Trang chủ Thông tin cần biết Bài thu hoạch quốc phòng an ninh mới nhất 2024
  • Thứ bẩy, 30/12/2023 |
  • Thông tin cần biết |
  • 56539 Lượt xem

Bài thu hoạch quốc phòng an ninh mới nhất 2024

Công tác quốc phòng an ninh được thực hiện tốt đã giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân.

1. Tổng quan tình hình quốc phòng, an ninh của Việt Nam trong những năm gần đây

Thực hiện mục tiêu đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh nước ta đã đạt được những thành tựu lớn, tập hợp được sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguyên tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã đưa nước ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo về quốc phòng và an ninh là nhận thức đầy đủ và toàn diện về nhiện vụ và mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển lý luận, tổng hợp sức mạnh và lực lượng của nền quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cả thời bình và thời chiến.

Đảng và Nhà nước đã thông qua nhiều nghị quyết, luật, nghị định để hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong quản lý, điều hành đất nước. Công tác quốc phòng an ninh được thực hiện tốt đã giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, nước ta hiện nay vẫn đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức lớn, có tác động và diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước.

Một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức một cách toàn diện và đầy đủ về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chủ quan, mất cảnh giác, không nắm chắc tình hình ở cơ sở, không gắn bó với nhân dân. Thế trận quốc phòng toàn dân chưa được xây dựng vững chắc trên một số địa bàn.

Lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ chưa được nâng cao thường xuyên về chiến thuật, kĩ thuật, trình độ khoa học công nghệ nên sức chiến đấu còn chưa cao, chưa đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ. Hoạt động nghiên cứu, dự báo về quốc phòng an ninh còn nhiều hạn chế, việc nắm bắt tình hình vẫn còn để xảy ra sơ hở, bị động, bất ngờ.

Hiện nay, các thế lực thù địch thực hiện chống phá Nhà nước ta bằng nhiều thủ đoạn mới, chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị nước ta. Mục tiêu của chúng là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo cớ để phát động chiến tranh xâm lược kiểu mới.

Những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên sẽ ngày càng diễn ra phức tạp hơn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang. Do đó, nhiệm đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đòi hỏi phải chủ động nắm bắt tình hình, sáng tạo, quyết liệt, kiên quyết giữ vững nền độc lập dân tộc.

Sự nghiệp quốc phòng an ninh trong giai đoạn mới đặt ra yêu cầu phải chủ động phòng ngừa, triệt tiêu những yếu tố dẫn đến xung đột vũ trang, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh

Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân do đó mỗi công dân phải có nghĩa vụ và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong việc thực nhiệm vụ quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Trong tình hình mới, Đảng xác định  mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu chung. Đồng thời bảo vệ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, phát triển kinh tế – xã hội.

Sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt, quản lý tập trung thống nhất đối với sự nghiệp quốc phòng an ninh của đất nước.

3. Nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với an ninh quốc phòng

Trong quy định của Điều lệ Đảng và các văn kiện Đảng qua các nhiệm kỳ đã quy định nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với quốc phòng an ninh là Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh.

Đảng Cộng sản Việt Nam không thông qua bất kỳ một tổ chức trung gian nào, không chia quyền, không nhường quyền lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng an ninh cho bất cứ một tổ chức, cá nhân nào. Sự lãnh đạo của Đảng là duy nhất và tuyệt đối.

Sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, mọi hoạt động của sự nghiệp quốc phòng an ninh. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông qua tổ chức Đảng các cấp. Các cấp ủy Đảng có trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng an ninh theo nội dung và phạm vi đã được quy định cho từng cấp.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo quân đội và công an tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác, mọi nhiệm vụ, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Đảng lãnh đạo xây dựng và hoạch định đường lối chiến lược về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đường lối chiến tranh nhân dân, phát triển khoa học quân sự, công tác cán bộ, kỹ thuật hậu cần, công tác đảm bảo trang bị vũ khí…

4. Phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới

4.1 Vai trò của phát triển kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh

Trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia sẽ đảm bảo tiềm lực quốc phòng an ninh của quốc gia đó vững mạnh, đảm bảo về vật chất, kỹ thuật, công nghệ và nhân lực cho nền quốc phòng an ninh.

Sự phát triển về kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nguồn vốn tích lũy, nguồn thu ngân sách để phát triển đất nước về mọi mặt, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh. Tạo điều kiện đổi mới về kỹ thuật, công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, sản xuất phương tiện kỹ thuật phục vụ quốc phòng an ninh. Tạo cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lực lượng vũ trang.

Phát triển kinh tế gắn với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tăng cường ổn định xã hội và củng cố tiềm lực quốc phòng.

Nền kinh tế phát triển giúp nâng cao đời sống của nhân dân, gia đình cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, giúp các cán bộ chiến sĩ yên tâm công tác, rèn luyện, nâng cao trình độ kỹ thuật.

Phát triển kinh tế thông qua mở cửa, hội nhập quốc tế tạo tiền đề để phát huy lợi thế, xây dựng tiềm lực quốc phòng an ninh. Nâng cao sự hiểu biết, gắn kết và cơ hội để đầu tư, thương mại, tăng khả năng cạnh tranh. Chủ động hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi sự tham gia có trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, quan hệ kinh tế đồi ngoại, củng cố thế và lực của đất nước trong bảo vệ Tổ quốc.

4.2 Một số tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến quốc phòng, an ninh

Kinh tế phát triển dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, làm xuất hiện những biểu hiện tiêu cực trong xã hội, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình đó để dụ dỗ, lôi kéo người dân. Chúng kích động người dân gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Nhiều cá nhân, tổ chức có cơ hội để làm giàu, cải thiện đời sống, việc này có tác động nhất định đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm giàu bất chính, nhận hối lộ, tài sản bất hợp pháp.

Việc hợp tác đầu tư thương mại quốc tế cũng có nhiều tác động tiêu cực tới quốc phòng, an ninh. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng con đường hợp tác đầu tư, thương mại móc nối với các tổ chức phản động chống phá.

 Chúng tìm cách mua chuộc cán bộ, công chức của ta để lấy các thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh nhằm phục vụ âm mưu lật đổ của chúng. Chúng lợi dụng việc đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa, giáo dục để truyền bá văn hóa độc hại vào Việt Nam.

4.3 Một số giải pháp cơ bản để phát triển kinh tế gắn với củng có tiềm lực quốc phòng, an ninh

Phát huy những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đối với quốc phòng, an ninh. Hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triền kinh tế nhưng đồng thời phải đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt, xây dựng hoạch định đường lối, chủ trương, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt việc giám sát, thanh tra, kiểm tra tại các cấp cơ sở.

Xây dựng hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường hoàn thiện đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc. Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ và thực hiện hiệu quả trong cả nước. Phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh cần đảm bảo thống nhất trong quản lý và thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện từ trung ương đến địa phương.

Phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho công tác quốc phòng an ninh, đồng thời đảm bảo phát triền kinh tế thị trường. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia đóng góp lợi ích vật chất và tinh thần cho công cuộc xây dựng phát triền kinh tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Phát triển kinh tế, củng cố nền quốc phòng một cách thống nhất, đồng bộ  trong các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương trên phạm vi cả nước. Hoàn thiện chiến lược tổng thể quốc gia, quy hoạch, kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh. Khảo sát, đánh giá nguồn lực, trên cơ sở đó xác định mục tiêu, phương hướng phát triển, điều động, bố trí nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi khoa học – công nghệ.

5. Vấn đề dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

5.1 Thực trạng vấn đề dân tộc, tôn giáo và quốc phòng an ninh tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc nên Đảng ta luôn coi vấn đề dân tộc, tôn giáo là nhiệm vụ mang tính chiến lược của cách mạng gắn với sự phát triển của đất nước. chính sách về công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng và Chính phủ được thể hiện trong các nghị quyết, nghị định đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm khắc trừng trị những kể lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng.

Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách chống phá cách mạng. Chúng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, châm ngòi cho những xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo bùng nổ. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách quan tâm đặc biệt đến vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 

Đường lối đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế đoàn kết, tạo được sự đoàn kết trong nhân dân.

5.2 Giải pháp hoàn thiện chính sách về dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng, an ninh

Đặt vấn đề dân tộc, tôn giáo trong mối quan hệ chung với quốc phòng, an ninh nhằm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Xem xét một cách khách quan, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và nền quốc phòng toàn dân.

Nhận thức sâu sắc về quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy dân làm gốc, thực hiện chính sách an dân, khuyến khích sự tham gia, đóng góp ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thồng chính sách về vấn dề dân tộc, tôn giáo phải được xây dựng ở tầm vĩ mô, kịp thời bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Xây dựng phòng tuyến nhân dân hoàn thiện và vững mạnh. Lấy lòng dân, ý chí sức mạnh của nhân dân làm nền tảng cốt lõi.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, khai thác tiềm năng kinh tế của mỗi địa phương và tập trung phát triển những thế mạnh về hàng hóa của mỗi địa phương để cải thiện đời sống của người dân. Tạo tiền đề vững chắc cho công tác quốc phòng an ninh ở cơ sở, nhất là các địa phương có vị trí địa lý giáp biên giới, vùng hải đảo.

Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, sáng tạo, có ý thức tiếp nối và bảo tồn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. nâng cao nhận thức, hiểu biết về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật cả Nhà nước.

6. Liên hệ bản thân

Bản thân tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quốc phòng an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Là một công dân Viêt Nam tôi hiểu rằng bản thân mình cần phải nỗ lực học tập và rèn luyện tốt để cống hiến sức lực và tri thức cho đất nước. Nêu cao tinh thần cảnh giác với các thế lực thù địch, không để những cám dỗ về vật chất tác động đến bản thân, làm suy giảm lòng tin vào Đảng, Nhà nước.

Giữ vững ổn định về tư tưởng chính trị, không để các thế lực thù địch có cơ hội dụ dỗ, lôi kéo. Đấu tranh phòng ngừa, phát hiện những âm mưu, thủ đoạn của cá thế lực chống phá.

Thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn và bản lĩnh chính trị, kiên định với đường lối xã hội chủ nghĩa, với lý tưởng của Đảng, với niềm tin của nhân dân. Thường xuyên nâng cao hiểu biết, nhận thức về chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đóng góp hết khả năng của mình vào công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước trong thời đại mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một công dân, chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Vận động nhân dân và người thân chấp hành các quy định của pháp luật, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, làm suy thoái tư tưởng chính trị. Phát hiện, tố cáo các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, làm nguy hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường đoàn kết trong nhân dân, truyên truyền, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh và thế trận an ninh nhan dân vững chắc.

Cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, kiên định về tư tưởng, lập trường, ngăn chặn quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa trong tư tưởng, lối sống.

Xây dựng ý chí tự lực, tự cường và lòng tự hào dân tộc, phát triển kinh tế địa phương đi đối với giữ gìn văn hóa dân tộc và các giá trị truyền thống tốt đẹp.

Đánh giá bài viết:
4.5/5 - (79 bình chọn)

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bắc Giang

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bắc Giang có nhiệm vụ trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Hà Nam

Phòng Đăng ký Kinh doanh tỉnh Hà Nam là phòng chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có chức năng tham mưu giúp Ban Giám đốc Sở về lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp và quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên phạm vi toàn...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Phước (SĐT, Email, Địa chỉ)

Thông tin về Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Phước được chúng tôi tổng hợp, chia sẻ tới Quý độc giả trong bài viết này. Do đó, Quý vị đừng bỏ...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Phú Thọ ở đâu?

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Phú Thọ có nhiệm vụ Hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh...

SĐT, Địa chỉ Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc

Để giúp Quý độc giả có thêm thông tin về Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi thực hiện bài viết với những chia sẻ này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi