Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật hành chính Bản chất và những đặc điểm chung của pháp luật
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1872 Lượt xem

Bản chất và những đặc điểm chung của pháp luật

Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Bản chất và những đặc điểm chung của pháp luật

Việc nghiên cứu những đặc điểm chung này là điều kiện cần thiết để xây dựng một hệ thống pháp luật có căn cứ khoa học, đồng thời cũng để vận dụng có hiệu quả công cụ pháp luật vào việc quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế cũng như quản lý xã hội nói chung. Vậy bản chất và những đặc điểm chung của pháp luật là gì?

Nguồn gốc của pháp luật 

Nếu như xã hội không phải lúc nào cũng có nhà nước, đã từng có thời kỳ xã hội không biết gì đến nhà nước và cũng có ý niệm gì về nhà nước thì xã hội không phải lúc nào cũng đã có pháp luật. Cũng như nhà nước, pháp luật là một hiện tượng xã hội, nó chỉ xuất hiện và tồn tại ở những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội như một tất yếu của lịch sử nhân loại. 

Trong bất cứ xã hội nào, để xã hội có thể tồn tại và phát triển thì các quan hệ giữa người với người – quan hệ xã hội – phải tuân theo các quy tắc chung nhất định. Những quy tắc chung ấy tồn tại trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội: trong sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng; trong sinh hoạt chính trị, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, gia đình v.v … Người ta gọi đó là các quy tắc xử sự chung. Nhưng trong các giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người, những quy tắc xử sự chung ấy hình thành theo những cách khác nhau và biểu hiện những hình thức khác nhau. 

Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, khi xã hội chưa phân chia thành giai cấp, chưa có sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa các tập đoàn người thì các quy tắc xử sự chung ấy hình thành một cách tự phát, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích chung của cả cộng đồng và vì vậy cũng là lợi ích của mỗi thành viên cộng đồng. Hình thức tồn tại của các quy tắc xử sự chung ấy là các phong tục, tập quán, hoặc mang màu sắc của các lễ nghi tôn giáo và được đảm bảo thực hiện bằng sự tự giác của mỗi người và bằng uy tín tự nhiên của các thủ lĩnh cộng đồng. 

Khi xã hội cộng sản nguyên thuỷ tan vỡ, xã hội giai cấp xuất hiện, một xã hội mà có sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa các nhóm, các tập đoàn người, thì mâu thuẫn giai cấp và sự đấu tranh giữa các giai cấp với nhau ngày càng trở nên gay gắt. Trong điều kiện đó, để giữ cho xã hội trong vòng trật tự nhất định, như trên đã phân tích (chương), giai cấp nằm trong tay những lực lượng sản xuất chủ yếu, những của cải vật chất chủ yếu của xã hội, tổ chức nên một thiết chế đặc biệt với những công cụ đặc biệt: thiết chế đó là Nhà nước. Khi có bộ máy Nhà nước trong tay giai cấp đó trở thành giai cấp thống trị xã hội. Trong điều kiện đó, để bảo vệ lợi ích của mình giai cấp thống trị thông qua nhà nước đặt ra những quy tắc xử sự mới và dùng sức mạnh của quyền lực nhà nước bắt buộc mọi người trong xã hội phải tuân theo và khi đó pháp luật đã xuất hiện trong đời sống xã hội. 

Các quy tắc xử sự của pháp luật lúc đầu được hình thành thông qua việc nhà nước thừa nhận các phong tục tập quán đã có mà đang còn phù hợp điều kiện xã hội mới, về sau do nhà nước trực tiếp đặt ra và ban bố dưới hình thức các văn bản pháp luật để toàn xã hội thực hiện. Dần dần văn bản pháp luật trở thành hình thức chủ yếu của pháp luật của các nhà nước. 

Khái niệm pháp luật 

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và nhu cầu tồn tại của xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ôn định cho sự phát triển xã hội. 

Đặc điểm của pháp luật

Từ khái niệm trên, có thể rút ra những đặc điểm chung của pháp luật trong mọi nhà nước. 

Thứ nhất: Tính giai cấp của pháp luật 

Việc phân tích nguồn gốc của pháp luật đã chứng tỏ: pháp luật ra đời trước hết từ nhu cầu bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, tức là giai cấp đã nắm được nhà nước. 

Trong xã hội có đối kháng giai cấp, pháp luật cũng phản ánh tương quan lực lượng giữa các giai cấp, sự thoả hiệp giữa các giai cấp, các nhóm, các tập đoàn có lợi ích đối lập nhau. Vì vậy, xét về bản chất, pháp luật luôn mang tính giai cấp sâu sắc. Những quan điểm coi pháp luật là sự thể hiện một “ý chí tự do” là những “chân lý vĩnh hằng” có giá trị như nhau đối với mọi xã hội, mọi thời đại, mọi dân tộc là những cách giải thích duy tâm về pháp luật mà thực chất là nhằm mục đích che giấu bản chất giai cấp của pháp luật. 

Nhưng ý chí của giai cấp thống trị thể hiện trong pháp luật không phải là ý muốn chủ quan của một người, một nhóm người nào trong giai cấp thống trị. Xét cho đến cùng, ý chí đó là do các lợi ích kinh tế khách quan của giai cấp đó, cũng tức là do các quan hệ sản xuất khách quan mà giai cấp đó là đại diện quyết định. Chính trên quan điểm đó, C. Mác và F. Ăng-ghen, khi bàn về bản chất của pháp luật của nhà nước tư sản, đã viết: “pháp luật của các ông cũng chỉ là ý chí của giai cấp các ông được đề lên thành luật. Cái ý chí mà nội dung là do các điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định” (C.Mác và F.Ăng ghen: Tuyển tập, Tập 1. Nxb Sự Thật Hà Nội 1962, Tr. 42). 

Vì vậy, khi nói đến tính giai cấp của pháp luật cũng đồng thời có nghĩa là khẳng định tính chất bị quy định bởi các điều kiện kinh tế khách quan của nó. Như C. Mác đã từng nói, pháp luật không bao giờ có thể cao hơn trình độ kinh tế của xã hội. 

Quan hệ giữa pháp luật với chính trị, giữa pháp luật với kinh tế là những mối quan hệ thường xuyên và quan trọng trong pháp luật của mọi nhà nước. 

Thứ hai: Tính xã hội của pháp luật 

Trong thực tế, bên cạnh các quy tắc xử sự bị chi phối bởi lợi ích giai cấp thống trị còn có các quy tắc xử sự khác tồn tại từ nhu cầu chung của đời sống xã hội. Những quy tắc đó điều chỉnh các hành vi, cách xử sự mang tính phổ biến phù hợp với lợi ích của đa số trong cộng đồng phản ánh các nhu cầu, quy luật tồn tại khách quan của cộng đồng xã hội mà bất kỳ xã hội nào với chính thể nhà nước nào cũng phải tuân thủ. Trong điều kiện tồn tại nhà nước, với tư cách là người quản lý mọi mặt của đời sống xã hội thì nhà nước cũng là người đại diện cho các ý chí, lợi ích chung đó của xã hội và do vậy nhà nước cũng cần thể chế hoá các quy tắc đó thành pháp luật. Nhờ đó mà các quy tắc xử sự này được áp dụng một cách phổ biến hơn, thống nhất và chặt chẽ hơn và do vậy có tác động mạnh mẽ, có hiệu quả hơn vào đời sống xã hội. 

– Để điều chỉnh các quan hệ xã hội, Nhà nước sử dụng nhiều loại quy tắc xã hội khác nhau như quy tắc pháp luật, quy tắc tôn giáo, đoàn thể, quy tắc đạo đức. Trong số đó, quy tắc pháp luật được đặt ra là để điều chỉnh phần lớn các quan hệ xã hội và pháp luật được coi là công cụ có hiệu lực nhất duy trì sự tồn tại ổn định và phát triển của xã hội, bảo đảm những lợi ích cho đa số người trong xã hội. 

Vì vậy, khi khẳng định tính giai cấp của pháp luật thì cũng đồng thời phải nhấn mạnh đến tính xã hội của pháp luật, đến giá trị xã hội to lớn của pháp luật. 

Thứ ba: Tính quy phạm của pháp luật 

Như trên đã nói pháp luật là những quy tắc xử sự vì nó luôn luôn là khuôn mẫu, là tiêu chuẩn cho các hành vi và cách xử sự của con người đối với nhau. Trong các mối quan hệ xã hội, con người căn cứ vào các quy tắc đó mà xác định hành vi của mình, xem mình được làm gì, phải làm gì, hoặc không được làm gì và nếu vượt quá giới hạn đó là vi phạm pháp luật. Khoa học pháp lý gọi các quy tắc xử sự đó là các quy phạm. Tính quy phạm, vì vậy là đặc trưng vốn có của pháp luật nói chung

Trong xã hội giữa con người với nhau có rất nhiều mối quan hệ qua lại phức tạp trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Do đó, các quy tắc xử sự của pháp luật không thể là các quy tắc lẻ tẻ, rời rạc mà là một hệ thống của rất nhiều các quy tắc cụ thể, có sự thống nhất bên trong nhất định. Cơ sở tạo nên sự thống nhất ấy chính là ý chí của giai cấp thống trị, mà ý chí này như trên đã phân tích, lại dựa trên những điều kiện kinh tế khách quan. Pháp luật, vì vậy, bao giờ cũng gồm một hệ thống các quy tắc xử sự có mối liên hệ nội tại với nhau. 

Tuy nhiên, trong xã hội không phải chỉ có pháp luật mới có tính quy phạm. Các quy tắc xử sự khác trong xã hội như đạo đức, các tín điều của một tôn giáo, các quy tắc hoạt động của một tổ chức xã hội được ghi nhận trong điều lệ của nó v.v… cũng đều có tính quy phạm. Nhưng so với các quy tắc xử sự khác thì các quy phạm của pháp luật có tính bắt buộc và tính phổ biến hơn. Nói là bắt buộc vì việc tuân theo các quy tắc ấy không phu thuộc vào ý muốn chủ quan của người đang hành động. Đã là pháp luật dù muốn hay không muốn, tất cả mọi người đều phải tuân theo.

Tính bắt buộc, còn gọi là tính cưỡng chế, là thuộc tính của pháp luật mà thiếu nó các quy tắc xử sự này không còn là pháp luật nữa. Tính quy phạm của pháp luật đi liền với tính phổ biến, tức là nó có tính bao quát, rộng khắp hơn so với các quy phạm xã hội khác. Các quy phạm pháp luật có tính bắt buộc chung với phạm vi không gian và đối tượng lớn nhất so với các quy tắc xã hội khác không phải là pháp luật.

Nếu các quy phạm xã hội khác chỉ bao quát một số lĩnh vực, hay đối tượng nào đó thì quy phạm pháp luật có thể tác động đến tất cả các lĩnh vực, các đối tượng trong xã hội. Các quy tắc đoàn thể, tôn giáo được đặt ra bởi từng đoàn thể hay tôn giáo nào đó và việc áp dụng chỉ có tính bắt buộc đối với những thành viên của mỗi đoàn thể hay tôn giáo đó. Việc áp dụng các quy tắc đạo đức dựa trên cơ sở sự tự nguyện, chỉ bắt buộc đối với những người có lương tri, nhân phẩm và được bảo đảm bằng toà án lương tâm.

Pháp luật can thiệp vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phạm vi có hiệu lực là trong toàn quốc cũng như mỗi địa phương và đối tượng áp dụng là mọi cá nhân, tổ chức. Đây là sự khác biệt cơ bản và cũng là ưu thế của pháp luật so với các quy phạm xã hội khác trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. 

Thứ tư: Tính nhà nước của pháp luật 

Về bản chất, pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp thống trị. Nhưng bản thân ý chí của giai cấp thống trị lại chưa trực tiếp trở thành pháp luật. Muốn có pháp luật giai cấp thống trị phải có các phương cách thích hợp biến ý chí của mình thành ý chí nhà nước. Trên cơ sở đó nhà nước thông qua các cơ quan chuyên môn của mình thể hiện ý chí đó thành pháp luật dưới những hình thức cụ thể thích hợp.

Pháp luật phải do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc bộ máy nhà nước xây dựng, ban hành bằng các văn bản của nhà nước, mang dấu ấn của nhà nước. Các văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam được nghiên cứu trong Chương III. Pháp luật là công cụ riêng có của nhà nước và chỉ có nhà nước mới được đặt ra pháp luật. Đây cũng là đặc điểm phân biệt pháp luật với các quy phạm xã hội khác. 

Nhà nước không những đặt ra pháp luật mà còn là người tổ chức thực hiện pháp luật, người bảo đảm cho pháp luật được thực hiện trong thực tế đời sống bằng quyền lực vốn có của mình. Việc đảm bảo của nhà nước đối với pháp luật được thực hiện thông qua việc áp dụng các biện pháp về kinh tế, tư tưởng, tổ chức… và tất nhiên cả các biện pháp cưỡng chế khi cần thiết. Tính bắt buộc, tính cưỡng chế của pháp luật cũng khác với các quy phạm xã hội khác là ở chỗ đó là sự cưỡng chế mang tính nhà nước, nhân danh nhà nước để tiến hành và bằng quyền lực nhà nước. 

Vì vậy cũng có thể nói, pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị và nhu cầu tồn tại của xã hội biểu hiện dưới hình thức nhà nước. Pháp luật có đặc điểm và bản chất cùng đặc điểm và bản chất với nhà nước đã ban hành ra nó. Cho đến nay, xã hội loài người đã biết đến bốn kiểu pháp luật tương ứng với bốn kiểu nhà nước trong lịch sử: pháp luật chiếm hữu nô lệ; pháp luật phong kiến, pháp luật tự sản; pháp luật xã hội chủ nghĩa. Mỗi kiểu pháp luật đó mang bản chất, đặc điểm của các kiểu nhà nước tương ứng cũng như của phương thức sản xuất xã hội tương ứng với nó. 

Bản chất của pháp luật Nhà nước Việt Nam 

Cũng như mọi nhà nước khác, bản chất, đặc điểm pháp luật của Nhà nước ta phù hợp với bản chất, đặc điểm của Nhà nước, do bản chất, đặc điểm và những nhiệm vụ của Nhà nước ta trong từng thời kỳ cách mạng quyết định. 

Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) xác định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. 

Nhà nước đó đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” (Điều 4 Hiến pháp 1992). 

Vì lẽ đó, pháp luật của Nhà nước ta về bản chất là pháp luật xã hội chủ nghĩa, nó thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, đồng thời phản ánh, thể hiện ý chí, lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động khác và của cả dân tộc. Có sự thống nhất đó là do trong xã hội ta hiện nay có sự thống nhất về cơ bản, lâu dài giữa lợi ích của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức với lợi ích của cả dân tộc. Đó là “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3 Hiến pháp 1992). 

Nói pháp luật thể hiện ý chí và lợi ích của toàn thể nhân dân lao động không có nghĩa là phủ nhận tính giai cấp của pháp luật của Nhà nước ta, đối lập nó với đường lối, chính sách của Đảng của giai cấp công nhân. Vấn đề là 

chỗ, khi pháp luật phản ánh, bảo vệ lợi ích của các giai cấp, của dân tộc phải đứng trên quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là một nguyên tắc hàng đầu của pháp luật nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Trong nền kinh tế nhiều thành phần, đương nhiên còn tồn tại các lợi ích khác nhau của các giai cấp, các tầng lớp xã hội. Pháp luật đương nhiên phải bảo vệ, phản ánh các lợi ích chính đáng đó, nhưng phải phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần đó, phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. 

Sự kết hợp chặt chẽ giữa tính giai cấp sâu sắc và tính nhân dân rộng rãi là một đặc điểm quan trọng của pháp luật Nhà nước ta hiện nay. 

Vai trò của pháp luật Nhà nước Việt Nam 

Với mục tiêu xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật ở nước ta hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng. 

– Pháp luật là công cụ thực hiện đường lối chính sách của Đảng 

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định đảm bảo thắng lợi của cách mạng nước ta trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới và đẩy tới một bước công nghiệp hoá, hiện đại hóa hiện nay. Đảng lãnh đạo trước hết và chủ yếu bằng cách Đảng vạch ra đường lối, chính sách cho mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng trên cơ sở phân tích khoa học tình hình thực tế, vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn.

Chính vì thế, để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, vấn đề có ý nghĩa quyết định là phải có những phương pháp thích hợp và khoa học làm cho đường lối, chính sách của Đảng đi vào thực tế đời sống, biến thành ý chí, nguyện vọng, thành hành động của không chỉ giai cấp công nhân, không chỉ của các đảng viên của Đảng mà của toàn thể nhân dân, của toàn xã hội. Ngày nay, Đảng đã trở thành lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng trước hết và chủ yếu phải bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Đường lối, chính sách của Đảng phải được cụ thể hóa, biến thành pháp luật của Nhà nước. Trên ý nghĩa đó, pháp luật là sự biểu hiện dưới hình thức Nhà nước các đường lối, chính sách của Đảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Mặt khác, bằng việc thể chế hóa thành pháp luật, đường lối chủ trương chính sách của Đảng biến thành những quyết định quản lý mang tính quyền lực nhà nước, trở thành các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các cá nhân, tổ chức được thực hiện một cách trực tiếp, chính xác, thống nhất trong cả nước, trong từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở. 

– Pháp luật là công cụ thực hiện quyền dân chủ của nhân dân lao động 

“Nhà nước đảm bảo và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân…” (Điều 3 Hiến pháp 1992). Đó là vấn đề thuộc bản chất của Nhà nước ta. 

Pháp luật phải quy định cụ thể, bảo đảm đầy đủ, thực tế nguyên tắc: Mọi quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân. Nhân dân phải là người thực sự xây dựng nên Nhà nước của mình, tham gia vào các công việc của nhà nước, kiểm tra sự hoạt động của các cơ quan nhà nước. Pháp luật cũng phải quy định rõ nghĩa vụ trung thành và phục vụ nhân dân một cách tận tụy của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước trong việc thực hành công vụ; chống thái độ vô trách nhiệm, hách dịch, cửa quyền, bài trừ nạn quan liêu, tham nhũng, ngăn ngừa tình trạng một số cán bộ công chức nhà nước biến thành lớp người đặc quyền, đặc lợi. 

Mặt khác, mỗi công dân khi thực hiện quyền làm chủ, thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình không được làm tổn hại đến lợi ích chung của xã hội, lợi ích và các quyền tự do, dân chủ của công dân khác. Vì vậy, lẽ tự nhiên việc thực thi quyền tự do, dân chủ phải có pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật. Pháp luật phải ghi rõ các quyền và nghĩa vụ của công dân, đòi hỏi mỗi công dân phải có thái độ chăm lo đến lợi ích chung của tập thể, của xã hội, làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, với Tổ quốc. Đối với những người không tự giác thì phải áp dụng những biện pháp cưỡng chế, bất cứ ai vi phạm cũng phải bị xử lý thích đáng theo đúng pháp luật. 

– Pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước 

Như trên đã phân tích, pháp luật do nhà nước đặt ra và bảo vệ. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng, nhà nước nào cũng cần phải có pháp luật để thực hiện vai trò quản lý của mình đối với xã hội. Nhà nước cai trị, quản lý xã hội có thể sử dụng nhiều công cụ, biện pháp khác nhau. Nhưng công cụ có hiệu lực và đặc trưng nhất của nhà nước vẫn là pháp luật. Có thể nói, người ta không thể hình dung được một sự quản lý, cai trị của nhà nước nào đó mà lại không có pháp luật. 

Nhà nước sử dụng pháp luật không chỉ nhằm trừng trị, trấn áp, cưỡng chế, giữ cho xã hội trong vòng trật tự có lợi cho giai cấp thống trị mà còn là công cụ quan trọng để cải tạo các quan hệ xã hội cũ, lối sống cũ, tổ chức xây dựng và điều hành mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ, mở đường cho các quan hệ xã hội mới phát triển phù hợp với quy luật kinh tế khách quan. 

Vì vậy, ngày nay pháp luật không chỉ bó hẹp ở chức năng cưỡng chế, trừng trị mà điều quan trọng nó còn là công cụ hướng dẫn, khuyến khích, thúc đẩy, điều chỉnh sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Nói cách khác, pháp luật còn tạo môi trường, tạo hành lang cho các quan hệ kinh tế mới phát triển. 

Trên ý nghĩa đó, pháp luật của Nhà nước ta hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng”. (Điều 15 Hiến pháp 1992).

Để đáp ứng yêu cầu đó, pháp luật phải tạo nên một môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động tự do kinh doanh phát triển, tạo cho mọi công dân có nhiều cơ hội để làm ăn, sinh sống, kinh doanh theo pháp luật, bảo vệ các quyền sở hữu hợp pháp, các nguồn thu nhập hợp pháp. Mặt khác, pháp luật cũng tạo cơ sở để Nhà nước có thể thực hiện được vai trò người điều hành nền kinh tế thị trường, hướng nó phát triển theo các mục tiêu đã định, khắc phục, hạn chế những mặt trái vốn có của nền kinh tế thị trường. Pháp luật cũng phải là công cụ để Nhà nước kiểm soát các hoạt động kinh doanh, trừng trị mọi hành vi kinh doanh phi pháp, thực hiện sự công bằng trong sản xuất, phân phối. 

Một vai trò quan trọng khác của pháp luật trong quản lý nhà nước là nó xác lập, củng cố và hoàn thiện những cơ sở pháp lý của quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý nhà nước về kinh tế và hoạt động kinh doanh, nhằm phát huy cao nhất hiệu lực của tất cả các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Muốn vậy, pháp luật phải xác định rõ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cũng như thẩm quyền của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức nhà nước.

Trên ý nghĩa đó, pháp luật hiện nay của Nhà nước ta phải là cơ sở pháp lý để hoàn thiện bộ máy nhà nước phù hợp với cơ chế quản lý mới, từ hoạt động lập pháp đến hoạt động hành pháp và tư pháp. Trong đó, trọng tâm trước mắt là cải cách một bước nền hành chính quốc gia như Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Tám Khóa VII đã chỉ ra. 

Từ sự phân tích ở trên có thể đi đến kết luận: Nhà nước ta cũng như bất kỳ một nhà nước nào đều phải sử dụng pháp luật như là một công cụ chủ yếu để thực hiện vai trò quản lý của mình, vì vậy việc quản lý bằng pháp luật cũng là một đặc trưng của việc quản lý nhà nước. 

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thông qua một cơ chế nhất định được gọi là cơ chế điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật. Sau đây, qua việc nghiên cứu những khái niệm pháp lý cơ bản: quy phạm pháp luật; quan hệ pháp luật; ý thức pháp luật; pháp chế và khi liên kết những khái niệm này lại với nhau, chúng ta nắm được những cách thức, phương pháp mà Nhà nước tác động vào các quan hệ xã hội thông qua pháp luật. Nói cách khác, qua đó có thể thấy được cơ chế của việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mức phạt vi phạm hành chính hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp...

Có được mở tiệm chơi game ở gần trường học không?

Tổ chức, cá nhân chỉ được thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng khi có Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công...

Quán net có được hoạt động xuyên đêm?

Quán net sẽ không được hoạt động xuyên đêm mà thời gian mở cửa chính xác đó là vào 8 giờ sáng và thời gian đóng cửa muộn nhất là 22 giờ...

Đánh đập, hành hạ vật nuôi bị xử lý thế nào?

Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn trong đó có quy định về xử phạt vi phạm đối với hành vi đánh đập, hành hạ vật...

Giấy khai sinh không có tên cha có ảnh hưởng gì không?

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi