Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Hình sự Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự là gì?
  • Thứ ba, 05/09/2023 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 555 Lượt xem

Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự là gì?

Chống tội phạm có kết quả còn có tác dụng động viên, khuyến khích các cá nhân cũng như tổ chức tích cực tham gia chống tội phạm cũng như giáo dục ý thức phòng ngừa tội phạm.

Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự 

Điều 1.Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự

Bộ luật hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. 

Bộ luật này quy định về tội phạm và hình phạt. 

Bình luận về nhiệm vụ của Bộ luật hình sự

Điều luật xác định ba nhiệm vụ của Bộ luật hình sự (BLHS) cũng như cách thức thực hiện các nhiệm vụ này. Ba nhiệm vụ hay còn được gọi là ba chức năng của BLHS bao gồm: Nhiệm vụ bảo vệ, nhiệm vụ chống tội phạm và nhiệm vụ giáo dục.

Ba nhiệm vụ này được thực hiện thông qua việc Bộ luật xác định các hành vi bị coi là tội phạm và quy định hình phạt được áp dụng cho hành vi bị coi là tội phạm. Đây là nội dung của BLHS. Giữa nội dung của BLHS và nhiệm vụ của BLHS có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong đó, các nhiệm vụ của BLHS quy định nội dung của Bộ luật và ngược lại, nội dung phù hợp của BLHS là điều kiện cần thiết để Bộ luật hoàn thành nhiệm vụ của mình. BLHS có ba nhiệm vụ không có nghĩa BLHS thực hiện ba nhiệm vụ mà chỉ có nghĩa BLHS là phương tiện được cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện ba nhiệm vụ này.

Do quan niệm BLHS chỉ là phương tiện để cơ quan nhà nước sử dụng thực hiện các nhiệm vụ nên có tài liệu thay “nhiệm vụ của BLHS” bằng “chức năng của BLHS”. Nhiệm vụ thường được sử dụng đi với chủ thể thực hiện còn chức năng thường được sử dụng khi nói về phương tiện.

Về các nhiệm vụ của BLHS: Ba nhiệm vụ của BLHS được xác định tại Điều 1 tuy có nội dung khác nhau nhưng không độc lập mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, nhiệm vụ “đích” của BLHS là nhiệm vụ bảo vệ.

Theo quy định, các đối tượng cần được bảo vệ là: Chủ quyền quốc gia; an ninh của đất nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân; quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc; lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cũng như trật tự pháp luật nói chung.

Bảo vệ các đối tượng này là nhiệm vụ chung của Nhà nước, của xã hội và của các tổ chức và cá nhân. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, Nhà nước cần sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Trong đó, BLHS là một phương tiện pháp lý quan trọng. Nhiệm vụ bảo vệ của BLHS được thực hiện thông qua nhiệm vụ chống tội phạm là nhiệm vụ trực tiếp của BLHS.

Ở nhiệm vụ này, BLHS là cơ sở pháp lý cho các hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm để buộc người phạm tội cũng như pháp nhân thương mại có liên quan và thỏa mãn các điều kiện luật định phải chịu trách nhiệm hình sự.

Các hoạt động này không chỉ ngăn chặn không cho tội phạm đã bị phát hiện có thể tiếp tục diễn ra mà còn có khả năng răn đe, ngăn ngừa người khác phạm tội, ngăn ngừa pháp nhân thương mại khác lâm vào tình trạng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chống tội phạm có kết quả còn có tác dụng động viên, khuyến khích các cá nhân cũng như tổ chức tích cực tham gia chống tội phạm cũng như giáo dục ý thức phòng ngừa tội phạm. Với ý nghĩa này, nhiệm vụ chống tội phạm cũng góp phần phòng ngừa tội phạm. Do vậy, có thể nói, BLHS có nhiệm vụ chống và phòng ngừa tội phạm.

Qua thực hiện nhiệm vụ chống và phòng ngừa tội phạm, BLHS có thể thực hiện nhiệm vụ giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Theo đó, nhiệm vụ giáo dục của BLHS có đối tượng không chỉ là người phạm tội mà là tất cả các cá nhân.

Việc giáo dục không chỉ hướng tới ý thức tuân theo pháp luật để người đã bị kết án không phạm tội lại cũng như để người khác không phạm tội mà còn hướng tới ý thức phòng ngừa và chống tội phạm.

Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống tội phạm, BLHS không chỉ góp phần giáo dục mọi người ý thức cảnh giác, tự mình có các biện pháp để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mà còn góp phần xây dựng, củng cố ý thức trách nhiệm của mọi người trong phát hiện tội phạm cũng như trong hợp tác với các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.

Nhiệm vụ giáo dục của BLHS được thực hiện có hiệu quả có tác động tích cực trở lại đối với nhiệm vụ chống tội phạm và nhiệm vụ bảo vệ của BLHS.

Nhiệm vụ giáo dục của BLHS tuy được quy định là đối với mọi người nhưng thông qua giáo dục “mọi người” mà trong đó có các cá nhân lãnh đạo các tổ chức, BLHS cũng có tác động để hoạt động của các tổ chức tuân theo pháp luật cũng như để các tổ chức tham gia phòng ngừa và chống tội phạm. 

Về nội dung của BLHS: Các nhiệm vụ trên đây của BLHS gắn liền với nội dung của BLHS. BLHS thực hiện các nhiệm vụ này qua việc quy định về tội phạm và hình phạt.

Trong đó, các quy định về tội phạm và hình phạt bao gồm các quy định chung về tội phạm và hình phạt; các quy định về từng tội cụ thể và các khung hình phạt có thể được áp dụng cho từng tội cụ thể.

Các quy định chung về tội phạm và hình phạt tạo thành Phần thứ nhất – Những quy định chung của BLHS hay thường được gọi là Phần chung. Phần chung của BLHS hiện nay có 107 điều và được chia thành 12 chương. Mỗi chương quy định một nhóm vấn đề chung về tội phạm như Chương III quy định về khái niệm tội phạm, Chương VI quy định về khái niệm hình phạt. 

Các quy định về từng tội cụ thể và các khung hình phạt có thể được áp dụng cho từng tội cụ thể tạo thành Phần thứ hai – Các tội phạm hay thường được gọi là Phần riêng của BLHS.

Phần riêng của BLHS hiện nay có 318 điều và được chia thành 14 chương. Mỗi chương quy định về nhóm tội phạm cụ thể như Chương XIII quy định các tội xâm phạm an ninh quốc gia Chương XXIII quy định các tội phạm về chức vụ. 

Nội dung quy định tội phạm và hình phạt trong BLHS năm 2015 có nhiều điểm mới so với các BLHS trước đây.

Trong đó, điểm mới mang tính thay đổi cơ bản là bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, trong đó có các quy định về điều kiện cũng như phạm vi phải chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại về hệ thống hình phạt được áp dụng cho pháp nhân thương mại bên cạnh hệ thống hình phạt cho người phạm tội cũng như các quy định về quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại. 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hành vi hăm dọa người khác có phạm tội?

Đe dọa là Hành vi uy hiếp tinh thần người khác qua việc thông báo trước bằng những cách khác nhau sẽ làm hoặc không làm việc bất lợi cho họ hoặc cho người thân thích của họ nếu không thỏa mãn các đòi hỏi nhất...

Hàng giả là gì?

Người phạm Tội buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 15 năm. Pháp nhân phạm tội này thì có thể bị phạt tiền đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt...

Sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác trong tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn nguy hiểm khác người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đốì với người bị bắt làm con tin hoặc những người khác như sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của nạn...

Quy định định giá tài sản trong tố tụng hình sự

Để việc định giá tài sản được thực thi dễ dàng và phù hợp với thức tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 03 năm 2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài...

Những người đồng phạm đều phải chịu chung hình phạt có đúng không?

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi