưa sử dụng bao gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng. 

Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của các loại đất, pháp luật quy định thời hạn sử dụng đối với từng loại đất (Luật đất đai năm 2003 từ Điểm 66 đến Điều 104) 

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trước hết luật đất đai quy định các quyền và nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, sau đó luật quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất cụ thể như: 

– Quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng đất; 

– Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư sử dụng đất; 

– Quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất. 

– Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được quy định trong Luật đất đai năm 2003 (từ Điều 105 đến Điều 121). 

Nguồn chủ yếu của luật đất đai là Luật đất đai do Quốc hội thông qua ngày 26-11-2003, có hiệu lực ngày 01-7-2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Luật dân sự 

Luật dân sự là tổng thể quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân nhất định trong xã hội. 

Các quy phạm pháp luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.. 

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật dân sự có vị trí hết sức quan trọng. Luật dân sự điều chỉnh một lĩnh vực rộng lớn của các quan hệ xã hội là các giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác. 

Với nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, luật dân sự góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. 

Luật dân sự quy định các chế định sau đây:

a) Chế định tài sản và quyền sở hữu 

Quyền sở hữu – mà khách thể quan trọng của nó là tài sản – là một nội dung của quan hệ tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự. 

Chế định tài sản và quyền sở hữu quy định:

– Những vấn đề chung về tài sản và quyền sở hữu.

– Phân loại tài sản để thực hiện các yêu cầu về giao dịch dân sự. 

– Xác định nội dung quyền sở hữu với các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. 

– Xác định các hình thức sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu của các tổ chức khác. 

– Vấn để xác lập, chấm dứt quyền sở hữu. – Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu theo luật dân sự. – Hạn chế quyền sở hữu trong những trường hợp do luật quy định. 

b) Chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự 

Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự là một nội dung của quan hệ chuyển dịch tài sản. Chế định này của luật dân sự quy định: 

– Khái niệm nghĩa vụ dân sự.

– Các phương thức thực hiện nghĩa vụ dân sự.

– Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

– Trách nhiệm dân sự.

– Chấm dứt nghĩa vụ dân sự.

 – Giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự.

– Các loại hợp đồng dân sự thông dụng.

– Các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ dân sự.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

c) Chế định thừa kế 

Chế định thừa kế trong luật dân sự là chế định quy định việc chuyển di sản của người chết để lại cho người khác. Chế định thừa kế quy định những nội dung của chế độ thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật cùng với thủ tục thanh toán và phân chia di sản. 

d) Chế định chuyển quyền sử dụng đất 

Do đất đai là loại tài sản đặc biệt thuộc chủ sở hữu duy nhất là nhà nước còn cá nhân, tổ chức chỉ có quyền sử dụng nên luật dân sự có một chế định riêng về chuyển quyền sử dụng đất. Chế định này quy định vấn đề thừa kế quyền sử dụng đất bảy loại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất bao 

quyền sử dụng đất; hợp đồng thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất; hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất; hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất. 

đ) Chế định quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ 

Quyền sở hữu trí tuệ là loại quyền nhân thân liên quan đến tài sản do luật dân sự điều chỉnh. Chế định này quy định hai loại quyền sở hữu trí tuệ là quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. 

Chuyển giao công nghệ trong chế định này bao gồm các quy định về quyền chuyển giao công nghệ không được chuyển giao và hợp đồng chuyển giao công nghệ. 

e) Chế định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài 

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài. 

Chế định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân là người nước ngoài; năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài; quyền tài sản và quyền nhân thân có yếu tố nước ngoài. 

Đặc điểm cơ bản của quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự là các chủ thể của quan hệ này luôn luôn có vị trí bình đẳng về mặt pháp lý do sự độc lập, không phụ thuộc nhau về tổ chức cũng như về tài sản. Do đó, phương pháp điều chỉnh của luật dân sự là phương pháp thoả thuận, tự định đoạt của các đương sự. 

Nguồn chủ yếu của ngành luật dân sự là Bộ luật dân sự do Quốc hội thông qua ngày 14-6-2005, có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2006 và Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về thi hành Bộ luật dân sự. 

Nội dung chủ yếu của ngành luật dân sự được nghiên cứu trong Chương VI của Giáo trình này.

Luật lao động 

Luật lao động là tổng thể quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động làm công ăn lương với người sử dụng lao động và các quan hệ xã hội liên quan đến quan hệ lao động. 

Pháp luật lao động bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho mối quan hệ lao động được hài hoà và ổn định, góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động trí óc và lao động chân tay của người quản lý lao động, nhằm đạt năng suất, chất lượng và tiến bộ xã hội trong lao động, sản xuất, dịch vụ, hiệu quả trong sử dụng và quản lý lao động, góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, pháp luật lao động có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật quốc gia. 

Nguồn chủ yếu của pháp luật lao động nước ta hiện nay là Bộ luật lao động do Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/5/2013. 

Luật lao động Việt Nam bao gồm các chế định chủ yếu sau đây:

a) Chế định hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. 

Hợp đồng lao động bao gồm ba loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. 

Chế định hợp đồng lao động quy định: 

– Chế độ giao kết hợp đồng lao động quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng; chủ thể giao kết hợp đồng, nội dung và hình thức hợp đồng, phương thức giao kết hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng. 

– Chế độ thực hiện, thay đổi, tạm hoãn hợp đồng lao động quy định nguyên tắc thực hiện hợp đồng; thay đổi chủ thể và thay đổi nội dung của hợp đồng, các trường hợp tạm hoãn hợp đồng và hậu quả pháp lý của việc tạm hoãn hợp đồng lao động

– Chế độ chấm dứt hợp đồng lao động quy định ba trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là chấm dứt hợp đồng lao động do ý chí của hai bên, chấm dứt hợp đồng lao động do người thứ ba hoặc do sự biến, chấm dứt hợp đồng lao động do ý chí của một bên (đơn phương chấm dứt hợp đồng); quy định các chế độ trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động. 

b) Chế định thoả ước lao động tập thể 

Thoả ước lao động tập thể là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và điều kiện sử dụng lao động, về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Thoả ước lao động tập thể do đại diện của tập thể lao động và người sử dụng lao động thương lượng ký kết. Trong doanh nghiệp, thoả ước lao động tập thể được coi như là những quy phạm nội bộ, bổ sung cho những quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động. 

Chế độ thoả ước lao động tập thể quy định: 

– Chế định thoả ước lao động tập thể quy định nguyên tắc ký kết thoả ước; chủ thể thương lượng và ký kết thoả ước; nội dung của thoả ước; thủ tục ký kết thoả ước. 

– Chế độ thực hiện thoả ước lao động tập thể quy định quyền và nghĩa vụ của các bên đối với các trường hợp cụ thể phát sinh trong quá trình thực hiện thoả ước. 

c) Chế định kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất 

Là một chế định của luật lao động, kỷ luật lao động là tổng thể các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, trong đó bao gồm các quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh cũng như các biện pháp xử lý đối với người lao động vi phạm các quy định ấy. 

Kỷ luật lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức lao động trong doanh nghiệp cũng như trên phạm vi toàn xã hội. Kỷ luật lao động là căn cứ pháp lý để người sử dụng lao động tổ chức, điều hành hoạt động lao động theo yêu cầu của sản xuất, kinh doanh và cũng là căn cứ pháp lý để người lao động hoàn thành nghĩa vụ lao động của mình theo hợp đồng lao động. 

Chế định kỷ luật lao động quy định: 

– Nội dung của kỷ luật lao động bao gồm 4 nhóm nghĩa vụ của người lao động: chấp hành thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chấp hành mệnh lệnh điều hành sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động; chấp hành quy trình công nghệ, các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo vệ tài sản, bảo vệ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh thuộc phạm vi trách nhiệm được giao. 

Nội dung của kỷ luật lao động phải được doanh nghiệp (người sử dụng lao động cụ thể hoá thành nội quy lao động. Nội quy lao động là văn bản quy phạm nội bộ của doanh nghiệp, trong đó chứa đựng các nghĩa vụ của người lao động trong quá trình lao động ở doanh nghiệp. Nội quy lao động phải bảo đảm các điều kiện do luật lao động quy định. 

– Các hình thức kỷ luật lao động áp dụng đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động và nội quy lao động, bao gồm: khiển trách; kéo dài thời hạn nâng ngạch lương không quá 6 tháng, chuyển đi làm việc khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa 6 tháng, cách chức; sa thải. Căn cứ áp dụng các hình thức kỷ luật do pháp luật và nội quy lao động quy định. 

– Chế độ trách nhiệm vật chất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại áp dụng đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động và gây thiệt hại vật chất do người sử dụng lao động. Chế độ trách nhiệm vật chất quy định mức bồi thường và cách thực hiện việc bồi thường trong các trường hợp vi phạm cụ thể. 

– Thủ tục xử lý kỷ luật lao động và áp dụng trách nhiệm vật chất quy định thời hiệu xử lý; ra quyết định kỷ luật, thủ tục giảm, xoá kỷ luật; vấn đề tạm đình chỉ công việc của người lao động để xem xét việc xử lý kỷ luật. 

d) Chế định tiền lương 

Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động sau khi người lao động đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Tiền lương của người lao động do hai bên thoả thuận trong hợp đồng lao động và được trả căn cứ vào năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả của công việc nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu do nhà nước quy định. 

Chế định tiền lương quy định:

– Mức lương tối thiểu của người lao động trong từng thời kỳ nhất định;

– Thang lương, bảng lương áp dụng cho các loại lao động;

– Chế độ phụ cấp lương;

– Chế độ trả lương khi người lao động làm thêm giờ, ngừng việc;

– Chế độ tiền thưởng:

– Chế độ tạm ứng tiền lương;

– Các hình thức trả lương;

 – Các quy định về khấu trừ tiền lương.

đ) Chế định bảo hiểm xã hội 

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm vật chất, sự chăm sóc và phục hồi sức khoẻ cho người lao động và thân nhân của họ trong những trường hợp người lao động bị giảm hoặc bị mất thu nhập bình thường do họ bị tạm thời hoặc hoàn toàn mất khả năng lao động hoặc gặp những rủi ro, bất hạnh khác nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. 

Chế độ bảo hiểm xã hội được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội do Quốc hội thông qua ngày 29-6-2006 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2007, bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: 

– Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc;

– Chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện;

– Chế độ bảo hiểm thất nghiệp;

– Quỹ bảo hiểm xã hội;

– Tổ chức bảo hiểm xã hội.

e) Chế định tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động 

Tranh chấp lao động là những tranh chấp giữa người lao động (hoặc tập thể lao động) về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, về thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và trong quá trình học nghề. 

Căn cứ vào chủ thể tranh chấp và nội dung tranh chấp, pháp luật phân biệt hai loại tranh chấp lao động: tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. 

Về giải quyết tranh chấp lao động, chế định này quy định: 

– Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động là Hội đồng hoà giải lao động cơ sở (hoặc hoà giải viên lao động) Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, Toà án nhân dân. 

– Trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: hoà giải tại hội đồng hoà giải lao động cơ sở (hoặc hào giải viên lao động); nếu hoà giải không thành, các bên có quyền yêu cầu toà án giải quyết. 

– Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể bao gồm: hoà giải tại hội đồng hoà giải lao động cơ sở (hoặc hoà giải viên lao động); nếu tập thể lao động không đồng ý với quyết định trọng tài thì có quyền yêu cầu toà án giải quyết hoặc tiến hành đình công; nếu người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định trọng tài thì có quyền yêu cầu toà án giải quyết. 

Việc giải quyết tranh chấp lao động tại Toà án được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự do Quốc hội thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực kể từ ngày 01-1-2005. 

g) Chế định đình công và giải quyết cuộc đình công 

Dưới góc độ pháp lý, đình công là một quyền cơ bản của người lao động được pháp luật quy định, theo đó người lao động có quyền ngừng việc tập thể lao động có quyền ngừng việc tập thể để buộc người sử dụng lao động thoả mãn những yêu sách của tập thể lao động trong quan hệ lao động. 

Một cuộc đình công được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây: 

– Phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và trong phạm vi quan hệ lao động; 

– Thực hiện đình công trong phạm vi doanh nghiệp; 

– Tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động nhưng không khởi kiện ra Toà án; 

– Do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá 1/2 số người lao động trong tập thể lao động tán thành; 

– Doanh nghiệp đình công không thuộc danh mục phục vụ lợi ích công cộng hoặc doanh nghiệp thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân hoặc an ninh, quốc phòng do Chính phủ quy định; 

– Không vi phạm quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc hoãn ngừng cuộc đình công. 

Chế định đình công và giải quyết định công quy định: 

– Thủ tục tiến hành cuộc đình công: Việc định công có thể do tập thể lao động hoặc bạn chấp hành công đoàn cơ sở khởi xướng. Ban chấp hành công đoàn phải tiến hành lấy ý kiến của tập thể lao động; nếu được quá 1/2 số người lao động tán thành thì bạn chấp hành công đoàn cơ sở quyết định đình công và lãnh đạo cuộc đình công. 

– Thủ tục giải quyết cuộc đình công: Ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền yêu cầu toà án kết luận cuộc đình công là hợp pháp, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu toà án kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp; cơ quan lao động cấp tỉnh, liên đoàn lao động cấp tỉnh có quyền yêu cầu toà án kết luận cuộc đình công là hợp pháp hoặc bất hợp pháp; viện kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố để yêu cầu toà án kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp. 

Toà án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định kết luận cuộc đình công là hợp pháp hoặc bất hợp pháp theo quy định của pháp luật. 

Đánh giá bài viết:
3/5 - (2 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi